CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.4. Các yếu tố tác động đến nghèo của người cao tuổi
1.4.2. Về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Điều kiện tự nhiên
So với các vùng đồng bằng, các vùng sâu, vùng cao thường có tỉ lệ hộ nghèo cao hơn vì ở những vùng này đường giao thông không thuận lợi, dễ bị cô lập, tách biệt, khó tiếp cận được các nguồn lực của phát triển như khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thị trường… Điều này làm cho cuộc sống của họ lạc hậu, khó phát triển và kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp.
Vấn đề địa hình cũng có tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân.
Ở những vùng đất cằn cỗi, sỏi đá nhiều không thuận lợi cho canh tác, năng suất cây trồng thấp kéo theo thu nhập của nông dân thấp. Việc tích lũy và tái sản xuất mở rộng cũng bị hạn chế. Hiện nay việc thiếu đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta ngày càng trầm trọng. Nguyên do là vì đất thì không tự mở rộng ra được trong khi đó dân số nông thôn ngày càng tăng lên. Rồi các dự án lấy đất nông nghiệp để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp lại càng làm cho diện tích sản xuất nông
nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Với các hộ vùng biển, diện tích đất trồng cây lương thực cũng hạn chế, họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt. Mà công việc đánh bắt thì thu nhập bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Đó là nguyên nhân làm cho các hộ đã nghèo lại càng nghèo hơn. Bởi vậy, đối với những hộ dân ở vùng này tuy không thể cung cấp đất canh tác cho họ nhưng chính quyền địa phương nên có những phương án khác để hỗ trợ họ thoát nghèo như thành lập các xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, lấy nguyên liệu từ biển, khôi phục nghề làm chiếu cói, nuôi trồng thủy sản…
Thiên tai, bão lụt, hạn hán cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến đói nghèo. Chỉ một đợt lũ, cả miền trung có thể chìm trong biển nước, không chỉ thiệt hại về người mà thiệt hại về tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian để những người dân ở vùng này có thể trở lại cuộc sống như trước đây. Nếu không có sự chung tay góp sức, ủng hộ kịp thời của nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và những tấm lòng hảo tâm trong cả nước thì tình trạng nghèo đói không biết bao giờ mới khắc phục được.
Điều kiện kinh tế
Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng tác động không nhỏ đến công tác giảm nghèo bởi nếu quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế lạc hậu, tốc độ tăng trưởng chậm, thu nhập dân cư thấp sẽ là điều kiện bất lợi cho việc huy động nguồn lực vật chất để xoá đói giảm nghèo. Ngược lại, một quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng cao và bền vững sẽ làm tăng các nguồn thu và tích luỹ cho đất nước, nhờ đó việc đầu tư tái sản xuất sẽ được mở rộng, sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Nguồn tài chính cho công tác giảm nghèo cũng được tăng lên.
Khả năng huy động nguồn lực vật chất, tài chính là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại khi thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Để thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên quy mô rộng và đạt được kết quả nhanh thì Nhà nước và bản thân các hộ nghèo đều phải có nguồn
lực. Nhà nước có nguồn lực đủ mạnh để hình thành và thực hiện các chương trình hỗ trợ như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã nghèo, vùng nghèo; hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá để từ đó tạo nhiều việc làm cho người lao động; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo về đời sống khi gặp rủi ro, thiên tai và hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, đào tạo... Nguồn lực của nhà nước phụ thuộc vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tỉ lệ tích lũy và chính sách chi tiêu của chính phủ, khả năng vay nợ của nước ngoài...
Về phía hộ gia đình nghèo, để phấn đấu thoát nghèo, họ cũng cần có nguồn lực để tự mình phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực họ có thể có được là từ các nguồn hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng dân cư, vốn vay tín dụng và khả năng tích lũy của bản thân họ. Muốn giảm nghèo bền vững thì Nhà nước và cá nhân của các hộ nghèo, cộng đồng nghèo phải dựa vào nguồn tích lũy của chính mình, hạn chế đến mức tối thiểu vốn vay. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới đã thành công trong việc chuyển từ nền kinh tế lạc hậu sang nền kinh tế phát triển, giảm được tỉ lệ hộ nghèo đói là đã duy trì tích lũy trên 30% tổng thu nhập quốc dân.
Mức thu nhập dân cư thấp và sự phân hoá thu nhập không đồng đều giữa các vùng trong cả nước, giữa các nhóm dân cư cũng là nguyên nhân gây nghèo đói và cản trở trong việc xoá đói giảm nghèo. Gần đây, khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm có xu hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 2012, nếu chia hộ dân cư thành năm nhóm theo chi tiêu bình quân đầu người/tháng thì bình quân đầu người của nhóm hộ giàu nhất (4,8 triệu đồng) cao gấp 9,4 lần thu nhập của nhóm nghèo nhất (0,51 triệu đồng). Tỉ lệ này cao hơn các năm trước (năm 2010 là 9,2 lần; năm 2008 là 8,9 lần; năm 2006 là 8,4 lần; năm 2005 là 8,3 lần; năm 2002 là 8,1 lần và
năm 1993 là 5,0 lần). Mức sống tăng và tỉ lệ nghèo giảm là kết quả khích lệ,
nhưng cần hạn chế sự gia tăng chênh lệch giàu nghèo.
Sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo sẽ làm cho tình trạng nghèo tương đối trở nên gay gắt hơn, việc thực hiện các giải pháp để giảm nghèo sẽ càng khó khăn hơn. Hầu hết các hộ nghèo đều ở nông thôn. Do nguồn thu nhập thấp và
bấp bênh, khả năng tích lũy kém nên các hộ nghèo ít có khả năng tái đầu tư sản xuất mở rộng và chống chọi với những biến cố xảy ra như: mất mùa, mất việc làm, mất sức khỏe... Mặt khác, rủi ro trong sản xuất kinh doanh đối với người nghèo cũng rất cao, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, do họ thiếu kinh nghiệm làm ăn, trình độ tay nghề thấp, thiếu thông tin… Vì vậy, thu nhập của người nghèo đã thấp rồi nhưng khả năng để tăng thu nhập của họ cũng rất khó khăn và đây là một trở ngại lớn đối với công tác giảm nghèo.
Một vấn đề nữa đó là môi trường kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng của địa phương. Người nghèo ở nước ta chủ yếu tập trung ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… mà những nơi này cơ sở hạ tầng thấp kém, không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, đường sá… tốt hơn cho nông thôn giúp người dân đi lại dễ dàng, trao đổi hàng hoá được thuận lợi, kích thích phát triển các hoạt động sản xuất, từng bước đưa hộ nghèo hoà nhập với nền kinh tế thị trường. Hệ thống trường học, trạm xá và
bệnh viện được đầu tư xây dựng sẽ giúp người nghèo tiếp cận được với nền giáo dục có chất lượng cao hơn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Khủng hoảng kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến nghèo đói. Người nghèo là những người có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất khi khủng hoảng xảy ra.
Khủng hoảng kéo theo sự đình đốn về sản xuất, các xí nghiệp, nhà xưởng thi nhau đóng cửa, giảm biên, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm không đủ trang trải cho cuộc sống đã nghèo nay càng nghèo thêm.
Điều kiện xã hội:
Những nhân tố xã hội tác động đến nghèo đói và việc giảm nghèo như dân số, lao động, trình độ dân trí, giáo dục, y tế, phong tục tập quán, vấn đề cán bộ
và bộ máy tổ chức điều hành.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh cũng là một nguyên nhân của nghèo đói.
Dân số tăng nhanh thì mức gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người sẽ giảm.
Ở những nước đông dân, dân số tăng nhanh thì người dân nói riêng và quốc gia nói chung phải dành phần lớn thu nhập cho nhu cầu tiêu dùng nên khó có điều kiện tích luỹ để mở rộng sản xuất, cho nên nguồn lực để thực hiện giảm nghèo lại càng khó khăn hơn. Thêm vào đó, việc sinh đẻ nhiều dẫn đến nhiều nguyên nhân khác như làm suy giảm sức khỏe của người mẹ và như thế tác động đến những đứa trẻ khi được sinh ra, đẻ nhiều cũng làm mất nhiều thời gian chăm sóc con cái, làm giảm thu nhập của hộ gia đình, nguy cơ nghèo đói sẽ gia tăng.
Quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng nguồn lao động cũng là yếu tố quan trọng tác động tới khả năng bị nghèo. Thực tế cho thấy, tỉ lệ giữa số người lao động và số người ăn theo trong gia đình là yếu tố ảnh hưởng đến sự giàu, nghèo của hộ gia đình. Đối với hộ nghèo thì tỉ lệ người ăn theo trên một lao động chính thường cao nên khả năng tích lũy rất thấp. Thêm vào đó, nếu cơ cấu lao động phân bố chủ yếu vào khu vực nông nghiệp, ít tập trung vào khu vực công nghiệp và dịch vụ thì đó là bất lợi lớn cho việc tăng nhanh mức thu nhập bình quân đầu người dẫn đến tỉ lệ tích lũy thấp, gây khó khăn cho việc xây dựng và
phát triển các quỹ xóa đói giảm nghèo.
Chất lượng nguồn lao động ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều hạn chế.
Đó là sự hạn chế về mặt thể lực, sức khỏe, hạn chế về việc đào tạo qua trường lớp, trình độ tay nghề thấp…Trong điều kiện khoa học kỹ thuật như hiện nay, phải có một đội ngũ lao động có đủ trình độ để tiếp cận, áp dụng những thành tựu khoa học mới vào sản xuất thì mới có hy vọng tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Chất lượng nguồn lao động gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí và chiến lược phát triển giáo dục. Tài sản chủ yếu của người nghèo là thời gian lao động và giáo dục góp phần tăng năng suất của tài sản này và từ đó tăng thu nhập cho họ.
Trình độ văn hoá, giáo dục: Đa số những người nghèo, vùng nghèo của Việt Nam là những nơi có trình độ dân trí thấp. Cùng với tác động của thu nhập thấp nên việc đầu tư chăm lo cho con cái học hành của các hộ gia đình nghèo và
vùng nghèo ít được quan tâm hơn, ít được học vấn, ít được đào tạo nghề nên ít có cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Tỉ lệ đi học trong độ tuổi ở các vùng này sẽ thấp và như vậy, nguy cơ nghèo về tri thức dẫn đến nghèo đói về mọi mặt sẽ gia tăng.
Trình độ và điều kiện chăm sóc sức khỏe: Người nghèo thường sinh sống trong nhà cửa tạm bợ, thiếu nước sạch và ăn thiếu dinh dưỡng nên dễ mắc bệnh.
Khi mắc bệnh họ lại không có tiền đi bệnh viện để chữa trị nên bệnh càng nặng hơn và có nguy cơ lây nhiễm cao. Không đủ trang trải viện phí nên họ lại phải đi vay nên ốm đau làm cho cuộc sống của họ ngày càng khốn cùng hơn.
Nghèo đói ở nước ta còn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Nhất là chất độc da cam mà Mỹ đã rải xuống nước ta đã để lại những vết thương trên đất, nước và cả con người. Hơn 4,5 triệu người bị thương tật, trên 300.000 trẻ em mồ côi và hàng ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam này. Đây là
nhóm dân cư bị thiệt thòi và thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ rơi vào tình cảnh đói nghèo. Để giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại không chỉ một sớm một chiều mà cần phải mất rất nhiều thập kỷ.
Phong tục tập quán lạc hậu, nhất là những phong tục của một số vùng dân tộc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo đói. Những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, lễ tết chi tiêu tốn kém… khiến nhiều hộ rơi vào nợ nần.
Truyền thống đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng cũng là một yếu tố tạo nên sự thành công cho công tác giảm nghèo. Truyền thống “nhường cơm sẻ áo”,
“lá lành đùm lá rách” đã được người dân Việt Nam thực hiện từ đời này qua đời khác. Chính nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà nhiều người vươn lên thoát nghèo. Nó cũng là điều kiện cho sự thành công của việc xã hội hoá công tác
giảm nghèo.
Để hỗ trợ cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng tiếp cận tốt với các dịch vụ hỗ trợ của nhà nước, chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận người dân, tổ chức triển khai thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các chương trình, dự án đầu tư cho nông thôn, cho người nghèo... Cần có một đội ngũ cán bộ đủ năng lực (đủ số lượng, có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức) để thực thi nhiệm vụ trên.
