Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 66 - 70)

CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG HAI TÁC PHẨM BÁU VẬT CỦA ĐỜI VÀ ĐÀN HƯƠNG HÌNH

3.1. Sự linh hoạt trong ngôi kể và điểm nhìn trần thuật

3.1.2. Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật

M. Gorki đã viết yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đó chính là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học, bởi vì chính ngôn ngữ chứ không phải cái gì khác đã cụ thể hóa và vật chất hóa sự biểu hiện của chủ đề và tư tưởng, tính cách và cốt truyện… Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm; nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm;

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên) định nghĩa: “Ngôn ngữ nhân vật văn học là lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch. Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn thể hiện nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. Mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có “lời ăn tiếng nói” riêng. Mặt khác ngôn ngữ ấy lại phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp, lớp người nhất định gần gũi với nghề nghiệp, tâm lí, giai cấp, trình độ văn hóa…” [6, 214]

Khi sáng tác, Mạc Ngôn đưa vào trong tác phẩm của mình những con người thuộc mọi giai tầng của xã hội nhưng đều xuất thân từ vùng quê Cao Mật cực khổ, đau thương đầy những biến động, ông không chỉ thể hiện được tính cách mà còn cả tâm hồn, nội tâm của họ. Ngôn ngữ thể hiện nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.

Do dùng ngôi thứ nhất xưng “Tôi” để thuật truyện, Kim Đồng trong Báu vật của đời có một tầm nhìn hạn chế, sự hiểu biết của Kim Đồng - người kể chuyện - ít hơn các nhân vật. Kim Đồng bé hơn nên không phải cái gì anh cũng biết, do vậy trong lời kể được xâu chuỗi bằng kí ức và cảm xúc của anh đôi khi có sự mập mờ, không rõ ràng gây khó hiểu. Kim Đồng kể về mình, những suy nghĩ, lí giải của anh

đều gắn liền với bầu vú - nguồn nuôi sống vì căn bệnh luyến nhũ yếm thực nên khi kể về những người phụ nữ xung quanh dù mẹ hay chị… Điều đầu tiên anh trông thấy đều là cặp vú: “mẹ ôm chặt tôi vào lòng, dưới cặp vú đồ sộ và ấm áp của bà”;

“nước ngập chân, ngập bụng, ngập hai bầu vú. Đàn cá nhỏ vui vẻ và cảm động đụng vào đầu vú chị. Hai gò vú làm sáng bừng mặt nước”; “cặp vú đồ sộ nặng trĩu mê hoặc con mắt tôi. Núm vú đỏ hồng phập phồng sau lần áo lót”; “chị ta có ngực rộng, cặp vú đồ sộ như hai nấm mồ”; “đôi vú mệt mỏi nằm bẹp trên xương ngực”… Bầu vú theo anh từ khi cất tiếng khóc chào đời đến năm bốn mươi hai tuổi vẫn không từ bỏ, mở cả một của hàng thẩm định để kinh doanh nịt vú. Qua đó nổi bật lên tính cách quái gở, bất lực… của nhân vật này. Kim Đồng kể về các nhân vật khác qua cách lí giải của mình, số phận các nhân vật cứ xoáy vào nhau, quay tròn, đôi khi rời rạc mất hút nhưng cuối cùng tất cả đều hội tụ trong đôi mắt của Kim Đồng. Nó gợi trì tò mò của độc giả và tạo nên sức hút cho tác phẩm, đồng thời tính cách, cảm xúc của các nhân vật khác với những biến cố trong cuộc đời họ, tính cách của họ qua lời kể của Kim Đồng chân thực hơn. “Khi Ngọc Nữ đã ngoài hai mươi tuổi, tính nết vẫn như một thiếu nữ nhút nhát, luôn co lại như con nhộng trong kén, chỉ sợ làm phiền người khác”. Khi biết mình là gánh nặng của mẹ, chị quyết định tự tử: “Chị sợ trầm mình trong chum nước thì phiền hà cho mẹ. Chị sợ chết tại nhà thì hủy hoại thanh danh nhà Thượng Quan. Do vậy chị ra sông tự tận”. “Chị là khối tuyết trên đỉnh núi ở châu Nam cực, không hề vẩn bụi. Trong ngọc trắng ngà, hoa nhường nguyệt thẹn, một cái đẹp đích thực. Rồi, miệng vẫn hát, chị lần từng bước ra giữa sông… Chị vẫn tiếp tục tiến lên rồi đột nhiên biến mất”. Lời kể chân thực của Kim Đồng cho thấy đức tính thầm lặng và hi sinh của chị Tám.

Trong Báu vật của đời, ngôn ngữ nhân vật phần nào đã thể hiện rất rõ khi nhân vật Kim Đồng xưng tôi đứng ra kể chuyện. Tuy nhiên để hình tượng nhân vật hiện lên có sức sống như những con người thật, khi xây dựng nhân vật, nhà văn còn làm nổi bật lời nói của chúng và thống nhất với lời nói là hành động và các trạng huống tâm lí cụ thể. Qua đó thể hiện rõ tính cách, cách nhìn nhận, cảm thụ thế giới của tầng lớp, loại người nào đó. Ngôn ngữ nhân vật trong Báu vật của đời còn được thể hiện rất rõ qua việc xây dựng ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật. Đối thoại là

tiếng nói, cách đối đáp của nhân vật, là khi nhân vật này nói, nhân vật kia phản ứng ra sao. Qua đối thoại, người đọc không những biết được nội dung của cuộc thoại mà còn nắm bắt được tính cách, phẩm chất, năng lực, nghề nghiệp, giai cấp… của nhân vật khi nó đối đáp. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong tác phẩm cũng đậm đà chất hiện thực cuộc sống. Mật độ ngôn ngữ đối thoại trong Báu vật của đời rất lớn khiến cho câu văn giàu nhạc tính, diễn biến câu chuyện vận động nhanh. Nhà văn đã đem vào trong tác phẩm của mình gần như nguyên vẹn những câu nói thường ngày, những đoạn đối thoại sinh động của nhân vật từ đó nhân vật bộc lộ được tính cách của từng người.

