Trao đổi về dạy học soạn thảo văn bản trong hoạt động và bằng hoạt động

Một phần của tài liệu Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo địnhhướng năng lực (Trang 152 - 155)

TỔ CHỨC THỰC HIỆN TẠI ĐỊA PHƯƠNG

C. Phản biện bộ câu hỏi của người khác

I. Trao đổi về dạy học soạn thảo văn bản trong hoạt động và bằng hoạt động

Dạy học soạn thảo văn bản, dạy học sử dụng một phần mềm cụ thể. Chúng tôi muốn nêu lên những quan điểm chung dưới đây để các thày cô quán triệt trong công việc lên lớp của quí thày cô.

- Quan điểm giáo dục kĩ thuật tổng hợp

Một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là chuẩn bị cho HS những kiến thức và kĩ năng cần thiết để cho họ có thể nhanh chóng tham gia vào các hoạt động sản xuất đa dạng trong xã hội hiện đại. Ngày nay bất kì một ngành hoạt động xã hội nào cũng sử dụng máy tính điện tử, mà chủ yếu là sử dụng phần mềm ứng dụng. Có nhiều phần mềm ứng dụng trong những ngành khác nhau.

Việc giáo dục kĩ thuật tổng hợp không đòi hỏi phải dạy cho HS tất cả các phần mềm, nhưng đòi hỏi phải dạy cho họ những thao tác cơ bản khi làm việc với một phần mềm cụ thể. Nắm được những thao tác cơ bản khi làm việc với một phần mềm, HS sẽ dễ dàng thích ứng được với phần mềm khác họ phải khai thác trong công việc của họ sau này.

Trong nhà trường phổ thông, chúng ta chỉ có thể dạy cho HS những thao tác đơn giản trên một vài phần mềm ứng dụng phổ biến. Những thao tác này được nhắc đi, nhắc lại ở những phần mềm khác nhau để HS thấy được sự giống nhau của một số thao tác chung cho những phần mềm. Ví dụ thao tác kích hoạt phần mềm. Nhận dạng những thành phần giống nhau của cửa sổ làm việc của mỗi phần mềm.

Mục đích của giáo dục kĩ thuật tổng hợp là để chuẩn bị cho HS có thể nhanh chóng tham gia vào những hoạt động sản xuất của xã hội ngày nay. Bởi vậy những đối tượng đề cập đến phải là những đối tượng được sử dụng rộng rãi.

Việc giáo dục kĩ thuật tổng hợp càng tỏ ra quan trọng trong điều kiện khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão hiện nay. Những ứng dụng của phần mềm vào thực tiễn không những tạo ra những phương pháp lao động mới dẫn tới năng suất công việc cao mà nhiều khi còn thay đổi cơ bản chức năng của con người trong các quá trình sản xuất.

- Quan điểm giáo dục phổ thông

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục toàn diện, cung cấp cho HS những kiến thức phổ thông cơ bản, có hệ thống để sau này tiếp tục học lên cao hoặc tự học. Như vậy khi dạy một phần mềm nào GV không chỉ rèn luyện ho HS những chức năng cụ thể mà còn phải chú ý đến tính khoa học, tính phổ biến, tính khái quát, tính hệ thống của vấn đề.

- Quan điểm cập nhật tính hiện đại

Tin học là ngành khoa học phát triển rất nhanh, những phần mềm nhanh chóng lạc hậu sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường vì đã có phiên bản mới. Những phần mềm mà chúng ta dạy cho HS trong nhà trường, nói chung là lạc hậu so với những phần mềm cùng chủng loại ngoài xã hội. Lí do là chúng ta phải theo chương trình và SGK.

Một lí do khác là phần mềm rất đắt và chúng ta tôn trọng bản quyền tác giả nên không dễ gì mà có phần mềm có tính năng cao để dạy cho HS phổ thông. Trong tình hình như vậy, khi dạy sử dụng phần mềm trong trường học, giáo viên có thể nói thêm cho HS tình hình

sử dụng phần mềm này ở ngoài xã hội, những phiên bản mới của phần mềm, những sản phẩm mới của phần mềm đã được các công ty chào hàng và đưa ra thị trường gần đây nhất.

