CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TIẾP CẬN TÍN DỤNG CỦA HỘ KINH
1.1. Khái quát về hộ kinh doanh cá thể và tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể
1.1.3. Tiếp cận tín dụng
Tiếp cận tín dụng chính thức có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Rose và Hudgins (2015) và Casu và cộng sự (2013) cho rằng tiếp cận tín dụng chính thức là việc khách hàng có khả năng sử dụng được đồng vốn của tổ chức tín dụng chính thức dựa trên việc đáp ứng các nghĩa vụ về tài chính - trong đó nhấn mạnh khả năng hoàn trả cả gốc và lãi. Quan điểm này được Nguyen (2014), Ha (2015), Dao và cộng sự (2016) thừa nhận khi cho rằng: Tiếp cận tín dụng chính thức là việc người dân, hộ gia đình, hộ kinh doanh hiểu biết và có thể vay vốn được tại các TCTD. Hay nói cách khác, đây là hình thức phát sinh giao dịch bằng tài sản giữa một bên là các TCTD gọi là bên cho vay và một bên là các cá thể, doanh nghiệp gọi là bên vay. Bên cho vay sẽ chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời bên đi vay sẽ có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cho bên cho vay cả vốn lẫn lãi khi đến hạn phải thanh toán đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu tiếp cận 1 phần dưới góc độ tài chính vi mô thì Ledgerwood (1998) cho rằng đây là việc ngân hàng cung cấp vốn cho nhóm đối tượng khó tiếp cận vốn với mức giá phải chăng. Ledgerwood và cộng sự (2013b) tiếp tục cho rằng tiếp cận tín dụng chính thức không chỉ bao gồm việc có được đồng vốn vay của TCTD mà còn cần phải sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng - nhằm thực hiện các mục tiêu khác
nhau trong tiếp cận dịch vụ tài chính và hướng đến xóa đói giảm nghèo. Như vậy, nhóm quan điểm này cho rằng tiếp cận tín dụng chính thức không chỉ là việc khách hàng vay vốn của TCTD mà còn sử dụng các dịch vụ tài chính khác.
Theo Beck và cộng sự (2005), “Tiếp cận với các dịch vụ tài chính không phải là đồng nghĩa với việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Tác nhân kinh tế có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính, nhưng có thể quyết định không sử dụng chúng, hoặc do các lý do văn hóa - xã hội, hoặc bởi vì chi phí cơ hội là quá cao”. Như vậy, có thể hiểu khách hàng có nhu cầu và đã tìm hiểu về dịch vụ của ngân hàng - có nghĩa là đã tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, song do chi phí cao nên quyết định không vay ngân hàng cũng vẫn được coi là tiếp cận tín dụng.
Dựa vào phạm vi đề tài nghiên cứu, tác giả cho rằng việc tiếp cận theo quan điểm có sử dụng vốn tín dụng thì sẽ có ý nghĩa hơn. Bởi vì nếu chỉ dừng lại ở nhu cầu hiểu về vốn tín dụng thì sẽ rất khó đánh giá chính xác được số lượng người đã tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng để từ đó có những giải pháp phù hợp.
Đối với tiếp cận tín dụng phi chính thức, thì có thể hiểu là việc các hộ kinh doanh cá thể sẽ sử dụng các dịch vụ tín dụng không được cung cấp bởi các TCTD được cấp phép hoặc các tổ chức chính trị xã hội. Việc này gần giống với sử dụng tín dụng đen.
Doan (2015) cho rằng, tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể là việc hộ gia đình, hộ kinh doanh hiểu biết và có thể vay vốn được tại các TCTD chính thức (đối với tiếp cận tín dụng chính thức) hoặc đủ khả năng vay và trả tại các tổ chức khác (đối với tiếp cận tín dụng phi chính thức). Hay nói cách khác, đây là hình thức phát sinh giao dịch bằng tài sản giữa một bên là các tổ chức cung ứng dịch vụ tín dụng, gọi là bên cho vay và một bên là các hộ gia đình, gọi là bên vay. Bên cho vay sẽ chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời bên đi vay sẽ có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cho bên cho vay cả vốn lẫn lãi khi đến hạn phải thanh toán đã thỏa thuận.
