Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN LỰC
2.2. K hái niệm và nội dung phát triển thị trường điện lực
Theo quan điểm duy vật biện chứng của triết học Mác - Lênin, phát triển là một phạm trù triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật [22].
TTĐ vận động và phát triển theo những quy luật khách quan như quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá cả… Bên cạnh đó, TTĐ có đặc điểm riêng để tạo các điều kiện cần thiết để các giao dịch giữa người mua và người bán được thực hiện đảm bảo cung - cầu được cân bằng ở mọi thời điểm về mặt kỹ thuật. Để đáp ứng được các điều kiện như trên, hạ tầng kỹ thuật - công nghệ phục vụ cho TTĐ cũng có những cơ chế, tổ chức và đặc điểm riêng.
Theo NCS, Phát triển TTĐ là quá trình thay đổi của TTĐ và các yếu tố cấu thành nên thị trường về chất và lượng theo hướng hoàn thiện hơn. Đây là quá trình phát triển đồng bộ và bền vững các yếu tố cơ bản của thị trường bao gồm cung, cầu, hạ tầng truyền tải và phân phối điện, các nền tảng và cơ chế phục vụ giao dịch TTĐ, giá điện. Ở đây các yếu tố cơ bản nhất cấu thành TTĐ bao gồm: cung, cầu và các yếu tố giúp kết nối cung - cầu đóng vai trò là nền tảng giao dịch.
Trong số các yếu tố cơ bản nêu trên, hạ tầng lưới điện truyền tải ở đa số các nước trên thế giới đều do Nhà nước giữ độc quyền do đây là hạ tầng có chi phí đầu tư lớn, thực thi các yêu cầu và chức năng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
2.2.2. Những nội dung cơ bản của phát triển thị trường điện lực
Với khái niệm về TTĐ đã trình bày tại Mục 2.2.1, các nội dung cơ bản của phát triển TTĐ sẽ bao gồm phát triển các yếu tố cấu thành TTĐ. Đối với các TTĐ có nhu cầu điện thường tăng trưởng ở mức cao, trọng tâm của phát triển TTĐ sẽ là phát triển nguồn cung điện năng, đảm bảo cân bằng cung cầu điện và cơ chế kết nối, thực hiện các giao dịch trên TTĐ hiệu quả hơn và tin cậy hơn. Ở đây, cung điện năng được xác định là chuỗi cung ứng sản phẩm điện năng bao gồm bốn khâu: sản xuất - được thực hiện tại các nhà máy điện hoặc thông qua hoạt động xuất nhập khẩu điện, truyền tải và phân phối qua hệ thống đường dây tương ứng, và bán lẻ.
Bên cạnh đó, với các đặc điểm của TTĐ cũng như sự đặc biệt của sản phẩm điện năng như đã nêu tại Mục 2.1.3, phát triển TTĐ phải bao hàm phát triển các cơ chế cạnh tranh, cơ chế giá và yếu tố nền tảng, bao gồm hệ thống các quy định và
quy tắc giao dịch, nền tảng kỹ thuật và công nghệ không thể thiếu khi vận hành TTĐ. Trong phạm vi luận án này, được cụm thuật ngữ cơ sở hạ tầng và nền tảng (CSHT&NT) phục vụ giao dịch TTĐ được sử dụng để chỉ hệ thống các quy định và quy tắc giao dịch, các nền tảng kỹ thuật và công nghệ này.
2.2.2.1. Phát triển hợp lý nhu cầu điện năng
Trên thị trường, nhu cầu là mục đích và động lực của sản xuất. Căn cứ vào nhu cầu, các nhà sản xuất lên kế hoạch cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên trong ngành công nghiệp điện lực, mức tiêu thụ điện năng càng lớn đòi hỏi năng lực sản xuất, truyền tải và phân phối điện càng lớn, kéo theo nhu cầu về một lượng vốn đầu tư đáng kể để xây dựng thêm các nhà máy điện và mở rộng thêm hạ tầng truyền tải và phân phối điện [14]. Hơn nữa, việc mở rộng sản xuất không diễn ra ngay lập tức hoặc có tồn kho để đáp ứng nhu cầu tăng thêm. Nó đòi hỏi một loạt các quá trình lập kế hoạch có thể kéo dài từ vài năm cho tới hàng thập kỷ, không chỉ thực hiện bởi các nhà sản xuất mà còn là các nhà quản lý dịch vụ truyền tải, các nhà vận hành hệ thống để đảm bảo CSHT&NT phục vụ TTĐ được chuẩn bị đầy đủ cho sự phát triển nhu cầu. Do vậy, không giống như đa số các sản phẩm khác, việc nhu cầu điện tăng trưởng quá nhanh hoặc có khả năng vượt khỏi khả năng cung cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến an ninh cung cấp điện của toàn hệ thống điện.