2. Dạy soạn thảo văn bản trong hoạt động và bằng hoạt động.

2.1. Những hoạt động đặc thù trong dạy học soạn thảo văn bản

Để làm việc với phần mềm soạn thảo văn bản thì công việc đầu tiên là phải kích hoạt môi trường làm việc của phần mềm đó. Trong môi trường của phần mềm, những hoạt động mở tệp mới, mở tệp đã có, phóng to, thu nhỏ cửa sổ làm việc, đóng cửa sổ, ghi tệp lên đĩa với tên đã có hay tên mới. Làm việc với thanh công cụ, thanh menu, bảng chọn, thanh cuốn ngang, cuốn dọc, thanh trạng thái. Các hoạt động tìm kiếm thay thế, chèn, xoá, sao chép, cắt dán, gọi tệp từ đĩa vào bộ nhớ trong, làm việc đồng thời với nhiều cửa sổ, khôi phục lại trạng thái làm việc trước hay sau trạng thái hiện tại, . . . cần được quan tâm nhắc nhở HS để tận dụng mặt mạnh của máy tính điện tử khi làm việc trong môi trường soạn thảo nói riêng và điều đó cũng đúng trong của một phần mềm nào đó nói chung.

2.2.. Những hoạt động tin học phức hợp

Những hoạt động tin học phức hợp như chèn biểu tượng, hình ảnh, đối tượng vào văn bản trong soạn thảo, khi dạy những nội dung này, trước hết GV nêu tình huống dẫn đến những kiến thức cần phải học để giải quyết tình huống đó. Sau đó GV nên cụ thể hoá hoạt động thành các bước, sắp xếp theo một qui trình để HS tập luyện những thao tác theo trật tự được chỉ ra trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Những hoạt động này sẽ làm cho họ nắm vững những nội dung tin học và phát triển những kĩ năng và năng lực tin học tương ứng.

2.3. Hoạt động ngôn ngữ

Ngôn ngữ là phương tiện, là hình thức biểu đạt của tư duy. Ngôn ngữ cố định lại các kết quả của tư duy, nhờ đó làm khách quan hoá chúng cho người khác và cho cả bản thân chủ thể tư duy. Không có ngôn ngữ thì bản thân quá trình tư duy không diễn ra được, đồng thời các sản phẩm của tư duy cũng không thể sử dụng được.

Năng lực ngôn ngữ của con người gồm hai mặt là:

- Tiếp nhận, lĩnh hội (nghe, đọc) văn bản của người khác.

- Tạo lập, chế tác (nói, viết) ra văn bản của mình.

Hoạt động ngôn ngữ viết được rèn luyện khi ta cho HS thực hành soạn thảo văn bản.

Ta cho HS soạn giấy mời, đơn từ, thông báo, báo cáo, tường trình, v.v… tập trung vào những kiểu văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, lập luận, điều hành. Kĩ năng tạo lập các loại văn bản thông thường cũng rất cần cho HS, tạo lập những bộ phận cấu thành văn bản, rồi tạo lập văn bản chính, giúp HS làm chủ ngôn ngữ của họ để học tập trong nhà trường và giao tiếp đúng đắn, mạch lạc, tự nhiên, tự tin trong cuộc sống.

Văn hoá soạn thảo cần được quan tâm đúng mức trong quá trình thực hành soạn thảo văn bản.

Việc cho HS thực hành như trên là một mũi tên trúng hai đích.

(1) HS rèn luyện kỹ năng nhập văn bản, trình bày văn bản.

(2) HS học được văn phong của từng loại văn bản, biết cấu trúc, khuân mẫu, bố cục của từng loại văn bản.

3. Gợi động cơ cho HS

Tính tích cực nhận thức trong hoạt động học tập liên quan trước hết với động cơ học tập. Động cơ tạo ra hứng thú, hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tâm lí tạo nên tính tích cực. Tính tích cực sản sinh nếp tư duy độc lập. Tư duy độc lập là mầm mống của sáng tạo. Ngược lại, phong cách học tập tích cực độc lập sáng tạo sẽ phát triển tự giác, hứng thú, bồi dưỡng động cơ học tập.

Việc học tập tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo đòi hỏi HS phải có ý thức về những mục tiêu đặt ra và tạo được động lực bên trong thúc đẩy bản thân họ hoạt động để đạt các mục tiêu đó. Điều này được thực hiện trong dạy học không chỉ đơn giản bằng việc nêu rõ mục tiêu mà quan trọng hơn còn do gợi động cơ.

Gợi động cơ là làm cho HS có ý thức về ý nghĩa của những hoạt động và của đối tượng hoạt động. Gợi động cơ nhằm làm cho những mục tiêu sư phạm biến thành những mục tiêu của cá nhân HS.

3.1. Hướng tới sự tiện lợi, hợp lí hoá công việc

Phần mềm soạn thảo văn bản giúp cho sự tiện lợi, hợp lí hoá công việc hàng ngày của người dùng.

Việc tìm kiếm và thay thế trong soạn thảo văn bản giúp cho việc sửa chữa tiện lợi và hợp lí khi cần chỉnh sửa văn bản.

