Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ KÊ BIÊN TÀI SẢN ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
1.2. Nội dung pháp luật về kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại
1.2.3. Trình tự, thủ tục kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án dân sự, kinh doanh, thương mại
Có thể chia trình tự, thủ tục kê biên, xử lý tài sản để thi hành án thành các giai đoạn sau:
1.2.3.1. Giai đoạn trước khi kê biên
Đây là giai đoạn rất quan trọng, làm tiền đề cho việc kê biên tài sản thành công hay không. Sau khi tiến hành các thủ tục thông báo các nội dung thi hành án cho đương sự, giải thích, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành
án, chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của đương sự bao gồm các nội dung như về nhân thân (quan hệ gia đình, trình độ nhận thức, thái độ, thuộc diện gia đình chính sách hay không, thành viên của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội…đối với cá nhân hoặc về loại hình, cơ cấu của tổ chức, số lượng thành viên, quan điểm, thái độ của người đứng đầu tổ chức…); xác minh nguồn thu nhập, loại tài sản (động sản, bất động sản), giá trị của tài sản, thuộc sở hữu riêng, sở hữu chung, tình trạng tài sản… tùy thuộc vào đối tượng tài sản và người phải thi hành án là cá nhân hay tổ chức để lựa chọn phương pháp xác minh phù hợp đạt hiệu quả. (Ví dụ: xác minh nguồn thu nhập, tài sản của cá nhân thì tiến hành xác minh tại nơi người phải thi hành án sinh sống, có đăng ký hộ khẩu, nơi sản xuất…; đối với tổ chức thì tiến hành xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng nơi tổ chức mở tài khoản hoặc trực tiếp kiểm tra sổ sách, chứng từ… của tổ chức phải thi hành án; tài sản là bất động sản thì xác minh tại cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…). Ngoài những nội dung trên, chấp hành viên cần xác minh các điều kiện tự nhiên như địa hình, giao thông và tình hình xã hội, an ninh tại nơi có tài sản dự kiến kê biên; các mối quan hệ, quan điểm, dự luận xã hội nơi dự kiến kê biên tài sản đối với vụ việc đang giải quyết để dự kiến những tình huống có thể xảy ra khi kê biên và phương án giải quyết phù hợp.
Căn cứ nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án theo nội dung bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án và kết quả xác minh để chấp hành viên ban hành quyết định kê biên tài sản phù hợp, đảm bảo đủ thực hiện nghĩa vụ thi hành án và các chi phí phát sinh. Tùy vào loại tài sản kê biên, thái độ của người phải thi hành án và tình hình tại địa điểm kê biên để chấp hành viên lựa chọn kê biên tài sản có hay không có huy động lực lượng.
Trường hợp có huy động lực lượng thì chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế đảm bảo đủ các nội dung cơ bản gồm tên người bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản; đối tượng tài sản bị kê biên (loại tài sản, số lượng, tình trạng tài sản…); thời gian, địa điểm kê biên; phương án tiến hành kê biên; yêu cầu về lực lượng phối hợp tham gia, lực lượng bảo vệ kê biên, phân công nhiệm vụ; dự kiến các tình huống và phương án xử lý; dự trù chi phí cưỡng chế… Sau khi lập kế hoạch cưỡng chế, chấp hành viên trình thủ trưởng đơn vị
phê duyệt và phải gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan công an để lập kế hoạch bảo vệ buổi kê biên (nếu có huy động lực lượng bảo vệ).
Trong thời hạn pháp luật quy định, chấp hành viên phải tiến hành các thủ tục thông báo việc kê biên tài sản cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các cơ quan hữu quan có liên quan biết. Hình thức thông báo được thực hiện trực tiếp, nếu không thông báo được trực tiếp thì tùy tình hình thực tế và có căn cứ cho thấy không thể thông báo trực tiếp thì tiến hành thông báo theo các thứ tự ưu tiên như thông báo thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà pháp luật quy định; niêm yết công khai tại địa điểm kê biên, nơi người phải thi hành án sinh sống, đăng ký hộ khẩu, trụ sở đối với tổ chức;
thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, truyền hình và chỉ thực hiện khi đương sự có yêu cầu hoặc các trường hợp pháp luật có quy định.
