Thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân

Một phần của tài liệu Chế định thương nhân ở Việt Nam (Trang 29 - 37)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THƯƠNG NHÂN

1.4 Phân loại thương nhân

1.4.2 Thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân

Từ thời kì khai nguyên, các cá nhân đều thực hiện hoạt động kinh doanh một cách đơn lẻ. Bởi vậy, thương gia thể nhân chính là hình thức chủ thể đầu tiên thực hiện các hành vi thương mại cũng như tham gia vào các quan hệ thương mại. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có những cách gọi khác nhau về thương nhân thể nhân. Theo Pháp luật Anh Quốc thương nhân thể nhân được gọi là “Sole trader”, pháp luật Hoa Kỳ gọi là “Sole propriertorship” [39]. Trong khi đó, thương nhân thể nhân trong pháp luật Việt Nam có thể được hiểu là “cá nhân kinh doanh”.

Thương nhân thể nhân là hình thức kinh doanh đơn giản và sơ khai nhất. Từ khi các quan hệ mua bán hàng hóa ra đời, những người trực tiếp thực hiện hoạt động mua và bán hàng hóa để kiếm lời được gọi là các “nhà buôn”,

“thương gia”. Những chủ thể này ban đầu chỉ thực hiện các hoạt động kinh doanh mua bán đơn thuần cho đến khi quan niệm về thương mại được mở rộng, hoạt động của các thương nhân cũng đa dạng hơn như các hành vi cung ứng dịch vụ, đầu tư, khuyến mại, quảng cáo... Tất cả các hành vi thương mại phục vụ cho việc kinh doanh của thương nhân thể nhân đều do thương nhân hoặc những người được thương nhân ủy quyền thực hiện, quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh do thương nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của chính bản thân mình.

24

Trong thực tế đời sống kinh tế hiện nay, thương nhân thể nhân vẫn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tất cả các quan hệ thương mại, hoạt động thương mại của cá nhân hay tổ chức đều có xuất phát điểm từ các mối quan hệ giữa các cá thể riêng biệt. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những quy định riêng về thương nhân thể nhân.

Do quan điểm về khái niệm để xác định thế nào là thương nhân khác nhau nên các yêu cầu và điều kiện để được công nhận là thương nhân thể nhân của các quốc gia cũng khác nhau.

Ở Pháp, quốc gia này có quan điểm xác định thương nhân theo bản chất hành vi mà chủ thể thực hiện. Như vậy, theo luật thương mại Pháp, một chủ thể để được xác định là thương nhân thể nhân ngoài việc đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực pháp luật và năng lực hành vi thì chủ thể cần đủ những điều kiện sau:

- Thực hiện các hành vi thương mại một cách thường xuyên và lấy chúng làm nghề nghiệp của mình;

- Tự thân mình thực hiện các hành vi thương mại, các hành vi thương mại được thực hiện dưới danh nghĩa và tài khoản của chính bản thân họ (điều này ngoại trừ người hoạt động thương mại dưới danh nghĩa và tài khoản của người khác như người làm công, người quản lý cửa hàng, cơ sở thương mại, người được ủy quyền...)

Ở Đức, Bộ luật Thương mại của Đức không định nghĩa cụ thể thế nào là một thương nhân và những trường hợp nào được coi là có tư cách thương nhân. Các thương nhân thể nhân nói chung được tự do hoạt động, ít bị ràng buộc bởi các quy định của quy chế thương nhân. Bộ luật về thương nhân của Cộng hoà Liên bang Đức cho rằng những thương nhân nhỏ là những thương nhân khuyết tư cách nên không bắt buộc phải thực hiện hết mọi nghĩa vụ của thương nhân như không phải đăng ký vào danh bạ thương mại, không phải có cửa hiệu riêng… nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật thương mại.[15]

25

Ở Hoa Kỳ, Bộ luật Thương mại Hoa Kỳ (UCC-1990) điều chỉnh vấn đề thương nhân theo bản chất hành vi thương mại do thương nhân thực hiện.

