Chương 3: NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở XÃ TRƯỜNG YÊN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH
3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên
3.2.2. Tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về di tích lịch sử văn hóa
Muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cần nâng cao nhận thức hiểu biết của con người về lĩnh vực này, từ đó có cơ sở để điều chỉnh hành vi xã hội của mỗi cá nhân con người và toàn thể cộng đồng. Cần nâng cao nhận thức cho người dân về mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn, phát huy di sản với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt
tiêu cực của mối quan hệ hai chiều nói trên, thực hiện tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội mà vẫn bảo tồn, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức của người dân, của cán bộ trong và ngoài ngành văn hóa đóng vai trò quan trọng, khi có nhận thức đúng đắn thì cộng đồng sẽ có hành động đúng. Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta mới chủ yếu tập trung việc tuyên truyền, tập huấn về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho các cán bộ làm công tác này, còn người dân thì chưa được chú ý. Do vậy, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền về di tích nhiều hơn cho người dân, bởi lẽ sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di tích, cũng chính cộng đồng là người sử dụng di tích và cộng đồng phải là người quản lý, bảo vệ di tích.
Phòng VH&TT huyện, BQL các di tích trên địa bàn xã cần khai thác thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo, đài, internet...) làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của DSVH phi vật thể và vật thể ở các di tích. Nhận thức quyết định hành động của con người. Vì vậy, trong hoạt động quản lý di tích, cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của DSVH nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động giữ gìn, bảo vệ di tích. Qua đó, lòng tự hào, tình yêu DSVH luôn được "hâm nóng"/giữ lửa trong cộng đồng, tạo ra động lực tinh thần cho họ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.
Trong việc giáo dục, tuyên truyền về di tích cũng cần chú ý tới thế hệ trẻ, định hướng để cho thế hệ này có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến giá trị di tích trong các trường học, lồng ghép với các chương trình giảng dạy hoặc thông qua các lớp bồi dưỡng, học ngoại khóa, tổ chức tham quan di tích,
các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, di tích của địa phương. Thông qua các hoạt động này giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương một cách chân thực, sinh động. Từ đó góp phần vào việc hoàn thiện nhân cách, đạo đức, biết trân trọng di sản của địa phương, của dân tộc.
Cần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích và coi đây là giải pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đó cũng là giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH.
Chúng ta cần tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động thực hiện Luật DSVH để Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu được giá trị của di tích để từ đó sẽ có cách ứng xử với di tích tích cực hơn, tránh được tình trạng không hiểu luật mà vi phạm luật, ngăn chặn những hành vi xâm hại tới di tích. Muốn thực hiện tốt công tác này thì đội ngũ cán bộ, nhân viên phải được tập trung đào tạo cả về công tác quản lý cũng như chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trau dồi khả năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu giao lưu hội nhập quốc tế hiện nay.
Công tác trùng tu, tu bổ di tích trên địa bàn xã Trường Yên trong những năm qua cho thấy vai trò của cộng đồng được thể hiện rất rõ: cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước thì một nguồn lực rất lớn huy động được từ nhân dân tham gia vào việc bảo vệ, trùng tu, khôi phục di tích. Nhờ có những nguồn lực này mà nhiều di tích đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp, tránh được những nguy cơ xâm hại của con người, của thiên nhiên.
Đây là những việc làm rất quý, đáng trân trọng, cần phát huy bằng những cơ chế phù hợp. Do đó, một trong những vấn đề cần được quan tâm là huy động sự tham gia của toàn dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của DTLSVH. Cần tiếp tục đổi mới pháp luật, thể chế nhằm phát huy hơn nữa sáng kiến và tinh thần làm chủ của người dân trong việc quản lý xã hội và
cộng đồng được coi là giải pháp có hiệu quả thu hút sự tham gia của người dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và người dân sẽ hưởng chính thành quả của sự tham gia này.