Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG NGOÀI TRỜI CHO TRẺ MẪU GIÁO LỚN Ở CÁC TRƯỜNG MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ PHÚC YÊN, TỈNH VĨNH PHÚC
3.2. Một số biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống thông qua hoạt động ngoài trời cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở các trường mầm non trên địa bàn thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phúc
3.2.4. Bồi dưỡng năng lực giáo dục kĩ năng sống cho các chủ thể tham gia giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua hoạt động ngoài trời
3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp
Nhân lực là yếu tố quyết định thành công của mỗi hoạt động, bởi vậy việc bồi dưỡng nhận thức và phương pháp cho các chủ thể tham gia quá trình GD KNS là một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng.
Kết quả GD là sự phối kết hợp của các lực lượng GD: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Mỗi lực lượng đảm nhận một vai trò, không làm thay nhau và không có lực lượng đơn lẻ nào có thể tổ chức tốt các GD KNS, mà cần phải liên kết phối hợp lực lượng, binh chủng trong và ngoài nhà trường.
“Nhà trường là vầng trán của cộng đồng. Cộng đồng là trái tim của nhà trường”(UNESCO). Liên kết, phối hợp các lực lượng GD là tất yếu khách quan, nhằm huy động, phát huy tiềm năng to lớn về tinh thần, vật chất của cộng đồng xã hội để nâng cao hiệu quả GD KNS trong nhà trường.
3.2.4.2. Nội dung và cách thực hiện:
Để cho GD KNS có hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ GV. Thực tế hiện nay, năng lực tổ chức các GD KNS của GV còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu cao đặt ra, nhất là trong việc triển khai thực hiện chương trình mới về GD KNS. Vì vậy HT cần có biện pháp xây dựng năng lực đội ngũ CBQL và GV cho trước mắt và lâu dài.
Tổ chức bồi dưỡng cho các chủ thể tham gia GD KNS cần song song xây dựng năng lực. Để xây dựng các năng lực, tập trung vào các vấn đề sau:
- Năng lực kế hoạch hoá, kỹ năng thiết kế chương trình các GD KNS, gồm các năng lực: thu thập và xữ lý thông tin; xác định mục tiêu hoạt động; xây dựng, thiết kế và đạo diễn các loại chương trình, kế hoạch hoạt động; xây dựng các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện.
- Năng lực tổ chức gồm: Bố trí điều phối nhân lực, tổ chức bộ máy hoạt động; thiết lập cơ chế phối hợp; huy động tiếp nhận, phân bổ tài lực, vật lực.
- Năng lực chỉ đạo gồm: Hướng dẫn thực hiện, theo dõi hoạt động; phòng ngừa, uốn nắn sai lệch, điều chỉnh phù hợp; động viên khuyến khích tạo động lực cho hoạt động kịp thời.
- Năng lực kiểm tra, đánh giá gồm: Thu thập, chọn lọc, xử lý thông tin, đánh giá xếp loại, phát huy thành tích, uốn nắn xử lý sai lệch….
- Xây dựng một số năng lực đặc thù khác phù hợp cho GD KNS như: Sơ tuyển chọn, bố trí GV là những người có óc tổ chức, có tác phong làm việc khoa học, có tài hùng biện và năng khiếu sư phạm, khí chất vui nhộn; có khả năng diễn
đạt mạch lạc; có khả năng tham mưu tư vấn tốt; có đam mê yêu thích hoạt động phù hợp với tâm lý lứa tuổi; có tâm huyết, yêu quí trẻ, khoan dung độ lượng dễ gần; tận tâm, tận lực, gương mẫu có trách nhiệm, có sức khoẻ; có tính linh hoạt mềm dẻo, thích ứng với đa tình huống, đặc biệt có khả năng khơi dậy các năng lực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân trong lớp.
- Giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực của trẻ, giáo viên cần phải biết khai thác phát huy năng khiếu, tiềm năng sáng tạo ở mỗi trẻ. Vì mỗi đứa trẻ là một nhân vật đặc biệt, phải giáo dục trẻ như thế nào để trẻ cảm thấy thoải mái trong mọi tình huống của cuộc sống.
- Giáo viên cần thường xuyên tổ chức các họat động giáo dục chăm sóc giáo dục trẻ một cách thích hợp tuân theo một số quan điểm: Giúp trẻ phát triển đồng đều các lĩnh vực: thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm- xã hội và thẩm mỹ. Phát huy tính tích cực của trẻ, giúp trẻ hứng thú, chủ động khám phá tim tòi, biết vận dụng vốn kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các tinh huống khác nhau.
