Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học về di tích

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 64 - 69)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở XÃ TRƯỜNG YÊN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH

2.2. Các hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên

2.2.4. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học về di tích

Muốn thực hiện tốt công tác quản lý trước hết phải hiểu về di tích, Trong những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học về di tích và danh nhân trên mảnh đất Hoa Lư như: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về “Giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tràng An” (năm 2008) có đề cập đến hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với các triều đại nhà Đinh, Lê và Lý, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai các hạng mục bảo tồn, khoanh vùng bảo vệ di sản, đảm bảo môi trường cảnh quan và chủ động, tích cực hoàn thiện hồ sơ công nhận Cố đô Hoa Lư xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và di sản văn hoá thế giới; hội thảo “Ninh Bình 20 năm đổi mới và phát triển” (năm 2012) đã chỉ ra thực trạng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn

hóa trong địa bàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời cũng nêu rõ vai trò của các giá trị văn hóa trong sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương; hội thảo về

“Thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga”; hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”. Hội thảo do tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.

Năm 2015, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo “Vai trò của Đinh Tiên Hoàng với sự nghiệp thống nhất quốc gia và việc nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp nhà nước”. Hội thảo đã nghiên cứu, thu thập, đánh giá đầy đủ, có căn cứ khoa học về vai trò của Đinh Tiên Hoàng đối với sự nghiệp thống nhất quốc gia, thành lập nước Đại Cồ Việt, làm cơ sở xác nhận giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới Tràng An. Để từ đó đề xuất một ngày lễ quốc gia cho sự kiện lịch sử thành lập Nước Đại Cồ Việt và nâng cấp lễ hội Trường Yên thành lễ hội cấp nhà nước.

Năm 2018, Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”. Hội thảo tập trung làm rõ những thành tựu của nhà nước Đại Cồ Việt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa; đánh giá về vị trí, vai trò và những đóng góp cũng như bài học kinh nghiệm lịch sử trong thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt đối với tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; đồng thời kế thừa, bảo vệ, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay.

Thông qua các cuộc hội thảo đã góp phần thể hiện rõ nét đặc trưng về lịch sử văn hóa và truyền thống của đất và người Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, từ đó góp phần phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cũng như lập đề án, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

2.2.5. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

Việc huy động các nguồn lực ở đây chủ yếu đề cập đến vấn đề kinh phí, vật lực được đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Hiện nay việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện chủ yếu bằng hai nguồn: Thứ nhất, thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia, chống xuống cấp di tích; Thứ hai, huy động các nguồn lực từ cộng đồng (khoản tài trợ, công đức và khoản thu khác) - đây là hình thức xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích.

Khoản kinh phí từ nguồn thứ nhất được đầu tư theo tình trạng các hạng mục công trình trong đó bao gồm: di tích bị hư hỏng nặng cần tu sửa cấp thiết, di tích đã xuống cấp, di tích được thực hiện chế độ bảo quản, duy trì. Nhìn chung, đối với nguồn kinh phí được nhà nước đầu tư, việc quản lý tuân thủ đúng các nguyên tắc tài chính.

Việc thực hiện phương thức huy động các nguồn lực từ cộng đồng (nguồn thứ hai) chính là thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Qua thực tế những năm qua, tỉnh Ninh Bình có những chính sách nhằm khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Qua khảo sát cho thấy, cộng đồng tham gia trùng tu, tu bổ di tích gồm hai dạng chính: Đóng góp một phần kinh phí, nhân lực, vật lực… cùng với kinh phí của nhà nước với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” và đóng góp toàn bộ kinh phí, ngày công vào việc trùng tu, tu bổ cho các di tích.

Kinh phí được người dân ủng hộ trùng tu, tôn tạo di tích tùy theo khả năng kinh tế của từng địa phương. Với số lượng di tích lớn, ngân sách của nhà nước đầu tư cho trùng tu, tu bổ còn nhiều hạn chế thì sự huy động nguồn lực từ nhân dân đã đóng góp có hiệu quả ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di tích. Do vậy, ở hình thức thứ nhất nhà nước đầu tư hỗ trợ một phần kinh phí, số còn lại sẽ huy động sự ủng hộ, đóng góp từ cộng đồng.