Nhu cầu điện được được phát triển một cách hợp lý chủ yếu thể hiện ở hệ số đàn hồi điện/GDP thấp - mang ý nghĩa tốc độ tăng trưởng không quá cao so với tăng trưởng GDP. Thông thường, các nước trên thế giới có trình độ phát triển cao và cơ cấu kinh tế hiện đại thường có hệ số đàn hồi điện/GDP ở ngưỡng 1 hoặc thấp hơn - tức là tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện xấp xỉ bằng hoặc thấp hơn tăng trưởng GDP.
Ở các nước đang phát triển, chỉ số này thường cao hơn đáng kể, phổ biến ở mức trên 1.5 đến 2.5. Để phát triển nhu cầu điện hợp lý hơn, cần có cơ cấu kinh tế hợp lý trong đó chú trọng các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhưng sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời giảm dần tỉ trọng của những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, đặc biệt là công nghiệp nặng hay công nghiệp chế tạo ở trình độ thô sơ, kém phát triển.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, TTĐ được hình thành và xây dựng trong bối cảnh nhu cầu luôn tăng trưởng cao hoặc rất cao trong bối cảnh nguồn cung không kịp phát triển tương xứng. Do đó, phát triển nhu cầu điện tại các TTĐ này mang hàm ý sự tăng trưởng nhu cầu điện ổn định, dựa trên cơ cấu tiêu
thụ điện hợp lý, sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả, hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch phát triển nguồn điện.
2.2.2.2 .Phát triển nguồn cung điện năng và đảm bảo cân bằng cung cầu Phát triển nguồn cung điện năng là sự gia tăng về sản lượng điện cung cấp cho khách hàng và năng lực cung ứng điện, bao gồm điện sản xuất và các nguồn điện có khả năng nhập khẩu từ nước ngoài đồng thời đảm bảo cơ cấu công nghệ và cơ cấu sở hữu các nguồn điện hợp lý, tăng cường an ninh cung cấp điện quốc gia.
Đối với nguồn cung trên TTĐ, một đặc điểm cần tính đến là các công trình nguồn và lưới điện thường có thời gian xây dựng kéo dài thậm chí tới 5-10 năm, huy động lượng vốn đầu tư lớn, có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ USD. Do vậy, khâu tổ chức sản xuất để gia tăng nguồn cung cho TTĐ cần đến các tổ chức, DN có năng lực tốt, có tiềm lực tài chính lớn để có thể triển khai thành công. Trong giai đoạn còn sơ khai của các TTĐ, Nhà nước thường nắm vai trò đầu tư và triển khai các công trình, nhà máy sản xuất điện vì hầu như không có tổ chức tư nhân nào có đủ năng lực để đảm đương phần việc này. Tuy nhiên, phát triển nguồn cung điện năng theo xu hướng chung của quốc tế trong những năm gần đây cho thấy khu vực tư nhân đã có đủ năng lực tham gia đầu tư triển khai và vận hành các công trình sản xuất điện. Bên cạnh đó, ngoài các cơ sở sản xuất điện truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đã có thêm nhiều nhà đầu tư sản xuất điện từ các nguồn điện NLTT, ít phát thải KNK và giảm thiểu các tác động có hại tới môi trường.
Trong nội dung đảm bảo cân bằng cung - cầu trong TTĐ cạnh tranh, công tác dự báo phụ tải và nhu cầu điện đóng vai trò rất quan trọng. Trong trung và dài hạn, mục tiêu của phát triển nguồn cung điện năng là đáp ứng được nhu cầu theo dự báo và đảm bảo cân bằng cung - cầu để cho hệ thống điện quốc gia và TTĐ có thể vận hành một cách ổn định với cân bằng cung cầu luôn luôn được đảm bảo với độ tin cậy cao. Nhu cầu tiêu thụ điện không những bao gồm thông tin về tổng nhu cầu huy động mà còn là diễn biến của nhu cầu theo ngày, tuần, tháng và năm. Do nhu cầu điện trong các khoảng thời gian trên là khác nhau và phản ánh đặc điểm của hộ tiêu thụ, khu vực địa lý, mục đích sử dụng, khí hậu, thời tiết… Khi nắm bắt được đặc điểm của phụ tải, thị trường sẽ vận hành để đáp ứng các nhu cầu này, huy động các tổ máy phát điện vào lưới để cân bằng cung - cầu.
2.2.2.3. Phát triển hệ thống hạ tầng truyền tải, phân phối điện
Điện sản xuất tại các nhà máy điện và được vận tải đến với khách hàng qua một hệ thống phức tạp, được gọi là lưới điện. Lưới điện là hạ tầng bao gồm các trạm biến áp điện, máy biến áp và đường dây điện kết nối các nhà sản xuất điện và người tiêu dùng. Các đường dây điện cao thế vận tải điện qua những khoảng cách xa tới hàng trăm thậm chí hàng ngàn km, đến người tiêu dùng. Khi truyền tải, cần đưa điện áp lên mức rất cao để việc truyền tải hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn trong khi điện áp thấp hơn an toàn hơn để sử dụng trong hộ gia đình và DN.
Trong hệ thống truyền tải cần có các máy biến áp tại các trạm biến áp tăng (tăng áp) hoặc giảm điện áp (giảm áp) để điều chỉnh các giai đoạn khác nhau của hành trình từ nhà máy điện trên đường dây dẫn đường dài đến các đường dây phân phối điện đến hộ gia đình và DN. Trong ngành công nghiệp điện lực, công tác đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng lưới điện có mối liên hệ chặt chẽ với xây dựng và phát triển nguồn điện, đặc biệt về công suất sản xuất, truyền tải dự kiến cung cấp tới khách hàng.
Hoạt động của hệ thống điện được quản lý bởi các đơn vị điều độ với chức năng chính là đảm bảo cung cấp điện liên tục đáp ứng nhu cầu điện. Đơn vị điều độ đảm bảo nhu cầu và cung cấp điện được cân bằng để duy trì hoạt động an toàn và đáng tin cậy của hệ thống điện. Nếu nhu cầu và nguồn cung mất cân bằng, bao gồm việc mất điện cục bộ hoặc mất điện quy mô lớn. Đơn vị điều độ thực hiện chức năng duy trì điều kiện hoạt động thích hợp cho hệ thống điện bằng cách đảm bảo cung cấp đủ điện để đáp ứng nhu cầu dự kiến, bao gồm quản lý việc huy động nguồn điện từ vùng này sang vùng khác hoặc dừng cung cấp dịch vụ đối với một số khách hàng khi hệ thống không có khả năng cung cấp đủ điện. Như vậy, phát triển hạ tầng lưới điện tại Việt Nam là đảm bảo sự tăng trưởng và mở rộng về kết cấu, quy mô của lưới điện với mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu về năng lực và chất lượng vận tải điện năng trên hệ thống.
2.2.2.4. Cải thiện cơ chế cạnh tranh trên thị trường điện lực
Cải thiện cơ chế cạnh tranh hiệu quả là một bộ phận không thể thiếu của phát triển TTĐ trong bối cảnh hiện nay. Trước đây khi chuỗi cung ứng của ngành điện vận hành ở cấp độ thị trường độc quyền (hay hình thức thị trường độc quyền), khách hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua điện từ công ty điện lực độc quyền tại
khu vực của họ. Một số công ty điện lực là các công ty độc quyền tích hợp dọc, thực hiện toàn bộ việc sản xuất, truyền tải, phân phối điện đến khách hàng. Trong một số trường hợp, các công ty điện lực có thể không tham gia khâu sản xuất hoặc truyền tải mà họ mua điện từ các đơn vị sản xuất điện và tái phân phối cho khách hàng tại khu vực địa lý mà họ độc quyền phụ trách.
Tuy nhiên, mô hình độc quyền của các công ty điện lực không khuyến khích các đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn và họ có xu hướng thực hiện các khoản đầu tư không cần thiết. Mặt khác, các chi phí tốn kém liên quan tới sự vận hành không hiệu quả của các công ty điện lực lại thường được phản ánh vào giá điện mà khách hàng phải chi trả. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, các công ty điện lực có xu hướng đặt giá bán điện cao hơn mức giá hợp lý mà tại đó họ có thể thu hồi các chi phí vận hành hay chi phí đầu tư. Có nhiều lập luận cho rằng giá điện có thể thấp hơn nữa và khi vận hành ngành điện theo cơ chế thị trường thay vì cơ chế độc quyền thì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế. Đây là sự chuyển biến tương tự như đã xảy ra với ngành hàng không, giao thông vận tải, viễn thông khi chuyển đổi sang vận hành theo cơ chế thị trường, mặc dù trước đó đây được xem là các “mặt hàng” đặc biệt khó có thể vận hành theo cơ chế thị trường.
