Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
2.2 Cơ sở thực tiễn của đề tài
2.2.2 Bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư nước ngoài
* Kinh nghiệm của Thái Lan
Tại Thái Lan, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Hơn thế nữa, Thái Lan có thị trường thu hút đầu tư rất cạnh tranh và hấp dẫn trong khu vực Châu Á. Trong các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư lớn nhất với khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại quốc gia này. Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn FDI vào Thái Lan. Lượng vốn FDI từ các nhà đầu tư Singapore chiếm khoảng 80-90% tổng vốn đầu tư của các nước ASEAN vào Thái Lan.
Gần đây, trong chiến lược mới được Thái Lan thông qua đầu tháng 9/2014, để thu hút thêm vốn FDI, Thái Lan sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa, giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng…(Vũ Quốc Huy, 2015).
Chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài
Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư là ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), cơ quan này chuyên xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đầu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế cả nước, chứ không phải chỉ một vùng miền nào đó.
Ưu đãi đầu tư của Thái Lan cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các khuyến khích bằng thuế và các khuyến khích không bằng thuế như sau:
Các khuyến khích bằng thuế, bao gồm: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.
Các khuyến khích không bằng thuế, bao gồm: cho phép công dân nước ngoài vào Thái Lan để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa vào Thái Lan những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai; cho phép mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
Về địa bàn ưu đãi đầu tư (dựa trên chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người), Thái Lan chia thành 03 vùng để áp dụng chính sách ưu đãi khác nhau. Đồng thời, ưu đãi đầu tư trong KCN và ngoài KCN cũng có sự phân biệt, cụ thể là:
Bảng 2.1. Các chính sách về thuế của Thái Lan đối với địa bàn ưu đãi đầu tư
Thuế nhập khẩu Bên ngoài KCN Bên trong KCN
Vùng 1 Giảm 50% Giảm 50%
Vùng 2 Giảm 50% Miễn thuế nhập khẩu
Vùng 3 Miễn thuế nhập khẩu Miễn thuế nhập khẩu
Thuế thu nhập doanh
nghiệp Bên ngoài KCN Bên trong KCN
Vùng 1 Không được ưu đãi Miễn thuế 03 năm
Vùng 2 Miễn thuế 03 năm Miễn thuế 07 năm
Vùng 3 Miễn thuế 08 năm Miễn thuế 08 năm
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra Hiện nay, thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%.
Về loại hình doanh nghiệp: có 3 loại hình doanh nghiệp được áp dụng đối với đầu tư nước ngoài: doanh nghiệp tư nhân đơn nhất, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) tư nhân. Hình thức phổ biến nhất đối với đầu tư nước ngoài là công ty TNHH tư nhân.
Về thủ tục đầu tư, theo BOI có khoảng trên 20 cơ quan của Chính phủ Thái Lan tham gia vào quy trình thẩm định, thành lập doanh nghiệp để thực hiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Quá trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thái Lan trải qua 2 bước: đăng ký Giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp.
Về cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ”, trước đây, BOI được giao làm đầu mối thực hiện để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, BOI chỉ đóng vai trò là đầu mối cung cấp các thông tin liên quan và chỉ cấp Giấy chứng nhận ưu đãi cho nhà đầu tư. Việc xin cấp các loại giấy phép khác do nhà đầu tư tự thực hiện tại các Bộ chuyên ngành. Cụ thể là: Bộ Thương mại cấp Giấy đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp; Bộ Công nghiệp cấp Giấy phép kinh doanh (Vũ Quốc Huy, 2015).
Điểm mới trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
Theo BOI, hiện nay, Thái Lan đang thực hiện 03 thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là:
(1) Trước đây, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được dựa trên chiến lược phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu. Do đó, Thái Lan phải nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu, dẫn đến thâm hụt thương mại. Đến nay, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Lan là hướng vào phát triển sản xuất phục vụ cho xuất khẩu;
(2) Thu hẹp diện hưởng ưu đãi đầu tư từ 240 ngành, lĩnh vực như trước đây xuống còn 100 ngành, lĩnh vực. Đồng thời, ưu đãi đầu tư tập trung hơn vào 03 lĩnh vực, bao gồm: phát triển công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME);
(3) Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng xa Bangkok và vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Ngoài ra, do chi phí cuộc sống tăng, thiếu nguyên liệu, Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ra nước ngoài, nhất là các quốc gia ASEAN (Vũ Quốc Huy, 2015).
