CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA
1.1 Cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp
1.1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
1.1.4.1 Môi trường pháp lý và các chính sách của nhà nước
Một trong những nhân tố của môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh là môi trường pháp lý và chính sách của nhà nước.
Luật quốc tế và luật quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Luật pháp sẽ quy định và cho phép những lĩnh vực hoạt động và hình thức kinh doanh nào mà doanh nghiệp có thể thực hiện và những lĩnh vực nào doanh nghiệp không được phép tiến hành hoặc được phép tiến hành nhưng có hạn chế ở quốc gia đó cũng như ở khu vực đó.
Luật pháp mỗi quốc gia cũng liên hệ và ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh giữa các nước với nhau. Trong điều kiện này buộc các quốc gia phải điều chỉnh hoạt động của mình cho thích ứng, các doanh nghiệp phải phản ứng linh hoạt để đáp ứng nhanh với những quy định mới về luật quốc gia mà doanh nghiệp đang hoạt động. Những tác động, ảnh hưởng chủ yếu của luật đối với hoạt động của doanh nghiệp thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
Các quy định về giao dịch: hợp đồng, sự bảo vệ các bằng sáng chế, phát minh, luật bảo hộ nhãn hiệu thương mại, bí quyết công nghệ, quyền tác giả…
- Môi trường pháp luật chung: luật môi trường, tiêu chuẩn về an toàn lao động,…
- Luật thành lập doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực kinh doanh - Luật lao động
- Luật giá cả
- Luật chống độc quyền - Luật thuế.
Ngoài ra, các chính sách của nhà nước như: chính sách về tài chính tiền tệ, chính sách thuế, tỷ giá hối đoái,… cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách này vừa có tác động vĩ mô đến nền kinh tế, vừa tạo cơ hội, thách thức đối với hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp. Như chính sách về tỷ giá hối đoái, chính sách về thuế xuất nhập khẩu nếu không ổn định sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, chi phí của từng doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Ngoài luật pháp và các chính sách quốc gia, luật quốc tế có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Luật quốc tế theo nghĩa rộng bao gồm những luật ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Theo nghĩa hẹp bao gồm các hiệp định chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan đến dòng di chuyển hàng hóa, tiền tệ, lao động,…
Các hiệp định song phương và đa phương không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh quốc tế tiến hành trôi chảy hơn, mà còn góp phần giúp giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong kinh doanh, cũng như tranh chấp giữa các quốc gia và giữa các nhà kinh doanh.
1.1.4.2 Tổ chức quản lý và kinh doanh
Trong doanh nghiệp, việc tổ chức kinh doanh được coi là nhân tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến tổ chức quản lý các hoạt động kinh tế vi mô của doanh nghiệp bao gồm các khâu cơ bản như: định hướng chiến lược cơ bản phát triển doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh, đánh giá kiểm tra và điều chỉnh các hoạt động kinh doanh. Các khâu của quá trình quản lý hoạt động kinh tế vi mô làm tốt sẽ làm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí quản lý. Đó là điều kiện quan trọng để tăng thêm lợi nhuận.
Để tổ chức, quản lý và kinh doanh có hiệu quả thì bộ máy quản lý phải hợp lý giúp doanh nghiệp quản lý chi phí hiệu quả, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Muốn vậy, trong quá trình xây dựng, tổ chức phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm từng bộ phận. Cơ cấu tổ chức phải chỉ ra được các vị trí khác nhau, những người nắm giữ các vị trí đó, và các mối liên quan quyền lực giữa người này với người khác. Cụ thể là, mỗi nhân viên của doanh nghiệp phải biết rõ vị trí của họ trong cơ cấu và xác định được mối liên quan về quyền lực giữa họ và người khác của tổ chức. Đồng thời doanh nghiệp cần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt và mềm dẻo để thích ứng được trước những thay đổi của môi trường kinh doanh. Ngày nay, tồn tại rất nhiều cơ cấu bộ máy tổ chức quản trị, tuy nhiên tùy theo từng đặc điểm kinh doanh, từng thời kỳ mà mỗi doanh nghiệp chọn một cơ cấu tổ chức hợp lý.[3]
1.1.4.3 Nguồn nhân lực
Lao động là một trong ba yếu tố chủ yếu của sản xuất. Sự tác động của yếu tố lao động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh được thể hiện trên hai mặt đó là số lượng lao động và năng suất lao động. Trong mỗi thời kỳ nhất định, số lượng lao động nhiều hay ít, năng suất lao động cao hay thấp, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong mỗi doanh nghiệp, số lượng lao động nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trình độ trang thiết bị kỹ thuật và trình độ tổ chức quản lý. Dù là lao động thường xuyên hay là lao động theo hợp đồng, toàn bộ lực lượng lao động của doanh nghiệp bao gồm hai loại sau:
- Lao động trực tiếp: là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh, trực tiếp quản lý kỹ thuật.
