Chương 3: NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở XÃ TRƯỜNG YÊN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH
3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên
3.2.7. Bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển
Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ DSVH và di sản thiên nhiên đã trở thành một phức hợp đóng vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ...
Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa tại di tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết. Nguồn tài nguyên di tích cũng sẽ bị cạn kiệt như những nguồn tài nguyên dầu mỏ, than đá... nếu như chỉ khai thác mà không bảo tồn. Do vậy, bảo tồn và khai thác luôn là hai mặt của một vấn đề, nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị; nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì còn nguy hiểm hơn nữa, điều đó sẽ gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường và những hậu quả to lớn khác cho toàn xã hội.
Để có thể phát triển du lịch bền vững tại các DTLSVH không nên để diễn ra tình trạng các cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hạ tầng giao thông gây tác động tiêu cực đến các di sản. Muốn vậy, trước hết cần quan
tâm đến việc xây dựng hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản và quy hoạch phát triển du lịch cùng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các DTLSVH; các quy hoạch này phải hài hòa hỗ trợ cho nhau, không mâu thuẫn nhau theo nguyên tắc đảm bảo cho sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Các hoạt động phát triển, dịch vụ du lịch nhà nước và cộng đồng cần được thực hiện theo đúng quy hoạch và đúng luật. Chúng ta cũng đã nói nhiều đến những hiện tượng không lành mạnh tại một số điểm tham quan du lịch như: sự quá tải về phương tiện dịch vụ, cửa hàng ở một số khu vực di sản vào các thời kỳ cao điểm như chính hội, giữa mùa du lịch, nạn chèo kéo khách, ăn mày, ăn xin, lừa đảo, tệ nạn xã hội; tình trạng thiếu hướng dẫn chuyên nghiệp... Đó là những việc thường xuyên xảy ra tại các điểm tham quan du lịch hiện nay. Để giải quyết các tình trạng nêu trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, địa phương và một số ngành liên quan thì mới có thể giải quyết tận gốc của vấn đề. Chỉ có như thế mới mong chuyển hóa thách thức thành cơ hội bảo vệ tốt di sản và phát triển du lịch bền vững tại các di sản do thiên nhiên ban tặng.
Với số lượng di tích đa dạng và phong phú trong đó có những di tích tiêu biểu được công nhận là các di tích đặc biệt của quốc gia, đây là các tiềm năng có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Trường Yên và mảnh đất Ninh Nình. Để có thể phát huy, khai thác giá trị của các di tích một cách có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, theo tác giả luận văn cần tập trung vào một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần tăng tính hấp dẫn của các di tích đối với khách du lịch.
Tính hấp dẫn của di tích thể hiện chủ yếu được thể hiện thông qua những giá trị hàm chứa trong di tích như giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các giá trị văn hóa phi vật thể như các truyền thuyết, tính thiêng của di tích... Do vậy cần nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu có liên quan tới di tích, phục dựng những nghi lễ, những lễ hội đặc sắc, một số tích trò, trò diễn trong các
lễ hội, chẳng hạn như nghi thức của Tế cửu khúc, diễn lại tích Cờ lau tập trận, lễ rước lửa, rước kiệu, chạy kéo chữ Thái Bình…Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, du khách còn quan tâm nhiều đến việc đáp ứng nhu cầu về không gian cảnh quan, môi trường, các dịch vụ phục vụ. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cần chú ý gắn phát triển du lịch với không gian hệ thống di tích, chẳng hạn đối với điểm di tích chùa Nhất Trụ, bên cạnh những công trình kiến trúc của chùa cần tạo không gian cảnh quan để du khách có thể tiếp cận với những cảnh quan của khu vực lân cận... Hoặc đối với các di tích lịch sử văn hóa khác nằm trong quần thể danh thắng Tràng An trong mối quan hệ với các tour, tuyến du lịch để tạo ra mạng lưới du lịch liên hoàn, hấp dẫn và không bị trùng lặp.
Thứ hai, cần tăng cường quảng bá cho các di tích. Việc đưa hình ảnh của di tích đến với công chúng chính là hoạt động nhằm thu hút khách đến với các di tích. Việc quảng bá cần được thực hiện dưới nhiều kênh thông tin khác nhau gồm: 1/Các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm đài, báo của địa phương và của trung ương; 2/Quảng bá thông qua tờ gấp, tờ rơi, sách, đĩa CD, DVD, các biển quảng cáo cỡ lớn đặt tại các trọng điểm giao thông; 3/Quảng bá qua công nghệ thông tin như cung cấp thông tin về di tích qua mạng internet, các website chuyên ngành, cổng thông tin điện tử của huyện Hoa Lư và của tỉnh Ninh Bình…
Thứ ba, cần đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch. Cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch được cơ quan quản lý nhà nước xác định là nội dung quan trọng của chương trình hành động quốc gia về du lịch. Chính vì vậy, dù điểm tham quan du lịch có hấp dẫn đến đâu, nhưng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thấp kém thì cũng không thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Hiện nay cơ sở hạ tầng tại một số điểm di tích chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Để có hiệu quả cao trong khai thác giá trị các di tích phục vụ khách du lịch, các cấp chính quyền cần chú ý tới công tác đào tạo nguồn nhân lực. Có nhiều hình thức để áp dụng cho việc đào tạo: ngắn hạn, dài hạn, tham quan học tập, giao lưu học hỏi... trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, các đơn vị, các cơ sở đào tạo du lịch. Để công tác đào tạo có căn cứ khoa học và từng bước thực hiện, cần xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn, dựa trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hiện có và nhu cầu phát triển du lịch trong tương lai.