Thực tế cho thấy, những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi...
trình độ cán bộ cơ sở xã, thôn rất thấp, nhiều vùng cán bộ xã chưa học hết cấp 2;
đọc viết chưa thành thạo, lực lượng cán bộ khuyến nông, lâm của tỉnh, huyện tăng cường tham gia giúp xã thường không đủ mạnh. Số cán bộ thiếu về lượng, trình độ chuyên môn hạn chế, chế độ lương thấp... Trong lúc lại phải công tác ở vùng khó khăn nên lòng nhiệt tình, hăng hái không cao... do đó kết quả các hỗ trợ của nhà nước và của cộng đồng đến với người nghèo bị hạn chế. Bên cạnh tăng cường lực lượng cán bộ cho xóa đói giảm nghèo thì vấn đề tổ chức bộ máy quản lý, điều hành thực thi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo từ Trung ương đến địa phương cũng cần được quan tâm.
1.5. Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan 1.5.1. Các nghiên cứu về nghèo và tác động của trợ giúp bằng tiền tới giảm nghèo cho NCT ở một số nước đang phát triển
Nghiên cứu về các nhân tố có thể ảnh hưởng nguy cơ là người nghèo ở nhóm dân số già, Armando Barrientos (2006) sử dụng mô hình xác suất probit với số liệu của 2.117 hộ gia đình của người già ở Brazil và Nam Phi và chỉ ra các yếu tố như quy mô gia đình, thành phần gia đình, tỉ lệ có việc làm của các thành viên, các cú sốc trong chi tiêu… là các nhân tố có ảnh hưởng quan trọng. Phân loại theo thành phần gia đình, có ba nhóm: (i) gia đình chỉ có người già, (ii) gia đình có người già sống với con cái của họ, (iii) gia đình với người già sống với người khác, không phải con cái. Kết quả cho thấy, nhóm thứ hai và thứ ba phải
đối mặt với nguy cơ nghèo lớn hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra các hộ gia đình sống vùng nông thôn có nguy cơ đối mặt với nghèo đói cao hơn hẳn so với sống ở khu vực thành thị. Kết quả tương tự đối với các hộ có và không có người làm việc trong khu vực nhà nước. Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả giảm nghèo của chính sách lương hưu và trợ cấp, tác giả đưa vào mô hình các biến số chỉ định người già trong hộ có nhận được hỗ trợ từ chính sách hay không và kết luận rằng hộ gia đình có người già được nhận lương hưu và trợ cấp miễn phí từ chính phủ sẽ có tác động tích cực đến giảm đói nghèo và hạn chế các tổn thương phải đối mặt (giảm xác suất nghèo ở Brazil là 18,2%, trong khi ở Nam Phi là
12,5%). Từ đó, tác giả đề xuất các chính sách của Chính phủ cần hướng đến việc ổn định thu nhập từ lương hưu cũng như các khoản trợ cấp không cần đóng góp cho các hộ gia đình.
Để đánh giá tình trạng nghèo của NCT và tác động của trợ cấp xã hội hàng tháng cho NCT ở một số nước Châu Á (trong đó có Việt Nam) trong việc giảm nghèo cho họ, phân tích của Mujahid và cộng sự (2008) cho thấy khoản trợ cấp đó giảm bớt được gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho NCT, góp phần làm tăng chi tiêu của hộ gia đình có NCT. Vì thế, các tác giả khuyến nghị rằng cần tạo cơ hội cho NCT và gia đình họ nhận được các khoản trợ cấp để phòng ngừa khả năng rơi vào nghèo đói cũng như giúp hộ gia đình thoát nghèo. Sự minh bạch trong thực hiện chính sách trợ cấp xã hội rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.
Bàn về hệ thống trợ cấp xã hội cho toàn bộ NCT và nghiên cứu các nhân tố tác động, bắt đầu từ năm 2009 của Thái Lan, Worawet và Wesumperuma (2012) cho thấy do nhiều NCT đối mặt với những khó khăn và rủi ro về sức khỏe và kinh tế nên hệ thống trợ cấp theo nhóm đối tượng (targeting) dường như không có hiệu quả và bỏ sót nhiều NCT thực sự khó khăn hoặc đưa nhầm đối tượng NCT không thực sự khó khăn vào diện được hưởng trợ cấp. Theo quan điểm của tác giả, sự minh bạch trong quản lý, mức bao phủ rộng và mức hỗ trợ