Chương 2: THỰC TRẠNG VỀ HÀNH VI NGHIỆN THUỐC LÁ
2.1. Tổ chức nghiên cứu thực trạng
2.1.1. Mục đích nghiên cứu thực trạng hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên
Tìm hiểu thực trạng hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên một số trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:
- Xác định một số biểu hiện bên ngoài và bên trong của hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên.
- Xác định mức độ nghiện thuốc lá ở sinh viên.
- Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên.
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu, trong đó phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chính, các phương pháp nghiên cứu còn lại là các phương pháp bổ trợ.
2.1.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Đề tài thiết kế bảng hỏi dành cho nhóm khách thể chính là sinh viên bao gồm 700 sinh viên tại 7 trường Đại học trên địa bàn Tp. HCM và khách thể bổ trợ bao gồm 12 bác sĩ, chuyên viên trị liệu cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện Đại học Y dược, bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm cai nghiện Bố Lá.
a. Nguyên tắc thiết kế
- Đảm bảo giá trị về mặt nội dung.
- Đáng tin cậy về mặt thống kê.
- Sử dụng các hình thức câu hỏi sao cho phù hợp với nội dung nghiên cứu và phù hợp với đặc điểm của khách thể nghiên cứu.
b. Quy trình thiết kế bảng hỏi
* Giai đoạn 1: Thiết kế bảng khảo sát sàng lọc ban đầu
Khách thể nghiên cứu chính của đề tài là những sinh viên đang hút thuốc lá.
Chính vì vậy cần một bảng hỏi sàng lọc khách thể. Những khách thể đáp ứng được với tiêu chuẩn nghiên cứu sẽ tiếp tục được khảo sát bằng bảng hỏi chính thức.
Thông qua bảng hỏi sàng lọc, người nghiên cứu cũng thu thập những ý kiến dưới dạng câu hỏi mở về hành vi nghiện thuốc lá từ sinh viên để đề tài có những nội dung phù hợp với đặc điểm tâm lý và hoạt động chủ đạo của sinh viên.
* Giai đoạn 2: Thiết kế và hoàn thiện bảng khảo sát chính thức
+ Từ kết quả thu được sau khi phát bảng thăm dò mở, cộng với những lý luận của đề tài, tiến hành thiết kế bảng hỏi thử
+ Bảng hỏi thử được gửi đến các chuyên gia từng tiếp xúc và tham gia trị liệu cho người nghiện thuốc lá để góp ý kiến về chuyên môn.
+ Sau đó bảng hỏi thử được phát cho 30 sinh viên để góp ý về hình thức, ngôn ngữ.
+ Bảng hỏi được hoàn thiện sau khi bỏ phần đánh giá và góp ý cần thiết của khách thể khảo sát về các phương diện ngôn ngữ, số lượng, nội dung và hình thức thiết kế.
Song song đó, các câu hỏi chính thức nhằm tìm hiểu thực trạng hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên đều được giữ lại và có điều chỉnh một số chi tiết không đáng kể nhằm làm rõ nghĩa hơn về cách diễn đạt.
* Giai đoạn ba: Tiến hành khảo sát chính thức
Tiến hành phát phiếu điều tra chính thức trên những khách thể đã được sàng lọc được lưu giữ thông tin. Số lượng khách thể sàng lọc được là 105 trên tổng số là 700 sinh viên. Do lượng khách thể khá hạn chế nên người nghiên cứu cố gắng thu thập lại chính xác số lượng 105. Những phiếu không thu lại được hoặc không đạt yêu cầu được người nghiên cứu thu thập lại lần 2.
c. Mô tả chung về bảng hỏi c.1. Mô tả về bảng hỏi sàng lọc
Bảng hỏi sàng lọc gồm ba phần: phần thông tin khách thể khảo sát, phần khảo sát bằng câu hỏi đóng, phần khảo sát bằng câu hỏi mở.
- Phần khảo sát bằng câu hỏi đóng bao gồm câu 1, 2 và 3 nhằm tìm hiểu số lượng sinh viên đang hút thuốc lá và sinh viên có biểu hiện ban đầu về nghiện thuốc lá.
