Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. C ác nghiên cứu trong nước về xây dựng và phát triển thị trường điện lực
Là một quốc gia đang phát triển, có thể chế kinh tế, chính trị mang nhiều đặc thù và là một trong những quốc gia trong nhóm thu nhập trung bình thấp có tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam có những bài toán, vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng điện lực phức tạp và riêng biệt so với nhiều quốc gia khác. Các nghiên cứu được thực hiện theo các cách tiếp cận truyền thống về phát triển cung - cầu cho TTĐ thông qua quy hoạch phát triển điện lực, cơ
chế quản lý nhu cầu điện, cơ chế giá. Gần đây, các học giả đã xem xét sâu hơn về các cơ chế, nền tảng cạnh tranh cho TTĐ thông qua các đề xuất hoặc nghiên cứu về thiết kế các hình thái cạnh tranh cho khâu sản xuất điện (thị trường phát điện), khâu bán buôn điện (thị trường bán buôn điện) và khâu phân phối, bán lẻ điện (thị trường bán lẻ điện). Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã bàn luận về các định hướng, giải pháp phát triển cung điện năng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong đó có các đánh giá về tiềm năng khai thác nguồn NLTT, cơ chế thúc đẩy đầu tư tư nhân hay khả năng can thiệp của Nhà nước vào thị trường thông qua cơ chế giá mua hoặc bao tiêu cho đầu ra của các nhà máy điện tái tạo. Các lý thuyết kinh điển hoặc kinh nghiệm tại các nước phát triển về xây dựng và phát triển TTĐ đều được nghiên cứu và áp dụng từng bước, một cách thận trọng, xem xét kỹ lưỡng tất cả các đặc điểm về thể chế, trình độ phát triển, cách thức vận hành bộ máy quản lý và các thành viên tham gia TTĐ tại Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung đối với các nghiên cứu trong nước về xây dựng và phát triển TTĐ tại Việt Nam.
1.2.1. Nghiên cứu về phát triển và bảo đảm cân bằng cung-cầu điện năng Về cơ sở khoa học đối với phát triển và bảo đảm cân bằng cung - cầu điện năng trong đó định hướng chính sách phát triển nguồn điện năng trong nước, các nghiên cứu đã đề cập đến các vấn đề về những yếu kém nội tại của hệ thống năng lượng Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng, bao gồm các khâu từ khai thác, sản xuất, biến đổi, truyền tải và sử dụng điện năng, định hướng và khung chính sách phát triển nguồn điện năng theo hướng phát triển bền vững, trong vai trò là một ngành chủ lực của hệ thống kết cấu hạ tầng. Trình độ phát triển của ngành vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, đồng thời phải đối mă ̣t với nhiều thách thức cả nội tại và khách quan như: hiệu suất chung của ngành điện còn thấp; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở năng lượng chưa cao; cơ chế điều hành giá điện còn nhiều bất cập; trạng thái an ninh năng lượng quốc gia chưa đảm bảo và cơ chế quản lý ngành ở cấp quốc gia thiếu tính tổng thể [18].
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học năng lượng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dự kiến tổng nhu cầu tiêu thụ điện năng quốc gia sẽ đạt trên 500 triệu kWh vào năm 2030 tương đương với mức tăng trưởng 400% cho giai đoạn 2010 – 2030 [16]. Đây là mức tăng trưởng rất cao, gây sức ép đầu tư xây dựng
các công trình nguồn điện năng, gia tăng các hậu quả tiêu cực tới môi trường do sản xuất năng lượng và ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Các tác giả Bùi Huy Phùng, Ngô Tuấn Kiệt và Đoàn Văn Bình cũng nhận định sẽ có khả năng xảy ra mất cân đối cung - cầu của nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, dẫn đến việc phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu và ảnh hưởng đến cung cầu tiêu thụ điện năng trên quy mô toàn quốc [16; 2]. Điều đó cũng cho thấy vấn đề năng lượng của Việt Nam sẽ chuyển từ giới hạn trong phạm vi một quốc gia thành một phần của thị trường quốc tế và chịu sự tác động nhiều hơn từ các tương tác mới này [1].
Nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Mạnh Cường đã đánh giá hiện trạng của hạ tầng phục vụ sản xuất - cung ứng điện tại Việt Nam, chỉ ra một số điểm yếu như : nhu cầu điện tăng nhanh; sử dụng điện còn lãng phí; các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi nhập khẩu nhiên liệu gặp nhiều khó khăn; lưới truyền tải điện dài, kém tin cậy cung cấp điện [33]. Theo các tác giả, nhu cầu điện tại Việt Nam có thể có xu hướng tăng trưởng ở tốc độ thấp hơn nhờ vào các hoạt động sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, qua đó giảm bớt gánh nặng đầu tư và tiêu tốn tài nguyên NL trong nước, giảm bớt nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài. Về cơ cấu phát triển nguồn điện, nghiên cứu đề xuất khuyến khích và có cơ chế hợp lý để tăng cường tỷ trọng nguồn NLTT, giảm bớt phát thải gây hiệu ứng nhà kính, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Về lưới truyền tải, cần thiết quy hoạch cấu trúc lưới hợp lý, phù hợp với điều kiện phân bố tài nguyên, phù hợp với bố trí các nguồn điện và trung tâm phụ tải, giảm tổn thất, hạn chế truyền tải xa, giảm bớt dòng ngắn mạch. Đây là các giải pháp để hướng tới mục tiêu giải quyết mối quan tâm hàng đầu của quốc gia trong ngành công nghiệp điện lực là vấn đề an ninh trong cung cấp điện, an ninh năng lượng.
Trong nghiên cứu về tiềm năng kinh tế của NLTT để phát điện tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Thanh Nhân và Hà Dương Minh đã sử dụng Mô hình quy hoạch tổng hợp tiếp cận từ dưới lên để đánh giá tiềm năng kinh tế của NLTT phục vụ phát điện tập trung (nối lưới). Phân tích các kịch bản cho thấy việc sử dụng các nguồn NLTT sẽ góp phần giảm tỉ trọng của nhiệt điện than trong hệ thống điện từ 44% xuống còn 39%, giai đoạn 2010 - 2030. Hệ quả là phát thải KNK của hệ thống điện sẽ giảm từ 4% đến 8%. Việc sử dụng NLTT cũng được chứng minh là có thể giảm áp lực đầu tư của hệ thống điện đối với các nhà máy
sử dụng công nghệ nhiên liệu hóa thạch khoảng 4,400 MW. Đây là mức thay thế có ý nghĩa trong việc đảm bảo nguồn than trong nước, giảm nhập khẩu than và khí, nâng cao mức độ độc lập và an ninh năng lượng quốc gia [71].
Về phía quản lý nhu cầu và tăng trưởng tiêu dùng điện bền vững, nghiên cứu của các tác giả Bùi Huy Phùng và Trần Viết Ngãi dựa trên những phân tích tương quan giữa cơ cấu kinh tế và phát triển hạ tầng năng lượng đã nhận định rằng: Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có cường độ năng lượng thấp, thực hiện giải pháp thay thế các thiết bị hiệu suất thấp, áp dụng công nghệ mới, sản xuất các trang thiết bị hiệu suất cao, khuyến khích về thuế cho các DN tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập từ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm điện năng, trợ giá cho đầu tư các dây chuyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các dự án tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng cho thiết bị [17].
1.2.2. Nghiên cứu về cơ chế giá điện cho thị trường điện lực
Các nhà nghiên cứu tại Viện Năng lượng - Bộ Công Thương (BCT) đã thực hiện một số nghiên cứu về cơ chế giá điện cho TTĐ, bao gồm các nghiên cứu về giá bán lẻ và giá truyền tải. Tác giả Tiết Minh Tuyết đã nghiên cứu ảnh hưởng của cơ chế điều chỉnh giá điện đến cơ cấu thành phần phụ tải trong dự báo nhu cầu điện.
Nghiên cứu đã chỉ ra cơ chế giá điện là giải pháp có tác dụng lớn nhất trong việc điều hòa biểu đồ của hệ thống, cũng như giá phản ánh được giá trị sử dụng và các yếu tố giá điện liên quan đến khách hàng tiêu thụ [35]. Việc thiết kế cơ chế giá phù hợp sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho phía nhà cung cấp, khách hàng sử dụng điện mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho toàn xã hội. Trong nghiên cứu về phân tích tương quan giá các dạng năng lượng Việt Nam, các tác giả Tiết Minh Tuyết và Nguyễn Chí Phúc đã tiến hành phân tích sự tương quan giá các dạng năng lượng chính của Việt nam bao gồm than, dầu, khí và điện, và xác định giá tương đối để đưa ra cơ cấu giá các dạng năng lượng này theo hướng thị trường phù hợp [36].
Nghiên cứu đã chỉ ra được mức độ tương đối về giá các dạng năng lượng so sánh tương quan với giá than cho sản xuất điện. Để giá các dạng năng lượng phản ánh đúng theo thị trường, nhất là các dạng năng lượng có ảnh hưởng lớn từ thị trường khu vực, thì cần phải xác định giá tương đối quy về năng lượng cơ sở tương đương
với thị trường khu vực. Từ đó có thể so sánh mức độ giữa giá các dạng năng lượng chủ yếu so với giá than bình quân cho sản xuất điện là bao nhiêu sẽ hợp lý như: giá dầu so với giá than; giá khí so với giá than và giá điện so với giá than.
Nhóm các tác giả Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Anh Dũng là một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên xem xét vấn đề xác định giá truyền tải điện phục vụ vận hành TTĐ tại Việt Nam [34]. Các tác giả này đã tập trung nghiên cứu giá truyền tải hợp lý và các phương pháp hạn chế tắc nghẽn mạch trong điều kiện thị trường và đề xuất phương pháp tính giá truyền tải và phương thức chống tắc nghẽn áp dụng cho thị trường điện Việt Nam trong giai đoạn phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh cũng như các cấp độ phát triển cao hơn của thị trường.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích đánh giá các phương pháp tính phí truyền tải điện đang áp dụng, tính toán minh họa theo phương pháp chi phí gia tăng bình quân dài hạn “Long Run Average Incremental Cost -LRAIC” và trình bày kết quả tính toán, phí truyền tải điện cho hệ thống điện trong giai đoạn 2010-2025. Phương pháp nêu trên được khuyến nghị sử dụng để tính toán tham chiếu cho các dự báo dài hạn bên cạnh phương pháp “tem thư” đang được áp dụng hiện nay.
1.2.3. Phát triển cơ sở hạ tầng và nền tảng phục vụ thị trường điện lực và tái cơ cấu ngành điện
Phát triển cơ sở hạ tầng và nền tảng phục vụ thị trường điện lực và tái cơ cấu ngành điện là các quá trình gắn bó mật thiết với xây dựng TTĐ. Khi khảo cứu về ngành điện và TTĐ Việt Nam, NCS nhận thấy đã có một số nghiên cứu tại Việt Nam xem xét vấn đề trên. Cải cách ngành điện tạo ra các điều kiện cần thiết để xây dựng và vận hành TTĐ, trong khi việc phát triển thành công TTĐ sẽ là động lực chính để cải cách ngành điện. Các nghiên cứu và các văn bản pháp quy của Chính phủ đều nhìn nhận nội dung trọng tâm của tái cơ cấu ngành điện là cấu trúc lại tổ chức và hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) theo định hướng nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, quản lý khâu điều độ và một số nhà máy điện lớn, có vai trò chiến lược. Các khu vực và bộ phận khác của EVN được chia tách và từng bước cổ phần hóa, tạo sự cạnh tranh và nâng cao minh bạch trong hoạt động của ngành điện [43; 82]. Dưới đây là một số nghiên cứu nổi bật về vấn đề này.
Đề tài “Nghiên cứu về lộ trình hình thành và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” [3] của Bộ Công nghiệp (nay là BCT) và Báo cáo “Nghiên cứu về lộ trình cải cách ngành điện Việt Nam, dự án “TA 3763-VIE” do ADB tài trợ [40] đã phân tích lộ trình thích hợp cho việc hình thành và phát triển TTĐ Việt Nam. Đây chính là cơ sở để ban hành Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg về phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ TTĐ tại Việt Nam. Theo đó, TTĐ sẽ phát triển qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Công tác chuẩn bị, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, xây dựng năng lực và hạ tầng kỹ thuật phục vụ xây dựng và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được nghiên cứu, đề xuất trong Báo cáo “Đề án thiết kế tổng thể thị trường phát điện cạnh tranh và tái cơ cấu ngành điện cho phát triển TTĐ” của Cục Điều tiết điện lực (CĐTĐL) thực hiện [7].
Trong quá trình tái cơ cấu ngành điện, việc cấu trúc lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên, vấn đề xây dựng và hoàn thiện cơ cấu khâu truyền tải đã được một số học giả và nghiên cứu sinh chú ý, nghiên cứu.
Luận án Tiến sỹ của tác giả Cao Đạt Khoa về mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ở Việt Nam đã đề cập đến các vấn đề quan trọng của tái cấu trúc phục vụ phát triển ổn định ngành điện, thay đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý khâu truyền tải điện [15]. Luận án đã phân tích một số khía cạnh về thể chế quản lý trong lĩnh vực truyền tải trong đó chỉ ra một số gợi ý về mô hình phù hợp cho truyền tải điện Việt Nam trong bối cảnh xây dựng và phát triển TTĐ [15]. Định hướng tổ chức và cải cách thể chế, cơ chế quản lý khâu truyền tải điện ở Việt Nam được tác giả Cao Đạt Khoa đề xuất là:
• Phi tập trung hóa quản lý và giao quyền/phân cấp mạnh hơn cho các Công ty truyền tải điện
• Thế chế hóa và gia tăng tính độc quyền của hoạt động truyền tải điện cho đơn vị truyền tải duy nhất
• Gia tăng sự độc lập vận hành của đơn vị truyền tải , tách bạch chức năng quản lý hành chính và quản lý phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia của BCT, đảm bảo sự quản lý của BCT đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là quản lý nhà nước, không phải quản lý kinh tế
Tuy nhiên Luận án nêu trên chưa đề cập chi tiết đến cách thức điều tiết các đơn vị truyền tải trong TTĐ cạnh tranh, đặc biệt là khi thị trường chuyển lên cấp độ bán buôn cạnh tranh, khi có sự cạnh tranh mua điện giữa các công ty điện lực, thay vì cơ chế một đơn vị mua buôn duy nhất là EVN như hiện nay.
Nghiên cứu của Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc năm 2012 cũng đánh giá sơ bộ quá trình cải cách ngành điện song song với quá trình cấu trúc lại và sắp xếp lại EVN. Tuy nhiên báo cáo nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ cập nhật tiến độ cải cách, đưa ra một số nhận định chung về các nhiệm vụ cải cách như giá điện, sắp xếp các công ty thuộc EVN, cải cách thể chế về cơ chế làm việc của CĐTĐL trực thuộc BCT [43]. Báo cáo đồng thời cũng chỉ ra một số khó khăn của quá trình cải cách ngành điện về mặt tổ chức, thu hút đầu tư từ tư nhân, phân tích các bên liên quan và đưa ra một số khuyến nghị để đẩy nhanh quá trình cải cách. Tuy nhiên, các phân tích và khuyến nghị của báo cáo chưa làm rõ nét vai trò quan trọng của cải cách thể chế quản lý và điều tiết thị trường tại Việt Nam, do đó, không tập trung vào vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý, điều tiết của thể chế hiện tại.
1.2.4. Phát triển mô hình cạnh tranh của thị trường điện lực Việt Nam Theo lộ trình phát triển, TTĐ Việt Nam sẽ trải qua các cấp độ tương ứng với việc tự do hóa hoặc cải cách lần lượt ở các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Ở khâu tự do hóa sản xuất điện, BCT đã chủ trì nghiên cứu, thiết kế thị trường phát điện cạnh tranh và ban hành các quy định về quản lý và điều tiết thị trường từ năm 2009. Cho đến nay thị trường đã trải qua giai đoạn thực hiện thí điểm từ tháng 7 năm 2011 và vận hành chính thức từ tháng 7 năm 2012. Thị trường phát điện cạnh tranh được phát triển nhằm đáp ứng được các mục tiêu cơ bản sau:
- Đảm bảo cung cấp điện ổn định, đảm bảo thu hút đủ vốn đầu tư vào ngành điện nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải, đồng thời hạn chế những xáo trộn lớn về cấu trúc ngành ảnh hưởng đến việc vận hành của hệ thống điện.
- Thu hút đầu tư từ các nguồn lực mới, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài.
- Tăng sự cạnh tranh để nâng cao hiệu quả hoạt động và có giá điện hợp lý, mức độ cạnh tranh trong TTĐ sẽ tăng lên dần dần để tạo ra những động lực mạnh mẽ khuyến khích nâng cao hiệu quả.