Theo đó, các cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự đều có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh tên họ hoặc tên gọi thương mại mà không cần làm thủ tục xin phép. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện được quy định trong luật, cá nhân muốn tham gia vào nền kinh tế Hoa Kỳ cần trang bị đầy đủ các điều kiện vật chất về vốn, tài sản... cũng như kiến thức về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để có thể tồn tại trong nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt đó.[16]

Ở Việt Nam, thương nhân thể nhân được xác định theo hình thức. Luật thương mại 2005 quy định “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Như vậy, quy định tiên quyết để được xác nhận tư cách thương nhân là các chủ thể cá nhân phải có đủ năng lực dân sự, tổ chức phải được tồn tại dưới dạng pháp nhân và tất cả các loại chủ thể đều phải có đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

1.4.2.2 Thương nhân pháp nhân

Pháp nhân

Trong hoạt động thương mại, ngoài các chủ thể là thương nhân thể nhân, còn có các loại tổ chức và thực thể khác.

Để các tổ chức tham gia vào các quan hệ pháp luật nói chung và các quan hệ thương mại nói riêng với tư cách là một chủ thể riêng biệt, pháp luật cần có những quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động thương mại của các loại chủ thể này. Từ đó, khái niệm thương nhân pháp nhân ra đời nhằm phân biệt với các thương nhân thể nhân là những cá nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Trước hết, thương nhân pháp nhân là một loại tổ chức có tư cách pháp nhân. Do đó, để hiểu thế nào là thương nhân pháp nhân, ta cần tìm hiểu khái niệm về pháp nhân và các vấn đề liên quan đến loại chủ thể được gọi là “pháp nhân”.

26

Pháp nhân là một tổ chức tồn tại độc lập với sự tồn tại của các thành viên tham gia. Pháp nhân được coi như một thực thể riêng biệt, có lĩnh vực hoạt động riêng, có ý chí riêng, không trùng hợp với ý chí và đời sống các thành viên trong pháp nhân đó. Pháp nhân được hình thành dựa trên ý chí của những người sáng lập. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, sự tồn tại và phát triển của pháp nhân không phụ thuộc vào sự thay đổi của các thành viên pháp nhân. Mỗi pháp nhân đều được coi như một chủ thể riêng biệt trong các quan hệ thương mại, nó có ý chí riêng, lĩnh vực hoạt động riêng do những người đứng đầu cùng thống nhất quyết định dựa trên ý chí chung của các thành viên mà không bị lệ thuộc vào ý chí riêng của bất kì thành viên cụ thể nào.

Pháp nhân là khái niệm ra đời sau cùng khi nền kinh tế tư bản phát triển. Mỗi quốc gia đều có rất nhiều quy định điều chỉnh về hoạt động của pháp nhân nhưng dường như chưa có quốc gia nào đưa ra một định nghĩa chính xác nhất thế nào là một pháp nhân. Nhìn chung, quan điểm cơ bản nhất được đưa ra để xác định tư cách pháp nhân của một chủ thể là dựa vào năng lực pháp luật và chế độ tài sản của chủ thể.

Việt Nam cũng theo xu thế chung của thế giới và đưa ra quy định về điều kiện để trở thành pháp nhân tại Điều 74 Bộ luật Dân Sự 2015. Theo đó, để được công nhận là pháp nhân, một tổ chức cần có đủ những điều kiện như sau:

- Pháp nhân là một tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Một tổchức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Mỗi loại pháp nhân đều có những quy định về điều kiện thành lập, hoạt động riêng... và chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về toàn bộ hoạt động của tổ chức mình.

- Pháp nhân có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tổ chức là một tập thể người được liên kết với nhau theo một hình thái nhất định phù hợp với chức năng, lĩnh vực hoạt động của loại hình tổ chức đó.

27

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến một tập thể người thành một thể thống nhất có khả năng thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập. Việc chọn lựa hình thức tổ chức như thế nào căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ của tổ chức đó, căn cứ vào cách thức góp vốn thành tài sản của tổ chức. Pháp nhân là một tổ chức độc lập xong vẫn chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức khách hoặc nhà nước. Sự độc lập của pháp nhân chỉ giới hạn trọng quan hệ dân sự, kinh tế, lao động với các chủ thể khác.