- Phần khảo sát bằng câu hỏi đóng gồm câu 3 và câu 4 nhằm lấy ý kiến về một số biểu hiện của người hút thuốc lá và nguyên nhân hút thuốc lá.
c.2. Mô tả về bảng hỏi chính thức
Bảng hỏi chính gồm hai bảng hỏi dành cho nhóm khách thể là sinh viên sau khi được sàng lọc và nhóm khách thể là bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu tâm lý.
Thứ nhất, bảng hỏi dành cho khách thể là sinh viên bao gồm:
* Phần thông tin khách thể khảo sát
Phần này gồm các câu hỏi về thông tin cơ bản của khách thể khảo sát bao gồm: trường, sinh viên năm thứ, kết quả học tập, kinh tế gia đình, nơi cai nghiện thuốc lá.
* Phần nội dung khảo sát: bao gồm hai phần chính:
Phần 1: Từ câu 1 đến câu 11 thuộc nhóm câu hỏi nhằm tìm hiểu thực trạng hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên.
Câu 1: Tìm hiểu số lượng thuốc lá mỗi ngày khách thể hút, gồm 4 đáp án, khách thể chỉ chọn 1 đáp án.
Câu 2: Tìm hiểu thời gian sử dụng thuốc lá ở sinh viên, gồm 4 đáp án, khách thể chỉ chọn 1 đáp án.
Từ câu 3 đến câu 6 thuộc nhóm câu hỏi nhằm tìm hiểu biểu hiện bên trong của hành vi nghiện thuốc lá. Các câu hỏi đều có 5 mức độ trả lời: không bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, rất thường xuyên.
Câu 3: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong biểu hiện tự ý thức của sinh viên, bao gồm 12 chỉ báo.
Câu 4: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong biểu hiện thế giới quan của sinh viên, bao gồm 7 chỉ báo.
Câu 5: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong biểu hiện đời sống tình cảm của sinh viên, bao gồm 10 chỉ báo.
Câu 6: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong biểu hiện ý chí của sinh viên, bao gồm 15 chỉ báo.
Từ câu 7 đến câu 10 thuộc nhóm câu hỏi nhằm tìm hiểu biểu hiện bên ngoài của hành vi nghiện thuốc lá. Mỗi câu hỏi gồm 5 mức độ trả lời: không bao giờ, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, rất thường xuyên.
Câu 7: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong một số thói quen hàng ngày của sinh viên, bao gồm 17 chỉ báo.
Câu 8: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong một số hoạt động của sinh viên, bao gồm 10 chỉ báo.
Câu 9: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá trong hành vi lệch chuẩn của sinh viên, bao gồm 9 chỉ báo.
Câu 10: Tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá qua một số dấu hiệu về mặt cơ thể ở sinh viên, bao gồm 5 chỉ báo.
Câu 11 tìm hiểu hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên thông qua một số tình huống giả định, bao gồm 5 tình huống, mỗi tình huống có 4 cách ứng xử và sinh viên chỉ chọn 1 đáp án.
Phần 2: Từ câu 12 đến câu 20 thuộc nhóm câu hỏi tìm hiểu nhận thức chung của sinh viên với thuốc lá và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi hút thuốc lá ở sinh viên.
Câu 12: Nhận thức chung của sinh viên đối với thuốc lá, câu hỏi gồm 10 chỉ báo với 3 mức độ trả lời: không đồng ý, phân vân, đồng ý.
Câu 13: Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên, bao gồm 12 ý cụ thể, có thể lựa chọn nhiều nội dung.
Câu 14: Thái độ quyết tâm với việc cai nghiện thuốc lá, gồm 5 mức độ: rất quyết tâm, quyết tâm, bình thường, không muốn cai, hoàn toàn không muốn cai.
Thứ hai, bảng hỏi dành cho khách thể là bác sĩ y khoa, bác sĩ tâm lý và nhà trị liệu tâm lý cũng có cấu trúc như bảng hỏi khách thể sinh viên tuy nhiên chỉ chọn lọc từ câu 1 đến câu 11 nhằm làm rõ thêm biểu hiện hành vi nghiện thuốc lá trên cá nhân [phụ lục].
d. Cách thức chấm điểm ở bảng hỏi chính thức
Từ câu 1 đến câu 11 được quy điểm từng câu và tính tổng điểm đến quy thành mức độ nghiện thuốc lá. Các câu có 5 mức độ được tính điểm như sau:
Bảng 2.1. Cách quy điểm từng câu trong bảng hỏi chính thức
ĐTB MỨC ĐỘ
Câu 3,4,5,6,7,8,9,10
3.51 – 4 Rất thường xuyên
2.51 – 3.5 Thường xuyên
1.51 – 2.5 Thỉnh thoảng
0.5 – 1.5 Hiếm khi
0 – 0.49 Không bao giờ
Câu 1, câu 2 và câu 11 chấm điểm lần lượt từ 1 đến 4 điểm cho đáp án từ mức độ thời gian và lượng hút thuốc từ thấp đến cao, cách ứng xử từ không phù hợp đến phù hợp nhất.
Bảng 2.2. Bảng tổng hợp cách quy điểm từng câu
CÂU Điểm thấp nhất Điểm cao nhất
1 1 4
2 1 4
3 0 40
4 0 28
5 0 40
6 0 60
7 0 68
8 0 40
9 0 36
10 0 20
11 4 20
Tổng 6 360
Dựa trên tổng điểm thấp nhất và cao nhất, các mức độ nghiện thuốc lá sẽ được tính như sau:
Bảng 2.3. Cách tính điểm mức độ nghiện thuốc lá
ĐIỂM MỨC ĐỘ NGHIỆN THUỐC LÁ
281– 360 Nghiện nặng
211 – 280 Nghiện vừa
141 – 210 Nghiện nhẹ
71 – 140 Có xu hướng lạm dụng thuốc lá
4 – 70 Sử dụng một cách thông thường
2.1.2.2. Phương pháp phỏng vấn a. Mục đích nghiên cứu:
Tiến hành phỏng vấn sinh viên nhằm:
+ Bổ sung thêm thông tin để góp phần làm sáng tỏ kết quả khảo sát
+ Kiểm tra độ trung thực của các kết quả trả lời phiếu điều tra ý kiến.
+ Tìm hiểu sâu hơn về đối tượng nghiên cứu qua một số khách thể điển hình.
b. Cách thức tiến hành
- Liên hệ với một số bác sĩ, chuyên gia trị liệu thực hành cũng như một số sinh viên được khảo sát để làm rõ số liệu xử lý được về hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên.
- Tiến hành phỏng vấn dựa trên bảng phỏng vấn với câu hỏi đã chuẩn bị sẵn theo mục đích nghiên cứu. Có thể sử dụng thêm những câu hỏi phát sinh tùy theo vấn đề phát sinh trong nội dung trả lời của khách thể.
2.1.2.3. Phương pháp xây dựng chân dung tâm lý a. Mục đích nghiên cứu
Tiến hành nghiên cứu một số khách thể để làm rõ hơn biểu hiện hành vi nghiện thuốc lá và mức độ nghiện thuốc lá ở sinh viên. Trên cơ sở đó, xây dựng chân dung tâm lý của sinh viên nghiện thuốc lá.
b. Cách thức tiến hành
Liên hệ với ba sinh viên có mức độ nghiện nhẹ, vừa và nặng trong kết quả thực trạng về hành vi nghiện thuốc lá được xử lý số liệu để trao đổi, thu thập thông tin.
Viết biên bản, ghi nhận các kết quả thu thập được và nhờ khách thể ký xác nhận.