* Kinh nghiệm của Malaysia
Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Malaysia có khoảng 595 KCN. Các KCN của Malaysia có quy mô diện tích khác nhau từ 20 ha đến trên 500 ha và được phân
thành KCN nhẹ, KCN vừa và KCN nặng tùy thuộc vào loại ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp và quy mô diện tích KCN. KCN nhẹ có quy mô diện tích từ 20-200 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như chế biến thực phẩm, dệt may, thiết bị y tế, công nghiệp hỗ trợ. KCN vừa có quy mô diện tích từ 100-600 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như chế tạo máy móc, thiết bị, điện tử, chế biến gỗ. KCN nặng có quy mô diện tích từ 500-3.000 ha, tập trung sản xuất các ngành, nghề như hóa dầu, kim loại. Phần lớn các KCN của Malaysia do các cơ quan nhà nước đầu tư như: các Công ty phát triển kinh tế Bang, Cơ quan phát triển vùng, Hội đồng hành lang vùng và một số công ty tư nhân đầu tư.
Những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, Malaysia khuyến khích thu hút FDI vào những ngành xuất khẩu bằng việc giảm thuế thu nhập tới 3 năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành được lựa chọn. Tuy nhiên, từ năm 1996, Malaysia đã khuyến khích đầu tư cho các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, quang điện tử, công nghệ không dây và vật liệu tiên tiến. Để thu hút các công ty công nghệ đẳng cấp thế giới (cả trong nước và ngoài nước) và khuyến khích phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, Chính phủ Malaysia đề ra sáng kiến phát triển công nghệ thông tin quốc gia, gọi là khu công nghệ thông tin. Đây là một khu vực có vị trí địa lý xác định, có môi trường kinh doanh thuận lợi với hệ thống sinh thái tốt để thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ phát triển cho các công ty trong nước trở thành những công ty đẳng cấp quốc tế. Hiện tại Malaysia có 30 khu công nghệ thông tin và có gần 3000 công ty đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các Công ty này thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như miễn 100%
thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 10 năm, tiếp cận nguồn vốn không hoàn lại về nghiên cứu và phát triển.
Khác với Thái Lan, Malaysia không có cơ quan quản lý nhà nước về KCN, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào KCN có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm đầu tư của Bang, các Sở: công trình công cộng, phòng cháy và cứu trợ, môi trường, đất đai, cơ quan phát triển đầu tư (MIDA) để đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất (Vũ Quốc Huy, 2015).
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
Ưu đãi đầu tư tại Malaysia được coi như là một công cụ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu đề ra. Nhằm tăng giá trị xuất khẩu,
Malaysia áp dụng các ưu đãi như giảm 10% thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, giảm 5% giá nguyên liệu đầu vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu, cũng như chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường. Với mục tiêu tạo việc làm và khuyến khích đầu tư mở rộng của doanh nghiệp FDI, Malaysia đã đưa ra điều kiện để được hưởng ưu đãi là lao động thường xuyên từ 500 người trở lên hoặc vốn giải ngân đạt từ 25 triệu RM trở lên. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, Malaysia đã cấp ưu đãi cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo hướng nghiệp cho người lao động hoặc xây dựng các trường đào tạo.
Từ năm 2006 đến nay, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, các ưu đãi cơ bản về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất được thực hiện trên nền chính sách “nhà đầu tư tiên phong” và chính sách
“trợ cấp thuế đầu tư”. Việc xác định tình trạng nhà đầu tư tiên phong hoặc đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ cấp thuế đầu tư dựa trên những tiêu chí như: mức độ giá trị gia tăng, công nghệ được sử dụng và các mối liên kết công nghiệp của dự án.
Ngoài ra, Malaysia cũng đưa ra các chương trình khuyến khích đầu tư cho các ngành công nghệ cao, dự án chiến lược, máy móc thiết bị công nghiệp, công nghiệp ô tô và ngành sử dụng dầu cọ sinh khối.
Ở Malaysia, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các ưu đãi được quản lý tập trung ở cấp liên bang. Các bang (chính quyền địa phương) không có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư hoặc đưa ra các ưu đãi tài chính ở cấp địa phương.
Các lĩnh vực sản xuất được áp dụng chính sách nhà đầu tư tiên phong và trợ cấp thuế đầu tư bao gồm: chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm cao su; các sản phẩm từ dầu cọ; hóa chất và hóa phẩm dầu khí; dược phẩm;
đồ gỗ; bột giấy, giấy và bảng giấy; các sản phẩm từ bông vải sợi; may mặc; các sản phẩm sắt thép; kim loại không màu; máy móc, thiết bị và phụ kiện; các sản phẩm điện, điện tử; các thiết bị khoa học, đo lường chuyên nghiệp; các sản phẩm nhựa; thiết bị bảo vệ (Vũ Quốc Huy, 2015).
* Kinh nghiệm của Trung Quốc
Năm 1978, bắt đầu thực hiện "cải cách và mở cửa" nền kinh tế, mở cửa và hội nhập là một bộ phận cấu thành trong toàn bộ chiến lược đó. Thu hút FDI là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc.
Từ khi thực hiện chính sách cải cách, mở cửa đến nay nó được coi là "chìa khoá vàng" của sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút vốn FDI, nguồn FDI vào Trung Quốc đã tăng lên từng năm, từ 3 tỷ USD năm 1990 lên 40 tỷ năm 2000, 72 tỷ năm 2005 và 92,4 tỷ năm 2008, năm 2010 là 114,7 tỷ USD và đến năm 2011 là 124 tỷ USD. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới, hiệu quả của nguồn vốn FDI là khá cao. Với 1 triệu USD vốn nước ngoài, Trung Quốc đã sử dụng được 117 lao động, doanh thu xuất khẩu đạt 342.000 USD, thu ngân sách được 53.000 USD. Trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc trong những năm qua, có khoảng 4 - 5% thuộc về nguồn vốn bên ngoài, đã đóng góp hơn 30% cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Để tích cực, chủ động thu hút vốn FDI, chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp hết sức mềm dẻo, linh hoạt và rất có hiệu quả như từng bước mở rộng địa bàn thu hút vốn bên ngoài, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đa dạng hoá các loại hình đầu tư, áp dụng chính sách ưu đãi... Trong suốt quá trình thu hút vốn FDI, Trung Quốc luôn có sự thống nhất quan điểm về thu hút vốn FDI từ Trung ương xuống địa phương, thậm chí từng người dân "thu hút nguồn vốn FDI là yêu cầu cấp bách và cần thiết để phát triển kinh tế". Trung Quốc không ngừng cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư như từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, mở rộng danh mục khuyến khích đầu tư theo thời gian, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư, kích thích phát triển kinh tế trong nước, ổn định đồng tiền, xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng, tích cực hội nhập để mở cửa thị trường, có chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển (Đỗ Văn Chiển, 2013).
Thành công trong thu hút nguồn vốn FDI tại Trung Quốc có được là do:
- Có quy định các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp và được thể chế hoá bằng các luật riêng rẽ nhằm mục đích giúp các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình hình thức đầu tư thích hợp nhất.
- Cho phép các dự án FDI được quyền thế chấp quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn. Việc thế chấp này phải đăng ký với sở địa chính là cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị trong khu vực này, cho phép các địa phương sử dụng các biện pháp phù hợp để thu hút FDI như: khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước đang bị thua lỗ,
các vùng khó khăn được miễn tiền thuê đất và cho phép thành lập doanh nghiệp liên doanh với thời hạn 99 năm. Nhằm giảm bớt rủi ro, Trung Quốc thực hiện mở cửa từng bước vững chắc và từng khu vực.
- Trung Quốc đã tiến hành cải cách hành chính sâu rộng và triệt để theo hướng đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Mở rộng thẩm quyền cho các địa phương để phát huy nội lực, tính chủ động sáng tạo của địa phương. Địa phương có thể phê chuẩn hoặc quyết định các dự án đầu tư đến 30 triệu USD và chỉ cần báo cho Trung ương biết.
- Trung Quốc cũng đã chú trọng và khuyến khích đầu tư đối với Hoa kiều trên quan điểm coi trọng tính dân tộc.
2.2.2.2. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước - Tỉnh Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, cùng với các tỉnh và thành phố như: Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh tạo thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu mối giao lưu quốc tế lớn của cả nước. Bình Dương có diện tích 2.695,54 km2, dân số trung bình 1.075.500 người và có nhiều lợi thế trong việc phát triển công nghiệp, đặc biệt là phát triển Khu Công nghiệp, khu đô thị, các trung tâm dịch vụ, thương mại và phát triển cây công nghiệp dài ngày.
Để tạo điều kiện thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, tỉnh đã chú trọng tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay tỉnh Bình Dương đã thành lập được 27 Khu Công nghiệp tập trung với tổng diện tích 8.895 ha và 01 Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, 15 cụm công nghiệp tập trung với diện tích 1.535 ha. Các Khu, cụm Công nghiệp được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả góp phần đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài.
Với chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng của nhà nước và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nên đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương thời gian qua tăng trưởng khá. Bình quân hàng năm có khoảng 150 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư trên 530 triệu đô la Mỹ. Đến nay toàn tỉnh có trên 1.600 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 8 tỷ 600 triệu đô la Mỹ. Đặc biệt năm 2007 tỉnh Bình Dương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất so với những năm trước đây, với số vốn đầu tư gần 2 tỷ 500 triệu đô la