Việc định dạng văn bản có qui định riêng cho kí tự, dòng, đoạn là rất tiện lợi cho công việc trình bày văn bản theo qui chuẩn. .

3.2. Đáp ứng nhu cầu xoá bỏ một sự hạn chế

Việc dùng phông chữ Việt Nam để soạn thảo văn bản tiếng Việt đã xoá bỏ được sự hạn chế của chữ Việt không có dấu.

Chèn ảnh vào văn bản, tạo chữ nghệ thuật làm cho văn bản sinh động, tăng tính thẩm mỹ. Nếu không dùng chức năng chèn ảnh, tạo chữ nghệ thuật thì chúng ta không thể thực hiện được.

3.3. Hướng tới sự hoàn chỉnh và hệ thống

Việc gợi động cơ hướng tới sự hoàn chỉnh và hệ thống thường được dùng ở những tiết học ôn tập, hệ thống hoá một số khái niệm, nhóm công việc. Việc làm này giúp HS có ý thức tìm những mối liên hệ giữa những đối tượng mà chúng ta nêu ra, thấy vị trí của chúng trong nhóm kiến thức đã học. Đôi khi ở tiết học đầu tiên, ta cũng có thể thông báo trước cho HS sơ đồ kiến thức mà họ sẽ được học trong một số tiết tiếp theo để họ hình dung được hệ thống về một nhóm kiến thức mà họ sẽ bắt đầu và tiếp tục được học.

Những chức năng của hệ soạn thảo văn bản, trong một tiết ta không thể dạy nhiều chức năng cho HS. Sau một số tiết học, ta có thể hệ thống cho HS

4. Tổ chức tình huống dạy học

Dạy học soạn thảo theo tinh thần đặt HS vào tình huống có vấn đề, chúng ta cần tạo ra những tình huống công việc mà giải quyết nó đòi hỏi HS phải học những khái niệm nào, những phương pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ công việc. Từ đó mà những hoạt động cần tổ chức cho phù với tình huống đó, chọn những thao tác tương ứng với những công việc đã xây dựng cho phép xử lí tình huống đặt ra, cấu trúc các bước giải quyết vấn đề tối ưu theo phương pháp đã xây dựng. Giáo viên phải biết chọn tình huống công việc thích hợp xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày gần gũi với HS, cấu trúc lại công việc theo ý định chủ đạo của thày, gọt rũa, loại bỏ những thuộc tính không cần thiết, thu nhỏ kích thước công việc, tổ chức lại tình huống đó theo ý đồ sư phạm. Căn cứ mục tiêu tiết học, nội dung kiến thức liên quan, giáo viên cài đặt

những tri thức định dạy cho HS vào trong đó theo trình tự và nội dung cần dạy một cách logic, để họ chiếm lĩnh chúng một cách say mê, hào hứng thông qua hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo của họ.

4.1. Xây dựng một lôgic nội dung kiến thức.

Dạy HS những chức năng của phần mềm soạn thảo văn bản theo tinh thần tận dụng cái đã có, thêm, bớt, chỉnh sửa để có cái mới. Đầu tiên ta cho HS tạo một đối tượng hoàn chỉnh theo một yêu cầu nào đó, tiếp đến ta đặt vấn đề cần có một đối tượng mới có phần giống đối tượng đã có và có thêm phần khác để HS bổ sung, sửa lại cái đã có để được cái mới. Việc đặt vấn đề dẫn đến kiến thức mới phải tự nhiên, không bất ngờ, kiên cưỡng.

Tốt nhất là nó được phát sinh từ sản phẩm đã có.

4.2. Bốn giai đoạn

Khi dạy cho HS phương pháp thực hiện một công việc nào đó trong soạn thảo văn bản, chúng ta nên tiến hành theo bốn giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1. Nêu mục tiêu cần đạt được khi hoàn thành công việc để gợi động cơ học tập cho HS. Tiếp đến giáo viên làm mẫu cho HS quan sát để hướng đích cho các em.

Giai đoạn 2. Giáo viên chia công việc mình vừa thực hiện ra thành các bước theo một qui trình.

Giai đoạn 3. Giáo viên thực hiện lại công việc đó theo qui trình lần lượt qua các bước đã chỉ ra ở giai đoạn 2 cho HS nhận dạng.

Giai đoạn 4. Cho HS thể hiện phương pháp theo qui trình đã thiết lập ở giai đoạn 2 để hoàn thành công việc học tập.

Một phần của tài liệu Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo địnhhướng năng lực (Trang 152 - 155)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(233 trang)
w