Cơ sở lý luận về thuế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn thuế tại công ty tnhh nexia stt (Trang 22 - 26)

CHƯƠNG II: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THUẾ VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

2.1. Cơ sở lý luận về thuế

2.1.1. Khái niệm về thuế

Đứng trên quan điểm của một nhà triết học, Lê Nin (1907) quan niệm “Thuế là cái mà Nhà nước thu của dân nhưng không bù lại” và “Thuế cấu thành nên nguồn thu của chính phủ, nó được lấy ra từ sản phẩm của đất đai và lao động trong nước, xét cho cùng thì thuế được lấy ra từ tư bản hay thu nhập của người chịu thuế”.

Trong cuốn “Từ điển Kinh tế”, hai tác giả người Anh Chrisopher Pass và Bryan Lowes (1988) đã cho rằng: “Thuế là một biện pháp của Chính phủ đánh trên thu nhập của cải và vốn nhận được của các cá nhân hay doanh nghiệp (thuế trực thu), trên việc chi tiêu về hàng hóa và dịch vụ (thuế gián thu) và trên tài sản”.

Nhà kinh tế học Gaston Jeze (1934) trong cuốn “Tài chính công” cũng đã đưa ra một khái niệm về thuế và đây được coi là khái niệm cổ điển nhất, nổi tiếng nhất. Theo tác giả, “Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà nước”.

Tài liệu giảng dạy về thuế tại một số trường đại học tại Việt Nam như Học viện Tài chính và Học viện Ngân hàng có đưa ra khái niệm về thuế như sau: “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng” (Học viện Tài chính, 2005).

Mặc dù vẫn còn nhiều các định nghĩa khác nhau, song về bản chất, các quan điểm đều đưa ra một số đặc trưng chung của thuế như sau:

Thứ nhất, thuế là một khoản đóng góp bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

13

Thứ hai, dưới góc độ pháp lý, thuế là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước.

Nghĩa vụ này được thể hiện bằng pháp luật và đảm bảo thực thi bằng công cụ pháp luật.

Thứ ba, dưới góc độ kinh tế-xã hội, thuế là nguồn thu nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong việc thực hiện các chức năng quản lý xã hội, chức năng kinh tế-xã hội của Nhà nước. Thuế là sự động viên của cải vật chất toàn xã hội để tái phân phối lại hướng đến mục tiêu công bằng. Vậy nên thuế là quá trình chuyển dịch thu nhập xã hội từ khu vực tư sang khu vực công, chuyển chi tiêu tư thành chi tiêu công.

Thứ tư, thuế là một khoản nộp không mang tính đối giá và không hoàn trả trực tiếp (một phần thuế được hoàn trả gián tiếp cho người nộp thuế thông qua các khoản phúc lợi xã hội, phúc lợi công cộng).

2.1.2. Đặc điểm của thuế

Thuế tồn tại với những thuộc tính, đặc trưng riêng biệt giúp ta phân biệt thuế với các công cụ tài chính khác của Nhà nước. Những đặc trưng đó bao gồm: tính bắt buộc, tính không hoàn trả trực tiếp và tính pháp lý cao.

2.1.2.1. Tính bắt buộc

Tính bắt buộc là một thuộc tính cơ bản vốn có của thuế để phân biệt giữa thuế với các hình thức động viên tài chính khác của ngân sách Nhà nước (phí, lệ phí, công trái,...). Tính bắt buộc của thuế không mang tính chất hình sự và không nảy sinh từ các hành vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc cộng đồng. Trái lại, việc đóng thuế là nghĩa vụ đóng góp được pháp luật thừa nhận và được cả xã hội tôn vinh. Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph E.Stiglitz (2000), “Thuế khác với đa số những khoản chuyển giao tiền từ người này sang người kia: Trong khi tất cả những khoản chuyển giao đó là tự nguyện thì thuế lại là bắt buộc”. Đối tượng nộp thuế bắt buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật về kê khai và nộp thuế. Đối tượng nộp thuế không thể tự ấn định hay thỏa thuận mức thuế mà phải chấp thuận mức thuế cũng như thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật. Những đối tượng vi phạm luật thuế sẽ bị

14

cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

2.1.2.2. Tính không hoàn trả trực tiếp

Tính chất không hoàn trả trực tiếp của thuế được thể hiện ở cả trước và sau khi Nhà nước thu thuế. Trước khi thu thuế, Nhà nước không hứa hẹn cung ứng trực tiếp một dịch vụ công cộng nào cho người nộp thuế. Sau khi nộp thuế, người nộp thuế cũng không nhận được sự bồi hoàn trực tiếp nào từ Nhà nước. Ngoài ra, người nộp thuế không thể phản đối việc thực hiện nghĩa vụ thuế với lý do họ không được hoặc ít được sử dụng các lợi ích trực tiếp từ Nhà nước. Thay vì hoàn trả trực tiếp, thuế sẽ được hoàn trả gián tiếp cho người nộp thuế thông qua các dịch vụ công cộng của Nhà nước và đây cũng chính là điểm khác biệt giúp ta phân biệt thuế với các khoản phí, lệ phí, tín dụng Nhà nước.