- Lao động gián tiếp: là những người làm nhiệm vụ tổ chức, quản lý và phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh (bộ máy tổ chức hành chính sự nghiệp…).
Cả hai loại lao động này đều cần thiết cho mọi doanh nghiệp. Song xác định cấu thành hợp lý giữa lao động trực tiếp và gián tiếp là một biện pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định năng suất lao động và hiệu suất công tác của mỗi loại lao động. Cấu thành lực lượng lao động được coi là hợp lý khi số lượng lao động trực tiếp đảm bảo toàn diện và hiệu quả cho mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và số lượng lao động gián tiếp đủ đảm bảo đảm bảo quản lý phục vụ tốt quá trình sản xuất kinh doanh.
Khi có đủ lực lượng lao động với trình độ và cơ cấu hợp lý sẽ tạo ra khả năng thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Muốn vậy đội ngũ cán bộ công nhân viên phải có thể lực tốt, có kiến thức vững về chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có nghệ thuật trong giao tiếp, có khả năng tiếp thu với khoa học tiên tiến hiện đại.
Tuy nhiên, trình độ lao động cao và cơ cấu hợp lý mới chỉ là điều kiện cần, là khả năng thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Khả năng đó trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào tình hình sử dụng lao động được biểu hiện ở chỉ tiêu năng suất lao động.
Các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh vì năng suất lao động là một chỉ tiêu bộ phận phản ánh hiệu quả kinh doanh.Có thể nêu ra một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động là:
- Trình độ nghiệp vụ của lao động;
- Trình độ cơ khí hóa sản xuất và tình trạng thiết bị kỹ thuật của doanh nghiệp;
- Chất lượng của nguyên liệu sản xuất hay sản phẩm kinh doanh;
- Trình độ tổ chức quản lý kinh doanh và sử dụng lao động…
Như vậy, lực lượng lao động là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, tạo ra “giá trị thặng dư” cho doanh nghiệp.
Mác - Lênin chỉ ra rằng, hiệu quả kinh tế bắt nguồn từ sự tiết kiệm lao động sống (tăng năng suất) và lao động quá khứ (giảm chi phí sản xuất kinh doanh). Vì vậy, việc sắp xếp hợp lý tổ chức kinh doanh là một biện pháp để giảm chi phí lao đống sống và lao động quá khứ, cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả kinh doanh.[2]
1.1.4.4 Vốn kinh doanh
Để tiến hành sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải có một khối lượng nhất định về vốn. Nói cách khác, vốn là yếu tố có tính chất quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Vốn lớn không những giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng, mở rộng thị trường kinh doanh mà còn là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài, ổn định, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vốn kinh doanh thực chất là nguồn của cải xã hội tích lũy lại, là một điều kiện, một nguồn khả năng để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vốn kinh doanh chỉ biết phát huy tác dụng khi biết quản lý, sử dụng vốn một cách đúng hướng, hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Như vậy, vốn kinh doanh kết hợp với khả năng sử dụng vốn là nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, khái quát hơn là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
1.1.4.5 Chất lượng của nguyên vật liệu và hàng hóa, dịch vụ
Với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu có ý nghĩa quyết định, là một trong ba yếu tố cơ bản của sản xuất. Cơ cấu nguyên vật liệu hợp lý cả về số lượng, chất lượng, giá cả chủng loại sẽ góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng cao giá cả hợp lý.
Chất lượng sản phẩm tốt cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ góp phần tăng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm hợp lý chi phí sẽ làm tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
1.1.4.6 Thị trường và môi trường cạnh tranh
Kinh tế thị trường là nền kinh tế được điều tiết chủ yếu bởi thị trường và quy luật cạnh tranh là cơ chế vận động của thị trường, nói khác đi thị trường là nơi gặp gỡ của đối thủ cạnh tranh.
Trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp cần nâng cao không ngừng năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở chất lượng sản phẩm dịch vụ và giá hàng hóa. Xét đến cùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp cần giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay quản lý chi phí và nguồn lực hiệu quả. Như vậy, chính sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường đã làm cho giá cả các
“yếu tố đầu vào” và “yếu tố đầu ra” biến động theo những xu hướng khác nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải linh hoạt điều chỉnh các hoạt động của mình nhằm giảm thách thức, tăng thời cơ giành thắng lợi trong cạnh tranh. Muốn vậy doanh nghiệp cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đưa ra thị trường những sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng cao và giá thành hợp lý.