CHUƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẤP HUYỆN
1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thu ngân sách nhà nước cấp huyện
1.4.1. Các nhân tố khách quan
Quản lý thu ngân sách là hoạt động quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài chính ngân sách. Quá trình quản lý thu ngân sách thường bị chi phối bởi các nhân tố sau:
Thứ nhất, nhân tố về thể chế tài chính của Nhà nước. Thể chế tài chính quy định phạm vi, đối tượng thu của các cấp chính quyền. Quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong quá trình quản lý thu ngân sách. Do vậy, nói đến nhân tố ảnh hưởng đến quản lý thu ngân sách trước hết phải nói đến thể chế tài chính. Vì nó chính là những văn bản của Nhà nước có tính quy phạm pháp luật chi phối mọi quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong quá trình quản lý thu, chi ngân sách. Thực tế cho thấy nhân tố về thể chế tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả quản lý thu ngân sách trên một lãnh thổ địa bàn nhất định, do vậy đòi hỏi phải ban hành những thể chế tài chính đúng đắn phù hợp mới tạo điều kiện cho công tác nói trên đạt được hiệu quả.
Thứ hai, nhân tố về bộ máy và cán bộ. Khi nói đến cơ cấu tổ chức một bộ máy quản lý thu ngân sách người ta thường đề cập đến quy mô nhân sự của nó và trong sự thiết lập ấy chính là cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý thu ngân sách và các mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các bộ phận trong quá trình thực hiện chức năng này. Hay nói cách khác, điều quan trọng hơn cả là phải thiết lập cụ thể rõ ràng, thông suốt các “mối quan hệ ngang” và các “mối quan hệ dọc”. Sự thiết lập ấy được biểu hiện thông qua quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp, các bộ phận trong tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý thu ngân sách. Quy định chức năng nhiệm vụ của bộ máy và cán bộ quản lý thu theo chức năng trách nhiệm quyền hạn giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa cấp trên với cấp dưới trong quá trình phân công phân cấp quản lý đó. Nếu việc quy định chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn không rõ ràng, cụ thể thì dễ xảy ra tình trạng hoặc thiếu trách nhiệm, hoặc lạm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách. Nếu bộ máy và cán bộ năng lực trình độ thấp thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu ngân sách Do đó tổ chức bộ máy và cán bộ là nhân tố rất quan trọng trong quá trình tổ chức quản lý thu,chi ngân sách.
Bộ máy quản lý thu ngân sách vừa là chủ thể chi phối công tác thu lại vừa chính là đối tượng của quá trình quản lý. Bản thân bộ máy quản lý thu NSNN cũng là đối tượng thụ hưởng, tiêu dùng nguồn tài chính huy động được. Vì thế, xác lập, tổ chức bộ máy quản lý thu ngân sách phải vừa đảm bảo đạt kết quả công tác thu vừa phải gọn nhẹ, hợp lý.
Việc xây dựng bộ máy quản lý thu NSNN phải căn cứ vào sự hình thành hệ thống các cấp chính quyền và quá trình thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội các cơ quan Nhà nước. Quá trình hình thành hệ thống chính quyền các cấp là một tất yếu khách quan của mọi thể chế chính trị, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trên mọi vùng lãnh thổ. Sự ra đời của hệ thống chính quyền nhiều cấp là tiền đề cần thiết xuất hiện hệ thống NSNN nhiều cấp. Phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống ngân sách nước ta gồm NS Trung ương và NS các cấp chính quyền địa phương.
Để đảm bảo công tác thu đạt hiệu quả, tổ chức bộ máy phải đảm bảo một số những yêu cầu nhất định.
Thứ nhất, phải đảm bảo thống nhất, tập trung dân chủ. Tức là phải làm sao để vừa phát huy được sức mạnh sáng tạo của mọi cấp vừa đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn tài lực quốc gia. Yêu cầu này đòi hỏi việc phân chia trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý thu ngân sách phải rõ ràng, mang lại hiệu quả cao nhất.
Chính quyền các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ thu ngân sách.
Thứ hai, tổ chức bộ máy thu ngân sách phải đảm bảo kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ, tức là phải phát huy tính tích cực sáng tạo của địa phương trên cơ sở có tính đến nét đặc trưng của từng ngành.
Những nét đặc thù của ngành, những điều kiện đặc trưng riêng của từng địa phương đòi hỏi phải có sự khác biệt trong tổ chức nhất định, nhằm đạt hiệu quả thu cao nhất. Chuyên môn hóa theo ngành đảm bảo việc quản lý thu theo nguồn hình thành phù hợp đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của từng lĩnh vực. Tổ chức quản lý thu theo phân cấp chính quyền đảm bảo phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả thu nhờ hiểu biết, sát thực tình hình kinh tế trong phạm vi lãnh thổ của địa phương đó. Ngoài ra, tổ chức thu tốt cũng còn thể hiện ở việc nhiệm vụ và quyền hạn được giao phù hợp cho từng bộ phận. Điều này sẽ đảm bảo tính khả thi trong công tác thu ngân sách.
Một cách thức tổ chức khoa học, sự phân cấp quản lý phù hợp sẽ là tiền đề đảm bảo hiệu quả công tác thu. Điều đó cũng đồng nghĩa việc tổ chức quản lý quyết định đến kết quả thu có đúng như mong đợi hay không. Yếu tố kỹ thuật, công nghệ,
phương tiện thông tin phục vụ cho việc quản lý thu, giám sát, thanh tra kiểm tra cũng tác động không nhỏ tới kết quả thu ngân sách. Cơ chế, chính sách thu không, hoặc ít có những thay đổi, trong khi tình hình kinh tế xã hội vận động và biến đổi hàng ngày. Trong hoàn cảnh đó, kỹ thuật công nghệ đóng vai trò quan trọng giúp việc quản lý thu theo sát thực tế, thu đúng, thu đủ. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các quan hệ kinh tế diễn ra ngày càng phức tạp, trình độ gian lận thuế, các thủ thuật trốn thuế cũng ngày càng tinh vi, yếu tố thông tin, kỹ thuật rất cần được chú trọng. Hiệu quả của công tác thu, kết quả của việc chống trốn và gian lận thuế bị tác động nhiều ở yếu tố này.
Cuối cùng, cũng giống mọi hoạt động quản lý, hoạt động kinh tế khác, công tác thu ngân sách cũng là công việc của con người, do con người thực hiện. Bởi vậy, nhân tố con người có ý nghĩa quyết định. Nhân tố con người được xem xét trên hai khía cạnh năng lực và đạo đức. Dù có cơ chế chính sách tốt, có cách thức tổ chức phù hợp, nhưng nếu cán bộ không hội đủ chuyên môn, công tác thu cũng không thể hoàn thành tốt được. Những hành vi trốn thuế, gian lận thuế là những hành động ở thế chủ động, trong khi công việc phòng chống lại luôn ở thế bị động.
Do vậy, để thực hiện tốt công việc của mình, các cán bộ chuyên trách rất cần có năng lực cao. Tuy nhiên, trên thực tế, gây tác hại nhiều hơn tới kết quả thu ngân sách lại không phải chủ yếu do năng lực cán bộ yếu. Vấn đề bức xúc từ xưa đến nay vẫn là đạo đức cán bộ. Việc quản lý một khối lượng lớn nguồn tài chính quốc gia đã tạo cơ hội cho những cán hộ tha hóa, biến chất vi phạm pháp luật. Lợi ích cá nhân luôn là động cơ thúc đẩy các hành vi vi phạm pháp luật, để các cán bộ thu ngân sách bắt tay với đối tượng thu, gây phương hại đến lợi ích quốc gia. Bởi vậy, nhân tố con người có tác động lớn tới kết quả thu ngân sách.
Qua những phân tích trên, có thể khẳng định, phương thức tổ chức quản lý và quá trình tổ chức thực hiện có ý nghĩa quyết định tới kết quả thu ngân sách. Quá trình thu vừa là hiện thực hóa các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính vào NSNN vừa là sự kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chính sách đó để rồi thông qua những nảy sinh trong thực tiễn mà có những gợi mở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực thu.
1.4.2. Các nhân tố chủ quan
Thứ nhất, nhân tố về khả năng nội tại về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và mức thu nhập bình quân của người dân trong huyện
Việc quản lý thu ngân sách luôn chịu ảnh hưởng của nhân tố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân trên địa bàn. Khi nền kinh tế trên địa bàn phát triển và mức thu nhập bình quân của người dân tăng lên, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn ngân sách và sử dụng có hiệu quả, mà nó còn đòi hỏi các chính sách, chế độ, định mức kinh tế - tài chính, mức chi tiêu ngân sách phải thay đổi phù hợp với sự phát triển kinh tế và mức thu nhập, mức sống của người dân. Do đó, ở nước ta cũng như các nước trên thế giới, người ta luôn quan tâm chú trọng đến nhân tố này, trong qúa trình quản lý hoạch định của chính sách thu chi NSNN.
Thứ hai, Phẩm chất và năng lực của cán bộ quản lý cấp huyện
Năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý NSNN cấp huyện sẽ là nhân tố quyết định trực tiếp hiệu quả sử dụng NSNN cấp huyện. Nếu công tác tổ chức bộ máy quản lý NSNN tốt, đội ngũ cán bộ có ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật và tinh thần phối kết hợp giữa các cấp, giữa các đơn vị sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, tạo nên khối đoàn kết, đồng lòng, vì mục đích chung của địa phương, bên cạnh đó là trình độ quản lý, điều hành ngân sách của lãnh đạo cấp huyện, các cơ quan chuyên môn có liên quan như Chi Cục thuế, Kho bạc,…
cũng ảnh hướng lớn đến kết quả thu NSNN.