CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG VỀ DẠY HỌC MÔN TRANG BỊ ĐIỆN TẠI CƠ SỞ SƠN TÂY TRƯỜNG ĐHLĐ XÃ HỘI
2.6. Khả năng áp dụng dạy học mô đun Trang bị điện theo năng lực thực hiện tại Trường ĐHLĐ Xã hội- Cơ sở Sơn Tây
Như đã trình bày ở chương 1, để có thể dạy học theo NLTH cần phải có đủ các điều kiện như: cấu trúc nội dung chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện, giáo viên được bồi dưỡng về dạy học theo NLTH và phải có đầy đủ các phương tiện dạy học, cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động dạy và học. Vì vậy để đánh giá khả năng áp dụng dạy học theo NLTH mô đun trang bị điện tại Cơ sở Sơn Tây cần căn của vào các điều kiện nêu trên.
* Về cấu trúc nội dung chương trình đào tạo
Chương trình môđun Trang bị điện của Trường ĐHLĐ Xã hội - Cơ sở Sơn Tây được biên soạn theo chương trình khung của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Tuy nhiên, chương trình mô đun trang bị điện được cấu trúc thành các bài học, nhiều bài có thời lượng quá lớn do đó để có thể dạy học theo NLTH cần cấu trúc lại nội dung chương trình đào tạo theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành nghề.
* Về năng lực giáo viên
Hiện nay khoa Điện của Trường ĐHLĐ Xã hội - Cơ sở Sơn Tây có 14 giáo viên trong đó 8 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 6 giáo viên có trình độ đại học. Các giáo viên trong khoa tuổi đời trung bình còn rất trẻ, các thầy cô trong khoa đều rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, chịu khó tìm tòi, ứng dụng công nghệ dạy học và các phương pháp mới vào công tác giảng dạy. Các giáo viên đều đã từng tham gia giảng dạy cả các môn học lý thuyết và thực hành nên rất thuận lợi khi triển khai giảng dạy theo NLTH.
Mặt khác hàng năm các giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để có thể tiếp cận các phương pháp dạy học tích cực và công nghệ dạy học hiện đại. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thêm các khoá bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học theo NLTH để giáo viên có thể nâng cao trình độ và năng lực đối với phưong pháp mới này.
* Về cơ sở vật chất
Hiện nay tại Trường ĐHLĐ Xã hội - Cơ sở Sơn Tây có 03 phòng học mô đun Trang bị điện. Các phòng đều được trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu phục vụ cho giảng dạy. Đồng thời mỗi phòng đều có đầy đủ trang thiết bị như hệ thống cầu trục, các dàn trải của các máy công nghiệp, và gần 20 bàn thực tập được lắp đủ thiết bị để học sinh luyện tập lắp ráp và sửa chữa các mạch điện. Nói chung cơ sở vật chất đủ để giảng dạy mô đun Trang bị điện theo năng lực thực hiện.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Nâng cao chất lượng dạy học nhằm tạo nhân lực có chất lượng cao đang là một yêu cầu đối với nhà trường trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, Trường ĐHLĐ Xã hội đã có chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong dạy học.
Để khuyến khích việc đổi mới phương pháp dạy học nhà trường đã có một số biện pháp như: Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ cho thực tập cơ bản và thực tập sản xuất; Xây dựng các phòng học chuyên môn hóa với đầy đủ thiết bị phục vụ cho giảng dạy theo mô đun như phòng học Trang bị điện, Máy điện, PLC cơ bản, Điện tử công nghiệp; Khuyến khích giáo viên soạn giáo án và giảng dạy bằng giáo án điện tử, tích cực chủ động học tập nâng cao trình độ; Mở các lớp chuyên đề về các phương pháp dạy học mới để giáo viên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Như vậy, nhà trường cũng như khoa điện đã có những điều kiện cơ bản để đổi mới phương pháp dạy học. Mặc dầu vậy, hiện nay các GV ở trường chủ yếu vẫn đang sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống, đặc biệt là phương pháp dạy học theo NLTH thì chưa được áp dụng.
Mô đun trang bị điện bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành với tỉ lệ thực hành lớn, thích hợp với dạy học theo NLTH. Tuy nhiên, chương trình hiện hành đang được cấu trúc theo bài học với thời lượng lớn, có bài đến 119 tiết nên không thuận lợi cho việc dạy học theo NLTH. Do vậy, cần cấu trúc lại nội dung mô đun trang bị điện cho phù hợp với dạy học theo NLTH.
CHƯƠNG III