Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2. Bài học kinh nghiệm về nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại
1.2.2. Kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại trong nước
a, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công Thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (VietinBank):
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Thái Nguyên là chi nhánh cấp 1 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, có con dấu và bảng tổng kết tài sản riêng, hạch toán kế toán và quản lý tài chính theo quy định chung của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật. Hoạt động của chi nhánh tập trung vào bốn nhóm: huy động vốn, tín dụng, thanh toán và dịch vụ ngân quỹ, các hoạt động khác. Ngân hàng có tổng cộng 33 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt trên 7 quận huyện của Tỉnh Thái Nguyên. Các chi nhánh và phòng giao dịch tập trung chủ yếu ở Thành Phố Thái Nguyên 20 địa điểm, Thành phố Sông Công 5 địa điểm, Huyện Phổ Yên 4 địa điểm, Huyện Phú Lương 1 địa điểm, Huyện Phú Bình 1 địa điểm.
Về chi phí hoạt động của chi nhánh, để đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế, Chi nhánh đã tăng lãi suất huy động và thực hiện nhiều hình thức huy động cho nên nguồn vốn huy động tuy có tăng trưởng (chủ yếu là vốn huy động từ dân cư) nhưng lãi suất huy động cao, từ đó hiệu quả kinh doanh của chi nhánh cũng chưa cao. Mặt khác để phục vụ cho khách hàng cũng như phục vụ cho hoạt động của Chi nhánh tốt hơn, ngân hàng Cổ phần Thương mại Công Thương Việt Nam chi nhánh tỉnh
Thái Nguyên đã nâng cấp các điểm giao dịch, tăng cường các thiết bị kỹ thuật, đào tạo cán bộ nhân viên... trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016.
Việc thành công trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng không thể không kể đến việc đổi mới công nghệ hiện đại nhanh chóng và kịp thời của NH TMCP Công thương Thái Nguyên. Ngân hàng đã tiên phong về công nghệ Ngân hàng điện tử qua việc giới thiệu ebanking và website cung cấp một loạt những dịch vụ trên mạng. Với mục tiêu dẫn đầu trong việc đáp ứng những giao dịch thẻ tín dụng, NH TMCP Công thương Thái Nguyên biết rằng họ cần có một mạng lưới cơ sở hạ tầng vững chắc trên nền tảng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, công ty muốn bổ sung những dịch vụ tốt hơn, khả năng tồn trữ nhiều hơn và hệ thống mạng kết nối tốt. Điều này giúp NH TMCP Công thương Thái Nguyên đáp ứng nhanh hơn nhu cầu trên mạng, giúp NH TMCP Công thương Thái Nguyên gia tăng khối lượng giao dịch cũng như vượt xa đối thủ cạnh tranh.
b, Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (BIDV):
Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên có tổng cộng 10 chi nhánh và phòng giao dịch được đặt trên 3 quận huyện của Tỉnh Thái Nguyên. Các chi nhánh và phòng giao dịch tập trung chủ yếu ở Thành Phố Thái Nguyên 8 địa điểm, Huyện Phổ Yên 1 địa điểm, Huyện Đồng Hỷ 1 địa điểm.
Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (BIDV) cũng là một NHTM lớn ở tỉnh Thái Nguyên. Cùng với NH TMCP Công thương, Ngân hàng BIDV rất quan tâm đến việc đa dạng hoá hoạt động dịch vụ, chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay tiêu dùng. Các dịch vụ chủ yếu Ngân hàng này cung cấp là:
- Dịch vụ tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm, các loại thẻ ngân hàng, thẻ liên kết, cho vay và cho vay mua nhà, các dịch vụ đặc biệt như: dịch vụ ngân hàng cho sinh viên, bảo hiểm, ngoại tệ, séc du lịch... Hiện nay, Ngân hàng này đã xây dựng một hệ thống máy ATM trải rộng tỉnh Thái Nguyên
- Dịch vụ qua internet: Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên là ngân hàng đứng đầu tỉnh về số lượng khách hàng đăng kí giao dịch qua internet (9500 khách hàng vào đầu năm 2016) và có 1.362.000 khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán các hoá đơn qua internet. Có được kết quả như vậy là do Ngân hàng đã không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán, dịch vụ cho vay qua mạng và các loại hình sản phẩm, dịch vụ khác.
Để có được những kết quả trên ban Giám đốc chi nhánh đã áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt trong việc lựa chọn, phê duyệt khách hàng, trong việc áp dụng các chính sách tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Về cơ chế quản lý tín dụng, BIDV đã thành lập 02 phòng riêng biệt với tính chất chuyên môn hoá cao:
+ Phòng khách hàng với chức năng tìm kiếm, thẩm định khách hàng, lập giới hạn tín dụng đối với từng khách hàng, thiết lập hồ sơ tín dụng.
+ Phòng quản lý nợ: Sau khi phòng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và chuyển sang phòng quản lý nợ, phòng này có chức năng kiểm tra giới hạn tín dụng của khách hàng, đề xuất giải ngân, thông báo các khoản nợ đến hạn...
Với cơ chế quản lý như trên đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng tín dụng do có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các phòng nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động hàng năm của BIDV được thực hiện thống nhất tại Hội sở chính với những tiêu chuẩn tuyển dụng rõ ràng, luôn đảm bảo minh bạch, tuyển chọn được người lao động có chất lượng cao, có khả năng ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.
BIDV có quy chế công khai và chuẩn hóa thời gian giải quyết các công việc liên quan đến từng nghiệp vụ để khách hàng biết, giám sát, đảm bảo việc phục vụ khách hàng được đúng và nhanh nhất.
Ban lãnh đạo BIDV luôn quan tâm, đầu tư cho công tác phát triển công nghệ hiện đại vào các phần hành tác nghiệp, xây dựng ngân hàng điện tử, giảm thời gian giải quyết công việc, tăng năng suất và hiệu quả công việc.