Thủ pháp giấc mơ

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 90 - 94)

CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG HAI TÁC PHẨM BÁU VẬT CỦA ĐỜI VÀ ĐÀN HƯƠNG HÌNH

3.3. Thủ pháp giấc mơ và ảo giác trong kiến tạo không gian

3.3.1 Thủ pháp giấc mơ

Mơ là một hoạt động tinh thần nhiều bí ẩn của con người nên thu hút nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học. Với Sigmund Freud, chiêm mộng là biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén. Vì vậy có thể thấy, chiêm mộng nằm ở ngoài ý chí và trách nhiệm của con người, bởi lẽ kịch trường ban đêm của nó là tự phát và không kiểm soát được. Chính vì thế mà người ta xem kịch mơ, y như là nó diễn ra trong hiện thực, ngoài trí tưởng tượng của ta. Giấc mơ, về một phương diện nào đó, là địa hạt của tự do. Không còn những giới hạn về không gian và thời gian, thực - ảo hòa trộn, lẫn lộn vào nhau, những ràng buộc của đạo đức và pháp luật trong đời sống hàng ngày bị tháo cởi, giấc mơ vì thế có thể hợp thức hóa mọi điều là phi lý, bất khả thi của hiện thực. Thế nhưng, mặc dù những gì diễn ra trong mơ là không có thực, nhưng giấc mơ lại có mối quan hệ “huyết thống” với đời sống hiện thực (hiện thực tinh thần và hiện thực xã hội) và đặc biệt, bộc lộ sâu sắc những gì đang tồn tại bên trong tiềm thức của chủ thể. Ở góc độ này, giấc mơ biểu hiện những ám ảnh, thèm khát hay mặc cảm tội lỗi mà chúng ta thường tìm cách khuất phục nó khi tỉnh thức. Giấc mơ vén mở những góc khuất trong tâm hồn và nhân cách của người mơ. Từ những ý nghĩa đó, tìm hiểu giấc mơ trở thành một trong những phương thức khám phá nhân cách và thế giới nội tâm của người chủ thể. Đó là lí do vì sao Freud cho rằng, việc giải thích mộng mị là con đường vương giả để đạt tới hiểu biết lòng người. Thế nên, từ thế giới vô thức, giấc mơ đã góp phần soi sáng con người trong thế giới mà ý thức và ý chí chiếm ngự.

Đến với tiểu thuyết Mạc Ngôn, độc giả thường xuyên lạc vào cõi mộng của các nhân vật. Đó là cả một thế giới sinh động, kỳ ảo và thú vị. Mộng ảo trong tiểu thuyết Mạc Ngôn xuất hiện với tần suất khá cao, tiểu thuyết nào của ông cũng ngập tràn mộng mị. Giấc mơ trở thành một chi tiết nghệ thuật chứa đựng những tín hiệu tư tưởng và thẩm mỹ đặc sắc trong tổng thể thế giới nghệ thuật của nhà văn Trong giấc mơ, các nhân vật của Mạc Ngôn đối diện với khát khao, ước mơ lớn nhất, cấp bách nhất của mình. Không gian giấc mơ mở ra một thế giới khác tuy phi thực về

vật chất nhưng lại chân thật về tinh thần. Tiêu biểu cho loại này là giấc mơ của Kim Đồng trong Báu vật của đời. Khi Cao Mật trở thành chiến trường, dân làng phải di cư để tránh nạn. Hành trình di cư vô cùng gian khổ, tất cả đều phải đương đầu với giá rét. Có rất nhiều người phải bỏ mạng trên con đường đi tìm sự sống. Kim Đồng nhà Thượng Quan thể trạng yếu đuối nên nhiều lần rơi vào ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tại thời khắc đó, Kim Đồng đã có một ảo mộng đáng sợ. Cậu thấy “một phụ nữ tóc dài tha thướt, áo màu mây hồng đính hàng ngàn hàng vạn viên ngọc lấp lánh, lúc thì giống Lai Đệ, lúc giống Tiên Chim, lúc lại giống Kim Một Vú, đột nhiên lại biến thành một bà người Mỹ […]. Tôi nhìn ngược lên và bất giác nước mắt đầm đìa, nức nở thành tiếng: Hai bầu vú như đúc bằng vàng khối nạm hai viên ngọc thấp thoáng sau lần áo mỏng […]” [16, tr.368]. Mặc dù đã được mẹ cai sữa, chuyển sang bú sữa dê, nhưng tự trong tiềm thức, Kim Đồng vẫn thèm khát một bầu vú của người phụ nữ. Những người phụ nữ hiện ra như ánh chớp trong giấc mơ của Kim Đồng đều là những người quen thuộc, để lại ấn tượng sâu đậm với anh ta – nhất là ấn tượng về bầu vú. Kim Đồng từng mê mẩn những bầu vú ấy, khát khao được chạm vào chúng, muốn chiếm hữu chúng nhưng đều bị khước từ. Trạng thái bị ức chế đi vào trong mơ được cụ thể hóa bằng cuộc vờn đuổi giữa người đàn bà lỳ lạ và Kim Đồng: “Thân hình bà ta chập chờn bất định, cặp vú Thượng đế của tôi có lúc chạm vào trán tôi, có lúc quệt ngang má tôi, nhưng không bao giờ chạm vào môi tôi. Tôi mấy lần dướn lên như con cá vọt lên mặt nước, miệng há to nhưng toàn đớp hụt” [16, tr.368]. Ngay cả trong mơ, Kim Đồng cũng thất bại khi muốn tiếp cận

“Thượng Đế” của mình: hai bầu vú; dù Kim Đồng đã van xin khẩn thiết “bà không nên dập dờn như thế, tôi xin bà cho tôi cắn vào bà, tôi nguyện cùng bà bay lên chín tầng mây xem những con ô thước bắc cầu” [16, tr.368].

Kim Đồng mơ giấc mộng này khi cái chết đã cận kề - thời khắc thuận lợi để bộc lộ những ước ao quan trọng nhất của đời người. Giấc mơ của Kim Đồng một lần nữa khẳng định sự say mê tột độ của Kim Đồng đối với bầu vú của người phụ nữ. Với anh ta, Thượng Đế chính là nó. Dấu vết của hiện thực trong giấc mơ Kim Đồng là tình yêu, sự tôn sùng bầu vú nhưng lại không được sở hữu. Giấc mơ tái hiện một cách sinh động, huyền ảo hiện trạng tinh thần đó của Kim Đồng với những

chi tiết kỳ dị: sự biến hình của người đàn bà, vẻ đẹp quyến rũ của bà ta và bầu vú, Kim Đồng hóa thành chim để vươn chạm tới “báu vật” của mình,… Tất cả đều phi thực, đều huyễn hoặc là vậy, nhưng chỉ cần nhìn vào giấc mơ ấy, nỗi niềm sâu kín nhất của Kim Đồng đã được hiển lộ.

Giấc mơ của Mi Nương trong Đàn hương hình cũng tương đồng với giấc mơ của Kim Đồng. Điên đảo vì hình ảnh quan huyện Tiền Đinh, “đêm nào Mi Nương cũng mơ thấy ông lớn và nàng có quan hệ xác thịt” [17, tr.219]. Ảo mộng đẹp đẽ đó của Mi Nương vừa là sự giải tỏa phần nào tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt và rạo rực mà nàng dành cho Tiền Đinh nhưng chưa được bày tỏ. Nhưng ngược lại, nó càng thiêu đốt trái tim tương tư, si mê của nàng đối với Tiền Đinh. Càng ham muốn bao nhiêu, mộng lại giúp nàng thỏa nguyện bấy nhiêu. Một trong những chức năng của chiêm mộng là tạo sự cân bằng tạm thời sinh học và tinh thần như là giấc ngủ. Giấc mộng đẹp của Mi Nương cũng có giá trị như vậy. Nhưng đó chỉ là sự cân bằng tạm thời, vì mộng làm nàng thỏa mãn bao nhiêu thì lại càng đẩy ham muốn đó được hiện thực hóa bấy nhiêu. Cái vòng luẩn quẩn đó hành hạ Mi Nương ghê gớm, “sắc mặt nàng tiều tụy, người nàng gầy đi trông thấy”, nhưng “cặp mắt thì sáng rực, đồng tử lại ươn ướt” [17, tr.219]. Với Mi Nương, thế giới trong mộng cùng với những gì đã diễn ra trong đó vừa tạo khoái cảm cho nàng, vừa thôi thúc nàng tiến tới một hành động mạo hiểm để làm dịu cơn lửa tình: tiếp cận quan huyện Tiền Đinh bằng mọi cách.

Giấc mơ của Kim Đồng, Mi Nương mang đậm dấu ấn của vô thức theo quan điểm của S.Freud. Không gian trong mộng là môi trường thuận lợi, tự do để mọi mong ước, ham muốn chưa có điều kiện thỏa nguyện trong hiện thực có thể được đáp ứng. Tất nhiên, mộng không phản ánh tất cả những ý nghĩa đó bằng những hình ảnh chân thực, chính xác với thực tế, nói khác đi, hình ảnh trong mộng có tính biểu tượng hóa. Vì thế, giấc mơ là một hiện thực bị biến dạng về mặt hình thức, nhưng lại phản ánh sắc nét và ấn tượng thế giới vô thức của nhân vật. Phân tích chiêm mộng, là tìm thấy cái nội dung tiềm ẩn dưới những biểu hiện tâm thần che giấu những ức chế, những nhu cầu và những xung năng, những mâu thuẫn, xung đột hoặc khát vọng chôn sâu trong tâm khảm. Khi khám phá thế giới và không gian

trong mộng của các nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, người đọc cũng thực hiện thao tác phân tích chiêm mộng theo nguyên tắc như vậy để từ đó, họ sẽ lĩnh hội được những khía cạnh tâm hồn, tinh thần của mỗi nhân vật trong một cái nhìn có chiều sâu hơn hẳn.

Kiểu giấc mơ là kết quả của nỗi ám ảnh có mặt tương đối nhiều trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, chẳng hạn Kim Đồng mơ thấy trại trưởng Long Thanh Bình, Lỗ Toàn Nhi mơ thấy mẹ chồng (Báu vật của đời), … Những gì mà nhân vật nhìn thấy trong không gian của giấc mơ đều gắn liền với những tội lỗi mà họ đã và đang thực hiện. Song bên cạnh những cơn mộng mị, nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn cũng thường mơ thấy những giấc mơ kì lạ mà một trong số đó là giấc mơ có tính chất tiên tri, dự báo như giấc mơ của Lai Đệ.

Nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn rất hay mơ. Họ mơ trong khi ngủ. Và mơ ngay trong lúc thức. Do vậy, không gian giấc mơ dung nạp thêm một kiểu giấc mơ đặc biệt: mơ lúc tỉnh thức. Những giấc mơ lúc tỉnh thường là hệ quả của một trạng thái tâm lý bị dồn nén, đến một mức độ nhất định, khi thực tại không thể giải tỏa được trạng thái tâm lý đó, chủ thể sẽ chủ động tìm đến hay bị động rơi vào trạng thái hoang tưởng, tưởng tượng, sáng tạo ra những cảnh huống, những sự kiện phù hợp với nhu cầu tâm lý của mình. Kim Đồng trong Báu vật của đời đã từng trải qua cơn mộng giữa ban ngày như thế.

Thời kỳ cách mạng văn hóa, gia đình Thượng Quan bị Hồng vệ binh bắt đi diễu phố. Mẹ của Kim Đồng bị một Hồng vệ binh tên Quách Bình Ân “phóng chân đá một phát vào đầu gối bà”, “xách tai bà lên”, “bà Lỗ vừa đứng lên, hắn lại đá bà ngã xuống và còn dận gót chân lên lưng bà” [21, tr.597]. Trước cảnh đó, Kim Đồng dù rất giận nhưng lại không dám làm gì ngoài việc khóc than gọi mẹ. Bất lực trong hiện thực, Kim Đồng đã mơ tưởng: đến một ngày huy hoàng nào đó, tay cầm bảo kiếm Long Tuyền, cậu dồn tất cả bọn chúng […] lên khán đài, bắt chúng quỳ xuống thành một hàng dài, rồi vung thanh Long Tuyền chỉ vào từng thằng…Tất nhiên trước tiên là thằng Vu Vân Vũ. Cái thằng đầu đầy mụn nhọt ấy nước mắt như mưa, lắp bắp van xin […] Công tử Kim Đồng phong thái hào hoa, mặc toàn đồ trắng, một kiếm hiệp nổi danh thiên hạ, ngoắt mũi kiếm cắt luôn một tai Vu Vân Vũ cho chó

ăn […]. Tiếp theo, đến lượt Ngụy Sừng Dê, cái thằng hung dữ hơn sài lang xảo trá hơn hồ ly, nhút nhát hơn thỏ đế […] quỳ dưới chân công tử Kim Đồng, dập đầu lạy như tế sao, cặp mắt lươn hấp háy như đếm tiền đồng […]. Kim Đồng khéo léo khoanh một nhát cắt đứt đầu lưỡi thằng Ngụy Sừng Dê, miệng nó chỉ còn là cái hốc đầy máu. Tiếp theo là thằng khốn kiếp Quách Bình Ân ….” [16, tr.597-599]

Cứ như thế, giấc mơ của Kim Đồng kéo dài mãi, trừng phạt từ kẻ thù này đến kẻ thù khác với phong thái của một hiệp sĩ uy phong lẫm liệt. Ảo tượng đẹp đẽ đó khiến Kim Đồng “cảm động đến rớt nước mắt” [16, tr.600], phải đến khi bị một thoi vào bụng cậu mới tỉnh giấc. Dễ thấy, giấc mộng của Kim Đồng hoàn toàn đối nghịch với hiện thực nghiệt ngã nhưng nó đã giải tỏa trong giây lát nỗi uất ức của Kim Đồng vì không thể bảo vệ mẹ, không đủ dũng cảm để chống lại kẻ ức hiếp mình. Ảo mộng đó cũng là ước mơ của Kim Đồng về khả năng của bản thân nhưng bất thành.

Có thể thấy, vô vàn giấc mơ đã gắn liền với đời sống của nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn. Không gian giấc mơ thật sự hé mở cho chúng ta những mặt bị che khuất bên trong tâm hồn nhân vật: những nỗi niềm bị đè nén, những khát khao không được thỏa mãn, những sợ hãi cố kiềm chế, những mặc cảm tội lỗi bị khước từ khi tỉnh thức,… Có giấc mơ lúc say ngủ, có giấc mơ lúc tỉnh thức. Song từ trong trạng thái vô thức lúc ngủ hay trạng thái có sự chi phối của ý thức lúc tỉnh thức, tất cả những cảnh mộng đều là ảo: từ con người, khung cảnh đến sự việc – một cái ảo có nguồn gốc bền chặt với hiện thực. Những yếu tố trong không gian giấc mơ đó đã cùng nhau kiến trúc nên một miền không gian sâu kín và huyền bí – không gian tâm lý, không gian tâm tưởng – một không gian ngỡ như phi thực nhất mà lại chân thực nhất về thế giới nội tâm của nhân vật.

Một phần của tài liệu Luận Văn Năm 1955; Văn học Trung Quốc; Lịch sử và phê bình; Văn học Trung Quốc; Tiểu thuyết (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)