Chương 3: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ RỦI RO
3.1. Khái quát chung về địa bàn nghiên cứu
3.1.2. Hình thành hoat động kinh doanh của các ngân hàng TMCP trên địa bàn thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2014 - 2017
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngân hàng Nhà nước các ngân hàng thương mại đã mở chi nhánh tại Thái Nguyên khá đông. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 19 chi nhánh NH thương mại (gồm 07 chi nhánh NH thương mại nhà nước; 12 chi nhánh NH thương mại cổ phần), 01 chi nhánh NH Chính sách xã hội, 01 chi nhánh NH Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 02 Quỹ tín dụng nhân dân, 01 tổ chức tài chính vi mô; Ngoài ra các chi nhánh còn đặt phòng giao dịch tại các huyện thị xã trên địa bàn tỉnh. Với hệ thống NH được cho là khá hùng hậu đã và đang tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình vay và cho vay, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể:
Năm 2014, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả nước tiếp tục có xu hướng chậm lại, với mức tăng hơn 12% nhưng với Thái Nguyên, con số này đạt tới 18,17%. Cùng với đó, hiệu quả dòng vốn tín dụng của hệ thống NH trên địa bàn cũng ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp (hiện chỉ chiếm dưới 1% trên tổng dư nợ), góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng ngày càng phù hợp với chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh, với việc tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết năm 2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 25.416 tỷ đồng, tăng 28,48% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế (không bao gồm NH Phát triển) đạt 27.259 tỷ đồng, tăng 18,17% so với cuối năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2014, thực hiện chỉ đạo
của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối NH - DN nhằm đối thoại trực tiếp giữa NH với DN, khách hàng cũng như với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị qua đó giúp DN và khách hàng tháo gỡ khó khăn; ký kết hỗ trợ vốn vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, khách hàng. Theo đó, Chương trình kết nối đã thu hút được sự tham gia của 100% NH thương mại trên địa bàn và đến hết năm 2014, đã có 224 khách hàng tham gia Chương trình, với tổng số tiền được các NH cam kết lên tới 3.682 tỷ đồng. Có hợp đồng tín dụng cho vay mới, có hợp đồng giảm lãi suất các khoản vay trước (từ hơn 10% xuống còn 7-9%), có hợp đồng điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng, nhiều hợp đồng cùng lúc được thực hiện từ 2-3 điều khoản nêu trên.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Thái Nguyên đã bám sát chỉ đạo điều hành của Thống đốc NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh các giải pháp về tiền tệ, tín dụng. Nhờ đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất, hoạt động hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, tiếp cận nhanh gọn với các nguồn vốn. Đến nay, mặt bằng lãi suất VNĐ trên địa bàn giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm so với cuối kỳ 2014. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8 đến 1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 4,5 - 5,4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 5,4 - 7,2/năm với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác dao động ở mức 7%/năm với ngắn hạn, đến 11%/năm với trung và dài hạn. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Thái Nguyên còn kiểm soát tốt về tỷ giá ngoại hối và thị trường vàng. Các dịch vụ cho vay về phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới và cho vay hỗ trợ nhà ở được triển khai thực hiện có hiệu quả. Nguồn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến 31/12/2015 đạt xấp xỉ 33.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2014. Dư nợ tín dụng tính đến cùng thời điểm đạt trên 33.000 tỷ đồng, tăng trên 22% so năm 2014.
Trong giai đoạn 2016 - 2017, NHNN Chi nhánh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; kiểm soát chặt chẽ lạm phát dưới mức 5%; đảm bảo ổn định, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%; đưa tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 18 - 20%; đưa tỷ lệ nợ nhóm dưới 3% trên tổng dư nợ và hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Theo báo cáo, tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 46.883 tỷ đồng, tăng 21,13%; dư nợ cho vay đạt 46.181 tỷ đồng, tăng 17,12% so với 31/12/2016; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,63%/tổng dư nợ. Điều này cho thấy sự nỗ lực của bản thân các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cùng với chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên. Năm 2018, NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát: Triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên cơ sở bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên để ổn định tiền tệ, hoạt động ngân hàng, triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, đảm bảo thanh khoản, an ninh, an toàn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn. Cùng với đó, NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 17%, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1% tổng dư nợ. Để thực hiện được các chỉ tiêu trên NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao chất lượng hoạt động; chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp; coi trọng chất lượng tín dụng song cũng phải mạnh dạn hơn trong việc tăng trưởng dư nợ cho vay; tăng cường hơn nữa trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp có
phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên và ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát quyết liệt thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và thực hiện phương án xử lý nợ xấu để tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nhiệm vụ chuyên môn…