Một số kiến nghị

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng (Trang 214 - 218)

Chương 4 GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP

4.4. Một số kiến nghị

Một là, Quốc Hội cần nghiên cứu điều chỉnh một số ưu đãi về thuế dành cho nông nghiệp và các vùng có điều kiện phát triển nông nghiệp thành ngành sản xuất hàng hóa lớn.

Trong ngắn hạn, để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp của vùng ĐBSH so với các vùng khác cần phải tạo ra sự khác biệt ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp so với các ngành khác và các quốc gia trong khu vực.

Như đã phân tích ở những nội dung trước, chính sách ưu đãi thuế hiện hành đang thực hiện theo miễn giảm thuế và thuế suất ưu đãi. Tuy nhiên, thời gian miễn giảm thuế, Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thấp hơn các nước đang có sự cạnh tranh thu hút vốn FDI nông nghiệp như Lào, Thái Lan, Campuchia…; mức thuế suất ưu đãi cũng được đánh giá còn cao hơn mức bình quân của khu vực. Vì vậy, với vai trò là ngành ưu tiên hàng đầu thì Quốc Hội cần giảm mức thuế suất thuế TNDN và thuế TNCN áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ở mức ưu đãi nhất trong khung thuế suất hiện nay. Mức thuế suất thuế TNDN 10% và thuế TNCN 5% được coi là phù hợp bởi vẫn đảm bảo theo Luật Thuế hiện hành đồng thời cũng là mức thấp hơn so với mức bình quân của khu vực Đông Á- Thái Bình Dương hiện nay. Đồng thời, triển khai các ưu đãi về thuế như khấu trừ thuế, trợ cấp đầu tư bởi trong trường hợp này, thuế suất thuế TNDN trong doanh nghiệp được cào bằng với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác thì đây là công cụ hiệu quả để khuyến khích đầu tư nông nghiệp.

Trong dài hạn, Quốc Hội cần ban hành một cách đầy đủ, toàn diện các chính sách thuế để khuyến khích đầu tư nước ngoài dựa trên “hiệu quả” hay “kết quả thực hiện” của doanh nghiệp thay cho chủ yếu dựa trên “lợi nhuận” như hiện nay. Các chính sách đó là khấu trừ thuế, trợ cấp đầu tư…Khấu trừ thuế là các khoản khấu trừ theo tỷ lệ nhất định của khoản chi phí từ nghĩa vụ thuế. Trợ cấp đầu tư là khoản khấu trừ theo tỷ lệ nhất định của khoản chi phí từ lợi nhuận tính thuế (ngoài khấu hao).

Hai là, đưa yêu cầu về đánh giá tác động môi trường vào Luật Đầu tư và đảm bảo tính thống nhất giữa hai văn bản Luật là Luật Đầu tư và Luật Môi trường. Để từ đó, chính phủ sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cho việc phối hợp giữa hai đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy đăng kinh doanh để tránh việc cải cách nhằm phân tách nhiệm vụ và quản lý nhưng lại khiến doanh nghiệp phải “chạy” hai nơi để hoàn tất thủ tục trước khi đi vào đầu tư, gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp.

Ba là, cần xóa bỏ hạn điền và tăng thời gian sử dụng đất nông nghiệp nếu dự án hoạt động hiệu quả.

Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức đất nông nghiệp giao cho mỗi hộ về cơ bản là 2 ha (nhỏ hơn mức 3 ha đối với các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long) và hạn mức được chuyển nhượng là không quá 10 lần so với hạn mức được giao. Nhưng đây vẫn là hạn chế gây cản trở lớn trong việc tích tụ ruộng đất.

Vì vậy, Quốc Hội cần nghiên cứu sửa đổi điều khoản về hạn mức đất nông nghiệp và thời gian sử dụng đất theo hướng xóa bỏ hạn điền nhằm mục đích tích tụ đất đai qua đó giúp doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất quy mô lớn, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nhưng cũng có là điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ đất. Vì vậy, trước mắt chỉ nên xóa bỏ hạn điền trong nông nghiệp và phải có sự giám sát chặt chẽ để tránh trường hợp nhà đầu tư thực hiện tích tụ đất sau đó chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm đầu cơ đất và sử dụng không đúng mục đích.

Luật Đất đai 2013 có nới rộng thời gian sử dụng đất nông nghiệp lên 50 năm và 70 năm đối với đất thuộc các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, đất cho các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên, để việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả cần đưa ra các khoảng thời gian sử dụng đất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi hết thời gian sử dụng đất thì sẽ được tiếp tục nói rộng thời gian sử dụng.

