Xây dựng nhân vật qua nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 77 - 80)

CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG HAI TÁC PHẨM BÁU VẬT CỦA ĐỜI VÀ ĐÀN HƯƠNG HÌNH

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và hành động

3.2.1 Xây dựng nhân vật qua nghệ thuật miêu tả ngoại hình

Nhắc đến nhân vật trong văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Trong tác phẩm văn học, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết, xây dựng nhân vật là vấn đề rất quan trọng mà nhà văn quan tâm. Nhà văn Mạc Ngôn khi xây dựng, giới thiệu nhân vật trong tiểu thuyết của mình thường dùng phương pháp miêu tả ngoại hình. Nhân vật được nhận biết trước hết qua diện mạo, cử chỉ, sắc phục, điệu đi tướng đứng. Thông qua diện mạo bên

ngoài, người đọc dễ dàng nhận biết được phần nào về tính cách, thành phần xuất thân và số phận của nhân vật. Chỉ vài ba nét đơn sơ, dăm ba hàng thật linh động, tác giả đã có thể phác họa nên một chân dung thích hợp cho mỗi vai. Để khắc họa tính cách nhân vật, Mạc Ngôn chú ý đến miêu tả ngoại hình. Ngoại hình là một khái niệm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó chính là những nét diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong thể hiện trong tác phẩm. Chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá nhưng người đọc có thể hình dung được nhân vật, nhìn thấu được một cách sinh động và nhận biết phần nào về tính cách, thành phần xuất thân và số phận nhân vật.

Nếu như văn học cổ thường xây dựng ngoại hình nhân vật với những chi tiết ước lệ, tượng trưng thì văn học hiện đại thường đòi hỏi những chi tiết chân thực và cụ thể sinh động. Trong Báu vật của đời, ngoại hình nhân vật có khi được nhà văn miêu tả chi tiết bằng một đoạn văn, nhưng cũng có khi được miêu tả một cách rải rác, xen kẽ giữa các phần qua những hành động khác nhau của nhân vật. Mỗi nhân vật dù được miêu tả nhiều thành từng đoạn văn dài hay bằng những câu văn lẻ tẻ, rời rạc đều có những nét riêng, mỗi người một vẻ, phần nào thể hiện ra tính cách, tâm trạng của mình.

Ngoại hình nhân vật có khi được nhà văn miêu tả một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ người kể chuyện Thượng Quan Kim Đồng hoặc có thể miêu tả gián tiếp qua cái nhìn của nhân vật khác trong tác phẩm. Dù dưới cái nhìn nào thì các nhân vật đều hiện lên bởi lối miêu tả gần gũi, cách so sánh thông qua những hình ảnh rất đỗi đời thường với sự liên tưởng của một nhà văn gốc thuần nông. Vì thế mỗi nhân vật trong Báu vật của đời được cá thể hóa, không hề trùng lặp. Ngoại hình nhân vật còn được miêu tả thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh. Đặc biệt là sự thay đổi của khuôn mặt: “Thọ Hỉ thấy sắc mặt của mẹ như một quả hạnh chín nẫu, màu vàng rộm” đó là khuôn mặt bà Lã khi đỡ đẻ cho con lừa. Sắc mặt ấy thay đổi khi đứa cháu thứ tư lại là gái: “Mặt bà nội như lưỡi hái vừa lấy ra khỏi nước tôi, sẵn sàng đâm chém ai bất cứ lúc nào”. Và bao năm sau khi trải qua các biến cố của gia đình, bà nội nửa dại nửa ngây: “Mặt bà nội như củ cải thối, tóc bạc bết lại như sợi thừng, có lọn dựng ngược, lọn thì rũ xuống lưng. Mắt bà nội có màu xanh

