1.2.1.1. Khái niệm phát triển
Phát triển là một phạm trù của triết học dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, quá trình diễn ra theo đường xoắn ốc và hết mỗi chu kỳ sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở mức (cấp độ) cao hơn.
Phát triển nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ nghĩa là giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp phải có sự gia tăng, năm sau phải lớn hơn năm trước.
1.2.1.2. Khái niệm phát triển bền vững
Năm 1980, trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN - International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật” [6]
và thuật ngữ phát triển bền vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Quốc tế về Môi trường và Phát triển (WCED – World Commission on Enviroment and Development) lần đầu tiên đã đưa ra một định nghĩa tương đối đầy đủ về phát triển bền vững là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng của các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn các nhu cầu của chính họ” [23].
Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Rio - 92 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg - 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển, đó là: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.
Như vậy phát triển bền vững là sự phát triển hài hoà về cả ba mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của con người ở thế hệ hiện tại mà thế hệ tương lai.
Phát triển bền vững không chỉ là vấn đề bảo vệ môi trường: Phát triển bền vững có nghĩa là cả 3 trụ cột xoay quanh đời sống con người là kinh tế, xã hội và môi trường phải được phát triển hài hòa và cân đối một cách có hiệu quả qua các chính sách, cơ chế, công cụ và qua quá trình thực hiện chính sách. Phát triển bền vững là sự phát triển hài hoà cả về 3 mặt: Kinh tế - Xã hội - Môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai. Hay nói một cách khác:
Muốn phát triển bền vững thì phải đồng thời thực hiện 3 mục tiêu: (1) Phát triển có hiệu quả về kinh tế; (2) Phát triển hài hòa các mặt xã hội, nâng cao mức sống, trình độ sống của các tầng lớp dân cư và (3) Cải thiện môi trường, bảo đảm phát triển lâu dài vững chắc cho thế hệ hôm nay và mai sau [16].
1.2.1.3. Khái niệm nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp.
Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản.
Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là trong các thế kỷ trước đây khi công nghiệp chưa phát triển và nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong ngành kinh tế [7].
Trong nông nghiệp chia làm 3 loại, việc xác định sản xuất nông nghiệp thuộc dạng nào cũng rất quan trọng:
- Loại 1: Nông nghiệp thuần nông hay còn gọi là nông nghiệp sinh nhai, là loại hình sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi hộ nông dân. Và đặc biệt không có sự cơ giới hóa trong loại hình nông nghiệp này.
- Loại 2: Nông nghiệp chuyên sâu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp chuyên sâu có nguồn đầu vào sản xuất lớn, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất diệt sâu, diệt cỏ, phân bón, chọn lọc, lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới và mức
độ cơ giới hóa cao. Sản phẩm đầu ra chủ yếu dùng vào mục đích thương mại, làm hàng hóa bán ra trên thị trường hay xuất khẩu. Các hoạt động trên trong sản xuất nông nghiệp chuyên sâu là sự cố gắng tìm mọi cách để có nguồn thu nhập tài chính cao nhất từ ngũ cốc, các sản phẩm được chế biến từ ngũ cốc hay vật nuôi,...
- Loại 3: Nông nghiệp CNC hay nông nghiệp 4.0 là thuật ngữ xuất hiện và sử dụng đầu tiên ở Đức. Trong phân loại này nông nghiệp được hiểu các hoạt động sản xuất gắn với cây trồng vật nuôi được kết nối mạng nội bộ hoặc với bên ngoài. Nghĩa là thông tin được số hóa từ quá trình sản xuất cho đến giao dịch với đối tác. Sử dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc tính toán mô phỏng quy trình canh tác, chăn nuôi từ đó lựa chọn quy trình tối ưu để tiến hành sản xuất thực. Trong quá trình sản xuất liên tục theo dõi thống kê để phân tích bằng trí tuệ nhân tạo nhằm điều chỉnh phù hợp, đạt năng suất cao nhất [7].
1.2.1.4. Khái niệm mô hình sản xuất nông nghiệp
Mô hình sản xuất nông nghiệp là mô hình mô tả các hoạt động của hệ thống sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó mà ta có thể biết được các hoạt động của hệ thống sản xuất nông nghiệp như thế nào, trong mỗi hệ thống có bao nhiêu hệ phụ, các mối liên hệ của chúng ra sao, môi trường của chúng là gì, hiệu quả hoạt động của hệ thống cao hay thấp [44].
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp phổ biến tại nước ta hiện nay:
- Mô hình trang trại.
- Mô hình tổ hợp tác.
- Mô hình HTX dịch vụ (HTX kiểu mới).
- Mô hình HTX liên doanh liên kết với doanh nghiệp.
- Mô hình HTX cổ phần (doanh nghiệp – HTX).
1.2.2. Phát triển bền vững trong nông nghiệp
Trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều cần phát triển bền vững để đảm bảo cả nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Trong nông nghiệp cũng vậy, mặc dù đất nước đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm tỉ trọng nông nghiệp nhưng ngành nông nghiệp vẫn luôn chiếm vai trò chủ chốt, quan trọng giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tạo ra thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo và cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước [26].
Theo FAO: “Phát triển nông nghiệp bền vững là chìa khóa để xóa nạn đói”. Phát biểu tại phiên đối thoại ngày 12/2/2020 của Liên hợp quốc về hợp tác Bắc - Nam và hợp tác ba bên trong chuyển đổi nông nghiệp, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh phát triển nông nghiệp bền vững là chìa khóa để xóa nạn đói, đặc biệt tại các nước nông nghiệp [40].
Để làm nên một nền nông nghiệp bền vững thì điều quan trọng nhất là phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, đảm bảo sự công bằng xã hội. Đồng thời cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bởi vì nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào, toàn thế giới mà có tới hơn 40% dân số làm việc trong lĩnh vực này (FAOStat 2011). Việc đảm bảo phát triển bền vững và an ninh lương thực luôn là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia [9, 10].
Như vậy, việc phát triển bền vững nông nghiệp phải được thể hiện trong 3 yếu tố sau:
Bền vững về mặt kinh tế: Phát triển nông nghiệp phải mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và các địa phương lân cận, thậm chí có thể xuất khẩu tùy theo chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp của từng địa phương.
Bền vững về mặt xã hội: Phát triển nông nghiệp phải giúp giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, đảm bảo mức thu nhập và đảm bảo đời sống của người dân trong khu vực nông thôn.
Bền vững về mặt môi trường: Phát triển nông nghiệp phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường và giúp duy trì hệ sinh thái của địa phương.