2.1.2.4. Phương pháp thống kê toán học a. Mục đích nghiên cứu
Xử lý tất cả các kết quả định lượng thu được từ cuộc khảo sát nhằm làm cơ sở để biện luận kết quả nghiên cứu.
b. Nội dung nghiên cứu
- Thống kê mô tả: tính tổng, trị số trung bình, tần số, tỷ lệ phần trăm, kiểm nghiệm phi tham số ANOVA, kiểm nghiệm Chi bình phương.
- So sánh kết quả giữa các nhóm khách thể, các mặt khác nhau trong cùng một chỉ báo nghiên cứu.
c. Cách thức tiến hành
Sử dụng phần mềm thống kê toán học SPSS 20.0 để xử lý các dữ kiện thu được phục vụ cho việc phân tích số liệu trong quá trình nghiên cứu.
Tóm lại, việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu một cách nhịp nhàng và cẩn trọng sẽ mang lại hiệu ứng bổ trợ và gia tăng tính tường minh của kết quả khảo sát.
2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng hành vi hút thuốc lá từ bảng hỏi sàng lọc ban đầu
2.2.1. Thực trạng hành vi hút thuốc ở sinh viên
Bảng 2.4. Thực trạng hút thuốc ở sinh viên
Thứ tự NỘI DUNG Tần số Tỷ lệ (%)
1 Không hút thuốc 538 76.85
2 Đã từng hút thuốc 10 1.42
3 Đang hút thuốc 140 20.00
4 Sẽ hút thuốc 12 1.71
Trong 700 khách thể nghiên cứu, có đến 538 sinh viên xác nhận rằng bản thân không hút thuốc lá tương ứng với tỷ lệ 76.85%, đứng ở vị trí thứ hai đó là số lượng sinh viên đang hút thuốc lá với 140 sinh viên tương ứng với 20.0%, trong đó nam là 132 (18.85%) và nữ là 8 (1.14%). Con số 20% sinh viên hiện đang hút thuốc lá là một số liệu thấp hơn khá nhiều so với số liệu mà WTO thống kê tỷ lệ hút thuốc lá trên toàn dân số Việt Nam vào năm 2010. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới [75]. Theo khảo sát Toàn cầu về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) tiến hành tại Việt Nam năm 2010, Việt Nam là nước có tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc và nữ là 1,4% và 23,8%
người trưởng thành nói chung (15,3 triệu người trưởng thành) đang hút thuốc lá.
Như vậy số liệu 23,8% người trưởng thành đã và đang hút thuốc lá hoặc sẽ có hành vi hút thuốc lá khá tương ứng với số liệu thu thập từ đề tài. So sánh kết quả sinh viên đang hút thuốc lá với đề tài của tác giả Đỗ Văn Dũng nghiên cứu vào năm 2002 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam là 14,25% và ở nữ là 0,08% với tổng gần 14.33%. Nhưng đây là số liệu nghiên cứu vào năm 2002 và trải dài trên nhiều khách thể nên khó có thể so sánh một cách phù hợp nhất. Dù vậy, tỷ lệ giữa nam và nữ đang hút thuốc lá là khá phù hợp. Đặc biệt hơn, nghiên cứu số lượng sinh viên đang hút thuốc lá là 20%, cao hơn so với số liệu của tác giả Đỗ Văn Dũng là điều khá phù
hợp với dự đoán của Bộ Y Tế Việt Nam rằng hút thuốc lá ở Việt Nam sẽ có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa cho đến năm 2030 với thực trạng đang diễn ra [16].
Tóm lại, dữ liệu ban đầu sàng lọc được với 140 (20%) sinh viên hút thuốc lá là một số liệu có độ tin cậy khi so sánh với các số liệu của các công trình nghiên cứu, các tổ chức có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, 140 khách thể này chỉ mới là khách thể sàng lọc ban đầu. Mục đích nghiên cứu của đề tài là thực trạng hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên. Chính vì vậy, khách thể phải có ít nhất 1 trong các biểu hiện mà ICD10 đưa ra để có thể nghiên cứu một cách sát hơn. Kết quả này được trình bày ở bảng 2.6.
