Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ KÊ BIÊN TÀI SẢN ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐIỆN BIÊN
2.2. Thực thi pháp luật về kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại từ thực tiễn tỉnh Điện Biên
2.2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ Bắc và 102o10’ – 103o36’ kinh độ Đông. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung hơn 455 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội với tần suất bay bình quân ngày 02 chuyến. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 130 xã, phường, thị trấn (trong số đó có 29 xã biên giới); dân số gần 55 vạn người, gồm 19 dân tộc anh em. Trên tuyến biên giới Việt – Lào, ngoài 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú. Đặc biệt, cửa khẩu Tây Trang từ lâu đã là
cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước, được Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào thỏa thuận nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu đang được xây dựng. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Mianma.
Do ảnh hưởng của các hoạt động kiến tạo nên địa hình của Điện Biên rất phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1.085m, 1.162 m và 1.856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m. Ở phía Tây có các điểm cao 1.127m, 1.649m, 1.860m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc. Trong đó, đáng kể có thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150km2, là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh và toàn vùng Tây Bắc. Núi bị bào mòn mạnh tạo nên những cao nguyên khá rộng như cao nguyên A Pa Chải (huyện Mường Nhé), cao nguyên Tả Phình (huyện Tủa Chùa). Ngoài ra còn có các dạng địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi, nón phóng vật, sườn tích, hang động castơ,... phân bố rộng khắp trên địa bàn, nhưng diện tích nhỏ.
Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em (Thái; Mông;
Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên. Theo kết quả điều tra sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2015, dân trung bình tỉnh Điện Biên 547.785 người, trong đó: nam 273.931; nữ có 273.854 người; dân số sống tại thành thị đạt 82.691 người; Dân số sống tại nông thôn đạt 465.094 người. Tỉnh Điện Biên gồm 1 thành phố Điện Biên phủ, 1 thị xã Mường Lay và 8 huyện gồm: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà,
Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ. Hiện tỉnh Điện Biên có 130 đơn vị cấp xã gồm 9 phường, 5 thị trấn và 116 xã.
Trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen, năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán; vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng cao. Cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá. Các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,11%, riêng các huyện nghèo thuộc diện 30a giảm 4,57% so với năm trước, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm còn 33,97%. Thực hiện an sinh xã hội, ổn định biên giới, tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng Bộ Công an triển khai quyết liệt chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho 1.527 hộ nghèo ở huyện Mường Nhé. Quốc phòng an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng...
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðó là chuyển dịch cơ cấu còn chậm, chưa vững chắc; một số chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp, văn hóa, xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh còn cao, nhất là khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ và một số huyện còn nhiều vi phạm. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án trọng điểm chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu... Cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao. Chất lượng giáo dục ở một số vùng khó khăn, biên giới chậm được cải thiện. Các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, hiệu quả cai nghiện ma túy thấp. Công tác nắm tình hình địa bàn, thông tin báo cáo, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Ðiện Biên có vị trí địa lý không thuận lợi; xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng thấp kém. Diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tỉnh lại cách xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đường bộ dù đã cải thiện vẫn chưa thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, trong khi nguồn lực đầu tư phát triển hạn hẹp, ngân sách của tỉnh phụ thuộc rất lớn vào Trung ương nên việc đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu kinh tế, hạ tầng rất khó khăn;
việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp ở một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu có mặt hạn chế; chưa chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao…