Chương 3: THỰC TRẠNG VỀ KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
3.3. Phân tích thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của NHNo&PTNT Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên
3.3.1. Các yếu tố khách quan
*Môi trường kinh tế
Đây là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu và ảnh hưởng có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh của NHTM. Các nhân tố kinh tế ảnh hưởng mạnh nhất đến hoạt động kinh doanh của các NHTM thường là trạng thái phát triển của nền kinh tế: tăng trưởng, ổn định hay suy thoái. Kể từ đầu năm 2008, nền kinh tế luôn phải đối mặt với những khó khăn, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu, lạm phát tăng cao tới 22% vào cuối năm 2008, rồi giảm sâu xuống 4,09% năm 2014. Để kiềm chế lạm phát và những bất ổn vĩ mô,
các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ được điều hành theo hướng thắt chặt, đã có tác động mạnh tới lạm phát và sức cầu của nền kinh tế. Đặc biệt là tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), ngân hàng. Đối với không ít DN, vốn cho sản xuất kinh doanh chủ yếu vay ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng luôn ở mức cao (18%- 25% vào năm 2010, 2011, sau đó giảm dần xuống mức 15% -17% vào năm 2012, 2013) và 8% - 12% vào năm 2014. Với lãi suất vay cao, thị trường đầu ra cho sản xuất bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân, hàng tồn kho tăng cao, nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn. Mỗi năm có khoảng vài chục ngàn DN giải thể, dừng hoạt động. Năm 2014, mặc dù nền kinh tế có nhiều biểu hiện được phục hồi, nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ DN đã được triển khai, thị trường tài chính có một số chuyển biến tích cực nhưng số DN giải thể, dừng hoạt động vẫn cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng, vì vậy nợ xấu giữa của các ngân hàng ngày càng cao.
Tuy nhiên năm 2015, cùng với sự nỗ lực của nhà nước, nền kinh tế của nước ta đã dần được phục hồi.Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 (Năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7%; số vốn tăng 8,4% so với năm 2013). Bên cạnh đó, có 851 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn trong năm 2015. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%)... Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời
hạn và 55742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong năm 2015, cả nước có 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Điều này cho thấy hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.
*Hệ thống pháp luật
Việc tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố luật pháp và quản lý nhà nước về kinh tế. Việc ban hành hệ thống luật pháp có chất lượng và đưa vào đời sống là điều kiện đầu tiên đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh lành mạnh. Nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý các hoạt động ngân hàng ngày càng đa dạng và có tính nghiệp vụ cao của một thị trường tài chính trong tiến trình hội nhập, nhiều văn bản pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong thời gian qua.
Các quy định của NHNN và NHTW có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các NHTM nói chung và Agribank nói riêng. Các quy định này được thể hiện đầy đủ nhất tại Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/06/2010 gồm 10 chương và 163 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra còn rất nhiều các nghị định, thông tư hướng dẫn khác về mọi mặt hoạt động của ngân hàng như hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn, phát hành bảo lãnh, thanh toán...
Năm 2014, chính phủ đã ban hành nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 09/12/2014 (Gồm 4 chương và 55 điều) “Quy định xử phạt hành chính trong
lĩnh vực tiền tệ và Ngân hàng”, nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/12/2014với mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng đã góp phần răn đe, làm cho các tổ chức tín dụng phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật, của NHNN và NHTW đã ban hành, từ đó sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
*Môi trường công nghệ
Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của NHNN không ngừng được cải thiện, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả trong thực hiện CSTT quốc gia, năng lực thanh tra giám sát, đảm nhận ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm thanh toán của nền kinh tế. Hệ thống dữ liệu của cả hệ thống ngân hàng đã được tin học hóa, kết nối với cả hệ thống, cung cấp thông tin hàng ngày cho NHNN, làm cơ sở hoạch định và thực thi các chính sách quản lý.
Hệ thống corebanking (hệ thống quản trị ngân hàng tập trung) đã được ứng dụng phổ biến ở phần lớn các ngân hàng, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của hoạt động nội bộ ngân hàng như kế toán thanh toán, quản trị rủi ro, đánh giá xếp hạng tín dụng khách hàng...; các dữ liệu trong hoạt động được nối mạng trực tuyến giữa các Phòng, Ban tại trụ sở chính, Chi nhánh đảm bảo kiểm soát, phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp các TCTD hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, cho vay, với những sản phẩm tiện ích ngân hàng hiện đại, cung ứng cho doanh nghiệp và dân cư, mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng.
Có thể nói, thời gian vừa qua công nghệ thông tin được xem như một xu hướng chính trong hoạt động ngân hàng hiện đại, các giải pháp kỹ thuật công nghệ được lựa chọn là phù hợp đã bảo đảm cho sự phát triển công nghệ
tin học ngân hàng đúng hướng, là yếu tố giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, chiếm lĩnh thị phần bằng các thiết bị giao dịch tự động, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại; đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tăng vòng quay tiền tệ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn xã hội.
Xu hướng mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển các giao dịch ngân hàng điện tử đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của NHNN. Song, tốc độ phát triển công nghệ thông tin còn chậm, chưa đồng đều giữa các tổ chức tín dụng và cũng không theo chuẩn mực nên rất khó khăn cho việc liên kết các hệ thống với nhau nhằm hợp tác khai thác triệt để các dịch vụ trên nền tảng hệ thống hạ tầng công nghệ.
*Khách hàng
Một trong những đặc điểm quan trọng của ngành ngân hàng là tất cả các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng, thậm chí là các NH khác cũng đều có thể vừa là người mua các sản phẩm DV ngân hàng, vừa là người bán SPDV cho NH. Những người bán SP thông qua các hình thức gửi tiền, lập tài khoản giao dịch hay cho vay... đều có mong muốn là nhận được một lãi suất cao hơn; trong khi đó, những người mua SP (vay vốn, chuyển tiền...) lại muốn mình chỉ phải trả một khoản chi phí nhỏ hơn thực tế.
Ngày nay, với sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trên cùng địa bàn, ngân hàng nào cũng muốn lôi kéo những khách hàng tốt về với mình nên đã có rất nhiều hình thức cạnh tranh như giảm thiểu thủ tục, giảm lãi suất tiền vay, giảm phí chuyển tiền, khuyến mãi đối với người gửi tiền, nhận tiền gửi tại nhà...
Vì vậy mà sự đòi hỏi của khách hàng đối với ngân hàng ngày càng cao.