2.1.2.3. Tính pháp lý cao

Đặc trưng pháp lý cao của thuế được quyết định bởi quyền lực chính trị của Nhà nước. Nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (2000) đã cho rằng: “Việc chuyển giao bắt buộc này giống như là ăn trộm, chỉ có một điểm khác chủ yếu là: trong khi cả hai cách chuyển đều là không tự nguyện, thì cách chuyển qua Chính phủ có mang tấm áo

choàng hợp pháp và sự tôn trọng do các quá trình chính trị ban cho”.

Theo học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước là một tổ chức chính trị, đại diện cho quyền lợi của giai cấp thống trị, thi hành các chính sách do giai cấp thống trị đặt ra để cai trị xã hội. Song song với sự ra đời của Nhà nước là sự xuất hiện nhu cầu về vật chất để Nhà nước tồn tại và thực hiện chức năng của mình, tức là cần sự đóng góp của công chúng. Bởi vậy, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình ấn định nghĩa vụ nộp thuế của công dân và sử dụng toàn bộ các công cụ cưỡng chế để đảm bảo công dân sẽ thực thi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, để có thể “thu được lượng lông ngỗng lớn nhất mà bỏ ra ít sức lực nhất” thì những quy định của pháp luật cũng không được mang tính tùy tiện mà phải dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Vì vậy, luật

15

thuế thường có các quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế, mức thuế phải nộp, thời hạn cụ thể và những chế tài mang tính cưỡng chế khác.

2.1.3. Chức năng của thuế

Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, thuế luôn thực hiện hai chức năng cơ bản, đó là: huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước và điều tiết nền kinh tế vĩ mô.

2.1.3.1. Huy động nguồn lực tài chính cho Nhà nước

Ngân sách Nhà nước được tập hợp từ nhiều nguồn thu khác nhau, nhưng thông thường số thu về thuế chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số thu ngân sách nhà nước.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, thuế luôn mang công dụng là một phương tiện huy động động viên nguồn lực tài chính cho Nhà nước và đây cũng chính là chức năng cơ bản của thuế, đặc trưng cho tất cả các dạng Nhà nước. Về mặt lịch sử, chức năng huy động nguồn lực tài chính là chức năng đầu tiên, phản ánh nguyên nhân nảy sinh ra thuế.

Sự phát triển và mở rộng các chức năng của Nhà nước đòi hỏi phải tăng cường chi tiêu tài chính, do đó vai trò huy động nguồn lực tài chính của thuế ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ trọng các khoản thu từ thuế thường chiếm trên 80% tổng thu ngân sách. Tương tự, tại Việt Nam, từ năm 2006, tỷ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đều giữ vững ở mức trên 80%, ngoại trừ trong vài năm gần đây, tỉ trọng này giảm xuống còn 75% do thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu khác tăng lên tương đối trong cơ cấu thu ngân sách. Như vậy, ta có thể kết luận rằng thuế đã và đang là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách các nước có nền kinh tế thị trường.

2.1.3.2. Điều tiết kinh tế vĩ mô

Trước tiên, về nguyên tắc, gánh nặng thuế cần được phân chia một cách công bằng và thuế có vai trò phân phối lại thu nhập đối với các tầng lớp khác nhau trong xã hội nhằm đạt mục tiêu công bằng xã hội. (Công bằng theo chiều ngang, công bằng theo chiều dọc). Để có thể đạt được những mục tiêu này, thuế cần phải quy định rõ về các

16

hình thức thu thuế khác nhau, xác định đúng, đủ đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế, xây dựng chính xác các mức thuế phải nộp có tính đến khả năng của người nộp thuế, sử dụng linh hoạt các ưu đãi và miễn, giảm thuế.

Tiếp theo, thuế có thể được sử dụng như một công cụ nhạy bén góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, kích thích đầu tư tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Khi lạm phát nảy sinh, Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thuế tiêu dùng hoặc giảm thuế đầu vào tùy thuộc vào việc nguyên nhân lạm phát đến từ cầu kéo hay chi phí đẩy.

Ngoài ra, sự điều chỉnh tăng, giảm thuế cũng có thể hạn chế đầu tư tư nhân khi nền kinh tế quá nóng hoặc ngược lại, kích thích đầu tư, tiêu dùng giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh hơn. Như vậy, bằng cách điều tiết và kích thích, chức năng điều tiết kinh tế của thuế đã được thực hiện.

Cuối cùng, thuế còn là một công cụ hữu ích nhằm đạt mục tiêu bảo hộ sản xuất nội địa và duy trì, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế. Mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu có thể giảm bớt lợi thế giá cả của hàng hóa nước ngoài, trái lại, biểu thuế suất thấp có tác dụng khuyến khích nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu bù đắp cho sự thiếu hụt của nền kinh tế, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của những ngành hàng nội địa. Một hệ thống thuế hợp lý sẽ dựng lên một hàng rào bảo hộ linh hoạt, hiệu quả, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Tóm lại, chức năng huy động nguồn lực tài chính và chức năng điều tiết kinh tế luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nói cách khác, chức năng huy động nguồn lực tài chính nảy sinh đồng thời với sự ra đời của thuế và được coi là chức năng cơ sở, qua đó quy định sự tác động và sự phát triển của chức năng điều tiết. Ngược lại, nhờ sự vận dụng đúng đắn chức năng điều tiết kinh tế đã làm cho chức năng huy động nguồn lực tài chính của thuế có điều kiện phát triển.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn thuế tại công ty tnhh nexia stt (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)