Vai trò của quản lý cộng đồng đối với di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 44 - 48)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở XÃ TRƯỜNG YÊN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH

2.1. Bộ máy quản lý và cơ chế quản lý di tích

2.1.2. Vai trò của quản lý cộng đồng đối với di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên

Cộng đồng là một tập hợp công dân cư trú cùng một khu vực địa lý, hợp tác với nhau về những lợi ích chung và chia sẻ những giá trị văn hóa chung. Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH thì cộng đồng được hiểu là tập hợp những nhóm người có chung đặc trưng về văn hóa, đó là cùng theo/thờ phụng một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó như Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ tổ tiên… Cộng đồng này có thể là cộng đồng cư trú (làng xã, khu phố) nhưng cũng có thể không, thậm chí có thể rộng hơn trên phạm vi cả nước.

Trên thực tế, DTLSVH là những nơi lưu giữ một bộ phận giá trị văn hóa khảo cổ, nơi diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa đối với dân tộc, đất nước hoặc địa phương: những địa điểm ghi dấu chiến công chống xâm lược, chống áp bức, những địa điểm lưu niệm về nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, khoa học; những công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. DTLSVH là một bộ phận quan trọng cấu thành DSVH, mỗi di tích hàm chứa giá trị văn hóa - lịch sử - khoa học nhất định, phản ánh một chặng đường lịch sử của cộng đồng dân cư, quá trình hình thành và phát triển xã hội qua mỗi thời đại.

So với các bộ phận khác của DSVH vật thể thì các DTLSVH này có những đặc trưng riêng: các di tích tồn tại, gắn với từng địa phương, địa bàn cư trú, gắn với các khu dân cư, với cộng đồng cụ thể. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên đều là những công trình được chính cộng đồng dân cư của địa phương tạo nên phù hợp với mục đích sử dụng. Xét từ góc độ sáng tạo, hệ thống các di tích lịch sử văn hóa ở xã

Trường Yên phần lớn đều do cộng đồng góp công xây dựng nên. Ở thế kỷ thứ X, triều đình nhà Đinh, Tiền Lê đã đầu tư tiền của, vật liệu để xây dựng nên các lăng tẩm, đền đài nguy nga lộng lẫy tại kinh thành Hoa Lư, hay ở thế kỷ thứ XVII, các triều đại phong kiến đã đầu tư xây dựng hệ thống các đền thờ và còn giữ đến hôm nay như đền vua Đinh, vua Lê, nhưng trong quá trình tạo dựng các di tích đó cộng đồng dân cư vẫn đóng vai trò quan trọng bằng sức lao động của tập thể và sự sáng tạo của các nghệ nhân.

Những mảng chạm khắc tinh xảo, những kiểu dáng độc đáo trong kiến trúc… do người dân tạo nên là những DSVH tiêu biểu mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong quá trình tồn tại của các di tích, đã chịu nhiều tác động của môi trường tự nhiên, chiến tranh tàn phá. Các di tích này vẫn tồn tại đến hôm nay cũng là nhờ công sức của cộng đồng. Người dân đã huy động công sức, tiền của để trùng tu, tu bổ cho di tích. Qua đó, ta có thể thấy cộng đồng và các di tích có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, hình thành và tồn tại của di tích.

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã đầu tư nhiều kinh phí cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, các di tích lịch sử văn hóa nói riêng. Bên cạnh đó, Nhà nước còn ban hành các chính sách, chủ trương nhằm huy động các nguồn lực cộng đồng. Đây là chủ trương xã hội hóa với tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, là chủ trương đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện nay, nhằm trả lại cho cộng đồng những giá trị văn hóa mà họ đã tạo nên và trao quyền làm chủ những giá trị đó cho họ. Vì lẽ đó, cộng đồng sẽ quan tâm nhiều hơn và luôn có ý thức bảo vệ các di tích. Như vậy, vai trò của cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo vệ di tích có ý nghĩa quan trọng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên thực tế hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực kinh tế, công nghệ, khoa học, chất lượng đời sống của người dân được tăng lên, vì vậy nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của con người càng trở lên cần thiết. Cùng với sự phát triển xã hội về nhiều mặt nhất là kinh tế, bên cạnh những tác động tích cực cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đến các DTLSVH. Vấn đề bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các DTLSVH trong điều kiện hiện nay không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố như chính sách, công tác quản lý, khoa học kỹ thuật… mà còn phụ thuộc vào yếu tố hết sức quan trọng là vai trò của cộng đồng.

Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn xã Trường Yên cho thấy, hệ thống các DTLSVH trên địa bàn xã đều có một đặc điểm chung là được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, đá… theo thời gian và năm tháng dưới tác động của môi trường tự nhiên các nguyên vật liệu trở nên xuống cấp hư hỏng. Do đó các di tích cần được theo dõi, quản lý và tiến hành tu bổ. Hiện nay việc trung tu, tu bổ và tôn tạo các DTLSVH trên địa bàn xã Trường Yên chủ yếu bằng hai nguồn chính: thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia và sự huy động từ các nguồn lực cộng đồng. Vì vậy có thể thấy, ở bất kỳ thời kỳ nào để di tích tồn tại đều thấy rõ vai trò của cộng đồng là rất to lớn.

Vai trò của cộng đồng dân cư xã Trường Yên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích có lẽ được thể hiện điển hình nhất là việc bảo vệ, trùng tu các di tích liên quan đến triều đại nhà Đinh, Tiền Lê như: đền thờ, lăng mộ vua Đinh, vua Lê, chùa Nhất Trụ, đền thờ Công chúa Phất Kim, hệ thống các nhà cổ, nhà thờ họ… những di tích này bị thời gian, chiến tranh xuống cấp, thậm chí bị phá hủy, hư hại hay các bảo vật quốc gia bị thất lạc, các đồ thờ tự bị mất cắp… Được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, người dân Trường Yên cùng với những nhà hảo tâm đã góp

sức để trùng tu, bảo tồn các di tích với nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

Qua nhiều lần tu bổ, đến nay hệ thống các di tích với nhiều hạng mục kiến trúc khang trang, tạo nên một quần thể di tích tâm linh (quần thể di tích Cố đô Hoa Lư) không chỉ là tài sản vô giá của nhân dân Trường Yên mà cả tỉnh Ninh Bình và trong cả nước.

Việc tham gia của cộng đồng địa phương đã góp phần bảo tồn, gìn giữ được nhiều di tích đồng thời làm cho các di tích đó gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng. Qua công tác nghiên cứu thực tế cho thấy trong thời gian qua, sự đóng góp (nhất là về kinh phí) chủ yếu là tập trung vào các di tích tôn giáo - tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ… Những di tích thuộc loại này đã thu hút số lượng lớn người dân tới để thi hành các sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời sẵn lòng đầu tư kinh phí tiền bạc vào các hoạt động tu bổ, tôn tạo cho di tích. Nhìn chung người đi lễ luôn có tâm lý là cầu mong thần thánh phù hộ, đem lại cho họ những điều tốt lành, mỗi người đến với di tích đều mang những nguyện vọng riêng và mong muốn gửi gắm nguyện vọng đó đến thánh thần. Do vậy việc đóng góp kinh phí để trùng tu di tích như một cách thể hiện sự thành tâm của người dân.

Có thể nói, nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của các DTLSVH có vai trò rất quan trọng. Người dân nhận thức đúng về giá trị của di tích mới có hành động bảo vệ di tích. Ngược lại nhận thức của cộng đồng chưa cao sẽ dẫn đến sự thờ ơ, không quan tâm đến giá trị của di tích. Di tích gắn bó chặt chẽ với cộng đồng. Do vậy cần tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích.

Việc trao cho cộng đồng quyền chủ động quản lý các di tích cũng là sợi dây liên hệ giữa di tích với các cơ quan quản lý, những hiện tượng vi phạm di tích sẽ nhanh chóng bị cộng đồng phát hiện và truyền tải thông tin đến những cấp có thẩm quyền để xử lý.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử văn hóa ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)