Chương 4: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC HỆ GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VỚI SỰ HÌNH THÀNH CON NGƯỜI CÔNG DÂN VIỆT NAM THỜI KỲ HỘI NHẬP
4.1. Bối cảnh mới tác động đến giáo dục hệ giá trị truyền thống dân tộc với sự hình thành con người công dân Việt Nam thời kỳ hội nhập
4.1.2. Các nhân tố trong nước
Bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội, vì thế con người trong xã hội sẽ chịu sự tác động, ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố khác nhau.
Trong khuôn khổ luận án nghiên cứu những tác động của một số nhân tố lên sự hình thành con người công dân Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Nhân tố chính trị
Hiện nay ở Việt Nam những yếu tố tác động, định hướng đến quá trình hình thành và phát triển con người công dân gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam,
Nhà nước xã hội chủ nghĩa, các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình hình thành và phát triển đó tạo ra lớp người có đủ phẩm chất năng lực để từng bước vươn lên làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Ngay từ khi Việt Nam bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội được coi là quá trình được thực hiện tự giác, có ý thức, có chủ đích. Vì thế, vai trò của hệ thống chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tính chất quyết định, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Hệ thống chính trị có vai trò tạo lập môi trường xã hội tốt đẹp cho sự hình thành và phát triển con người công dân Việt Nam. Việc tạo môi trường chính trị - xã hội mới thể hiện rõ vai trò và tác dụng to lớn của nhân tố chính trị đối với quá trình hình thành và phát triển con người công dân Việt Nam, là sản phẩm của những điều kiện, hoàn cảnh xã hội - lịch sử cụ thể.
Tạo ra một môi trường chính trị - xã hội mới sẽ là điều kiện, là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự nẩy nở và phát triển những phẩm chất, năng lực về mọi mặt cho con người công dân Việt Nam, thúc đẩy cá nhân không ngừng vươn lên hoàn thiện nhân cách, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển xã hội.
Hệ thống chính trị của Việt Nam đã, đang xây dựng môi trường xã hội dân chủ tốt thúc đẩy được con người công dân hình thành và phát triển đáp ứng nhu cầu của thời kỳ hội nhập hiện nay. Hồ Chí Minh đã khẳng định Việt Nam là nước dân chủ, dân chủ là quý báo nhất của nhân dân, để giải quyết mọi khó khăn thì phải có dân chủ xã hội [102, tr. 36, 54, 434].
Vấn đề thực hành dân chủ là đem lại cho con người công dân Việt Nam những quyền năng và sức mạnh mới để phát triển các năng lực của bản thân, xứng đáng với vị trí, vai trò chủ thể và động lực quan trọng nhất của sự phát triển xã hội. Nếu thiếu tự do dân chủ thì các tiềm năng, năng lực của con người công dân Việt Nam sẽ bị thui chột, họ dễ bị kìm hãm trong vòng ngu dốt, tối tăm, yếu hèn. Việc thiết lập một thiết chế dân chủ thực sự ở Việt Nam là xây dựng cho được nhân dân là chủ duy nhất, từ đó con người công dân Việt Nam sẽ phát huy tốt tinh thần tự giác, lòng nhiệt huyết, óc sáng tạo làm tiền đề để phát triển đất nước. Nói cách khác, chính nhờ thực hiện dân chủ và thông qua chế độ dân chủ mà mỗi cá nhân, mỗi con người công dân Việt Nam
phát triển và cống hiến cho đất nước. Vậy chế độ dân chủ tác động theo cách nào đến sự hình thành con người công dân mới, đây là vấn đề phức tạp. Vì thế cần đi sâu vào chính vấn đề thực hiện cơ chế dân chủ để hiểu được cơ chế tác động này.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải thể hiện sự kết hợp trong nó các đặc trưng nhân văn và pháp lý, giá trị và ý nghĩa nhân văn của dân chủ là sự tôn trọng con người công dân Việt Nam và nhân cách của họ, bởi họ là chủ thể của lịch sử, là giá trị văn hóa cao nhất.
Để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải coi pháp luật là thuộc tính bên trong của dân chủ, không có pháp luật không thành dân chủ.
Tính pháp lý của dân chủ dựa trên vai trò, vị trí pháp lý của con người công dân Việt Nam, tức là, dựa vào quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của con người công dân Việt Nam.
Xã hội càng hiện đại thì đòi hỏi tính pháp lý của con người công dân ngày càng cao. Vì thế, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trở thành công cụ và phương tiện để con người công dân thực hiện quyền làm chủ trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy chính nhờ cơ chế này mà con người công dân Việt Nam được làm chủ và dân chủ được mở rộng. Thông qua việc làm chủ và mở rộng quyền làm chủ đối với các hoạt động của con người công dân mà họ mới có điều kiện hơn để phát triển những phẩm chất của mình.
Nhân tố kinh tế thị trường
Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, sau những khủng hoảng của nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó cũng là cơ sở khách quan cho sự hình thành con người công dân Việt Nam mới hiện nay. Hơn nữa trong hệ thống lợi ích con người công dân Việt Nam thì lợi ích vật chất luôn giữ vai trò căn bản ảnh hưởng đến sự hình thành những phẩm chất của con người công dân Việt Nam mới.
Sự nghiệp đổi mới đất nước như một điều kiện xã hội khách quan tác động sâu sắc đến con người công dân Việt Nam, trong đó sự phát triển kinh tế thị trường là điều kiện quyết định nhất, tác động lớn nhất đến sự biến đổi của con người công dân Việt Nam mới.
Dưới những hình thức và mức độ khác nhau, ngày nay cơ chế thị trường đã thâm nhập sâu vào các mặt của nền kinh tế, ưu thế của cơ chế thị trường là ở sức giải phóng to lớn của nó đối với sức sản xuất, ở chỗ nó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, cũng như kích thích tính tích cực của con người trong sản xuất. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, cơ chế thị trường tác động có tính hai mặt đối với phát triển của con người công dân Việt Nam.
Một mặt, nó tạo ra con người công dân Việt Nam duy lý. Con người công dân Việt Nam có khả năng tính toán, lựa chọn những giải pháp tối ưu nhằm thu lợi tối đa trong hoạt động kinh tế. Nhờ đó mà con người công dân Việt Nam phát triển trí tuệ, lý trí của mình. Việc chuyển nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tạo cho mỗi cá nhân, tập thể có nhiều cơ hội đua tài, phát huy sang kiến. Năng lực của con người công dân Việt Nam có điều kiện được bộc lộ và được trân trọng. Cơ chế thị trường tạo động lực cho sự cạnh tranh về chất lượng hàng hóa, mẫu mã, giá thành, giá cả… Điều đó đòi hỏi con người công dân Việt Nam phải sử dụng trí tuệ trong sản xuất kinh doanh, phải biết tư duy sang tạo, tôn trọng tri thức khoa học và công nghệ, có óc thẩm mỹ, quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Chính trong kinh tế thị trường, năng lực toàn diện của con người được kích thích, bộc lộ và phát triển. Đồng thời cạnh tranh với tính cách là quy luật của nền kinh tế thị trường, tác động đến sự hình thành ý chí của con người công dân Việt Nam, làm cho họ mạnh dạn, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận cả rủi ro trong thử nghiệm làm ăn. Như vậy, cơ chế thị trường tác động thuận lợi đến việc hình thành những phẩm chất của một tính cách mạnh, năng động, khôn ngoan, tháo vát. Cạnh tranh làm thay đổi thói quen an phận thủ thường của con người công dân Việt Nam, thói quen bằng lòng với cái nghèo để đi
