CHƯƠNG 3. CÁC GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU VỐN CHO DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ DU LỊCH HUẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
3.4. Đề xuất, kiến nghị đối với Nhà nước và các cơ quan ban ngành
3.4.1. Chính sách hỗ trợ ngành Du lịch
Những năm vừa qua, du lịch tăng trưởng cao và liên tục, không ngừng mở rộng về quy mô, tính đa dạng và cải thiện chất lượng. Tuy nhiên, một số hạn chế còn bộc lộ như: tính tự phát còn cao, tính kế hoạch chủ động còn thấp; điều kiện tiếp cận điểm đến du lịch còn khó khăn, năng lực đón tiếp và phục vụ khách theo tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế. Nhằm cạnh tranh du lịch với các nước trong khu vực và thế giới, ngành Du lịch cần các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước bao gồm:
Nhà nước thực hiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Nguồn vốn đầu tư tập trung có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm đô thị du lịch quốc gia có tính trọng điểm; phát triển dịch vụ cao cấp đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày dành cho khách có thu nhập cao. Thu hút vốn ODA và FDI cho các dự án chi phí đầu tư lớn như cảng biển, cảng hàng không, khu giải trí tổng hợp, quần thể dịch vụ sức khỏe, thể thao cao cấp…
96
Nhà nước đẩy nhanh thực hiện chính sách tháo gỡ rào cản cho phát triển du lịch như tạo thuận lợi về thị thực nhập cảnh; áp dụng hình thức thị thực linh hoạt như thị thực tại của khẩu, thị thực chung, thị thực điện tử,…
Nhà nước tăng cường quản lý điểm đến du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch đảm bảo mục tiêu an toàn, thân thiện và hiếu khách. Nhà nước kết hợp cùng địa phương hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng du lịch, đảm bảo sức cạnh trạnh sản phẩm du lịch, đảm bảo thương hiệu du lịch. Thực hiện các biện pháp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành như kiểm soát chất lượng, chống phá giá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, chống nhái thương hiệu. Nhà nước thực hiện vai trò xúc tiến sự hợp tác liên ngành, liên vùng trong quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến, từng bước hình thành môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh.
3.4.2. Đối với các định chế tài chính – ngân hàng
Các DN du lịch với đặc điểm đầu tư tài sản cố định, cơ sở vật chất như khách sạn, khu du lịch, phương tiện vận chuyển, nên có nhu cầu vay dài hạn. Theo vòng đời ngành du lịch thì thời gian thu hồi vốn của dự án dài, tuy nhiên với tỉ suất lợi nhuận và hệ số an toàn cao. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ như: lãi suất ưu đãi và linh hoạt dựa trên đánh giá tính khả thi dự án, hệ số an toàn của tình hình tài chính DN.
Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cấp tín dụng cho các DN ngành du lịch đồng thời áp dụng các thủ tục vay vốn đơn giản, gọn nhẹ hơn tạo điều kiện cho các DN du lịch dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Thực hiện được điều này có thể làm giảm lãi suất vay nợ, góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh của các DN.
3.4.3. Ổn định kinh tế vĩ mô
Kết quả nghiên cứu chương 2 cho thấy GDP là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả tài chính DNDVDL Huế. Nền kinh tế phát triển nhanh, người dân gia tăng thu nhập, nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng do đó cũng tăng là cơ hội phát triển cho toàn ngành du lịch. Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, vai trò của nhà nước nói chung và chính phủ nói riêng vô cùng quan trọng. Việc ổn định
97
tăng trưởng kinh tế thị trường tiền tệ, tín dụng, giữ lãi suất vay ở mức hợp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn có chi phí hợp lý hơn.
3.4.4. Phát triển thị trường mua bán nợ
Thị trường mua bán nợ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu vốn DN, đặc biệt đối với DN đang đối diện nguy cơ phá sản. Phát triển thị trường mua bán nợ giúp khai thông dòng vốn, hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn. Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường mua bán nợ vẫn chưa phát triển đầy đủ, quy mô còn nhỏ.
Theo số liệu đến 2014, số lượng các đơn vị có tính chuyên nghiệp trong mua bán nợ xấu tại Việt Nam có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuộc Ngân hàng Nhà nước và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân (AMC) trực thuộc các NHTM. Do đó, trong thời gian qua thị trường mua bán nợ đa phần giải quyết nợ xấu cho các Ngân hàng và DN Nhà nước, DN vừa và nhỏ chưa có cơ hội tiếp cận thị trường này. Mặt khác, trình độ các chuyên gia tái cơ cấu vốn còn hạn chế nên các công ty mua bán nợ chưa tham gia vào ban quản trị DN và tái cấu trúc DN hiệu quả. Do đó, sự hỗ trợ của công ty mua bán nợ chỉ đang dừng lại mức làm sạch báo cáo tài chính tạm thời của DN. Nhằm thúc đẩy vai trò của thị trường mua bán nợ đối với công tác hỗ trợ tái cấu trúc DN tốt hơn, một số giải pháp được đưa ra như sau:
Thứ nhất, mở rộng quy mô vốn của DATC, VAMC, AMC để đáp ứng nhu cầu bán nợ xấu của các DN.
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường, định giá nợ trên giá thị trường và tạo cơ chế thuận lợi cho việc mua bán nợ.
Thứ ba, nâng cao trình độ chuyên môn của DATC để tham gia vào công tác quản trị DN nhằm tái cấu trúc hiệu quả DN, nhất là các DN có vốn Nhà nước.
98
Thứ tư, khuyến khích các tổ chức khác tham gia thị trường mua bán nợ để đáp ứng nhu cầu bán nợ của các DNVVN hoặc DN không có vốn Nhà nước.