Khái quát về nông nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng (Trang 42 - 47)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

2.1. Khái quát về nông nghiệp

2.1.1. Khái niệm, đặc điểm 2.1.1.1. Khái niệm

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, nông nghiệp là ngành sản xuất có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Vì vậy, nông nghiệp thường được nói đến như là ngành kinh tế truyền thống, có vai trò quan trọng, sản xuất ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người, làm nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa cho xuất khẩu. Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, con người áp dụng máy móc để thay thế sức lao động và sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, không ngành nghề nào có thể cung cấp lương thực, thực phẩm thay thế cho nông nghiệp. Xã hội loài người càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao thì vai trò của nông nghiệp càng được khẳng định.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư: “Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho nông nghiệp. Nông nghiệp là một ngành lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng còn bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản”.

Giáo trình Kinh tế nông nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân viết: “Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, theo nghĩa hẹp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, theo nghĩa rộng là ngành nông, lâm và ngư nghiệp”.

Theo phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông - lâm thủy- sản là ngành cấp 1 trong hệ thống 21 ngành kinh tế của Việt Nam. [PHỤ LỤC 1]

Như vậy có thể hiểu: Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, thường sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Theo nghĩa hẹp nông nghiệp bao gồm các ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản. Theo nghĩa rộng, nông nghiệp bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản. Trong

phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả sẽ sử dụng quan niệm theo nghĩa rộng về nông nghiệp.

2.1.1.2. Đặc điểm

Một là, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp gắn liền với đất đai. Đất đai là tư liệu sản xuất (TLSX) quan trọng. Trong sản xuất nông nghiệp thổ canh, đất đai được coi là tư liệu sản xuất không thể thay thế được nhưng hiện nay nhờ vào sự phát triển của khoa học, công nghệ nên một số hình thức canh tác khác mà không cần dùng đất vẫn đang được nghiên cứu, áp dụng như thủy canh, khí canh, canh tác trên tấm phim nhựa hay canh tác trên giá thể…Song thổ canh vẫn là hình thức canh tác phổ biến. Tuy nhiên, đất đai lại là TLSX có tính chất đặc biệt, không giống như các TLSX trong các ngành khác, chúng không thể sản xuất thêm, nhưng có thể “giàu” lên cùng quá trình sản xuất. Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp trên thế giới ngày càng bị thu hẹp, chưa kể đến độ màu mỡ của đất đai đang ngày càng đi xuống, không thể canh tác được.

Đồng thời, đặc điểm riêng có của ruộng đất cần được chú ý nhằm phát huy tối đa năng lực sản xuất như ruộng đất là tài nguyên thiên nhiên có giới hạn về diện tích, có vị trí cố định và chất lượng không đồng đều giữa các vùng… Chính những đặc điểm này có tác động rất lớn trong việc khai thác, sử dụng đất đai. Những chính sách quản lý vĩ mô liên quan tới đất đai sẽ có tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Muốn tăng quy mô sản xuất, điều kiện tiên quyết đó là phải có chính sách phù hợp để tập trung được quỹ đất cần thiết.

Hai là, các cây trồng và vật nuôi vừa là đối tượng, vừa là tư liệu của sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp là ngành có sự gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các loại cây, con, các loại sinh vật có qui luật sinh trưởng và phát triển riêng. Khi cây trồng và vật nuôi được sử dụng để tạo ra nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm (ví dụ, nuôi gà đẻ trứng, nuôi bò lấy sữa…) thì chúng lại được coi là tư liệu sản xuất nông nghiệp. Dù là đối tượng sản xuất hay tư liệu sản xuất thì đặc trưng về các cây trồng, vật nuôi khiến cho nông nghiệp trở thành ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên so với các ngành kinh tế khác.

Ba là, sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ và thường có chu kỳ sản xuất đa dạng, không giống nhau giữa các loại cây trồng, vật nuôi.