- Giáo viên cần giúp trẻ có được những mối liên kết mật thiết với những bạn khác trong lớp, trẻ biết chia sẻ chăm sóc, trẻ cần phải học về cách ứng xử, biết lắng nghe trình bày và diễn đạt được ý của mình khi vào trong các nhóm trẻ khác nhau, giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin khi tiếp nhận các thử thách mới.
Việc ảnh hưởng từ nhân cách và công việc quản lý, giáo dục của thầy cô giáo tác động rất lớn đến trẻ MGL trong trường MN. Quản lý GDKNS cho trẻ MGL đòi hỏi người quản lý và người hướng dẫn phải có nhiều kiến thức về tâm lý phát triển của trẻ MGL, phải có tâm huyết, tính kiên nhẫn, có sự lắng nghe tốt, có sự phối hợp với các lực lượng giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, có biện pháp, phương pháp quản lý, giáo dục và đặc biệt phải có được sự tin tưởng, yêu thương của các em.
Khác với hoạt động dạy - học trên lớp, GD KNS có đặc điểm phức tạp đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trong một số lĩnh vực hoạt động. GV là người tổ chức hoạt động, nhưng đôi khi năng lực còn hạn chế về một số lĩnh vực phải tổ chức hoạt động. Vì vậy để đảm bảo tính đa dạng, phong phú của nội dung và hình thức GD, nhà trường phải liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, các chủ thể tham gia GD KNS.
+ Phát huy vai trò của gia đình trong việc rèn luyện KNS: Trong gia đình mối quan hệ cha mẹ - con cái là quan hệ huyết thống cật ruột, là cha mẹ thì phải hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập. Ngược lại, phận làm con phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết hiếu thuận với cha mẹ. Cần tạo điều kiện để con cái biết ơn, thương yêu, gần gũi cả cha và mẹ. Thiếu cha hay thiếu mẹ đều là một sự thiệt thòi không thể bù đắp đối với trẻ, đặc biệt là trong việc hình thành nhân cách toàn diện của chúng. Thiếu cha, trẻ thấy thiếu sự tự tin, mạnh dạn. Thiếu mẹ, trẻ thấy cuộc sống khô khan, cô độc và thiếu tình mẫu tử, sự hiền từ, dịu dàng của người mẹ.
Đặc biệt là cha mẹ trẻ, một lực lượng đầy tiềm năng và có quan hệ chặt chẽ với nhà trường trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động GD. Đồng thời thông qua sự liên kết phối hợp đó, tạo nên sự thống nhất đồng thuận giữa các lực lượng xã hội, cộng đồng; huy động hỗ trợ nhà trường về nguồn lực, phương tiện, CSVC, tài chính để tổ chức tốt và đạt hiệu quả các GD KNS.
Sự phối hợp của cha mẹ MGL được thực hiện thông qua đại diện Hội Cha mẹ trẻ MGL nhà trường và ở từng chi hội lớp, tùy theo tính chất của từng hoạt động để yêu cầu Hội giúp đỡ, có thể là vật chất nhưng cũng có thể mời một số cha mẹ MGL có khả năng hoặc làm việc trong những lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù liên quan, tham gia tổ chức một số hoạt động nào đó.
Tùy theo chức năng hoạt động của các ban ngành, đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, cơ quan nơi cha mẹ MGL làm việc ở địa phương… Lãnh đạo nhà trường cần đặt vấn đề với các tổ chức ngoài nhà trường, hổ trợ tổ chức GD KNS, đặc biệt là các hoạt động như: hội trại, tham quan du lịch, GD phòng chống các tệ nạn xã hội, GD phòng chống dịch bệnh, GD an toàn giao thông, lao động công ích, hoạt động nhân đạo từ thiện…
Các đoàn thể xã hội: Có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; các đoàn thể xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng thành hoạt động thực tiễn sinh động trong cuộc sống của nhân dân.
Đối với đơn vị trường học, các tổ chức đoàn thể xã hội như Công đoàn, Chi đoàn, Đội thiếu niên,... thực hiện đúng vai trò chức năng của tổ chức mình đồng thời thông qua các hoạt động góp phần thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường:
tạo môi trường sinh hoạt, học tập sinh động, thuận lợi, thoải mái cho học sinh, giáo dục các em thông qua các hoạt động thực tiễn.
Ngoài ra, các bộ phận khác trong nhà trường cũng góp phần không nhỏ vào việc phối hợp tổ chức và nâng cao chất lượng GD như: bộ phận Thiết bị phải đảm bảo các điều kiện về máy móc và phương tiện kỹ thuật nghe nhìn cho hoạt động; Bộ phận phục vụ, bảo vệ, y tế học đường đảm trách trật tự an toàn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các hoạt động…