- Tổ chức khi là pháp nhân thì phải có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình. Để tham gia vào quan hệ tài sản với tư cách là một chủ thể độc lập thì pháp nhân phải có tài sản riêng của mình. Tài sản riêng của pháp nhân không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân mà còn có thể có tài sản của Nhà nước gia cho dưới hình thức Nhà nước đầu tư, góp vốn. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân - thành viên của tổ chức pháp nhân, độc lập với cơ quan cấp trên của tổ chức pháp nhân đó. Ngoài ra tài sản của pháp nhân thuộc quyền sở hữu của pháp nhân, do pháp nhân chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trong phạm vi nhiệm vụ, mục đích của pháp nhân được thể hiện dưới dạng vốn đầu tư, tư liệu sản xuất và một số loại tài sản khác. Pháp nhân có tài sản riêng thông qua việc góp vốn, việc hoạt động, kinh doanh, sản xuất...của pháp nhân.

Pháp nhân tham gia vào quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân như một chủ thể độc lập, khi xảy ra sự vi phạm thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm của pháp nhân thuộc dạng trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản riêng của pháp nhân.

- Tổ chức muốn trở thành pháp nhân thì phải nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể trở thành bị đơn hoặc nguyên đơn trước tòa. Với tư cách là chủ thể độc lập, pháp nhân có khả năng hưởng quyền cũng như chịu trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ do pháp luật quy định.

28

Các quốc gia trên thế giới nhìn chung có sự thống nhất tương đối trong việc xác định các dấu hiệu cơ bản cần có của một pháp nhân. Tuy nhiên những dấu hiệu trên là chưa hoàn toàn đầy đủ. Mỗi loại pháp nhân lại có những đặc điểm riêng biệt khác nhau. Và với một tổ chức có đầy đủ những điều kiện trên cũng chưa chắc chắn được coi là pháp nhân. Điều này được đặt ra trong trường hợp những thương nhân đặc biệt như công ty hợp danh. Các công ty này không được công nhận là pháp nhân ở Đức, Mỹ và Anh, nhưng lại được công nhận là pháp nhân ở Pháp, Nhật Bản. Tóm lại, những quy định, định nghĩa về pháp nhân trong các văn bản và tài liệu khoa học có lẽ vẫn chỉ mang tính chất tương đối và trừu tượng.

Thương nhân pháp nhân

Bên cạnh những quy định chưa thực sự rõ ràng và cụ thể về khái niệm pháp nhân, pháp luật thế giới hiện cũng chưa có một khẳng định chính xác nhất thế nào được coi là thương nhân pháp nhân. Hiện nay, mỗi quốc gia cũng có một cách định nghĩa cũng như cách xác định thương nhân pháp nhân khác nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả các loại tổ chức tồn tại dưới dạng công ty - doanh nghiệp đều được coi là thương nhân. Nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới hiện nay tồn có nhiều các loại hình công ty khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty hợp vốn, công ty nhà nước... Người ta có thể phân loại các loại hình công ty theo nhiều cách khác nhau như theo tính chất liên kết, chế độ trách nhiệm của thành viên, ý chí của cơ quan lập pháp. Nhưng dưới góc độ pháp lý, người ta chia công ty thành hai loại cơ bản là các công ty đối nhân và công ty đối vốn.

a) Công ty đối nhân

Công ty đối nhân là những công ty được thành lập trên cơ sở tư cách cá nhân và sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên. Loại hình công ty này có đặc điểm chung là các thành viên đều có trách nhiệm vô hạn và có tính chất may rủi rất lớn khiến cho các thành viên có thể mất hết sản nghiệp nếu kinh doanh

