CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.2. Khái quát về mẫu nghiên cứu
3.2.2. Tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát
Trong số các hộ được khảo sát, có đến 532 hộ sử dụng tín dụng chính thức - được vay từ các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân cở sở, tổ chức tài chính vi mô và ngân hàng chính sách xã hội. Như thế, có thể thấy rằng: có đến 74% tổng số hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện tiếp cận với tín dụng chính thức - cao hơn rất nhiều so với kết quả khảo sát về tiếp cận tín dụng của cá nhân vùng nông thôn Việt Nam của các nghiên cứu trước, chỉ dao động khoảng 20 - 40% tùy từng vùng (ADR, 2014, Finn, 2018). Điều này cho thấy rằng: các hộ cũng đang cố gắng để nâng cao khả năng của chính mình trong việc tiếp cận các dịch vụ chính thức.
Bảng 3.4. Kết quả khảo sát các hộ tiếp cận tín dụng chính thức và phi chính thức
Tiêu chí Số hộ
Sử dụng tín dụng chính thức 532
Sử dụng tín dụng phi chính thức 563
Sử dụng cả hai hình thức 373
Tổng 722
Nguồn: Tính toán của tác giả Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là số hộ sử dụng tín dụng phi chính thức còn cao hơn rất nhiều: 563 hộ - chiếm gần 78%. Các hộ này đa phần lấy vốn ở (1) người thân;
(2) tham gia vào các tổ chức tự nguyên để chơi họ/hụi/phường/biêu; (3) vay lãi ngày của các tổ chức cung ứng dịch vụ tín dụng đen. Trong số các hộ được hỏi thì việc đi vay lãi ngày rất phổ biến. Một số hộ cho rằng: kể cả chơi họ cũng là một hình thức của việc vay tín dụng đen (như bốc bát họ, cho vay bát họ…) nhưng cần vốn trong ngắn hạn (vài ngày) nên khó có thể vay vốn chính thức được. Một tỷ lệ rất nhỏ khác (chỉ có 8 hộ) trả lời rằng: họ có thể vay qua công nghệ trên các ứng dụng trên điện thoại di động thông qua việc vay tiền trực tiếp (peer to peer lending). Số hộ sử dụng cả 2 dịch vụ này cũng khá lý thú: khoảng 1 nửa số hộ đã thực hiện hoạt động vay cả 2 loại hình là chính thức và phi chính thức.
Bảng 3.5. Thời gian vay vốn bình quân của các hộ
Tiêu chí Số hộ
Dưới 7 ngày 72
Từ 7 đến 15 ngày 144
Từ 15 ngày đến dưới 1 tháng 115
Từ 1 đến 6 tháng 66
Từ 6 tháng đến 1 năm 183
Trên 1 năm 142
Nguồn: Tính toán của tác giả Trong số các hộ, thì có đến 72 hộ cho rằng họ cần vốn rất ngắn, chỉ khoảng vài ngày là có thể chi trả. Đa phần các hộ này kinh doanh liên quan đến thực phẩm (rau sạch, thịt gia súc gia cầm…) nên vốn lưu động rất nhanh - nếu không có sự thay đổi bất thường của thiên tai hay thị trường. Số hộ vay tầm từ 7 đến 15 ngày cũng rất cao, lên
đến 144 hộ, số hộ vay dưới 1 tháng là 115 hộ. Như vậy, có thể thấy rằng: 40% số hộ kinh doanh cần vốn trong thời gian rất ngắn. Số hộ cần vốn bình quân trong 1 năm cũng không cao, chỉ có 142 hộ, đa phần đều thực hiện kinh doanh vật liệu xây dựng hoặc các hàng hóa có chu kỳ dài. Điều này cho thấy: nếu với thời gian vay vốn như thế, thì bản thân các hộ cũng khó có thể tiếp cận được tín dụng chính thức một cách phù hợp: gần như không một ngân hàng nào có thể cho vay với thời gian dưới 7 ngày, do vậy, tín dụng phi chính thức lại trở nên phù hợp.
Về số vốn vay bình quân trong một lần cũng có những sự khác biệt nhất định: 45 hộ chỉ cần vay số tiền dưới 30 triệu (tức là số tiền không lớn - rất khó để các ngân hàng thương mại cho vay. Mà khoản tiền này cũng không nhỏ khi so sánh với các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và ngân hàng chính sách xã hội). Số tiền này lại cần vay trong khoảng thời gian ngắn (dưới 7 ngày) nên người được khảo sát trả lời rằng: họ chấp nhận lãi suất cao hơn để có thể vay được - con hơn là chờ đợi từ phía ngân hàng hay các tổ chức khác.
Bảng 3.6. Số vốn bình quân một lần của các hộ
Tiêu chí Số hộ
Dưới 30 triệu 45
Từ 30 đến dưới 50 triệu 88
Từ 50 đến dưới 100 triệu 179
Từ 100 đến dưới 500 triệu 228
Từ 500 đến dưới 1 tỷ 95
Trên 1 tỷ 87
Nguồn: Tính toán của tác giả Phổ biến nhất trong các khoản vay là các khoản từ 100 đến dưới 500 triệu (228 phiếu), và sau đó là các khoản từ 50 - 100 triệu (179 phiếu). Đa phần các hộ có thu nhập bình quân 1 tháng không quá 30 triệu nên số tiền này phù hợp để đầu tư vào cơ sở vật chất, mua nguyên vật liệu dự trữ để phát triển sản xuất. Mục đích của các khoản vay này là đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn (nhập nguyên vật liệu, mua cây giống, mua phân bón, trả cho người bán hàng…) nên thời gian cũng không cần dài. Vì thế, ngoài các NHTM thì các hộ có thể tiếp cận theo chương trình vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội (cho vay với các hộ ở vùng kinh tế khó khăn, nhưng không quá 120 triệu
đồng/khoản vay), vay quỹ tín dụng nhân dân (nhưng phải là người gửi tiền hoặc cổ đông), và nhanh hơn cả là vay tín dụng phi chính thức.
Đối với tín dụng chính thức, một trong những trở ngại lớn nhất mà các hộ khi được khảo sát cho rằng: không phải lãi suất vay vốn là cản trở, mà lại là thời gian thẩm định. Việc các hộ không đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ vay vốn, việc trả qua thẻ hay vấn đề về tài sản đảm bảo (đa phần các hộ ở vùng nông thôn không có sổ đỏ để đáp ứng nhu cầu vay vốn hoặc các hộ vùng thành thị thì khó chứng minh thu nhập nếu vay theo hướng tiêu dùng) đã làm các hộ sử dụng tín dụng phi chính thức - đặc biệt là tín dụng đen. Các tổ chức cung cấp tín dụng đen thì giải ngân rất nhanh: trung bình 1 khoản vay chỉ tốn khoảng 30 phút, và chấp nhận vay số tiền nhỏ trong thời gian ngắn. Đây cũng là việc cần cân nhắc của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới.