Giá trị, giá trị truyền thống, hệ giá trị và hệ giá trị truyền thống

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc với sự hình thành con người công dân việt nam (Trang 53 - 58)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC GIÁO DỤC HỆ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC ĐỐI VỚI SỰ HÌNH THÀNH CON NGƯỜI CÔNG DÂN VIỆT NAM THỜI KỲ HỘI NHẬP

2.3. Giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc

2.3.1. Giá trị, giá trị truyền thống, hệ giá trị và hệ giá trị truyền thống

Nói tới giá trị, trước hết phải nghĩ đến "giá trị" và "giá trị sử dụng" trong kinh tế học. Tuy nhiên, phạm trù "giá trị" có tính trừu tượng hơn và thường xuất hiện trong triết học, chính trị học, xã hội học, luật học,... Nhưng, dù phạm trù "giá trị"

trừu tượng như thế nào thì nó cũng không thể hoàn toàn tách rời nội dung ban đầu.

Một số học giả cho rằng, giá trị là một phạm trù quan hệ, một mặt, giá trị không tách rời khỏi con người và nhu cầu của con người; mặt khác, giá trị cũng không tách rời khỏi khách thể. Ở Việt Nam phải kể đến các tác giả

nghiên cứu về giá trị như: Trần Văn Giàu nêu "Giá trị xuất hiện từ mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng, nghĩa là từ thực tiễn và chiến đấu của con người trong xã hội" [79]. Cũng theo Trần Văn Giàu khi xác định giá trị phụ thuộc vào đánh giá đúng đắn của con người và giá trị phải xuất phát từ thực tiễn và phải được kiểm chứng từ thực tiễn. Phạm Minh Hạc định nghĩa giá trị "Nói đến giá trị là nói đến đánh giá, tìm kiếm ý nghĩa của sự vật này, sản phẩm kia mà chủ thể quan tâm tới, có ước muốn đạt được để thực hiện một mục đích nào đấy, đó là thái độ (hệ thống thái độ) của từng con người đối với xung quanh, một phần cực kỳ quan trọng của lối sống, cách sống" [89]. Hồ Sĩ Quý cho rằng: Giá trị được sử dụng rộng rãi trong triết học và xã hội học, có ý nghĩa chỉ ra các hiện tượng văn hóa, các hiện tượng xã hội. Về thực chất giá trị khách quan với tính cách là khách thể của quan hệ giá trị, nó là toàn bộ sự đa dạng của hoạt động người, của quan hệ xã hội trong đó có cả các hiện tượng tự nhiên có liên quan.

Theo Hồ Sĩ Quý thì giá trị được đánh giá trong khuôn thước của thiện và ác, của chân lý và sai lầm, của đẹp và xấu, của được phép và cấm kỵ, của chính nghĩa và phi nghĩa… [138]. Với Đoàn Văn Chúc thì giá trị được xem là cái khả ao ước của một nhóm, một cộng đồng hay một cộng đồng xã hội. Giá trị được biểu hiện qua những quan niệm thầm kín hay bộc lộ cái ao ước, cái thầm kín, cái ao ước đó được biểu hiện thông qua các phương thức, phương tiện, mục đích của hành động. Như vậy theo quan niệm của Đoàn Văn Chúc thì giá trị là những tiêu chuẩn về cái ao ước, chúng xác định mục đích chung của hành động [64]. Trong khi đó, Trần Trọng Thủy cho rằng: Giá trị được con người tạo ra nhằm phục vụ sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của cá nhân con người. Giá trị là một hiện tượng xã hội điển hình, biểu thị sự vật, hiện tượng, các thuộc tính và quan hệ của hiện thực, các tư tưởng, các chuẩn mực, mục đích và lý tưởng, các hiện tượng của tự nhiên và xã hội [154].

Từ những quan niệm và với mục tiêu của luận án, nghiên cứu sinh cho rằng, quan niệm về giá trị "là tiêu chuẩn qua đó các thành viên của một nền văn hóa xác định điều gì là đáng mong muốn và không đáng mong muốn, tốt hay xấu, đẹp hay xấu" [191] phù hợp với quan điểm cá nhân và giúp luận án

xác định rõ ràng hơn về những thao tác trong hoạt động sống của con người công dân để nghiên cứu.

Như vậy, giá trị được hiểu là những phát biểu "đánh giá" và "phán đoán" từ quan điểm văn hóa về điều nên làm của một cá thể, cộng đồng hay nhóm. Hệ thống những điều nên làm trong khung cảnh của nền văn hóa, từ phương diện lý thuyết giá trị, nó tồn tại như là những nguyên tắc bao quát và phản ánh trong hầu hết từng khía cạnh trong cách sống của con người. Có thể khẳng định, tư duy của con người tạo ra giá trị hay giá trị là sản phẩm của tư duy. Giá trị là hình thái của đời sống tinh thần, phản ánh và kết tinh đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Vì giá trị là những đánh giá và phán đoán của con người, nhóm người, cộng đồng và xã hội về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng cái già là cần, là tốt, là đẹp, là hay nhằm khẳng định và nâng cao bản chất người, cho nên, "tính chủ quan" được coi là thuộc tính căn bản của giá trị. Sự hiện thực hóa đặc điểm bản chất này của giá trị văn hóa gắn chặt với hàng loạt các chức năng của nó, trong đó đáng chú ý nhất là chức năng định hướng, chi phối và điều tiết của giá trị đến các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong xã hội ấy.

Tính tương đối hay giá trị là hiện tượng luôn có tính tương đối. Có nghĩa là, khi đánh giá tính giá trị phải đặt nó trong quan hệ không gian, thời gian và chủ thể giá trị. Bởi vì, giá trị hay chân lý đều được diễn giải trong những không gian xã hội và lịch sử cụ thể. Như vậy, về bản chất, quan điểm giá trị thuộc phạm trù ý thức xã hội, quan điểm giá trị của một xã hội nhất định là một bộ phận hợp thành của ý thức xã hội của xã hội ấy.

Giá trị truyền thống

Cụm từ truyền thống thường được sử dụng với các loại hình cộng đồng như: truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc, truyền thống Phương Đông,... Hay khi đề cập đến một lĩnh vực nào đó, có thể nói: truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, truyền thống cần cù lao động... Có người còn sử dụng cụm từ này để chỉ những quan niệm đã cũ, hay những mặt được xem là

bảo thủ của một triết thuyết nào đó, nó đối lập với quan niệm cách tân, hiện đại. Có thể cho rằng, truyền thống là những cái được định hình tương đối ổn định trong lịch sử, có thể được lưu truyền, cải tiến ở hiện tại và tương lai. Khi nhận diện truyền thống là xem xét những yếu tố, những giá trị của cộng đồng người. Do vậy, để nhận diện truyền thống của một quốc gia hay một dân tộc, trước hết phải xem xét những yếu tố về điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội cụ thể hình thành truyền thống đó.

Ở Việt Nam quá trình hình thành, phát triển truyền thống dân tộc do sự tác động tổng hợp, hằng xuyên của nhiều yếu tố: hoàn cảnh tự nhiên (hay còn gọi là đặc điểm địa lý), hoàn cảnh lịch sử, môi trường văn hóa khu vực...

Truyền thống dân tộc Việt Nam được lưu truyền, vun đắp và phát triển trải qua nhiều thế hệ con người tiếp nối nhau. Những truyền thống dân tộc Việt Nam đã trở thành động lực nội sinh, là sức mạnh của cộng đồng Người Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hệ giá trị

Hệ giá trị được sử dụng rất phổ biến, chẳng hạn các khái niệm như hệ giá trị Mỹ, hệ giá trị dân tộc,… là thường gặp trong các nghiên cứu giá trị. Khái niệm hệ giá trị được hiểu khá thống nhất ở các nhà nghiên cứu. Nó được định nghĩa là một tổ hợp giá trị khác nhau được sắp xếp, hệ thống lại theo những nguyên tắc nhất định tạo thành một tập hợp mang tính toàn vẹn và hệ thống, thực hiện các chức năng đặc thù trong việc đánh giá của con người theo những phương thức vận hành nhất định của giá trị, hoặc từ cách tiếp cận chủ thể của giá trị cũng có thể định nghĩa - hệ giá trị là tập hợp các giá trị có biểu hiện của con người, cộng đồng người (cá nhân, gia đình, dân tộc, vùng, nhân loại, quốc gia…).

