Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ KÊ BIÊN TÀI SẢN ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1.1. Một số vấn đề lý luận về kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án dân sự,
1.1.4. Vai trò của kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại
Kê biên tài sản là một trong sáu biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) là một trong bốn biện pháp của cơ quan thi hành án dân sự. Nên vai trò của kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án kinh doanh, thương mại không tách rời ra khỏi vai trò của cơ quan thi hành án dân sự trong hệ thống tư pháp, vai trò của cơ quan thi hành dân sự được thể hiện, phản ánh ở những khía cạnh sau:
Một là, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và khôi phục lại những quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ
Kê biên tài sản để bảo đảm thi hành bản án kinh doanh thương mại được áp dụng có mục đích đảm bảo cho hoạt động thi hành án dân sự đạt hiệu quả, thực hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, thể hiện sự tôn nghiêm, tôn trọng đối với phán quyết nhân danh Nhà nước của cơ quan Toà án. Thông qua hoạt động kê biên tài sản để thi hành án làm cho các phán quyết của Toà án được hiện thực hoá, các mối quan hệ xã hội bị xâm hại được khôi phục, trật tự pháp luật được bảo đảm; quyền, lợi ích hợp pháp được công nhận và bảo vệ trên thực tế thông qua sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước; tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và kê biên tài sản nói riêng góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị đất nước, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động thi hành án thi hành án dân sự nói riêng có một vai trò quan trọng trong hoạt động Nhà nước. Thông qua cơ quan thi hành án dân sự, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước, thể hiện quyền lực, ý chí của Nhà nước được trở hành hiện thực, đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật, quá trình giải quyết một vụ án chỉ kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời và đầy đủ. Nếu công tác thi hành án dân sự không được quan tâm và không có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tác động đến toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực nhà nước không được coi trọng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại. Thi hành án dân sự đạt hiệu quả sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần khôi phục lại những quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Ngược lại, một bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành trên thực tế cho thấy sự thiếu nghiêm minh của pháp luật, làm mất niềm tin của nhân dân với hệ thống pháp luật.
Hai là, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân
Thi hành án dân sự góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân đặc thù của thi hành án dân sự là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ động, phát huy trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án và sự chỉ đạo
của chính quyền địa phương, sự phối hợp các cơ quan tổ chức có liên quan và sự đồng tình của quần chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án không chỉ là hoạt động nghiệp vụ riêng của cơ quan thi hành án, chấp hành viên mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội và mọi thành viên trong cộng đồng. Thông qua công tác thi hành án, ý thức pháp luật được tuyên truyên và nâng cao nhận thức của người dân với pháp luật.
Ba là, thước đo tính hiệu quả của quá trình xét xử của Tòa án
Thi hành án là thước đo hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động tư pháp khác. Hoạt động điều tra, truy tố và xét xử diễn ra rất phức tạp và tốn kém, song những hoạt động đó có thể chỉ là con số không nếu như Bản án, Quyết định của Tòa án không được đưa ra thi hành trên thực tế. Với ý nghĩa đó, thi hành án dân sự là một hoạt động không thể thiếu được trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thông qua thi hành án, kết quả của công tác xét xử được củng cố, hiệu lực các bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo. Mặt khác, thi hành án dân sự còn là giai đoạn kiểm nghiệm qua thực tiễn những phán quyết của Tòa án, phản ánh, trung thực chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử. Vì nếu như bản án tuyên đúng với bản chất, hiện thực khách quan, có lý, có tình thì trong quá trình thi hành án sẽ thuận lợi hơn những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không đúng sự thật, không phù hợp với thực tế khách quan. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc đương sự không tự nguyện thi hành hoặc gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi không phải vì cơ quan thi hành án làm sai mà vì không đồng tình với quyết định của Tòa án nên cố tình trì hoãn việc thi hành án.
Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động thực thi phán quyết của Tòa án liên quan đến các vấn đề về tài sản và nhân thân, trong các bản án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình...có thể nói hoạt động thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng. Để bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, đi vào đời sống dân sự một cách hiệu quả nhất thì công tác thi hành án dân sự đóng vai trò rất quan trọng.