Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1.2. Khái quát chung về giải quyết việc làm cho người khuyết tật
1.2.1. Khái niệm việc làm cho người khuyết tật
Việc làm theo cách hiểu đơn thuần là một hoặc tập hợp một số công việc mà người lao động tiến hành để có thu nhập nhằm thỏa mãn những nhu cầu của đời sống xã hội.
Bộ luật Lao động Việt Nam năm 2012 và Luật Việc làm năm 2013 quy định: “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm”. Việc làm có các dấu hiệu đặc trưng như sau:
Thứ nhất, việc làm là những hoạt động lao động10.
Đây là hoạt động thể hiện sự tác động của sức lao động vào tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động lao động chỉ là dấu hiệu của việc làm chứ không đồng nhất lao động với việc làm. Mọi người đều có hoạt động lao động nhưng không có nghĩa đều có việc làm. Yếu tố lao động trong việc làm khác với lao động thông thường ở chỗ nó phải có tính hệ thống, tính thường xuyên và tính nghề nghiệp. Vì vậy, người có việc làm thông thường phải là người thực hiện các hoạt động trong phạm vi nghề nhất định và trong thời gian tương đối ổn định.
Thứ hai, các hoạt động đó phải tạo ra thu nhập11.
Thu nhập ở đây được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là khoản thu nhập trực tiếp mà còn bao hàm cả khả năng tạo ra thu nhập.
Thứ ba, các hoạt động lao động phải hợp pháp.
Không phải mọi hoạt động lao động tạo ra thu nhập đều được coi là việc làm. Hoạt động lao động tạo ra thu nhập nhưng phải hợp pháp, phải được pháp luật thừa nhận hay không trái pháp luật mới được coi là việc làm. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán, quan niệm về đạo đức của từng nước
10 Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Lao động Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.187.
11 Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Lao động Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.188.
13
mà pháp luật có sự quy định khác nhau trong việc xác định tính hợp pháp của các hoạt động lao động được coi là việc làm. Dấu hiệu này đã thể hiện đặc trưng pháp lý của việc làm. Đặc biệt, đối với nhà nước pháp quyền thì đây là một trong các dấu hiệu không thể thiếu trong khái niệm về việc làm.
Ở Việt Nam, tuy chưa có định nghĩa riêng về việc làm cho người khuyết tật song trên cơ sở nghiên cứu khoa học cũng có định nghĩa như sau:
“Việc làm cho người khuyết tật được hiểu là các hoạt động lao động của người khuyết tật tạo ra thu nhập, hợp pháp và phù hợp với người khuyết tật”.
Từ định nghĩa này cho thấy việc làm cho người khuyết tật cũng đảm bảo các dấu hiệu của việc làm nói chung song bên cạnh đó, với đối tượng lao động đặc thù này, việc làm cho người khuyết tật còn có thêm một số đặc điểm riêng:
Thứ nhất, việc làm cho người khuyết tật cần phải phù hợp với người khuyết tật, tức là phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Người khuyết tật là những người bị suy giảm về thể chất, trí tuệ, tâm thần hoặc giác quan được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho việc học tập, sinh hoạt, lao động gặp nhiều khó khăn; cản trở việc tìm kiếm và duy trì việc làm của người khuyết tật. Tuy nhiên, nếu họ được tạo điều kiện làm việc cần thiết và phù hợp, họ có thể tự vươn lên, làm việc và tự chủ cuộc sống. Vì vậy, khuyết tật không phải là lý do cản trở người khuyết tật có việc làm. Tuy nhiên, việc làm cho người khuyết tật cần phải phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật cũng như tình hình kinh tế, xã hội tại thời điểm đó.
Thông thường những người khuyết tật có cùng dạng tật có xu hướng tập trung lại để cùng làm một công việc nhất định. Những cơ sở việc làm có số đông là người khuyết tật thông thường do chủ của cơ sở đó là người khuyết tật hoặc đó là một nhóm người khuyết tật thành lập lên. Sự phù hợp với dạng tật và công việc mà người khuyết tật lựa chọn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo hứng thú cho người khuyết tật làm việc và duy trì việc làm cũng như đảm bảo tính hiệu quả của công việc. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên để người khuyết tật có việc làm là công việc phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của người khuyết tật.
14
Thứ hai, việc làm cho người khuyết tật phải bảo đảm sự công bằng trong tương quan với các đối tượng khác.
Xuất phát từ lý do người khuyết tật là lao động đặc thù, việc tìm kiếm công việc và duy trì việc làm với họ khó khăn hơn so với người không khuyết tật. Để họ có việc làm và duy trì được công việc, cần phải có sự hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý cho người khuyết tật. Những hỗ trợ đặc biệt nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng và đối xử bình đẳng giữa lao động khuyết tật với những lao động khác tại nơi làm việc không bị coi là phân biệt đối xử. Đó cũng không phải là sự ưu tiên mà chỉ là tạo điều kiện để người khuyết tật được bình đẳng ngang bằng với những lao động khác, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Sự công bằng cần được duy trì ở cả quá trình làm việc như từ lúc người khuyết tật tìm việc làm, tham gia tuyển dụng, làm việc và chấm dứt việc làm chứ không chỉ trong một giai đoạn.
Thứ ba, Nhà nước và cộng đồng có trách nhiệm trong vấn đề việc làm và bảo đảm việc làm cho người khuyết tật.
Người khuyết tật là một trong những đối tượng lao động đặc thù, cần phải có hỗ trợ từ phía Nhà nước và các chủ thể liên quan, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng đối với việc hỗ trợ cho người khuyết tật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này không có nghĩa tạo ra gánh nặng cho các đơn vị có sử dụng lao động là người khuyết tật.
Nhà nước với tư cách, vai trò là chủ thể quyền lực phải chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ, điều chỉnh này. Bản thân người khuyết tật cũng phải có những cố gắng nhất định và người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm hỗ trợ một phần. Trách nhiệm của các bên tạo ra thế kiềng ba chân vững chắc trong việc bảo đảm cơ hội làm việc của người khuyết tật. Trong đó, Nhà nước có vai trò chính trong việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, cộng đồng xã hội tham gia vào việc này ở các mức độ khác nhau và bản thân người khuyết tật phải nỗ lực cố gắng.
Như vậy, người khuyết tật mới có thể tìm được việc làm và duy trì việc làm nuôi sống bản thân trong bối cảnh thị trường lao động đang diễn ra sôi động, cạnh tranh gay gắt.
15