Từ phương diện văn hóa - tức là nhìn từ phương diện cung cấp một đảm bảo cho sự bền vững của cấu trúc xã hội, hệ giá trị của các cộng đồng, nhóm, dân tộc… có vai trò rất quan trọng trong định dạng tính cố kết, tính xu hướng của hệ thống xã hội bằng việc nó hệ thống hóa qua bộ lọc của lịch sử tồn tại, thích nghi của mỗi cộng đồng về những "cái đang mong đợi chung" được chia

sẻ bởi các thành viên trong hệ thống qua đó định dạng phương hướng hệ thống trong các quan hệ tương tác bên trong và với thế giới bên ngoài. Ngoài ra các nhà khoa học thường lưu ý những đặc điểm có ý nghĩa định hướng về phương pháp luận cho nghiên cứu hệ giá trị, đó là nhấn mạnh những tính chất phổ quát của mọi hệ giá trị: tính độc lập tương đối, tính lịch sử cụ thể, tính dân tộc (truyền thống), tính thời đại, tính nhân loại, tính cộng đồng, tính giai cấp, tính lý tưởng và tính hiện thực…

Hệ giá trị truyền thống

Hệ giá trị truyền thống là tập hợp các giá trị truyền thống, được tổng hợp, sắp xếp theo một mục đích nhất định, là một phạm trù thuộc đời sống xã hội - tổng hợp những nhân tố quan trọng cấu thành nền văn hóa, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của con người, nó là động lực thúc đẩy sự phát triển và sự tiến bộ xã hội. Hệ giá trị truyền thống dân tộc tồn tại dưới nhiều hình thức hoạt động của con người, phản ánh được hiện thực cuộc sống sinh tồn của con người và loài người, định hướng hoạt động con người, cộng đồng người trong tính lịch sử - cụ thể.

Hệ giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam rất phong phú được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, xuất bản công trình khoa học về vấn đề này. Hệ thống giá trị đó tác động vào đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng một cách toàn bộ, tổng hòa, tổng hợp, hình thành nên văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng.

Trong đó, hệ giá trị thường có sự tương liên, tương tác, liên hoàn, móc xích, hỗ trợ nhau cùng phát huy tác dụng. Chẳng hạn, khó phân biệt tách bạch hệ giá trị như tình yêu quê hương, yêu nước, thương yêu đồng loại, thương người,... Hoặc như, đã yêu nước thì phải yêu lao động, cần cù, tự lực tự cường, sáng tạo để làm cho đất nước ngày càng thêm giàu mạnh, đẹp đẽ. Và muốn lao động với hiệu quả cao thì phải ham học hỏi để nắm văn hóa, kỹ thuật. Và muốn học hỏi cho có kết quả thì phải có đầu óc phóng khoáng, không hẹp hòi, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ, không câu nệ là từ đâu đến. Hoặc như nói về tình người, nhân ái (thương người), nếu phát huy cao dần lên nó sẽ trở thành tính nhân loại, anh em bốn biển đều là người một nhà. Người Việt Nam giàu tính nhân bản, đồng thời cũng giàu lòng hiếu khách, bao dung.

Ở Việt Nam quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và cả hoạt động thực tiễn của con người từ nhiều góc cạch, từ nhiều phía khác nhau, vì thế hệ giá trị truyền thống dân tộc cũng có nhiều biến đổi đa dạng và phong phú. Do đó, việc xác định hệ giá trị truyền thống cũng gặp nhiều khó khăn, khó nhận biết hệ giá trị đích thực. Thực tiễn xã hội lại nảy sinh hiện tượng mới như: sùng ngoại, sùng cổ, coi cái gì của mình cũng tốt. Chính vì thế, vấn đề hàng đầu hiện nay là đưa ra được tiêu chí xác định hệ giá trị truyền thống dân tộc và tiêu chí đánh giá tinh hoa nhân loại rất cần thiết và quan trọng.

Hiện nay, đã có những ý kiến khác nhau về hệ giá trị truyền thống Việt Nam, với luận án chuyên ngành chính trị học thì 5 giá trị sau được hợp thành một hệ giá trị để bổ sung, hỗ trợ và tác động đến hình thành con người công dân trên các mặt cửa đời sống, đó là: 1) Giá trị truyền thống yêu nước; 2) Giá trị truyền thống liên kết cộng đồng; 3) Giá trị truyền thống nhân ái, khoan dung; 4) Giá trị truyền thống đề cao công bằng xã hội; 5) Giá trị truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Trong những biến động của thời đại các giá trị này đang được tiếp tục củng cố, có những hình thức biểu hiện mới.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc với sự hình thành con người công dân việt nam (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)