Khác với các ngành sản xuất khác, đối tượng của sản xuất nông nghiệp là những cơ thể sinh vật có quy luật sinh trưởng khác nhau giữa các loại cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, trong nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nói chung có tính chất mùa vụ và đa dạng. Bản thân các đối tượng cây, con phụ thuộc rất lớn vào đời sống sinh vật của chúng, nên tính chất mùa vụ là tất yếu, khách quan, đặc biệt là cây trồng. Những tác động của công nghệ sinh học làm thay đổi tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ có giới hạn nhất định bởi vì tính chất mùa vụ được hình thành từ rất nhiều yếu tố. Đặc điểm này đã có tác động rất lớn tới đặc điểm của thị trường tư liệu sản xuất nông nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với các loại cây trồng.

Bốn là, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Đối tượng sản xuất chủ yếu là cây trồng, vật nuôi, do vậy sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố tự nhiên và phụ thuộc vào sự thay đổi của các yếu tố đó, từ đất đai, khí hậu, nguồn nước…Ngày nay, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã hạn chế một phần sự phụ thuộc của nông nghiệp vào điều kiện tự nhiên, tuy nhiên đây vẫn là yếu tố chính tác động đến hiệu quả và kết quả kinh doanh của ngành, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, trong quá trình phát triển nông nghiệp, con người không thể can thiệp “thô bạo” vào quá trình phát triển của sinh vật, ngược lại, phải nghiên cứu và nhận thức được các quy luật đó để vận dụng thích hợp vào sản xuất.

Năm là, quá trình sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh.

Yếu tố này được quyết định bởi tính chất của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chu kỳ sản xuất đa dạng, chu kỳ sản xuất một số cây trồng, vật nuôi kéo dài; giá trị sản phẩm nông nghiệp không cao, giá cả không ổn định, lại phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên nên không thể lường trước được kết quả kinh doanh. Nếu được mùa, giá giảm do quy luật cung cầu, nếu mất mùa, giá tăng nhưng nông dân cũng không được lợi do sản lượng thấp.

2.1.2. Vai trò của nông nghiệp

Cung cấp lương thực, thực phẩm

Đây là vai trò cơ bản, quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo an ninh lương thực là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu ở tất cả các quốc gia, là tiền đề tạo nên sự ổn định, đảm bảo an toàn cho phát triển kinh tế. Nếu như việc nhập khẩu các yếu tố sản xuất đầu vào như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu làm tăng

vốn sản xuất thì việc nhập khẩu lương thực, thực phẩm tiêu dùng không làm tăng vốn sản xuất cho nền kinh tế. Do vậy không chỉ các nước đang phát triển với ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, mà cả các nước công nghiệp phát triền đều coi trọng sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước.

Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp

Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là một “bài toán khó” ở nhiều nước đang phát triển. Sản xuất nông nghiệp góp phần cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển của các ngành này.

Thúc đẩy xuất khẩu

Sản xuất nông nghiệp ngày nay không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Đối với các nước đang phát triển, xuất khẩu nông sản được coi là nguồn hàng hóa chính để phát triển ngoại thương giai đoạn đầu hội nhập, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ công nghiệp hóa.

Góp phần tích lũy cho nền kinh tế: Thông qua hai dạng:

Dạng trực tiếp: Bổ sung cho ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế như thuế đất nông nghiệp, thuế xuất khẩu nông sản, thuế nhập khẩu tư liệu sản xuất nông nghiệp, thông qua ngân sách đầu tư, phân bổ để phát triển kinh tế.

Dạng gián tiếp: Với chính sách quản lý giá của nhà nước theo xu hướng là giá sản phẩm công nghiệp tăng nhanh hơn giá nông sản, tạo điều kiện cho gia tăng nhanh tích lũy công nghiệp từ “hy sinh” của nông nghiệp.

Tạo điều kiện cho thị trường nội địa phát triển

Nông nghiệp, nông thôn, nông dân tạo nên một thị trường rộng lớn cho sản phẩm trong nước. Việc phát triển nông nghiệp tạo nên cầu hàng hóa tư liệu sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc, trang thiết bị; việc tiêu dùng của nông dân, dân cư nông thôn tạo nên cầu lớn cho hàng hóa tiêu dùng như vải vóc, quần áo, đồ đạc, vật liệu xây dựng… Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp thông qua việc bán lương thực, thực phẩm và nông sản nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác.

