CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BỐ TRÍ, SẮP XẾP CÁN BỘ CÔNG CHỨC TẠI UBND HUYỆN EAH’LEO
2.6. Đánh giá công tác bố trí, sắp xếp CBCC tại UBND huyện EaH’leo
Cùng với việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức thì công tác chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ được UBND huyện quan tâm thực hiện hằng năm nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Sau công tác rà soát các đối tượng định kỳ chuyển đổi công tác thì công tác tư tưởng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND huyện quan tâm thực hiện, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác giữ vững lập trường, tư tưởng, an tâm công tác nên đã tạo được sự đồng thuận cao.
- Số lượng công chức điều động luân chuyển: 11 người, chia ra: Điều động 10 người, luân chuyển 01 người (Công chức lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện được luận chuyển về công tác tại xã).
- Số lượng viên chức được điều động, luân chuyển: 01 người (Điều động).
- Không có trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quá 02 nhiệm kỳ chưa được điều động, luân chuyển.
- Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Qua rà soát, trong năm 2015 các đối tượng đang làm việc trong các ngành, lĩnh vực thuộc danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 và Nghị định số
150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện chưa đến thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện trong năm 2016
2.6.2. Đánh giá chung về những ưu, nhược điểm công tác bố trí, sắp xếp CBCC
Ưu điểm
Trong những năm vừa qua công tác cán bộ đã có một số đổi mới về nội dung và cách làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (quy hoạch, đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ và thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý).
- Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, tập thể lãnh đạo, công chức UBND đã không ngừng cố gắng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các lĩnh vực chuyên môn thuộc UBND đều được đánh giá cao.
- Công tác bố trí, sắp xếp nhân lực được thực hiện công khai, công bằng trong việc bố trí chỗ làm việc và công việc làm, tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức làm việc đúng với trình độ chuyên môn của mình tại cơ quan, tránh tình trạng bố trí, sắp xếp không đúng với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm sẵn có của các cán bộ, công chức, bố trí các cán bộ, công chức vào những chỗ hợp lý để học có thể phát huy được những điểm mạnh của họ.
- Sự sắp xếp, bố trí nhân lực khá phù hợp, công việc được phân công với từng trình độ chuyên môn, độ tuổi, phù hợp giữa nam và nữ. Phân công cho những nhân viên mới tham gia những công việc năng động, sáng tạo, nhạy bén.
Những người có thâm niên dược giao những công việc cần nhiều kinh nghiệm và tính kiên trì.
- Bố trí, sắp xếp nhân lực tại UBND huyện EaH’Leo giúp cho UBND bố trí nhân lực đúng người đúng việc, những công việc cấp trên giao thực hiện một
cách nhanh chóng và có hiệu quả tốt hơn. Mọi cán bộ, công chức đều hoàn thành tốt những công việc được giao thể hiện được qua kết quả đánh giá công chức, viên chức, người lao động năm 2017: 35/116 công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 32,65%; 64/116công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 65,31%; 02/116 công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế, chiếm 2,04%.
Hạn chế, khuyết điểm
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở các xã, thị trấn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt thấp. Cán bộ, công chức chủ yếu vừa học vừa làm nên còn để công việc chi phối quá trình học tập, thời gian dành trọn vẹn cho việc học tập không nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng mặc dù đã có những cố gắng đổi mới nhưng vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với sử dụng, nhiều trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không bố trí công việc theo chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp, gây nên tâm lý thờ ơ với việc đào tạo. Nội dung và chất lượng đào tạo chưa cao, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thật phù hợp với từng đối tượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng chưa cao, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của cán bộ.
Nội dung và thời lượng khung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục thay đổi và cải cách nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu từng vị trí việc làm của cán bộ.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chưa được thực hiện đồng bộ,
mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn. Thêm vào đó là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hơn so với trước, song còn thấp và chưa phù hợp.
- Công tác luân chuyển giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít, khép kín, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, trì trệ, khép kín ít được thực hiện do chưa có quy định cụ thể. Việc lựa chọn chức danh luân chuyển trong một số trường hợp còn bất hợp lý, thậm chí còn trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ luân chuyển. Sự quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển từ nơi đi, nơi đến chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác. Về phía cán bộ luân chuyển, một số ít còn chậm tiếp cận với công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế.