CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
1.2. Làng nghề truyền thống và mối quan hệ của nó với phát triển du lịch
1.2.2. Vai trò của làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ nhất, các LNTT tạo ra khối lượng hàng hóa phong phú, đa dạng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.
LNTT phục vụ du lịch nói riêng luôn huy động được các nguồn lực sẵn có ở nông thôn như: tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu, phế phẩm của nông nghiệp được huy động vào quá trình sản xuất kinh doanh và khai thác một cách có hiệu quả nguồn vốn trong nhân dân, cơ sở vật chất kỹ thuật và những kỹ năng, kỹ xảo của người lao động. Trên cơ sở đó đẩy mạnh được hoạt động sản xuất nhằm tạo ra ngày càng nhiều hàng hóa có chất lượng tốt, phục vụ đắc lực cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu thông qua hoạt động du lịch.
Với số lượng ngành nghề phong phú, đa dạng và với số lượng lớn các cơ sở, các hộ sản xuất nên các làng nghề đã tạo ra sản phẩm hàng hóa phong phú và đa dạng về chủng loại, khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Ngoài ra sản phẩm của các làng nghề còn đóng góp quan trọng làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Từ năm 1996 đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của nước ta tăng nhanh và đang có nhiều triển vọng (bảng 1.1 – phụ lục). Sản phẩm TCMN của nước ta đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, vượt kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng khác. Khác với các sản phẩm khác, giá trị thực thu xuất khẩu hàng TCMN trên thực tế rất cao (95 – 97%) do sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước. Người ta tính toán rằng tăng thêm giá trị xuất khẩu 1 triệu USD hàng TCMN tương đương với tăng giá trị xuất khẩu 4,7 triệu USD hàng dệt may [36] (Bảng 1.2 – phụ lục).
Thứ hai, các LNTT góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
26
Làng nghề có vai trò tích cực góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN và dịch vụ, thu hẹp tỷ trọng nông nghiệp, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp sang ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Sự phát triển này đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, từ đó đã tạo ra nền kinh tế đa dạng ở nông thôn, không chỉ có nông nghiệp thuần nhất mà còn có các ngành TTCN, thương mại, dịch vụ. Sự phát triển lan tỏa của làng nghề đã mở rộng quy mô địa bàn sản xuất, thu hút nhiều lao động. Cơ cấu kinh tế ở nhiều làng nghề đạt 60-80 % cho công nghiệp và dịch vụ, 20-40% cho nông nghiệp. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo tỷ lệ 30-40-30 là hợp lý (30% làm nông nghiệp, 40% công nghiệp và 30% làm dịch vụ). Để đạt được cơ cấu này thì cần phải đẩy mạnh phát triển làng nghề để tạo việc làm tại chỗ là rất cần thiết.
Thứ ba, LNTT góp phần giải quyết việc làm một cách hữu hiệu cho người lao động ở nông thôn, tạo bình đẳng về thu nhập cho phụ nữ, hạn chế di dân tự do.
Sản xuất của làng nghề chủ yếu bằng phương pháp thủ công, không đòi hỏi cao về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ hay trình độ ngoại ngữ. Theo tính toán của các nhà kinh tế, trong giá thành sản phẩm TCMN, lao động sống thường chiếm tỷ lệ cao (60-65%) [35], xuất khẩu 1 triệu USD hàng TCMN thì thu hút khoảng 3.500- 4.000 lao động/năm [38]. Do đó phát triển làng nghề tạo việc làm cho nhiều lao động. Trước hết là trong gia đình, trong làng xã, ngoài ra còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác. Mặt khác, làng nghề phát triển sẽ hình thành các nghề khác, các hoạt động dịch vụ liên quan, tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút thêm nhiều lao động. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, an ninh trật tự, bởi vì hạn chế được vấn đề di dân từ vùng này sang vùng khác, từ nông thôn ra thành thị. Theo PGS.TS. Đặng Nguyên Anh (Viện Khoa học – Xã hội Việt Nam), 5 năm qua, cả nước có 486.500 người di cư, trong đó 57% di cư từ nông thôn ra thành thị. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm tiếp nhận thêm khoảng 240.000 người, còn Hà Nội tỷ lệ người nhập cư khoảng 9-10% dân số.
Dân số nước ta hiện nay khoảng 90 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới.
Mật độ dân số là 254 người/km², cao gần gấp đôi so với Trung Quốc (136
27
người/km²), gấp trên 10 lần so với các nước phát triển. Theo Liên Hợp Quốc, để cuộc sống thuận lợi, mật độ bình quân chỉ nên có từ 35-40 người/km². Như vậy, mật độ dân số của nước ta gấp khoảng 6-7 lần tỷ lệ này [39]. Lao động nông nghiệp nước ta chiếm khoảng 60% dân số [36], tỷ lệ thất nghiệp cao (6,5%) [37]. Đất canh tác bình quân đầu người thấp (800m²), hầu hết các vùng quê đều dư thừa lao động.
Mặt khác quá trình CNH, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều. Những vấn đề trên dẫn đến đời sống của nông dân nghèo, khoảng cách chênh lệch nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng. Vì vậy, vấn đề tạo việc làm cho lao động nông thôn, nông dân nói riêng là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2010 cho biết làng nghề đã thu hút một lượng lao động lớn với 256.000 hộ tham gia thường xuyên, với số lao động là 655.000 người [42].
Phát triển làng nghề còn có ý nghĩa khác là góp phần tạo ra bình đẳng cho phụ nữ. Phụ nữ nước ta chiếm 49% lực lượng lao động, nhưng chỉ 26% là có công việc chính trong lĩnh vực làm công ăn lương (ở nam giới là 41%). Phát triển ngành nghề nông thôn đã thu hút được số lượng lớn phụ nữ với thu nhập ổn định, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội [43, tr.62].
Thứ tư, LNTT góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao thu nhập thu hẹp khoảng cách giữa đời sống nông thôn và thành thị và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thu nhập bình quân của lao động nghề phi nông nghiệp cao hơn khoảng 3-4 lần thu nhập của lao động nông nghiệp; thu nhập của lao động ở đô thị cao hơn khoảng 3, 7 lần so với lao động ở nông thôn [41, tr.3-10]. Từ đó ta thấy rằng phát triển làng nghề sẽ tạo điều kiện giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Ở những nơi có làng nghề phát triển tỉ lệ hộ khá và giàu cao hơn, tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn so với những vùng thuần túy làm nông nghiệp.
Phát triển làng nghề cùng với việc tăng thu nhập tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân, không chỉ vật chất mà cả văn hóa, tinh thần. Đồng thời khi nghề nghiệp phát triển đến một mức độ nào đó thì xuất hiện các hình thức văn hóa
28
gắn với nghề như các bài hát, bài vè về nghề nghiệp, kinh nghiệm làm nghề, các tục thờ tổ nghề, hội nghề…Ngược lại, làng nghề phát triển, thu nhập được nâng cao thì người dân có điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa. Trong các làng nghề, cùng với sự đổi mới về kinh tế, văn hóa của nhân dân là quá trình xây dựng và đổi mới nông thôn theo hướng HĐH.
Thứ năm, LNTT góp phần thu hút vốn nhàn rỗi và tận dụng mọi nguồn lực trong nhân dân.
Khác với sản xuất công nghiệp và một số ngành khác, sản xuất của các hộ ở làng nghề đa số không đòi hỏi số vốn đầu tư lớn mà chủ yếu quy mô nhỏ, cơ cấu vốn và lao động ít nên rất phù hợp với khả năng huy động vốn và các nguồn lực vật chất của các gia đình (bảng 1.3 – phụ lục).
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, đầu tư cho một chỗ làm việc ở doanh nghiệp tư nhân từ 5-10 triệu đồng, trong khi đầu tư cho một chỗ làm việc ở làng nghề chỉ khoảng 1 triệu đồng. Bình quân vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn ít hơn 5 lần, đầu tư cho một lao động ít hơn 3 lần so với chỉ tiêu tương ứng của các doanh nghiệp nhỏ ở thành thị [44, tr.90]. Vốn kinh doanh bình quân của một doanh nghiệp là 1.035,9 triệu đồng, của một hộ chuyên nghề là 20,56 triệu đồng và của một hộ nông nghiệp kiêm nghề là 9,18 triệu đồng. Sản xuất ở các làng nghề với rất nhiều hộ gia đình đã huy động được một lượng vốn không nhỏ.
Các làng nghề còn tiết kiệm được các chi phí khác như chi phí xây dựng cơ bản vì đầu tư cho công việc xây dựng nhà xưởng, kho tàng, đường sá…được giảm đến mức thấp nhất vì các hộ sản xuất tận dụng các diện tích sẵn có trong gia đình (nhà ở, sân, vườn) và trong làng để làm nơi sản xuất, bảo quản. Ngoài ra các hộ sản xuất còn huy động vốn thông qua việc vay mượn nhau trong gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè…thông qua nhiều hình thức rất linh hoạt. Năm 2010 ước tính tổng vốn tích lũy hiện có của các hộ nông thôn khoảng 90.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền nhàn rỗi khá lớn, cần có các biện pháp và chính sách thích hợp để huy động nguồn vốn nhàn rỗi này phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước [42].
29
Thứ sáu, LNTT thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Hệ thống giao thông và kết cấu hạ tầng vừa là tiền đề vừa là kết quả của phát triển làng nghề. Trước hết làng nghề được hình thành ở những vùng có giao thông thuận lợi, đồng thời làng nghề phát triển có nhu cầu xây dựng nhà xưởng, đường sá, hệ thống cấp điện, nước, bưu điện…Kèm theo đó, làng nghề phát triển, người dân có thu nhập cao, có điều kiện đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời người dân có nhu cầu và điều kiện trao đổi hàng hóa, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nhà cửa và do đó hình thành trung tâm giao lưu buôn bán. Những trung tâm này ngày càng mở rộng và phát triển, tạo nên sự đổi mới trong nông thôn.
Thứ bảy, LNTT góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch.
“Mỗi một làng nghề là một địa chỉ văn hóa, nó phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng” [45]. Nét văn hóa của làng nghề thể hiện qua các nét độc đáo của từng sản phẩm, các lễ hội, các phong tục tập quán của làng nghề, lịch sử phát triển hình thành và phát triển của làng nghề. Đặc biệt là ở các LNTT, các sản phẩm được làm bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, với các nguyên liệu, phong cách Việt Nam, được lưu giữ và phát triển qua các thế hệ, trở thành các sản phẩm truyền thống, không chỉ thể hiện nét văn hóa riêng của từng địa phương mà còn là nét văn hóa của Việt Nam. Ngoài ra, tại các LNTT thường tổ chức lễ cúng Tổ nghề để tưởng nhớ các vị Tổ nghề đã có công mang nghề và truyền nghề về cho làng. Đây là lễ hội có nhiều ý nghĩa, mang nhiều nét văn hóa dân gian, rất được các làng nghề coi trọng. Đồng thời, điều kiện kinh tế được nâng lên, các làng nghề có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác, tổ chức các cuộc thi như thi tay nghề, các cuộc thi gắn với nghề.
Giá trị văn hóa của làng nghề nước ta còn thể hiện trong các nghệ nhân – những người lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc trong các sản phẩm làng nghề, đồng thời không ngừng sáng tạo để làng nghề có thêm nhiều sản phẩm mới vừa phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ
30
nhân trong điều kiện mới. Nghệ nhân cũng là những người giữ vai trò quyết định trong việc truyền dạy nghề cho đời sau. Với ý nghĩa ấy, UNESCO đã đề nghị tặng họ danh hiệu “Báu vật nhân văn sống”.
Do các LNTT là nơi kết tinh và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của dân tộc, ngày càng có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Du lịch làng nghề là một sản phẩm mới, trong những năm gần đây đang có xu thế phát triển mạnh mẽ, như làng gốm Bát Tràng, khách du lịch đến đây có thể tham quan nơi sản xuất, vẽ thử lên đồ gốm sứ…
Thứ tám, LNTT góp phần phát triển xã hội.
Làng nghề là một lực lượng có vị thế, một cộng đồng có sự liên kết bền chặt bởi những mối liên hệ khăng khít, nhiều mặt: về lãnh thổ, huyết thống, kinh tế, có chung Thành hoàng làng và Tổ nghề; có chung văn hóa và tâm linh; v.v…Từ những mối liên hệ đó, hình thành một cộng đồng đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân trên một địa bàn đã từng cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn thử thách trong lịch sử giữ nước và dựng nước. Người thợ thủ công trong làng nghề gắn bó với làng, không chỉ vì yếu tố kinh tế mà do nhiều yếu tố tâm linh, thiêng liêng, trở thành chất kết dính bền vững trong các làng nghề. Chính vì vậy, tính cộng đồng làng xã rất gắn bó. Cư dân làng nghề rất quan tâm đến việc thờ cúng, tôn vinh và tri ân các vị Tổ nghề.
Qua các sinh hoạt mang tính cộng đồng đa dạng và phong phú như các lễ hội, đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa dân làng với những người đi buôn bán ở xa; đồng thời còn làm cho người dân trong làng gần gũi nhau nhiều hơn.
Ngày nay, nói đến làng nghề là nói đến một không gian kinh tế và văn hóa, xã hội đặc thù, trong đó có những người lao động trong các làng nghề, những chủ doanh nghiệp – doanh nhân với những trình độ khác nhau và những người hoạt động trong các lĩnh vực khác, gọi chung là cư dân nông thôn. Cư dân đô thị ngày nay có đủ mọi tầng lớp người, mọi lứa tuổi; nếu các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp được quan tâm hình thành sẽ là những tổ chức sinh hoạt cộng đồng bổ ích, nơi góp phần quan trọng gắn kết các quan hệ lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích,
31
truyền thống dòng họ, làng xã, nơi các cư dân trong đô thị tự rèn luyện và tự khẳng định, v.v…hình thành “vốn xã hội” của một cộng đồng dân cư bền vững.