29

thua lỗ. Loại hình đặc trưng nhất cho công ty đối nhân là loại hình công ty hợp danh. Công ty hợp danh là loại hình công ty có ít nhất hai thành viên hợp danh (đều là cá nhân và thương nhân) cùng hoạt động thương mại dưới cùng một pháp nhân chung và liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty còn có thể có các thành viên góp vốn. Các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Do chế độ trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh là vô hạn với các thành viên hợp danh và hữu hạn với các thành viên hợp vốn nên việc xác định tư cách pháp nhân của công ty hợp danh vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Tùy theo pháp luật mỗi quốc gia, tư cách pháp nhân của công ty pháp nhân được xác định khác nhau. Như đã nói ở trên, các nước Đức, Mỹ và Anh thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh còn các nước Pháp, Nhật Bản thì không. Pháp luật Việt Nam xác định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân theo quan điểm pháp luật của các nước Đức, Anh, Mỹ.

Do chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh, loại hình công ty đối nhân có ưu thế nhất định trong lĩnh vực vay tín dụng. Mặt khác, các công ty này thường ít đầu tư vào khu vực có nhiều rủi ro vì độ trách nhiệm vô hạn. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty đối nhân dường như không có một quy định cụ thể nào về cơ chế điều hành hoạt động, điều lệ hoạt động, vốn pháp định cụ thể nên cũng gây không ít tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư khi muốn hợp tác với những công ty có loại hình kinh doanh này.

b) Công ty đối vốn

Ngược lại với công ty đối nhân, công ty đối vốn chỉ quan tâm đến phần vốn góp vào công ty của các thành viên. Trong công ty đối vốn, tài sản của công ty có sự tách biệt hoàn toàn với tài sản của các cá nhân thành viên. Mỗi thành viên của công ty chỉ chịu trách nhiệm và nghĩa vụ với công ty trong phần vốn góp của mình. Công ty đối vốn trên thế giới gồm hai loại hình chính là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần:

30

Công ty cổ phần: là hình thức công ty mà trong đó vốn của nó được chia thành các phần nhỏ nhất bằng nhau được gọi là cổ phần được tự do chuyển nhượng trên thị trường và các cổ đông là những người nắm giữ các cổ phần đó chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã đầu tư.

Thành viên công ty (cổ đông) có thể là người không có kiến thức về kinh doanh, không cần quen biết nhau; công ty có thể có rất nhiều thành viên nên việc quản lý của công ty này chịu rất nhiều sự ràng buộc của các văn bản pháp luật. Đây cũng chính là điểm khiến cho các nhà đầu tư có phần e dè khi tham gia vào hoạt động của công ty cổ phần – mô hình điều hành hoạt động phức tạp do có quá nhiều thành viên là cổ đông của công ty.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn: là hình thức công ty lai tạp giữa công ty hợp danh và công ty cổ phần. Khác với tất cả các loại hình công ty khác do các thương gia lập ra, pháp luật thừa nhận và góp phần hoàn thiện; công ty trách nhiệm hữu hạn là sản phẩm của hoạt động lập pháp, do các chuyên gia lập ra, pháp lý sáng tạo ra. Mô hình công ty TNHH được ra đời nhằm giải quyết những nhược điểm của công ty cổ phần. Số lượng thành viên công ty tối đa của công ty TNHH là một con số hạn chế tùy theo pháp luật mỗi nước.

Nhờ vậy, mô hình tổ chức và hoạt động của công ty TNHH đơn giản và ít rủi ro hơn những loại hình công ty quá lớn như công ty cổ phần. Chính vì vậy mà loại hình công ty này đã được các nhà đầu tư hào hứng hưởng ứng.

Trên đây là những khái quát chung về một số loại hình công ty đang tồn tại trong nền kinh tế hiện nay. Bên cạnh đó còn có rất nhiều loại hình công ty hỗn hợp khác, chúng có những đặc điểm mà pháp luật cần điều chỉnh riêng biệt. Các công ty này tuỳ thuộc theo quy định của mỗi nước mà được coi là có tư cách thương nhân hay không. Các công ty - thương nhân này đã và đang góp phần rất lớn vào sự phát triển của thương mại nói riêng và các hoạt động kinh tế nói chung trên thế giới.

Một phần của tài liệu Chế định thương nhân ở Việt Nam (Trang 29 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)