đến không an phận với cái đói nghèo, xem nghèo đói là nỗi nhục, quyết vươn lên làm giầu bằng trí tuệ và sức mạnh của mình, tự hào với thành đạt của cá nhân và gia đình. Trong định hướng giá trị của xã hội cũng có nhiều thay đổi đáng kể, văn hóa truyền thống coi trọng giá trị tinh thần, đề cao đạo đức lễ nghĩa, xem nhẹ giá trị vật chất. Tư tưởng con người công dân Việt Nam hiện nay không chỉ coi trọng giá trị tinh thần, đạo đức mà còn đánh giá cao giá trị vật chất, nhu cầu sinh hoạt tinh thần, vật chất đều tăng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm thay đổi nhiều mặt trong tác phong, tính cách, lối sống của con người công dân Việt Nam. Hơn thế, nhờ phát triển sản xuất, thu nhập cao, con người công dân Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ, có điều kiện thỏa mãn những nhu cầu đa dạng, phong phú, từ đó mà phát triển những năng lực, những phẩm chất ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Mặt khác, cơ chế thị trường có xu hướng làm suy yếu mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, cộng đồng, xã hội. Việc chạy theo lợi ích cá nhân quá đáng có thể dẫn đến biến dạng tình cảm, dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái đạo đức. Việc mở rộng giao lưu hợp tác, du nhập những giá trị ngoại lại có thể dẫn đến sự xói mòn hệ giá trị truyền thống dân tộc, tạo lên những giá trị lai căng, tâm lý sung ngoại, hướng ngoại, xem nhẹ những giá trị tinh thần dân tộc. Một vấn đề cần chú ý là, ngay trong bản chất của mình, cơ chế thị trường đã bao chứa một khả năng tiêu cực trong quan hệ với phương diện đạo đức của con người công dân Việt Nam. Vai trò của đồng tiền với tính cách là vật ngang giá, đại biểu cho giá trị trong trao đổi đã dẫn đến tệ sùng bái đồng tiền. Đồng tiền vượt qua ranh giới của kinh tế, của sản xuất và tiêu dùng, bành trướng ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngoài ra, cơ chế thị trường đòi hỏi người tham gia thị trường phải luôn tính đến lợi ích tối đa. Trong kinh tế thị trường, chủ thể đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Chỉ biết đến lợi ích của mình trong nền lĩnh vực thị trường khi được mở rộng sang lĩnh vực khác thì biến thành chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, đẩy mọi quan hệ tình nghĩa truyền thống vào trong sự tính toán thiệt hơn lạnh lùng.
Những hiện tượng suy thoái đạo đức khá phổ biến hiện nay, về cơ bản, có
quan hệ với mặt trái của kinh tế thị trường. Tóm lại, ở Việt Nam hiện nay nền kinh tế thị trường mặc dù theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế lại có hướng tác động tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội [62, tr.16]. Những tác động tiêu cực biểu hiện trên những mặt sau: Một là, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và hoạt động có nghĩa là buộc phải chấp nhận sự bóc lột ở trong một chừng mực và trong một phạm vi nhất định. Hai là, lợi ích cá nhân và tự do cạnh tranh có xu hướng làm suy giảm mối liên hệ giữa cá nhân với cộng đồng, tạo ra những con người công dân Việt Nam có tính cách mạnh nhưng kém phát triển về mặt tình cảm, thậm chí vô cảm. Ba là, giá trị thị trường có xu hướng đồng hóa các giá trị xã hội khác. Mọi quan hệ, mọi giá trị đều được xác lập đánh giá qua lăng kính của giá trị thị trường…
Những điều ấy làm cho sự phát triển của con người công dân Việt Nam mới lại có thể rơi vào tình trạng méo mó và thậm chí đối lập trên bình diện xã hội.
Nhân tố quá trình dân chủ hóa xã hội
Dân chủ hóa xã hội đang trở thành nhu cầu to lớn và bức xúc đối với tất cả con người công dân Việt Nam trong xã hội. Dân chủ vừa là hình thức tồn tại và quản lý xã hội, vừa là quyền và nghĩa vụ của con người công dân Việt Nam.
Dân chủ không chỉ là quyền lực chính trị mà còn là động lực giải phóng và làm giàu trí tuệ của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng dân tộc. Dân chủ được thể hiện trong nhiều mối quan hệ khác nhau giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người công dân Việt Nam và xã hội trong cả chính trị và kinh tế, trong cả quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi con người công dân Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, lần đầu tiên đường lối về dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội được nếu gồm: dân chủ trong lĩnh vực kinh tế nhằm tạo ra những thuận lợi cho phát triển con người công dân Việt Nam. Có thể nói rằng, dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế là nền tảng đối với thực thi dân chủ trên nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Việc tạo ra một môi trường kinh tế theo hướng dân chủ hóa có nghĩa là làm cho toàn bộ các quan hệ kinh tế, các điều kiện sản xuất và các hình thức kinh doanh được thiết lập theo quan điểm dân chủ, đảm bảo cho con người công dân Việt Nam
có thể bộc lộ tài năng và chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh. Thực hiện dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế còn có nghĩa là thật sự tôn trọng, bảo đảm lợi ích cá nhân của người có tài năng, có vốn, có sức lao động trên cơ sở công bằng, bình đẳng, là quá trình thiết lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sản xuất kinh doanh. Vấn đề là dân chủ như thế nào và thực hiện nó ra sao mới tác động đến sự hình thành con người công dân Việt Nam. Dân chủ được thực hiện trên thực tế và thông qua văn bản pháp luật của nhà nước nếu làm tốt sẽ có vai trò to lớn đến sự hình thành này.
Xây dựng dân chủ là mang lại quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội, kinh tế, chính trị. Như vậy, phương thức thực hiện dân chủ là phải có Nhà nước pháp quyền. Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa, là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tạo ra một cơ chế để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là thực chất nền dân chủ của đất nước [103, tr.232]. Nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Ở Việt Nam, Nhà nước định ra pháp luật để bảo vệ lợi ích của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đó chính là những nội dung dân chủ và thực hiện dân chủ đúng đắn mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Nhưng dân chủ phải đi đôi với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì nội dung dân chủ mới thực hiện đúng được. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống luật định, quy chế về dân chủ của mình được tốt hơn và cũng là điều kiện để con người công dân Việt Nam hình thành phẩm chất làm chủ của mình trong sự phát triển toàn diện. Trong giai đoạn đổi mới vừa qua, hệ thống pháp luật và việc thi hành pháp luật ở Việt Nam đã chứng tỏ vai trò to lớn của pháp luật trong việc khẳng định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý cùng những bảo đảm về mặt pháp lý của con người công dân Việt Nam. Hệ thống các văn bản
pháp luật, từ Hiến pháp đến các bộ luật, có nhiều quy phạm pháp luật đã ghi nhận các quyền và những bảo đảm về quyền của con người công dân Việt Nam.
Tuy đã có rất nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thực hiện dân chủ nhưng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến khả năng thể hiện vai trò chủ thể của con người công dân Việt Nam. Đến nay hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định cần thiết về những vấn đề quan trọng, đặc biệt trong quản lý kinh tế và các quyền cơ bản của con người công dân Việt Nam.
Nhưng vấn đề phổ biến pháp luật còn bị xem nhẹ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Vì thế, có những nơi, những lúc quyền dân chủ của nhân dân bị vi phạm, kỷ cương xã hội không được giữ vững. Nguyên nhân của những hạn chế đó là do trình độ kinh tế và dân trí thấp, văn hóa thực hành dân chủ chưa cao. Ngoài ra, còn do thiếu những luật pháp, thiết chế, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân kiểm tra, giám sát các cơ quan quyền lực về quyền hạn và trách nhiệm của họ đối với nhân dân, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của con người công dân Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Những tàn dư của chế độ cũ còn in đậm trong nếp nghĩ, cách làm của người thi hành công vụ và của con người công dân Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của con người công dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, hiện nay yêu cầu phát triển con người công dân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế đòi hỏi phải đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương xã hội.