Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tổng diện tích tự nhiên 1.231,76 km2. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc nội và quốc tế, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai-Hà Nội - Hải Phòng, cũng là vùng chuyển tiếp giữa trung du, miền núi và đồng bằng sông Hồng tạo nên những thế mạnh quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có Nông – Lâm – Thủy sản. Thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc chủ yếu phát triển nuôi thương phẩm các đối tượng nước ngọt truyền thống và sản xuất giống. Đặc thù về điều kiện địa hình với sự hình thành ba vùng sinh thái riêng biệt, bao gồm đồng bằng ở phía Nam tỉnh, trung du ở phía Bắc tỉnh và vùng núi ở huyện Tam Đảo đã tạo nên sự khác biệt về điều kiện canh tác và đa dạng trong sản xuất thủy sản. Tổng diện tích tiềm năng cho nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh trên 7.000 ha, trong đó trên 4.000 ha vùng trũng có thể chuyển đổi sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ cá; hơn 900 ha hồ chứa lớn nhỏ; và gần 2.500 ha diện tích mặt nước ao đầm tự nhiên và ao hồ nhỏ nằm rải rác trong dân. Với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện tại của tỉnh 6.844 ha, trong đó diện tích chuyên cá chiếm khoảng 3.000 ha, tập trung ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; còn lại diện tích một lúa, 1 cá tập trung chủ yếu ở
Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên; Yên Lạc và Bình Xuyên (đề cương quy hoạch thủy sản Vĩnh Phúc, 2017).
Theo kết quả điều tra năm 2015 của Sở Nông nghiệp & PTNT Vĩnh Phúc, trong tổng số 1.426 hộ có 238 hộ nuôi theo phương thức thâm canh, chiếm 16,7%;
quảng canh cải tiến có 954 hộ, chiếm 67%; bán thâm canh có 234 hộ, chiếm 16,4%. Như vậy chủ yếu vẫn là hình thức nuôi quảng canh cải tiến (có bổ sung thêm giống và thức ăn nhưng ở mức thấp) nuôi bán thâm canh (sử dụng thức ăn chế biến và công nghiệp nhưng ở mức độ không cao) và thâm canh (sử dụng hoàn toàn thức ăn chế biến và công nghiệp, nuôi mật độ cao, chủ động điều khiển hoàn toàn hệ thống nuôi và năng suất cao) còn ít.
Bảng 2.3. Kết quả điều tra phương thức nuôi trồng thủy sản
Huyện Tổng hộ SX (hộ)
Phương thức nuôi (hộ)
TC BTC QCCT
Tam Dương 77 13 17 47
Tam Đảo 16 2 8 6
Yên Lạc 431 10 34 387
Vĩnh Tường 264 105 7 152
Bình Xuyên 177 52 6 119
Sông Lô 185 0 73 112
Lập Thạch 141 28 31 82
Vĩnh Yên 96 28 38 30
Phúc Yên 39 0 20 19
Tổng 1.426 238 234 954
Nguồn: Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc (2015) Bên cạnh đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống, rô phi đơn tính, chép lai được người dân đưa vào nuôi nhưng phần lớn là nuôi ghép với đối tượng cá rô phi là chính, chiếm >90% trong cơ cấu giống thả nuôi. Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh cá rô phi hiện nay khoảng gần 200ha. Các dòng cá rô phi được nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay là dòng GIFT, NOVIT, dòng Đường nghiệp, nguồn gốc con giống chưa được kiểm soát tốt; năng suất nuôi các giống này đạt từ 6-10 tấn/ha. Với những kết quả đạt được từ nuôi trồng thủy sản đã giúp người dân nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản, giải quyết lao động ở nông thôn và góp phần ổn định đời
sống an ninh chính trị tại địa phương. Mặc dù sản xuất thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng 6,4% trong cơ cấu Nông – Lâm - Thủy sản của tỉnh, song lĩnh vực này thể hiện vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ (khoảng 70% tiêu thụ nội tỉnh) và sinh kế cho người dân (trên 10.600 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản).
Tuy nhiên, hiện tại phát triển thủy sản của tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm: Quỹ đất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc có hạn nên diện tích nuôi thủy sản có xu hướng thu hẹp; diện tích NTTS còn manh mún, phân tán, quy mô nhỏ và phần lớn là nuôi quảng canh cải tiến; trình độ người nuôi hạn chế, thường nuôi theo phương thức truyền thống và dựa vào kinh nghiệm là chính mà thiếu kiến thức về chăm sóc, quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh nên năng suất nuôi chưa cao; chưa áp dụng được công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, do đó chưa tạo ra sản lượng lớn mang tính hàng hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ thủy sản (thủy lợi, thức ăn, giống…) còn thiếu và chưa đảm bảo,….. Trong quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, định hướng phát triển thủy sản của tỉnh sẽ tập trung vào tăng cường đầu tư thâm canh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước, ruộng trũng hiện có, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới trong sản xuất. Chú trọng mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh nâng cao năng suất, đảm bảo vệ sinh môi trường với các giống cho giá trị hiệu quả kinh tế cao như: Rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép lai, ba ba, tôm càng xanh...
Theo đó, sẽ hình thành các khu nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung, kiểm soát được chất lượng thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh; khuyến khích áp dụng công nghệ mới theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt phù hợp với khả năng đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho nông dân, sản xuất thức ăn và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải tại các vùng nuôi tập trung để giảm thiểu ô nhiễm, tạo môi trường sinh thái.