Với phương thức đó nhiều di tích đã được trùng tu, tu bổ kịp thời, tránh khỏi nguy cơ bị hủy hoại, biến mất, nhiều di tích được đưa vào phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa của người dân.

2.2.6. Đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý di tích lịch sử văn hóa

Hiện nay các cán bộ làm công tác quản lý DTLSVH tại địa bàn tỉnh Ninh Bình 100% đạt trình độ đại học, trong những năm qua được sự quan tâm của Sở VH&TT cũng như lãnh đạo các đơn vị, một số cán bộ đã được cử đi học cao học, có đồng chí đạt trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó ngành văn hóa cũng thường xuyên cho cán bộ đi học các lớp nghiệp vụ ngắn ngày như lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý giám định cổ vật do cục di sản và trường đại học văn hóa tổ chức, các lớp học nâng cao nghiệp vụ về công tác kiểm kê di tích, công tác thuyết minh…

Hàng năm, theo kế hoạch của UBND huyện, phòng VHTT tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý nhà nước đối với DTLSVH. Thành phần tham gia gồm: Phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội, Trưởng ban VHTT xã, đại diện tiểu BQL di tích, sư trụ trì tại các chùa và những người trông coi các di tích trên địa bàn. Đến với các lớp tập huấn này, họ được truyền đạt các nội dung như: các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến quản lý nhà nước đối với các DTLSVH; quản lý văn hóa cơ sở. Đồng thời các học viên cũng được hướng dẫn về quy trình, thủ

tục, hồ sơ trùng tu, tôn tạo các DTLSVH; xếp hạng di tích, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại di tích trong đó có việc tổ chức lễ hội.

Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy, về việc bảo vệ di tích và các di vật, cổ vật cho những người trực tiếp trông giữ di tích. Tổ chức các buổi hội nghị tọa đàm với thành phần là BQL di tích xã, BQL các di tích trên địa bàn xã để thảo luận, trao đổi về các hình thức quản lý di tích nhằm đưa ra những hình thức quản lý thực sự có hiệu quả cho các di tích LSVH, thực hiện các nếp sống văn minh tại nơi thờ tự.

Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, Trưởng Tiểu Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chùa Nhất trụ, thôn Nam, xã Trường Yên thì:

“Tập huấn về quản lý di tích là thiết thực, giúp cho chúng tôi nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý di tích. Tôi nghĩ huyện nên mở thêm những lớp tập huấn như vậy và mở rộng thành phần tham dự lớp học” (TLPV ngày 26 tháng 11 năm 2017 tại Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chùa Nhất trụ).

Đánh giá hiệu quả về lớp tập huấn quản lý di tích, bà Vũ Thị Xen - công chức Văn hóa, thông tin, thể thao xã - Phó Tiểu Ban quản lý Di tích lịch sử - văn hoá xã Trường Yên cho biết: “Sở VH&TT tỉnh và Phòng VH&TT huyện tổ chức các lớp tập huấn về quản lý di tích và lễ hội là rất thiết thực, bổ ích. Học xong giúp chúng tôi hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị của di tích và lễ hội trong đời sống của người dân hiện nay. Tôi hiểu rằng di tích cổ không thể tái tạo được, vì vậy phải biết gìn giữ lâu dài cho con cháu. Tôi sẽ áp dụng và chỉ đạo trong phạm vi quản lý ở xã” (TLPV ngày 26 tháng 11 năm 2017 tại Trụ sở UBND xã Trường Yên).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý di tích nhưng do điều kiện thời gian và những khó khăn về ngân

sách, các lớp học chỉ mang tính chất tập huấn hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ và được diễn ra trong một thời gian ngắn và chỉ liên quan tới một vài khâu trong công tác quản lý di tích, chính vì vậy hiệu quả đạt được còn chưa cao.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)