Nhằm xác định chính xác hơn tỷ lệ sinh viên đang hút thuốc để sàng lọc khách thể nghiên cứu, người nghiên cứu sử dụng thêm hai bảng tìm hiểu về tình trạng cai nghiện thuốc lá của sinh viên để đối chứng lại số liệu. Qua đó gián tiếp đánh giá độ tin cậy của con số ban đầu là 20% sinh viên đang hút thuốc.
Số liệu ở bảng 2.5 cho thấy, tỷ lệ sinh viên không cai nghiện thuốc lá là 100 sinh viên tương ứng với 14.28% và có nhưng không thành công là 40 sinh viên với 5.71. Như vậy, tổng hai nhóm này tương ứng với 20% số liệu sinh viên đang hút thuốc lá. Tương tự số lượng sinh viên có cai nghiện thuốc lá và thành công là 10 (1.42%) và không sử dụng là 550 (78.57%), tổng hai nhóm này tương ứng với nhóm sinh viên đã từng sử dụng là 10 sinh viên, không hút thuốc lá là 358 sinh viên và sẽ hút là 10 sinh viên.
Bảng 2.5. Thực trạng cai nghiện thuốc lá ở sinh viên
Thứ tự NỘI DUNG Tần số Tỷ lệ (%)
1 Có nhưng không thành công 40 5.71
2 Có và thành công 10 1.42
2 Không 100 14.28
3 Không sử dụng 550 78.57
.
2.2.2. Thực trạng biểu hiện ban đầu của hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên
Bảng 2.6. Thực trạng biểu hiện ban đầu của hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên
Thứ tự NỘI DUNG Tần số Tỷ lệ
(%)
1 Ham muốn hút thuốc lá 102 14.57
2 Không cưỡng được việc hút thuốc lá. 95 13.47 3 Khi ngưng hút thuốc lá bị xuất hiện hội
chứng cai lệ thuộc thuốc. 87 12.42
4 Số lượng thuốc hút mỗi ngày một nhiều
hơn. 98 14.0
5
Giảm dần các ham muốn đối với các thú vui khác vì phải mất nhiều thời gian để hút thuốc lá và tìm mua thuốc lá.
59 8.42
6 Vẫn tiếp tục hút ngay cả khi biết các tác hại
do thuốc lá gây ra 105 15.0
Như đã trình bày ở phần thực trạng hành vi hút thuốc lá ở sinh viên. Khách thể chính của đề tài sẽ đáp ứng được hai điều kiện. Thứ nhất, đang hút thuốc lá và có một trong sáu biểu hiện mà ICD 10 đưa ra nhằm chẩn đoán nghiện thuốc lá.
Theo ICD 10, người nghiện thuốc lá là người có ba trên sáu biểu hiện trên. Tuy nhiên đề tài chỉ căn cứ vào một biểu hiện của ICD 10 để tiếp tục tìm hiểu về hành vi nghiện thuốc lá ở sinh viên theo cấu trúc tâm lý cơ bản của một cá nhân về các mặt:
thế giới quan, tự ý thức, tình cảm, ý chí, hoạt động chủ đạo, nhận thức, thái độ...
chứ không nhằm mục đích lấy kết quả này để bình luận về hành vi nghiện. Các yếu tố này được cụ thể hóa và lồng ghép vào các chỉ báo nghiên cứu theo quan điểm mà người nghiên cứu đã xác lập.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng sinh viên xác nhận mình có một trong sáu biểu hiện cao nhất là 105 (15.0%) với biểu hiện của ICD 10 “Vẫn tiếp tục hút ngay cả khi biết các tác hại do thuốc lá gây ra”. Như vậy, có 140 sinh viên đang hút thuốc lá và có 105 sinh viên có biểu hiện hành vi hút thuốc lá. Chính vì vậy, số lượng khách thể chính được tiếp tục nghiên cứu cụ thể hơn về hành vi nghiện thuốc lá là 105 (15.0%) sinh viên. Số lượng sinh viên này khá tương ứng với một số kết quả điều tra về tỷ lệ thanh thiếu niên, sinh viên đang hút thuốc lá trong những năm