Chương 3: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ RỦI RO
3.1. Khái quát chung về địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của thành phố Thái Nguyên
Điều kiện tự nhiên:
Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi phía Bắc; cách thủ đô Hà Nội 80 km. Tổng diện tích tự nhiên 222,93 km², phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương, phía đông giáp thành phố Sông Công, phía tây giáp huyện Đại Từ, phía Nam giáp thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình. Sau khi điều chỉnh địa giới và thành lập các phường, thành phố Thái Nguyên có 32 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc gồm: 21 phường và 11 xã với dân số 362.921 người. Thành phố Thái Nguyên mang những nét chung của khí hậu vùng đông bắc Việt Nam, thuộc miền khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có mùa đông phi nhiệt đới lạnh giá, ít mưa, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Khí hậu của thành phố Thái Nguyên chia làm 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông và nằm trong vùng ấm của tỉnh, có lượng mưa trung bình khá lớn.
Tài nguyên thiên nhiên:
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của thành phố đa dạng và phong phú. Tài nguyên đất: so với diện tích đất tự nhiên thì tổng diện tích đất phù sa không được bồi hàng năm là 3.650,38 ha, chiếm khoảng 21% so với tổng diện tích tự nhiên - đây là loại đất chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tài nguyên rừng: rừng ở Thái Nguyên chủ yếu là rừng nhân tạo và rừng trồng theo chương trình 327, rừng trồng theo chương trình PAM, vùng chè Tân Cương cùng với các loại cây trồng của nhân dân như cây nhãn, vải, quýt, chanh...Cây lương thực chủ yếu
là cây lúa nước, ngô, đậu...thích hợp và phát triển ở những vùng đất bằng trên các loại đất phù sa, đất mới phát triển, đất glây trung tính ít chua. Tài nguyên khoáng sản của thành phố gồm than, cát, sỏi đáp ứng yêu cầu của sử dụng của người dân. Tài nguyên nước: thành phố Thái Nguyên có hai con sông lớn chảy qua. Đó là sông Cầu với chiều dài 19 km và sông Công với chiều dài 15 km. Hai con sông này ngoài vai trò dự trữ và lưu thông nước và còn là mạng lưới giao thông đường thuỷ quan trọng của thành phố và cũng là nguồn cung cấp nước phục vụ cho tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.
Tình hình kinh tế xã hội của thành phố năm 2017
Năm 2017 là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ TP Thái Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh, cụ thể:
- Năm 2017 thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,74%
(vượt 0,14% so với kế hoạch); thu ngân sách đạt trên 2700 tỷ đồng, bằng trên 240% kế hoạch Tỉnh. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt trên 7400 tỷ đồng, tăng trên 18% so với cùng kỳ; sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 14,3% so với kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 42.223 tấn, tăng 5,56% kế hoạch.
- Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên môi trường, bồi thường hỗ trợ và tái định cư được thực hiện có hiệu quả và mang tính đột phá. Giá trị khối lượng hoàn thành năm 2017 đạt trên 2000 tỷ đồng; giá trị thanh toán cả năm đạt trên 1400 tỷ đồng, bằng gần 400%
kế hoạch đầu năm. Thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 44 dự án với tổng diện tích thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt
bằng là 113,2 ha. Đã thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng giá trị 1.565,4 tỷ đồng trên diện tích đất thu hồi của 1774 hộ cá nhân và 4 đơn vị tổ chức. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận thành phố Thái Nguyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Lựa chọn xã Đồng Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu; xã Tân Cương hoàn thiện các tiêu chí để xóm Hồng Thái 2 là xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
- Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt, trong năm đã hỗ trợ kinh phí làm mới và sửa chữa nhà cho 133 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách người có công với cách mạng với tổng số tiền trên 2 tỷ 500 triệu đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,67%; hộ cận nghèo giảm còn 1,25% (theo chuẩn mới). Khánh thành và đưa vào hoạt động Nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO. Tổ chức cai nghiện ma túy cho 367 đối tượng.., quản lý 100% người nghiện tại địa phương. Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ. Đến nay thành phố Thái Nguyên có 103/122 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,4 %. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và các chương trình quốc gia về y tế tiếp tục được duy trì. Trong năm 2017 có 3.827 trẻ sinh ra; giảm tỷ suất sinh thô 0,1‰
đạt 100% kế hoạch. Công tác cải cách hành chính thành phố Thái Nguyên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thành phố đã chính thức triển khai ứng dụng phần mềm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, với 171 thủ tục và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:
2015 áp dụng tại UBND thành phố và 32 xã, phường.
Trong năm 2018 Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Thành phố Thái Nguyên quyết tâm phát huy các lợi thế để thu hút đầu tư, đẩy mạnh thu ngân sách; nâng cao chất lượng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 17 Đề án của Đảng bộ thành phố, giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Tiến
hành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.