1.3. Tổng quan về hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên
1.3.1. Khái quát chung về xã Trường Yên
* Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Trường Yên là xã miền núi, nằm ở phía Bắc của huyện Hoa Lư cách trung tâm, huyện 5 km, cách thành phố Ninh Bình 12 km, phía Bắc và phía Tây giáp huyện Gia Viễn, phía Đông giáp xã Ninh Hòa huyện Hoa Lư, phía Nam giáp xã Ninh Hải, Ninh Xuân huyện Hoa Lư. Xã có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua: Quốc lộ 38B, đường du lịch nối liền thành phố Ninh Bình - Tràng An- Bái Đính - Cúc Phương, đường Trường An kết nối Đinh Lê, Bái Đính, đường du lịch Bái Đính - Kim Sơn [54, tr.3].
Trên địa bàn xã Trường Yên có 3 con sông chảy qua là sông Hoàng Long, sông Sào Khê và sông Chanh là những tuyến đường thủy quan trọng và nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn.
* Đặc điểm dân cư, kinh tế - xã hội
Là xã có quy mô tương đối lớn, địa bàn rộng với 16 thôn trên địa bàn xã có 3.787 hộ, 11.787 khẩu, 6.151 lao động sinh sống, trong đó nữ chiếm trên 60%. Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 50% dân số [7, tr.3].
Kinh tế - xã hội: Xã Trường Yên hiện nay có 57,76 km đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ giao thông vận tải (đạt 100%).
Hoạt động sản xuất chủ yếu của người dân Trường Yên xưa là sản xuất nông nghiệp, xây đá, khai thác thủy sản.
Với vị trí thuận tiện nằm trên tuyến đường dẫn vào chùa Bái Đính, có nhiều khu điểm du lịch nổi tiếng nên nghề kinh doanh du lịch phát triển.
Dọc đường Tràng An và quốc lộ 38B là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nhà ở du lịch gia đình phát triển mạnh. Đến cuối năm 2017, trên địa bàn xã có 76 nhà hàng ăn uống, 265 hộ buôn bán kinh doanh, 1.023 người làm các dịch vụ ở các khu du lịch, 12 doanh nghiệp tư nhân. Góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.
Cơ cấu kinh tế của xã là: nông nghiệp 18%, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ du lịch 82%. Bình quân thu nhập đầu người 35 triệu đồng/người/
năm tăng gấp 2 lần so với năm 2011 [54, tr.15].
* Lịch sử hình thành và phát triển
Từ xưa tới nay Trường Yên đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau: Xưa vùng đất này thuộc đất Nam Giao, Thời Tần (246 - 207 TCN) thuộc Tượng Quận, thời Hán (206 TCN - 265) thuộc quận Giao Chỉ; từ thời Ngô, Tấn về sau thuộc châu Giao Châu; cuối thời Lương (907-960) thuộc huyện Trường Sơn, Châu Trường. Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê (968 - 1009) là nội thành của kinh đô Hoa Lư, thuộc Châu Trường; thời Lý (1010 - 1225) đổi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng; thời Trần (1226-1400) thuộc lộ Trường Yên; thời thuộc Minh (1407-1427) là huyện Lê Bình châu Trường
Yên, phủ Kiến Bình; thời Lê (1427-1789), buổi đầu theo thời Trần gọi là lộ, trấn Trường Yên, đời Thiệu Bình (Lê Thái Tôn 1434 - 1439) thuộc đất huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên thuộc vào Thanh Hoa; đời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn 1470 - 1497) thuộc đất Gia Viễn, phủ Trường Yên; thời nhà Mạc (1527-1595) là đất phủ Trường Yên. Sau khi nhà Lê diệt nhà Mạc, lại đem lệ vào Thanh Hoa gọi là Ngoại Trấn. Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), năm Gia Long thứ 5 (1806) thuộc đạo Thanh Bình, trấn Thanh Hoa; năm Minh Mệnh thứ 2 (Thánh Tổ Nguyễn Phúc Đản 1821) là đất tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, đạo Ninh Bình, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Năm 1906, nhà Nguyễn lấy 4 tổng phía Nam của huyện Gia Viễn và 4 tổng phía Bắc của huyện Yên Khánh thành lập huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư) [7].
Trước cách mạng tháng Tám (1945), tổng Trường Yên (là xã Trường Yên ngày nay) thuộc huyện Gia Viễn. Đầu năm 1946, các xã thuộc tổng Trường Yên hợp nhất thành xã Tràng An; tháng 6 năm 1949, xã Tràng An đổi tên thành xã Gia Trường. Năm 1954, xã Gia Trường tách làm 2 xã Gia Thành và Gia Trường, sáp nhập 2 xã này vào huyện Gia Khánh. Năm 1961, hợp nhất 2 xã Gia Thành và Gia Trường thành xã Trường Yên, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tháng 12 năm 1975, Quốc hội khoá V quyết định hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà thành một tỉnh lấy tên là Hà Nam Ninh lúc này xã Trường Yên thuộc huyện Gia Khánh, tỉnh Hà Nam Ninh.
Tháng 4 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra quyết định hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình, lấy tên là huyện Hoa Lư. Tháng 4 năm 1981, tách huyện Hoa Lư thành thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư [2, tr.17].
Tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, xã Trường Yên thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho tới ngày nay [7].
* Truyền thống văn hóa
Trường Yên là một xã năm trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật, các công trình kiến trúc nghệ thuật như đền Đinh Tiên Hoàng, đền Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ, động Am Tiên, động Liên Hoa, chùa Nhất Trụ, đền Phất Kim, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đình Yên Thành, đình Yên Trạch. Tại đất Trường Yên, kinh đô Hoa Lư còn là nơi khai sinh ra nghệ thuật sân khấu dân gian chèo ở Việt Nam.
Người Trường Yên còn biết khai thác tiềm năng và sản vật sẵn có của quê hương để năng lên tầm cao nghệ thuật của văn hóa ẩm thực đó là những món ăn được chế biến từ: Thịt dê, ốc nhồi, cá rô, mắm tép ….
Với 23 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, đây là lợi thế của địa phương cũng như mở ra một cơ hội lớn về tiềm năng phát triển du lịch, thu hút hàng triệu lượt khách thăm quan mỗi năm.
Trong giai đoạn hiện nay Trường Yên là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Hoa Lư.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 Hội nghị lần thứ Chín của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các hoạt động văn hóa, văn nghệ thôn tin luôn hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ngay trên quê hương Trường Yên.