Chức năng của pháp luật về thương nhân ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Chế định thương nhân ở Việt Nam (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THƯƠNG NHÂN

1.3 Điều chỉnh của pháp luật về thương nhân

1.3.2 Chức năng của pháp luật về thương nhân ở Việt Nam

Pháp luật về thương nhân ra đời và phát triển là một hệ quả tất yếu của quá trình hoạt động kinh doanh thương mại. Các giao dịch thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp thì yêu cầu điều chỉnh của pháp luật càng trở lên cấp thiết hơn. Chính bởi vậy, mà các quy định của pháp luật về thương nhân cơ bản phải chứa đựng những chức năng sau:

- Trước tiên, pháp luật về thương nhân đóng vai rò là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất quy định về tư cách chủ thể của các loại hình thương nhân – chủ thể chính của pháp luật thương mại. Việc xác định tư cách thương nhân cho một chủ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng vì mỗi loại chủ thể lại chịu sự điều chỉnh của các quy chế khác nhau vì chúng hàm chứa trong mình những

16

đặc đặc điểm tương đối khác nhau. Xác nhận địa vị pháp lý, tư cách của thương nhân trên thương trường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương nhân cũng như những người có quan hệ kinh doanh đối với họ. Trên cơ sở các quy định pháp luật, thương nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để tiến hành các giao dịch thương mại với thương nhân cũng như với tổ chức và cá nhân khác trong và ngoài nước.

- Các chủ thể tham gia vào các hoạt động thương mại dựa trên nguyên tắc tự do, bình đẳng và độc lập nhưng luôn phải dưới dự chỉ đạo và quản lý chung của Nhà nước. Nhà nước thực hiện việc kiểm soát đối với hoạt động của các thương nhân cũng như diễn biến của nền kinh tế nói chung thông qua các quy định pháp luật về thương nhân. Trên cơ sở nắm bắt các thông tin về nhu cầu và hoạt động thực trạng của thương nhân trong từng thời kỳ, Nhà nước hoạch định, điều chỉnh hay thay đổi các chính sách thích ứng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của mình.

- Các quy định pháp luật về thương nhân còn là cơ sở cho thương nhân thực hiện các dự định hoặc kế hoạch. Pháp luật đưa ra những nguyên tắc hoạt động nhất định như trung thực, thiện chí tạo niềm tin cho các chủ thể trong quá trình hoạt động kinh doanh thương mại. Trong tình hình nền kinh tế hiện nay, các hoạt động diễn ra sôi động, một thương nhân phải suy nghĩ và thay đổi chiến lược kinh doanh không ngừng để bắt kịp được xu thế cũng như tận dụng được thời gian, trí lực, thể lực. Việc tính toán trước những kế hoạch hoạt động trong tương lai phải dựa trên sự tin tưởng vào pháp luật, tin tưởng vào các quy định của pháp luật thương mại bảo đảm cho các dự định kinh doanh trở thành hiện thực hay nói đúng hơn là tạo ra các khả năng để thương nhân có thể hoạch định các công việc của mình. Vì thế, các nguyên tắc như trung thực, thiện chí trong hoạt động kinh doanh được luật thương mại rất đề cao.

- Các quy định pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về thương nhân nói riêng còn là tiền đề cho sự phát triển thị trường hàng hoá và dịch vụ

17

pháp luật về thương mại; mở rộng giao lưu thương mại với nước ngoài. Chính các quy định pháp luật về thương nhân là điều kiện để thương nhân tiến hành các hoạt động thương mại của mình phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Qua đó, tạo ra môi trường bình đẳng cho hoạt động của thương nhân, thương nhân được cạnh tranh hợp pháp trong hoạt động thương mại và nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường, bán phá giá để cạnh tranh, dèm pha thương nhân khác, đe doạ nhân viên hoặc khách hàng của thương nhân khác, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chính điều này đã có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế. Bởi lẽ, các hoạt động thương mại của thương nhân trên thị trường là nhằm mục đích phục vụ các nhu cầu trực tiếp của xã hội.

- Như chúng ta đã biết khi xây dựng pháp luật thương mại người ta thường dựa vào hai mảng vấn đề lớn: hoặc là chủ thể, coi luật thương mại là luật riêng của thương nhân như cách làm của Bộ luật Thương mại Đức ban hành năm 1897 tập trung các quy định vào thương nhân; hoặc là theo khách thể, coi luật thương mại là luật điều chỉnh hành vi mang tính thương mại như cách làm của Bộ luật Thương mại Pháp ban hành năm 1807 tập trung các quy định vào hành vi thương mại. Song thực tiễn phát triển pháp luật thương mại đã chứng minh rằng cả hai phương pháp trên đều hàm chứa cả vấn đề chủ thể lẫn vấn đề khách thể. Bởi, thương nhân là chủ thể chính thực hiện các hành vi thương mại. Do đó, khi xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về thương nhân cũng là điều kiện tiền đề cho các hành vi thương mại được hiện thực hoá trên thương trường.

Nói tóm lại, pháp luật về thương nhân đang ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển của thương mại nói riêng và của đất nước nói chung. Bởi lẽ, với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, thương nhân là người trực tiếp tiến hành các

18

hoạt động thương mại với nhiều mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa các mảng của quan hệ kinh doanh đa dạng, phức tạp, phần nào chịu sự điều tiết của các ngành luật khác là một vấn đề rất phức tạp. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện về thương nhân sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường thương mại.

Một phần của tài liệu Chế định thương nhân ở Việt Nam (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)