Như vậy việc tìm hiểu ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, người đọc có thể đi sâu vào khám phá từng nhân vật đồng thời thấy được quan điểm, thái độ, tình cảm của nhà văn. Đây cũng là một đặc sắc trong cách xây dựng nhân vật của Mạc Ngôn. Trước mỗi khách thể, người kể chuyện trong tiểu thuyết Mạc Ngôn đều rót ấn tượng chủ quan vào đó. Do vậy, khi nhân vật tường thuật lại cảm giác của mình, người đọc sẽ thấy được tình cảm, tâm tư của họ đối với đối tượng miêu tả. Nhân vật Kim Đồng trong Báu vật của đời có một tình yêu thương và sự trân trọng đối với vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng của người chị song sinh Ngọc Nữ nên khi miêu tả tiếng khóc của chị, Kim Đồng đã dành cho nó những hình ảnh, những ngôn từ hoa mĩ: “tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc dai dẳng mảnh như sợi tơ của chị Ngọc Nữ, tiếng khóc mà mặt trời và mặt trăng đều lắng nghe vì nó ngọt hơn ánh trăng và thơm như ánh trăng” [16, tr.190].

Mạc Ngôn là một trong những số nhà văn phương Đông tích cực thể nghiệm cách viết tự sự đa chủ thể, hòa mình vào không khí thay đổi kĩ thuật trần thuật của văn học thế giới. Tiểu thuyết của Mạc Ngôn thường quy tụ một tập thể người kể chuyện đông đảo, tất cả những người kể chuyện này cùng cất tiếng nói trình bày những hiểu biết của mình, góp phần hoàn thiện câu chuyện từ nhiều phương diện, góc cạnh khác nhau. Tự sự đa chủ thể có thể được tìm thấy ở Đàn hương hình, Báu vật của đời...

Được xem là nhà văn có bút lực mạnh nhất Trung Quốc hiện nay với rất nhiều giải thưởng và danh hiệu, Mạc Ngôn đang trở thành một “hiện tượng” của

văn đàn Trung Quốc và thế giới. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Mạc Ngôn với trên 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, tiểu thuyết là thể loại gây tiếng vang lớn nhất, gặt hái được nhiều thành tựu nhất. Một trong những yếu tố khẳng định văn tài của Mạc Ngôn trong thể loại tiểu thuyết chính là nghệ thuật tự sự với những phương lược và sách lược tự sự độc đáo

Trần thuật (tức tự sự, tường thuật, kể sự việc) là một thủ pháp cơ bản của sáng tác văn học, là phương diện cơ bản của phương thức tự sự. Trần thuật là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định. Vai trò của trần thuật rất lớn vì nó gắn liền với toàn bộ công việc bố cục, kết cấu tác phẩm.

Tìm hiểu nghệ thuật trần thuật, người ta đặc biệt chú trọng khai thác những vấn đề về người trần thuật, tức người kể chuyện trong tác phẩm vì người kể chuyện là nhân tố quán xuyến công việc trần thuật. Người kể chuyện được định nghĩa một cách đơn giản và thống nhất là người kể lại câu chuyện. Người kể chuyện là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Cần lưu ý rằng, không nên đồng nhất người kể chuyện với tác giả ngoài đời vì người kể chuyện có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra; có thể là một người biết một câu chuyện nào đó kể lại. Ngay cả khi anh ta xưng “tôi” và thuật lại câu chuyện gần như trùng khít với những gì tác giả đã trải qua, đã chứng kiến thì đó vẫn chỉ là hình tượng của tác giả mà thôi.

Tùy theo từng trường hợp, người kể chuyện có thể tham gia vào câu chuyện mà anh ta là một nhân vật, hoặc không tham gia. Nếu anh ta tham gia vào câu chuyện, thì chuyện kể được kể ở ngôi thứ nhất và sẽ có hai trường hợp xảy ra: hoặc người kể chuyện là nhân vật chính, kể lại câu chuyện của mình; hoặc người kể chuyện là nhân vật phụ đóng vai trò nhân chứng, anh ta đứng ở ngôi thứ nhất để kể lại những gì anh ta đã thấy, nghe thấy. Nếu người kể chuyện không tham gia vào câu chuyện thì chuyện sẽ được kể ở ngôi thứ ba, và cũng sẽ có hai trường hợp: hoặc người kể chuyện đứng ngoài các sự việc, trình bày chúng mà không có bình luận, tạo cảm giác như chuyện tự kể ra; hoặc người kể chuyện sẽ chứng tỏ sự hiện diện của mình qua những đánh giá hoặc bình luận về những địa điểm, các nhân vật hoặc các

tình huống của truyện kể bằng cách ngắt mạch truyện kể ở ngôi thứ ba, can thiệp vào chuyện bằng ngôi thứ nhất hoặc đổ trách nhiệm cho người đọc ở ngôi thứ hai.

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 66 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)