Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.2. Những vấn đề còn trống cần tiếp tục nghiên cứu
1.2.1. Đánh giá chung về kết quả của các công trình đã nghiên cứu
Qua việc hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước như trên, tác giả nhận thấy các nghiên cứu về FDI rất phong phú, mỗi đề tài, bài báo, sách chuyên khảo đã giải các vấn đề về FDI ở những phạm vi khác nhau, với mục tiêu nghiên cứu khác nhau, nhưng thống nhất một số các vấn đề sau:
Về góc độ lý luận
- Những lý luận chung về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài: Khái niệm, đặc điểm, hình thức, vai trò và các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút FDI vào nông nghiệp và vùng lãnh thổ.
- Các công trình đều tập trung nghiên cứu từ nhiều phạm vi khác nhau về thu hút FDI như vấn đề thu hút FDI vào nông nghiệp của các quốc gia (trong đó có Việt Nam), hay thu hút FDI vào vùng lãnh thổ…và nghiên cứu đến nhiều khía cạnh khác nhau của thu hút FDI như nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến thu hút FDI vào vùng kinh tế, nghiên cứu thực trạng và xu hướng thu hút FDI vào nông nghiệp của thế giới, quốc gia…
Về kinh nghiệm thực tiễn
Đa số các công trình đều đưa ra kinh nghiệm thành công cũng như hạn chế của một số quốc gia, khu vực trên thế giới hay một số địa phương trong thu hút FDI để rút ra bài học riêng, gợi ý cho việc hoạch định cơ chế, chính sách thu hút FDI.
Về góc độ thực tế
- Dựa trên cơ sở lý luận, các công trình đều phân tích, đánh giá thực trạng thu hút FDI vào một số vùng kinh tế hoặc ngành ngành nông nghiệp của thế giới, một số quốc gia và Việt Nam, trong đó nêu rõ những đóng góp, tác động của FDI đối với nông nghiệp; thành tựu, hạn chế trong quá trình thu hút FDI, đưa ra nguyên nhân của những hạn chế này.
- Sau khi phân tích thực trạng, các công trình nghiên cứu đều đưa ra mục tiêu, phương hướng và giải pháp tăng cường thu hút FDI.
Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu, đánh giá một cách trực tiếp, toàn diện và có hệ thống về thu hút FDI vào nông nghiệp được xem xét từ phạm vi vùng, cụ thể là vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Vì vậy, việc phân tích, làm rõ thực trạng thu hút FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút FDI nông nghiệp vùng để đề xuất một số giải pháp khả thi mang tính cấp thiết cao.
Về phương pháp luận
Hầu hết các nghiên cứu sử dụng dữ liệu sẵn có từ quốc gia hoặc từ UNCTAD và sử dụng phân tích, đánh giá truyền thống như so sánh, thống kê, tổng hợp…Một số nghiên cứu thu thập số liệu sơ cấp từ doanh nghiệp thông qua phát phiếu điều tra để phân tích dựa trên kết quả thu thập được hoặc một số nghiên cứu dựa vào số liệu sẵn có dùng mô hình kinh tế lượng để phân tích yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI vào nông nghiệp. Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đối với thu hút FDI nông nghiệp thường gắn
với đặc điểm của ngành, nhiều yếu tố khó hoặc không thể có số liệu định lượng như yếu tố thời tiết, khí hậu; rủi ro sản xuất nông nghiệp, yếu tố chính sách... Vì vậy, việc vận dụng mô hình hồi qui với biến phụ thuộc là lượng FDI và biến độc lập là các yếu tố ảnh hưởng là chưa đánh giá được trực tiếp, chính xác và đầy đủ được những yếu tố này.
1.2.2. Những vấn đề còn trống cần tiếp tục nghiên cứu
Qua nghiên cứu, kế thừa những kết quả và khắc phục những nhược điểm của các công trình nghiên cứu trước đây có liên quan, luận án tập trung nghiên cứu các vấn đề chưa được giải quyết. Đó là nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cũng như thực trạng thu hút FDI vào nông nghiệp của vùng kinh tế, tìm ra những nhân tố chính hưởng đến thu hút vốn FDI vào nông nghiệp của vùng ĐBSH và trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH.
1.2.2.1. Về góc độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn
Luận án tập trung làm rõ những vấn đề thu hút FDI vào nông nghiệp của vùng kinh tế cụ thể:
- Làm sáng tỏ các vấn đề về thu hút FDI, thu hút FDI vào vùng kinh tế khác gì với vào một quốc gia hay một địa phương và thu hút FDI vào nông nghiệp vùng kinh tế
- Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến thu hút FDI vào nông nghiệp
- Phân tích kinh nghiệm về tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp của một số nước, địa phương và vùng kinh tế khác để rút ra bài học có giá trị tham khảo cho vùng đồng bằng sông Hồng
1.2.2.2. Về góc độ thực tiễn
- Luận án phân tích và đánh giá thực trạng thu hút FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH trên cơ sở phương pháp nghiên cứu định lượng và thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp nông nghiệp, từ đó phân tích những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong thu hút FDI vào nông nghiệp của vùng.
- Luận án đã xây dựng hệ thống các quan điểm và đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm tăng cường thu hút FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH. Các giải pháp đề xuất là những giải pháp trực tiếp mang tính đặc thù riêng vùng ĐBSH nói chung và các tỉnh trực thuộc nói riêng.
1.2.2.3. Về phương pháp luận
Tác giả sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau từ quá trình thu thập số liệu đến quá trình phân tích. Trong đó, để phục vụ cho việc phân tích yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI nông nghiệp vùng ĐBSH, tác giả tiến hành thu thập số liệu từ doanh
nghiệp thông qua khảo sát định tính được thực hiện bằng bảng hỏi và dùng mô hình EFA để hội tụ thành các nhóm nhân tố nhằm đảm bảo thuận tiện trong phân tích mà vẫn tính tới tất cả yếu tố, ngay cả những yếu tố khó hoặc không thể định lượng được.