Nguồn thông tin đầu tiên mà cán bộ tín dụng thu thập được, chính là nguồn thông tin từ bộ hồ sơ vay vốn mà khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam hiện nay tính chính xác của các thông tin này thường không đảm bảo. Do đó, cán bộ tín dụng cần phải thu thập thêm các thông tin thông qua việc gặp gỡ trực tiếp khách hàng bằng các hình thức như: phỏng vấn trực tiếp, tham quan nhà xưởng, văn phòng, nói chuyện với giám đốc và người lao động, xem xét vật thế chấp ,.. có thể giúp cán bộ ngân hàng loại trừ được các báo cáo ma, cảm nhận được cái đang diễn ra.
Ngoài hai nguồn thông tin trên, cán bộ tín dụng có thể có được các thông tin về khách hàng của mình từ các ngân hàng khác đã có quan hệ với người vay, những doanh nghiệp có quan hệ với doanh nghiệp xin vay, đặc biệt là các doanh nghiệp bán nguyên liệu, và những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của người vay. Qua việc tìm hiểu hoặc kiểm tra số liệu từ các doanh nghiệp này, có thể cho thấy được khá nhiều vấn đề từ thanh toán, chất lượng, số lượng sản phẩm cho tới độ tin cậy hay uy tín của doanh nghiệp xin vay; những người làm công tác cho vay cũng nên quan tâm đến nguồn thông tin từ trung tâm phòng ngừa và
xử lí rủi ro của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, từ trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài những thông tin này thì cán bộ tín dụng cũng nên chú ý thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí. Đây là nguồn thông tin bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống thông tin tín dụng. Báo chí thực hiện chức năng cung cấp thông tin khách quan cho công chúng nên đã phản ánh đầy đủ những sự kiện, vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội. Trên cơ sở những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn, cán bộ tín dụng có thể đánh giá khách hàng đúng với thực chất vốn có.
3.2.2.2.Nâng cao khả năng đánh giá, phân tích khách hàng
Từ những thông tin có được, cán bộ tín dụng phải tiến hành đánh giá, phân tích khách hàng. Đây là công việc hết sức nghiêm túc, không thể làm qua loa chiếu lệ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nhanh gọn, tiết kiệm chi phí đến mức thấp nhất. Trong quá trình phân tích đánh giá cán bộ tín dụng cần chú ý đến những nội dung sau:
* Năng lực pháp lý của khách hàng
Khách hàng vay vốn phải có năng lực dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với khách hàng là doanh nghiệp cán bộ tín dụng phải chắc chắn rằng người đại diện cho doanh nghiệp phải có đủ thẩm quyền do doanh nghiệp ủy nhiệm để thỏa thuận và kí hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
* Uy tín của khách hàng
Uy tín của khách hàng vay vốn có thể giúp cán bộ tín dụng có thể đánh giá được mức độ an toàn của khoản cho vay. Trách nhiệm, tính trung thực, mục đích vay vốn nghiêm túc, kế hoạch trả nợ rõ ràng là những tiêu chuẩn mà cán bộ tín dụng cần chú ý khi đánh giá uy tín khách hàng.
* Năng lực quản trị điều hành của khách hàng
điều hành của khách hàng vay vốn, xem họ có năng lực, kiến thức quản trị và điều hành doanh nghiệp không. Điều này được quyết định bởi trình độ chuyên môn của ban lãnh đạo, khả năng, kinh nghiệm, cách thức quản lý cũng như uy tín của người lãnh đạo cao nhất..
* Tình hình tài chính của khách hàng
Đây là nội dung vô cùng quan trọng trong quá trình phân tích khách hàng. Phân tích tài chính giúp cho ngân hàng có thể nhận biết được khả năng vay và trả nợ của khách hàng.
Phương pháp được áp dụng phổ biến trong phân tích tài chính là phương pháp tỷ số, tức là sử dụng các tỷ số tài chính để phân tích. Tuy nhiên, khi sử dụng các tỷ số này cán bộ tín dụng cần chú ý rằng các tỷ số này thường được cấu tạo từ hai số có bản chất khác nhau, do đó tìm kiếm các số có mối tương quan với nhau là rất cần thiết. Và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cán bộ tín dụng nên chú trọng vào nhóm tỷ số này hay nhóm tỷ số khác.
- Phân tích dòng tiền
Phân tích dòng tiền có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phân tích khách hàng. Bởi lẻ việc trả nợ ngân hàng liên quan chặt chẽ tới dòng tiền của người vay. Trong nhiều trường hợp mặc dù người vay có lợi nhuận trong hiện tại nhưng có dự án chi trong tương lai cao, doanh thu bán hàng không đổi sẽ có thể có dòng tiền âm và không có khả năng chi trả. Do đó, khi phân tích dòng tiền cán bộ tín dụng cần phải xem xét các dòng tiền trong tương lai dựa vào kế hoạch chi tiêu của khách hàng.
- Đánh giá Tài sản đảm bảo
Việc phân tích năng lực tài chính khách hàng có thể có độ tin cậy chưa cao khi mà các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp không được kiểm toán độc lập, hệ thống thông tin, chuẩn mực kế toán chưa đủ độ tin cậy thì tài sản đảm bảo là một trong những yếu tố góp phần tạo sự an toàn cho khoản vay. Và khi xem xét tài sản đảm bảo cán bộ tín dụng cần lưu ý đến những vấn đề như:
quyền sở hữu, tính thị trường của tài sản, quyền sở hữu , bảo hiểm, .. - Khả năng kiểm soát khoản vay:
Kiểm soát khoản vay là một trong những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro đạo đức trong cho vay. Do đó, khi tiến hàng cho vay cán bộ tín dụng phải đánh giá được liệu ngân hàng có khả năng kiểm soát được việc khách hàng sử dụng tiền vay hay không.
- Các điều kiện môi trường kinh tế
Cán bộ tín dụng cũng cần phân tích các điều kiện môi trường, nhận biết được xu hướng phát triển gần đây của doanh nghiệp cũng như ngành mà khách hàng đang hoạt động, thấy được mức độ tác động của những thay đổi trong nền kinh tế đối với khoản cho vay.