CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ NGUYÊN TẮC THIỆN CHÍ KHI THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC VIENNA 1980
1.2. Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng theo CISG
Theo quy định tại Điều 30 của Công ước Vienna 1980, thì trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bên bán có hai nghĩa vụ cơ bản: (i) nghĩa vụ giao hàng;
(ii) chuyển giao các giấy tờ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu hàng hóa theo đúng quy định của hợp đồng và của Công ước19.
Thứ nhất,bên bán nghĩa vụ giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng:
Giao hàng được coi là nghĩa vụ cơ bản nhất của người bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của người bán đều có liên quan đến và nhằm mục đích hoàn thành nghĩa vụ giao hàng cho người mua.
Khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng đối tượng, đúng chất lượng tại địa điểm và theo thời gian giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng.20
Một là, Giao hàng đúng số lượng và chất lượng. Tại Điều 35 Công ước Vienna 1980 quy định: bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng và chất lượng mà các bên đã quy định trong hợp đồng, đồng thời phải được đóng trong bao bì thích hợp như hợp đồng đã quy định, và phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, nếu hợp đồng không quy định cụ thể thì hàng hóa được coi là không đúng quy cách phẩm chất khi:
hàng không thích hợp cho các mục đích sử dụng mà các hàng hóa cùng loại thường đáp ứng hoặc hàng không phù hợp với bất kỳ mục đích nào mà người bán đã cho người mua biết một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào lúc kí hợp đồng; hoặc hàng không phù hợp với hàng mẫu (trong trường hợp bán hàng theo mẫu) mà bên bán đã cung cấp cho bên mua, hoặc hàng không được đóng trong bao bì theo cách thông thường cho những mặt hàng cùng loại đề bảo vệ hàng đó.
19Công ước Vienna 1980, Điều 30.
20Giáo trình Pháp luật Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương HN, NXB Đại học Hà Nội, 2012, Trang 224.
Hai là, Giao hàng đúng địa điểm. Theo quy định tại Điều 31 của Công ước Vienna 1980 thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì: (i) bên bán phải giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên, nếu hợp đồng có liên quan đến sự vận chuyển; (ii) trường hợp khác thì người bán có nghĩa vụ đặt hàng hóa dưới quyền định đoạt của người mua tại nơi sản xuất hàng hóa hoặc tại địa điểm kinh doanh của người bán tùy vào từng trường hợp cụ thể, vấn đề này cũng được quy định tương tự trong Bộ nguyên tăc UNIDROIT 2016. Theo quy định tại Điều 6.1.6 của Bộ nguyên tắc thì: nếu địa điểm thực hiện nghĩa vụ không được quy định trong hợp đồng hoặc không thể xác định được căn cứ vào hợp đồng thì nghĩa vụ phải được thực hiện: (i) tại trụ sở của bên có quyền, nếu là nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền; (ii) tại trụ sở của bên có nghĩa vụ nếu là nghĩa vụ khác. Tuy nhiên điều khác biệt giữa Bộ nguyên tắc UNIDROIT và Công ước Vienna 1980 là Bộ nguyên tắc đã không dự liệu đến trường hợp giao hàng có người vận chuyển.
Ba là, Giao hàng đúng thời hạn. Theo quy định tại Điều 33 Công ước Vienna 1980 thì người bán phải giao hàng đúng thời gian đã quy định trong hợp đồng, nếu hợp đồng không quy định cụ thể về thời gian giao hàng thì người bán có nghĩa vụ giao hàng trong một thời gian hợp lí sau khi hợp đồng được ký kết. Về việc giao hàng đúng thời hạn Bộ nguyên tắc UNIDROIT tại Điều 6.1.1 cũng có quy định tương tự. Tuy nhiên có một điểm khác biệt cơ bản giữa hai văn bản pháp lý này về thời hạn giao hàng mà chúng ta cần chú ý đó là: theo quy định của tại Điều 33 Công ước Vienna 1980 thì bên bán phải giao hàng trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định hoặc có thể xác định từ hợp đồng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó, trừ phi tình huống cho thấy bên bán (nghĩa là chính bên có nghĩa vụ) phải chọn một ngày khác. Trong khi đó theo quy định tại Điều 6.1.1 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2016 thì: bên có nghĩa vụ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình vào một thời điểm bất kỳ trong một khoảng thời gian xác định, nếu khoảng thời gian đó được ấn định trong hợp đồng hoặc có thể xác định được căn cứ vào hợp đồng, trừ trường hợp do hoàn cảnh mà việc lựa chọn thời điểm thực hiện hợp đồng do bên kia (nghĩa là bên có quyền) quyết định. Như vậy, cùng một hoàn cảnh, nhưng theo quy định của Công ước Vienna 1980 thì bên bán (bên có nghĩa vụ) sẽ là bên có quyền thay đổi thời điểm thực hiện hợp đồng (thời điểm giao hàng); trong khi đó theo quy định của Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2016 thì bên mua (bên có quyền) mới là bên có quyền thay đổi thời điểm thực hiện hợp đồng (thời điểm giao hàng).