Phát triển cơ chế cạnh tranh trên TTĐ là việc thực hiện các cải cách thông qua thiết kế và triển khai vận hành TTĐ theo các mô hình TTĐ gồm bốn cấp bậc: từ độc quyền (không có cạnh tranh) cho tới tự do hóa khâu phát điện (cạnh tranh phát điện), tự do hóa khâu bán buôn điện (cạnh tranh việc mua buôn điện) và tự do hóa khâu bán lẻ điện (cạnh tranh trong bán lẻ). Tuy nhiên, trong khi có nhiều quốc gia đã tự do hóa hoàn toàn thị trường thông qua việc giới thiệu mô hình thị trường bán lẻ thì có một số quốc gia vẫn vận hành TTĐ tương đối ổn định mà chỉ dừng lại ở khâu tự do hóa sản xuất điện hoặc tự do hóa khâu bán buôn điện. Thực tế cho thấy, các đặc điểm đặc thù của sản phẩm điện năng là có thể giải quyết được và khi có sự cạnh tranh trên thị trường, hiệu quả của ngành sẽ tăng lên và cuối cùng là khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, khi tham gia thị trường cạnh tranh, các công ty sẽ có xu hướng lựa chọn đầu tư các công nghệ khác và do đó, khách hàng sẽ ít có khả năng phải chịu các thiệt hại do đầu tư không hợp lý của các công ty điện lực.
Để cải thiện cơ chế cạnh tranh, trước hết cần tạo môi trường để cạnh tranh có thể hình thành và duy trì. Các DN độc quyền tích hợp dọc cần được chia tách thành các khu vực riêng rẽ: sản xuất; truyền tải - phân phối và bán lẻ. Trong thực tế, sản xuất và bán lẻ là các khu vực được tự do hóa mạnh mẽ nhất và được tự do hóa hoàn toàn, DN có thể tham gia mà hầu như không có rào cản hành chính nào.
Khâu truyền tải và phân phối do chứa đựng sứ mệnh bảo đảm an ninh không chỉ cho ngành điện và cho cả nền kinh tế nên sẽ do Nhà nước độc quyền quản lý và khai thác. Bằng cách này, một mặt sẽ xóa bỏ quyền lực thị trường của DN độc quyền tích hợp dọc, mặt khác sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DN do cạnh tranh đã được tạo lập và có nhiều nhà cung cấp tham gia thị trường. Khung pháp lý, chính sách, thiết kế thị trường, cơ chế giao dịch, các dịch vụ phụ trợ, dịch vụ kiểm soát rủi ro... theo đó cần được thiết lập để tạo sân chơi cho TTĐ cạnh tranh hơn.
Phát triển cơ chế cạnh tranh cũng cần đến các nhân tố như sự tiếp cận công bằng của các bên với cơ sở hạ tầng thiết yếu, môi trường kinh doanh, sự tham gia tích cực của người mua và người bán và hạn chế sự phát sinh của quyền lực chi phối thị trường của một bên bất kỳ.
2.2.2.5.Cơ chế giá trên thị trường
Phát triển TTĐ cũng nhất thiết phải bao hàm nội dung về giá điện vì giá chính là yếu tố chủ yếu thể hiện hiệu quả vận hành của thị trường và là động lực thúc đẩy sự tham gia của các bên vào thị trường.
Phát triển cơ chế giá phù hợp cho TTĐ là quá trình mà ở đó từng bước hình thành các cơ chế giá một mặt đảm bảo các nhà đầu tư thu được lợi nhuận hợp lý, bù đắp chi phí dịch vụ truyền tải, phân phối và bán lẻ nhưng mặt khác phải đảm bảo minh bạch và phục vụ lợi ích cho khách hàng tiêu thụ điện. Trong ngắn hạn, giá cả phải đưa ra các tín hiệu để có thể điều động các nhà máy rẻ nhất mà không gây ra tình trạng tắc nghẽn. Trong dài hạn, giá cả phải tạo ra đủ thu nhập cho những chủ sở hữu các đường dây và khuyến khích các nhà máy có vị trí đặt hiệu quả [14].
Cơ cấu giá thành của sản phẩm điện năng thông thường về cơ bản bao gồm:
- Chi phí sản xuất điện - là chi phí sản xuất ra một kWh tại cơ sở phát điện;
- Chi phí truyền tải điện - là chi phí chi trả cho dịch vụ truyền tải trên lưới điện truyền tải và bao gồm lợi nhuận hợp lý của nhà bán buôn điện tại lưới điện truyền tải;