Góp phần giải quyết vấn đề việc làm

Đối với các nước, địa phương mà phần lớn dân số tập trung ở nông thôn, công ăn việc làm thiếu ổn định thì nông nghiệp phát triển góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

2.1.3. Các nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp

Trong nền kinh tế thị trường, vốn là một yếu tố và là tiền đề cần thiết cho việc hình thành và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để biến những ý tưởng và kế hoạch kinh doanh thành hiện thực, nhà đầu tư cần phải có một lượng vốn nhằm hình thành nên những tài sản cần thiết. Như vậy, vốn là giá trị của tài sản được sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vốn trong nông nghiệp là giá trị của các tài sản được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Còn nguồn vốn là những nguồn hình thành các tài sản đó. Các nguồn vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp bao gồm:

Vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước

Vấn đề đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn luôn được Nhà nước quan tâm.

Trước hết cần khẳng định rằng vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Do đặc điểm của đầu tư trong nông nghiệp là khả năng thu hồi vốn chậm, kết quả sản xuất kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao nên các nhà đầu tư vẫn dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, vốn ngân sách đóng vai trò đi tiên phong, mở đường để thu hút các nguồn vốn khác. Vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đầu tư vào các công trình trồng rừng, các hỗ trợ tài chính khác như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài nhà nước, hộ nông dân...

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài nhà nước, hộ nông dân...

góp phần rất lớn và quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn này được đầu tư để phát triển sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua phân bón, giống mới... Hiện nay, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài nhà nước, hộ nông dân... được tập trung vào mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo mô hình trang trại với số vốn đầu tư tương đối lớn. Tiềm năng của nguồn vốn này là rất to lớn bởi vì nó phụ thuộc lớn vào thu nhập của các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài nhà nước, hộ nông dân.

Vốn đầu tư từ hệ thống ngân hàng

Ngoài vốn ngân sách, Nhà nước còn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn qua hệ thống ngân hàng như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng vì người nghèo, ngân hàng thương mại... theo phương thức cho vay không lãi hoặc lãi suất ưu đãi để bù giá vật tư nông nghiệp, giá bán nông sản hàng hoá cho nông dân. Các ngân hàng trên cho các hộ nông dân vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất nông

nghiệp, mua phân bón, mua giống, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, phục vụ cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, các ngân hàng này còn cho các doanh nghiệp vay để mua nông sản của các hộ nông dân với giá trần hợp lý, bù đắp một phần thua thiệt của họ khi giá nông sản trên thị trường xuống quá thấp.

Các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi trong các lĩnh vực trọng điểm hoặc các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích. Chênh lệch giữa lãi suất ưu đãi và lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại được ngân sách Nhà nước cấp bù- đó là vốn có nguồn gốc từ ngân sách. Đây là nguồn vốn đầu tư quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vốn đầu tư từ nước ngoài

Đối với các nước đang phát triển, để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo thì vấn đề nan giải ngay từ đầu là thiếu vốn. Nông nghiệp cũng là ngành nằm trong quy luật đó. Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình, nên vốn đầu tư từ trong nước còn rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển đất nước. Vì vậy, phải thu hút vả nguồn vốn nước ngoài tranh thủ nguồn vốn này nhất là trong điều kiện nền kinh tế hội nhập.

Nguồn vốn FDI thường tập trung vào trồng và chế biến cao su, cà phê, chè, mía đường, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp công nghiệp với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông, lâm, thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế... Nguồn vốn này có ý nghĩa quan trọng, nhờ công nghệ tiên tiến tạo ra nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài nguồn FDI còn có các nguồn vốn vay, viện trợ, hợp tác khoa học kỹ thuật của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế. Nguồn này chủ yếu tập trung vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường, sức khoẻ cộng đồng đặc biệt là sức khoẻ phụ nữ và trẻ em. Lợi thế của nguồn vốn vay ưu đãi là cho vay với lãi suất thấp (0- 2%), thời gian trả nợ dài (từ 30- 40 năm).

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(281 trang)