Thứ hai, nghĩa vụ chuyển giao các giấy tờ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu hàng hóa:
Các loại giấy tờ này bao gồm: hóa đơn, B/L, Giấy chứng nhận sở hữu hàng hóa, …Theo quy định tại Điều 34 Công ước Vienna 1980 thì bên bán có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến hàng hóa cho người mua đúng thời gian và thời điểm đã quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên bên bán có thể giao giấy tờ liên quan đến hàng hóa trước thời gian quy định nếu việc giao giấy tờ đó không bất tiện hoặc chi phí cho người mua; trong trường hợp người bán giao giấy tờ cho người mua đã gây thiệt hại cho người mua thì người bán phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài các nghĩa vụ cơ bản trên đây thì bên bán còn có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu cho người mua đối với hàng hóa đã bán đề người mua không bị bên thứ ba tranh chấp, cũng như bảo đảm hàng không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền hạn nào của người thứ ba trên cơ sở sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ khác.21
1.2.2. Nghĩa vụ bên mua
Theo quy định tại Điều 53 Công ước Vienna 1980 thì nghĩa vụ nhận hàng của bên mua được thể hiện ở hai hành vi, đó là: (i) thanh toán tiền hàng và (ii) tiếp nhận hàng.22
Nếu việc giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa là nghĩa vụ của bên bán, thì nhận hàng và thanh tóan là nghĩa vụ cơ bản của bên mua. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của người mua luôn gắn liền với việc nhận hàng và thanh toán.
Thứ nhất,nghĩa vụ thanh toán:
Một là, nghĩa vụ thanh toán theo đúng giá cả của hàng hóa. Theo quy định tại Điều 55 Công ước Vienna 1980 thì: người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng cho người bán theo giá cả mà các bên đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không quy định cụ thể về giá của hàng hóa thì giá của hàng hóa sẽ được xác định bằng cách suy đoán rằng các bên đã dựa vào giá đã được ấn định cho mặt hàng như vậy khi nó được đem bán trong những điều kiện tương tự của ngành thương mại tương tự. Vấn đề cũng được quy định tương tự tại Điều 5.1.7 của Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2016 theo đó: khi hợp đồng không ấn định giá hoặc không đưa ra phương thức xác định giá, các bên trong hợp đồng được coi như (trừ chỉ dẫn ngược
21LS Đặng Bá Kỹ, Tổng quan về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Nguồn:http://www.luatyenxuan.com/tong-quan-ve-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-quoc-te.html
22Công ước Vienna 1980, Điều 53.
lại) đã hướng tới mức giá thông thường được áp dụng vào thời điểm giao kết hợp đồng tại cùng ngành hàng, cho cùng công việc thực hiện trong hoàn cảnh tương tự, hoặc nếu không có mức giá này thì hướng tới mức giá hợp lí. Tuy nhiên Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2016 thực sự đã đi xa hơn Công ước Vienna 1980 khi quy định rằng:
khi mức giá do một bên ấn định rõ ràng là phi lý thì một mức giá hợp lí sẽ thay thế dù cho hợp đồng có quy định ngược lại.
Hai là, nghĩa vụ thanh toán đúng địa điểm quy định. Theo quy định tại Điều 57 Công ước Vienna 1980 thì người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng theo đúng địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu hợp đồng không quy định cụ thể về địa điểm thanh toán thì người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng cho người bán tại trụ sở của người bán hoặc tại nơi giao hàng, hoặc tại nơi giao chứng từ nếu việc trả tiền phải được làm cùng lúc với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Ba là,nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn. Theo quy định tại Điều 58 Công ước Vienna 1980 thì bên mua phải thanh toán tiền hàng theo đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không quy định cụ thể về thời gian giao hàng thì người mua phải có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng khi người bán chuyển giao hàng hoặc các giấy tờ liên quan đến hàng hóa theo quy định của hợp đồng. Nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng thì người bán có thể gửi hàng đi và với điều kiện là hàng hoặc giấy tờ liên quan đến hàng hóa chưa giao cho người mua nếu người mua chưa thanh toán tiền. Như vậy trong trường hợp này người mua có nghĩa vụ thanh toán trong thời gian hợp lí để nhận được hàng.
Tóm lại, việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tạo lập quyền và nghĩa vụ cho các bên tham gia ký kết, các bên sẽ thực hiện hợp đồng thông qua việc thực hiện nghĩa vụ của mình trên cơ sở tính ràng buộc và hiệu lực của hợp đồng;
các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng những gì mà hợp đồng và luật áp dụng cho hợp đồng quy định. Trường hợp ngược lại, trách nhiệm sẽ được đặt ra đối với bên không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thứ hai,nghĩa vụ nhận hàng:
Nhận hàng là việc người mua tiếp nhận trên thực tế hàng hóa từ bên bán. Bên mua hàng hóa có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện các công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Người mua sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng nếu người mua không nhận hàng theo đúng quy định trong hợp đồng. Mặt khác, đó lại là quyền lợi của người mua được nhận hàng để đạt được mục đích của mình khi ký kết hợp đồng.
Để thực hiện việc sẵn sàng tiếp nhận hàng, người mua phải tiến hành chuẩn bị mọi cơ sở vật chất như phương tiện bốc dỡ, kho bãi…nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nhận hàng. Việc người mua phải thực hiện hành vi sẵn sàng tiếp nhận hàng không những thể hiện sự tận tâm mẫn cán của người mua đối với nghĩa vụ của mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người bán thực hiện việc giao hàng của mình. Khi bên bán đưa hàng đến địa điểm quy định và đặt hàng dưới sự định đoạt của người mua thì người mua phải thực hiện nghĩa vụ của mình là tiếp nhận hàng.23 Ngoài ra còn có một số nghĩa vụ đồng thời là quyền của bên mua như:
Kiểm tra chất lượng hàng hóa: là một bước không thể thiếu khi người mua nhận hàng.
Thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa: Sau kiểm tra và phát hiện sự không phù hợp của hàng hóa, người mua phải thông báo về sự không phù hợp này cho người bán trong một khoảng thời gian hợp lý.
Từ chối nhận hàng: sau khi kiểm tra, giám định và nhận thấy hàng hóa không phù hợp với thỏa thuận của hợp đồng, người mua có quyền từ chối lô hàng hoặc phần không phù hợp.24