Diagne và cộng sự (2000) đưa ra sự khác biệt giữa hai khái niệm “tiếp cận tín dụng” và “tham gia vào các chương trình cấp tín dụng”. Trong một số trường hợp, hai khái niệm này được dùng thay thế nhau. Tuy nhiên, trong khi tham gia vào chương trình tín dụng là việc các hộ kinh doanh cá thể tự lựa chọn và tham gia vào các chương trình này thì tiếp cận tín dụng thường ám chỉ bao gồm cả những rào cản khi tham gia, có thể xuất phát từ bản thân hộ gia đình hoặc từ các nhân tố bên ngoài.
Ở Việt Nam, rào cản pháp lý đã tạo ra sự khác biệt trong việc đánh giá tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể so với các nước khác. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. Để thực
hiện quy định này, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định khách hàng vay vốn tại TCTD phải là pháp nhân, cá nhân. Theo đó, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại các TCTD. Họ chỉ có thể vay vốn với tư cách là doanh nghiệp hoặc cá nhân. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành trên danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ thay vì với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh (Ngân hàng Nhà nước, 2016).
Có thể thấy, tiếp cận tín dụng của hộ gia đình là mối quan hệ giữa các TCTD và các hộ gia đình. Các TCTD sẽ cung cấp vốn cho khách hàng của họ là các hộ gia đình để phục vụ cho mục đích tiêu dùng, sản xuất kinh doanh và các mục đích khác. Mối quan hệ này chỉ hình thành khi khách hàng hội đủ được các điều kiện của TCTD và thỏa mãn các điều kiện được ký kết trong hợp đồng ký kết giữa hai bên.
Thông thường, hộ gia đình khi tiếp cận các dịch vụ của các TCTD thường chịu mức phí cao do các tổ chức phải chịu nhiều khoản chi phí liên quan đến việc tổ chức mạng lưới, việc thẩm định, theo dõi khách hàng hay món vay cũng như việc phòng ngừa rủi ro.
Cụ thể, cho vay đối với hộ gia đình thì chi phí nghiệp vụ cho một đồng vốn vay thường cao do quy mô của từng món vay thường là nhỏ. Ngoài ra, do số lượng khách hàng đông, phân bổ ở khắp nơi nên mở rộng cho vay thường liên quan tới việc mở rộng mạng lưới cho vay và thu nợ, cũng là yếu tố làm tăng chi phí. Trong quan hệ tín dụng, hộ gia đình có độ rủi ro khá cao nên chi phí dự phòng rủi ro của các TCTD tương đối lớn so với các ngành khác.
Lãi suất thu hút nguồn vốn cho vay gia đình cũng khá cao do các TCTD bị giới hạn bởi các nguồn tại chỗ, phải chuyển dịch vốn từ nơi khác làm chi phí vốn tăng. Không chỉ vậy, hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ, chính đặc điểm này ảnh hưởng lớn đến tổ chức cho vay và việc áp dụng các phương thức, kỹ thuật cho vay.
Mọi thành viên trong hộ tham gia lao động và cùng hưởng thu nhập chung, do đó mọi thành viên trong hộ gia đình đều liên đới trong quan hệ giao dịch tín dụng. Về mặt thủ tục pháp lý, chỉ cần đại diện hộ đứng tên giao dịch với ngân hàng trên cơ sở ủy quyền của các thành viên trong hộ. Lúc này quyền và nghĩa vụ của hộ đã phát sinh, do đó hộ phải có trách nhiệm về quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện hộ xác lập, thực hiện nhân danh hộ.
Tài sản của hộ bao gồm cả tài sản chung trong hộ và các tài sản riêng của các thành viên góp vào sử dụng chung, đây cũng chính là năng lực tài chính của các hộ gia đình. Do đó, hộ phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.