lục…”. Hay Thượng Quan Lỗ thị, khi nghe mọi người tố cáo Tư Mã Khố: “Mặt mẹ xanh mét, con mắt vô cảm, không thù không oán, phẳng lặng như nước hồ thu”, còn khi đi sơ tán vất vả với những trận gió tuyết: “Mẹ cũng đã thành người trắng, lông mi lông mày trắng toát, tóc cũng trắng… cặp mắt u buồn của mẹ đẫm nước mắt”, và khi Kim Đồng bị bọn bạn xấu đánh thì : “Mẹ lồng lên như con trâu nái bảo vệ con, huỳnh huỵch chạy tới, tóc mẹ ánh lên màu vàng, da mặt cũng phẳng phất một màu vàng”... Có những đoạn nhà văn sử dụng từ ngữ miêu tả ngoại hình vô cùng tinh tế, cách miêu tả đơn giản nhưng lung linh, bay bổng, hoa mĩ. Đó là khi miêu tả Thượng Quan Lỗ thị qua sự cảm nhận của ông mục sư Malôa, người duy nhất yêu và trân trọng người phụ nữ này: “Chân em mịn màng, đẹp như ngọc,tác phẩm vô giá của người thợ tài hoa… Rốn em như một cái li tròn không một khiếm khuyết… Lưng em như một bó lúa mạch, xung quanh toàn là hoa bách hợp… Đôi vú em như cặp sừng hươu mới nhú, chị em sinh đôi với sừng hươu mẹ. Hai vú em đẹp như quả cọ, không một khuyết điểm…”. Nhưng cũng có khi miêu tả bằng những từ ngữ khiến người ta ghê rợn, chẳng hạn Tôn Câm, trông hắn như một con quái vật: “Mớ tóc hoa râm ló ra dưới vành mũ lính đội ngay ngắn. Đôi con ngươi vàng của hắn trông càng u tối, cái cằm rắn chắc chìa ra như chiếc lưỡi cày han gỉ… Hai cánh tay dài quá khổ, bàn tay đeo găng trắng bằng vải bông lồng vào hai chiếc ghế nhỏ. Một đệm da gắn dưới đít, như là một bộ phận của mông. Hai ống quần rộng thùng thình buộc lại với nhau trước bụng. Hình như hai chân hắn cụt đến bẹn”. Hay ngoại hình Tưởng Đệ sau bao năm bán mình làm kĩ nữ, bệnh tật khiến người đọc vừa sợ vừa xót xa lại vừa cảm nhận được tâm trạng đau đớn của nhân vật đang nếm trải: “Mũi chị đã thối rữa, chỉ còn là hai hốc mắt đen ngòm, hai mắt cũng đã bị mù, mớ tóc dài mượt rụng gần hết, những sợi tóc còn lại ngả màu chì, che không kín cái đầu khô héo”.

Các nhân vật cùng huyết thống nên ngoại hình của họ cũng mang những nét tương đồng. Mục sư Malôa: “To lớn, tóc đỏ, mắt xanh, hai bàn tay ông đỏ au đầy lông mịn màu vàng”, và khi miêu tả ngoại hình Kim Đồng: “Tôi đã 18 tuổi, mái tóc vàng rực, hai vành tai đầy đặn, trắng nõn, lông mày vàng như tiểu mạch chín, lông mi vàng rộm soi bóng trong cặp mắt xanh biếc. Mũi cao, môi đỏ như son, lông ngực

từng mảng rậm… Chúng tôi là con riêng của mục sư Malôa, lai một trăm phần trăm”. Các cô gái nhà Thượng Quan mỗi người một vẻ đẹp nhưng họ đều mang những nét đẹp của bà mẹ Lỗ thị. Chị cả Lai Đệ: “Ngực nhô cao, làn tóc khô rám nay bóng mượt, vòng eo nhỏ, mềm mại, mông nở và vổng lên… Cái mũi dọc dừa của chị là của mẹ, cặp vú thây nẩy và cái mông nở nang cũng thuộc về mẹ…”. Chị Sáu Niệm Đệ: “Hai gò má hơi cao, trắng mịn, không một nếp nhăn, lông mi dày, môi trên mọc đầy lông tơ, cằm hơi dô một cách nghịch ngợm, vành tai chỉ có ở các cô gái nhà Thượng Quan, tròn đầy và trắng trẻo…”. Chị Tám Ngọc Nữ : “Mũi dọc dừa, da trắng như trứng gà bóc, tóc vàng mềm mại, cổ thon dài như thiên nga giỡn nước…”. Lỗ Thắng Lợi con của Phán Đệ thì “khuôn mặt vuông vắn, rất quan cách oai vệ. Tóc phi dê chải lật, đen như xức dầu, dày đến nỗi không nhìn thấy da đầu…

Cô ta thừa hưởng cái thân hình của chị Năm nhưng về phong thái thì oai phong hơn chị Năm”.

Qua việc miêu tả ngoại hình, các nhân vật trong Báu vật của đời hiện lên một cách cụ thể hóa, cá thể hóa. Việc xây dựng ngoại hình phần nào bộc lộ tính cách, tâm lí, phong thái, tuổi tác, nghề nghiệp của họ. Từ đó giúp cho việc thể hiện cuộc đời, số phận nhân vật một cách tinh tế và để lại dấu ấn trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)