4.4.2. Đối với Chính phủ

Để việc phát triển ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác theo vùng và để tăng cường thu hút vốn FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp nhằm tăng yếu tố vùng và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.

Một là, xây dựng các khu chuyên canh sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây là điều mà ĐBSCL đã làm rất tốt. Việc hình thành các khu chuyên môn hóa

như vậy sẽ tập trung được nguồn lực của các địa phương dựa trên thế mạnh của các địa phương và phát huy tối đa lợi thế so sánh.

Hai là, xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao với hai mũi nhọn, vừa vận dụng vào sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đây là hướng đi tất yếu bởi điều kiện hiện nay của vùng đất nông nghiệp đang có xu hướng thu hẹp, lao động nông nghiệp giảm dần, trong khi đó, đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng VA của vùng trong những năm qua là tương đối cao. Chứng tỏ đây là một hướng phát triển đúng đắn.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và môi trường sản xuất thông qua việc hoàn thiện các chính sách đầu tư theo hướng thống nhất, không xung đột giữa các quy định và các ưu đãi cho nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng tránh trường hợp doanh nghiệp trục lợi bất chính dựa trên các ưu đãi đó.

Bốn là, xây dựng chính sách ưu đãi về khấu hao nhanh hơn mức áp dụng với các doanh nghiệp khác từ đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn, nâng cấp tài sản và cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp FDI nông nghiệp.

Năm là, hoàn thiện tài chính về đất đai kích thích quá trình dồn điền, đổi thừa, tích tụ ruộng đất, tác động trực tiếp đến chủ sử dụng đất nông nghiệp

+ Áp dụng chính sách miễn thu tiền sử dụng đất đối với các diện tích đất được sử dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

+ Các địa phương cần có các chính sách đồng bộ như miễn thuế thu nhập, phí, lệ phí khi chuyển quyền đối với nông dân. Hiện nay, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 25% tính theo giá chênh lệch giữa giá chuyển nhượng trừ đi giá mua và chi phí; hoặc 2% giá chuyển nhượng nếu không xác định được giá mua và chi phí; và 0,5% lệ phí trước bạ. Cần điều chỉnh giảm mức thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bởi hiện tại mức này đang áp dụng chung như các bất động sản khác và còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.

+ Áp dụng chính sách thu thuế đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp có được do thừa kế nhằm tránh tình trạng đất đai lại tiếp tục bị chia nhỏ, manh mún trong khi luật qui định không đòi lại ruộng đất của người đã mất và cũng không chia cho người mới sinh ra.

+ Sửa đổi chính sách thu hồi đất sản xuất nông nghiệp theo hướng chặt chẽ để hạn chế tối đa việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác.

Kết luận chương 4

Trong chương 4, để hoàn thiện cơ sở đề xuất giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH, tác giả đã đi nghiên cứu bối cảnh quốc tế, trong nước có ảnh hưởng tới thu hút vốn FDI vào nông nghiệp vùng ĐBSH trong thời gian tới, chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng ĐBSH. Và, tác giả đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng ĐBSH. Dựa trên khung lý luận về thu hút FDI vào nông nghiệp vùng kinh tế và kinh nghiệm của quốc tế và trong nước được xây dựng, phân tích ở chương 2 và thực tiễn, nguyên nhân của những thành công và hạn chế thu hút FDI vào nông nghiệp của vùng ĐBSH, kết quả phân tích định lượng qua mô hình EFA, tác giả đã đề xuất sáu nhóm giải pháp bao gồm nhằm tăng cường thu hút vốn FDI vào nông nghiệp vùng trong thời gian tới tương ứng với các nhóm yếu tố ảnh hưởng tới thu hút FDI nông nghiệp của vùng được tác giả chỉ ra trong mô hình EFA.

Một là, xây dựng chiến lược dài hạn thu hút FDI nông nghiệp; thực hiện đồng bộ chính sách đầu tư tại vùng; rà soát và kiến nghị cơ quan thẩm quyền cấp trên về các chính sách đầu tư theo hướng tạo điều thuận lợi cho đầu tư vào nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Ba là, phát huy các lợi thế ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng.

Bốn là, đảm bảo chi phí sản xuất, kinh doanh của nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng cạnh tranh.

Năm là, hoàn thiện các hỗ trợ đầu tư nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng dành cho đầu tư trực tiếp nước ngoài

Sáu là, các giải pháp khác như tăng cường xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết các địa phương trong vùng, chống biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị hướng tới Quốc Hội và Chính phủ nhằm mục đích tăng sự quản lý ở phạm vị vùng và tạo môi trường đầu tư và môi trường sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư và bên nhận đầu tư.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng (Trang 214 - 218)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(281 trang)