1.2.3.2. Giai đoạn thực hiện việc kê biên tài sản
Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự chủ động, sáng tạo của chấp hành viên trong tổ chức thi hành án, pháp luật về thi hành án dân sự chỉ quy định những nội dung cơ bản như về lực lượng phải tham gia, vai trò, nhiệm vụ của chấp hành viên chủ trì, phối hợp của chính quyền, cơ quan, tổ chức và thủ tục bắt buộc xử lý một số tình huống hoặc tùy đối tượng tài sản kê biên mà không quy định cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục kê biên; tùy tình hình thực tế, nội dung vụ việc, diễn biến tại nơi kê biên để chấp hành viên lựa chọn các biện pháp, giải pháp phù hợp như quyết định tiếp tục kê biên hay dừng buổi kê biên, thay đổi phương án, tài sản kê biên… để đảm bảo việc kê biên đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chính xác về số lượng, chất lượng, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của đương sự, người có liên quan… Tóm lại, trên cơ sở các quy định pháp luật và căn cứ tình hình thực tế để chấp hành viên chủ trì điều hành toàn bộ buổi kê biên từ khi công bố quyết định cưỡng chế cho đến khi kết thúc đạt hiệu quả.
1.2.3.3. Giai đoạn xử lý tài sản kê biên
Sau khi kê biên tài sản, tùy vào loại tài sản kê biên và tình hình thực tế để chấp hành viên lựa chọn bảo quản tài sản kê biên tại kho cơ quan thi hành án hay giao cho đương sự, người có liên quan hoặc cá nhân, tổ chức khác bảo
quản, quản lý, sử dụng. Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về các quyền thỏa thuận giá, thỏa thuận tổ chức thẩm định giá trong thời hạn luật định và đảm bảo các quyền thỏa thuận của đương sự; trường hợp các đương sự không thỏa thuận được hoặc tổ chức do đương sự thỏa thuận không đồng ý định giá thì chấp hành viên quyết định giá (sau khi tham khảo ý kiến hay mời cá nhân, tổ chức có chuyên môn tham gia định giá nếu xét thấy cần thiết) hoặc tổ chức thẩm định giá theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào loại tài sản kê biên.
Sau khi có kết quả định giá tài sản kê biên, chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có liên quan biết và đảm bảo cho họ quyền yêu cầu định giá lại tài sản, quyền thỏa thuận tổ chức bán đấu giá theo thủ tục và trong thời hạn luật định. Nếu không có yêu cầu định giá lại hoặc thỏa thuận tổ chức bán đấu giá thì chấp hành viên trực tiếp bán đấu giá hoặc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức bán đấu giá theo quy định tùy vào loại tài sản kê biên. Đối với việc kê biên cả tài sản chung của người phải thi hành án với người khác thì chấp hành viên phải đảm bảo quyền ưu tiên mua tài sản chung đối với người đó trong thời hạn do luật định tùy thuộc vào các lần bán đấu giá. Trường hợp bán đấu giá tài sản lần đầu mà không có người đăng ký, tham gia đấu giá, trả giá chấp hành viên cho đương sự quyền thỏa thuận mức giảm giá để tiếp tục bán đấu giá, từ lần bán đấu giá lần hai trở đi nếu không bán đấu giá được thì chấp hành viên quyết định mức giảm giá đồng thời từ lần bán đấu giá thứ ba về sau người được thi hành án được quyền nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, giai đoạn xử lý tài sản sau khi kê biên là giai đoạn chấp hành viên phải tiến hành nhiều thủ tục như thỏa thuận giá, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản cấn trừ vào tiền được thi hành án… nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và người có liên quan. So với quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 đã có nhiều quy định mới, một mặt để đảm bảo quyền lợi của đương sự, người có liên quan, người mua trúng đấu giá tài sản kê biên, mặt khác đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn các trình tự thủ tục chấp hành viên phải tiến hành, rút ngắn thời gian và loại bỏ nhiều thủ tục bất hợp lý không cần thiết để việc thi hành án đạt hiệu quả [34].
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có tính nghiêm khắc nhất trong các biện pháp cưỡng chế. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự đã tước bỏ hẳn quyền tự định đoạt tài sản của đương sự là người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo quyết định của bản án, quyết định của Tòa án.
Các trình tự, thủ tục để thực hiện biện pháp nghiệp vụ này đòi hỏi chấp hành không chỉ năm vững những quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, mà còn phải hiểu những quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác như nhà đất, xây dựng, sở hữu trí tuệ, ngân hàng… để phục vụ quá trình tác nghiệp của mình. Bên cạnh đó, chấp hành viên còn phải nắm vững các nghiệp vụ khác như xác minh điều kiện thi hành án, thông báo về thi hành án cho đương sự… nhằm phục vụ một cách đắc lực cho quá trình thực hiện kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản đạt hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.
Chương 2