Chương 1. TƯ DUY PHẢN BIỆN VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆC BỒI DƯỠNG TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO HỌC VIÊN ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHÍNH TRỊ
1.2. Thực chất của việc bồi dưỡng tư duy phản biện cho học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Chính trị .25 1. Tư duy phản biện của học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Chính trị
1.2.3. Những nhân tố tác động đến việc bồi dưỡng tư duy phản biện cho học viên đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Chính trị
Một là, bồi dưỡng TDPB cho học viên phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục ở Nhà trường.
Sự tồn tại và phát triển của con người luôn chịu sự tác động tổng hợp của các yếu tố tạo nên môi trường bao quanh nó. Tuy nhiên, ở từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, con người lại chịu sự tác động nhất định của điều kiện, môi trường ở từng lĩnh vực đó. Như C. Mác đã chỉ rõ: “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh sáng tạo ra con người đến mức đó” [19, tr.
55]. Chính vì vậy, bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV Trường ĐHCT theo đó cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục của Nhà trường. Tác giả Huỳnh Hữu Tuệ khẳng định: “Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư
37
duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đào tạo và học tập của môi trường giáo dục” [35].
Chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn là vấn đề trung tâm, có ý nghĩa quyết định đến quá trình bồi dưỡng TDPB của học viên. Nó có tác động đến quá trình hiện thực hoá hoạt động học tập, công tác của học viên, đồng thời tạo ra sự thôi thúc, khuyến khích họ tìm tòi, đổi mới phương pháp tư duy học tập, làm tiền đề bồi dưỡng năng lực tư duy, TDPB cho bản thân. Bởi vì: “trong nhà trường, điều chủ yếu không phải nhồi nhét cho học trò một mớ kiến thức hỗn loạn, tuy rằng kiến thức là cần thiết. Điều chủ yếu là giáo dục cho họ phương pháp suy nghĩ, phương pháp suy luận, phương pháp diễn tả, phương pháp nghiên cứu, phương pháp học tập, phương pháp giải quyết các vấn đề. Ở trường điều chủ yếu không phải là rèn trí nhớ, mà là rèn trí thông minh” [5, tr. 243].
Môi trường giáo dục của Nhà trường bao gồm chất lượng quản lý, môi trường sư phạm và việc bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho người học. Trong đó, môi trường sư phạm tập thể học viên cũng là yếu tố gần gũi tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển TDPB của họ. Ở đó, nổi bật là trình độ phát triển của tập thể, các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, cá nhân với tập thể, các biện pháp, phương pháp quản lý, tổ chức giáo dục… Môi trường sư phạm tập thể là nơi học viên tiến hành sự giao tiếp học hỏi, nhận được sự khích lệ cổ vũ lẫn nhau trên cơ sở tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội, tình thầy trò;
đồng thời, có tác động mạnh mẽ đến năng lực tư duy của họ. Vì vậy, môi trường sư phạm tập thể học viên được xây dựng lành mạnh, tích cực, trong đó các ý tưởng sáng tạo được ủng hộ, các lợi ích vật chất, tinh thần chính đáng được quan tâm, đáp ứng, sẽ là những điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển năng lực tư duy, TDPB cho học viên. Quá trình xây dựng môi trường giáo dục - đào tạo phải phù hợp với khả năng của học viên, với đặc điểm tâm lý, lứa tuổi và nhu cầu của họ, có nội dung hợp lý, hình thức phong phú và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo người giảng viên trong tương lai.
38
Hai là, bồi dưỡng TDPB cho học viên phụ thuộc vào trình độ, năng lực sư phạm và phương pháp dạy học của đội ngũ giảng viên Nhà trường.
Trình độ, năng lực sư phạm và phương pháp dạy học của giảng viên là nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp nhất đến chất lượng sản phẩm đào tạo - giảng viên KHXH&NV cấp phân đội sau này.
Sự phát triển nhân cách nói chung, cũng như sự phát triển tư duy nói riêng của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV tất yếu chịu sự tác động từ phía đội ngũ giảng viên tại trường. Đặc biệt, năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên sẽ góp phần hình thành và phát triển năng lực tư duy, TDPB cho học viên. Người giảng viên trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học và am hiểu thực tiễn sâu sắc sẽ là “chiếc cầu” để dẫn dắt người học đi đúng hướng trên con đường chiếm lĩnh tri thức của mình. Có thể kể đến các yếu tố thuộc về giảng viên tác động đến bồi dưỡng TDPB của học viên như: động cơ, trách nhiệm, tình cảm, lương tâm nghề nghiệp; trình độ đào tạo, vốn tri thức và tầm hiểu biết; mức độ nắm kiến thức chuyên môn; mức độ nắm và thực hành phương pháp dạy học; năng lực tổ chức, điều khiển hoạt động tư duy của học viên… Chức năng chính của người giảng viên trong hoạt động dạy là trang bị tri thức, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu, nội dung đào tạo. Mặt khác, giảng viên còn phải tác động tạo ra tính tích cực, chủ động trong hoạt động học của học viên, làm cho họ ý thức được đối tượng tri thức cần phải lĩnh hội và biết cách chiếm lĩnh chúng.
Với tư cách là chủ thể của quá trình sư phạm, trên cơ sở mục đích và nhiệm vụ giảng dạy, người giảng viên phải thiết kế, xây dựng nội dung phù hợp với đối tượng nhận thức. Hình thành phương pháp dạy học tích cực, khơi dậy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của người học trong quá trình học tập.
Chất lượng hoạt động dạy tác động tích cực đến hoạt động học và sự phát triển năng lực tư duy của người học viên trên nhiều mặt. Lượng tri thức truyền đạt cho học viên, phương pháp truyền thụ tri thức, kinh nghiệm cuộc sống của giảng viên là tổng hoà các yếu tố cùng tác động, nhằm thúc đẩy sự phát triển tư
39
duy và giúp họ vươn lên chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người cán bộ sĩ quan, người giảng viên KHXH&NV trong tương lai.
Ba là, bồi dưỡng TDPB cho học viên phụ thuộc vào tính tích cực, chủ động, sáng tạo của bản thân họ.
Như chúng ta đã rõ, kết quả hoạt động bồi dưỡng TDPB còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố chủ quan của học viên, hay nói cách khác là phụ thuộc vào sự chủ động và năng lực tư duy của họ. Đó chính là kết quả sự vận dụng những điều kiện khách quan vào quá trình nhận thức của người học viên trong quá trình đào tạo.
Trong những điều kiện, hoàn cảnh môi trường đào tạo nhất định, chất lượng đào tạo được quyết định bởi việc phát huy năng lực tư duy của bản thân người học. Với tư cách là chủ thể của hoạt động nhận thức, việc lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo của người học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV phải phát huy cao độ mọi khả năng của mình, huy động một cách tích cực các quá trình tâm sinh lý trong nhận thức, biết vận dụng các đặc trưng của hoạt động nhận thức góp phần nâng cao được chất lượng đào tạo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Thông qua định hướng của giảng viên, sự quản lý, tổ chức của người cán bộ quản lý thì thái độ, động cơ của học viên có vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận thức. Thái độ, động cơ của học viên được biểu hiện ở sự say mê, hứng thú và trách nhiệm cao trong quá trình học tập, nghiên cứu. V.I.
Lênin khi nói về vai trò của sự say mê trong học tập đã chỉ rõ: “Không có sự say mê thì xưa nay không có sự tìm tòi chân lý” [17, tr. 131]. Thật vậy, có sự say mê, hứng thú sẽ kích thích học viên ham muốn chiếm lĩnh tri thức, không thỏa mãn hay dừng lại trong học tập; đồng thời, tạo ra cho họ ý chí vươn lên, thi đua với bản thân mình và đồng đội. Do đó, người học viên cần phải tự tìm cho mình sự say mê, hứng thú trong học tập. Bởi lẽ, nếu thiếu đi sự say mê, hứng thú trong học tập sẽ dẫn đến tâm lý gượng ép và xác định động cơ, thái độ không đúng đắn, từ đó làm cho người học nảy sinh tư tưởng ngại học, ngại
40
nghiên cứu; đồng thời, khiến các phẩm chất tâm lý không được phát huy cao độ và chất lượng, hiệu quả học tập sẽ không cao.
Nhưng với sự say mê, hứng thú sẽ tạo cho học viên động lực học tập đúng đắn và huy động mọi phẩm chất tâm sinh lý để tiến hành hoạt động nhận thức đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, nó sẽ xây dựng niềm tin mãnh liệt cho việc huy động mọi khả năng của họ trong quá trình nhận thức, cũng như vận dụng tri thức vào trong hoạt động thực tiễn. Đây cũng là cơ sở, động lực để nâng cao chất lượng đào tạo và củng cố, phát triển tri thức của học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV tại trường. Vì vậy, có thể nói ý thức, thái độ học tập của học viên là một nhân tố tác động thường xuyên và quan trọng đến năng lực tư duy, TDPB của học viên.
Tóm lại, quá trình bồi dưỡng TDPB cho học viên đào tạo giảng viên KHXH&NV tại trường chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó mỗi nhóm nhân tố có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau.