PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.3. Tổng quan quản lý chất thải rắn ngành da-giầy Việt Nam
2.3.2. Thực trạng quản lý chất thải rắn tại các doanh nghiệp
Nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất giầy đã thực hiện phân loại chất thải tại nguồn nhưng phân loại chi tiết chất thải thành các loại có đặc tính khác nhau (ví dụ: chất thải có thể tái chế, chất thải thông thường, chất
thải nguy hại...) không nhiều, mà vẫn để chung các loại chất thải này vào cùng một thùng chứa, rồi bán cho các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu hoặc tiến hành đốt hoặc chôn lấp (Viện Da Giầy, 2010).
Một số doanh nghiệp thuộc da có quy mô lớn đã tiến hành phân loại thành CTR trước thuộc và CTR sau thuộc có thể tái chế tại chỗ (chỉ số ít doanh nghiệp) hoặc bán cho các cơ sở tái chế có nhu cầu tái chế CTR trước thuộc thành những sản phẩm phụ của một số ngành công nghiệp khác: thu hồi mỡ, nấu keo Gelatin, làm phân Compost, Biogas, làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho chó (dog-chews).
Chất thải rắn sau thuộc có thể tái chế làm giả da (da tái sinh), làm bìa carton, làm nhiên liệu, phân Compost... (Viện Da Giầy, 2010).
Viện Da Giầy, 2010 đã điều tra, khảo sát cho thấy khoảng hơn 70% các DN da giầy có phân loại chất thải chủ yếu thành 2 loại chính: chất thải thông thường và CTNH. Trong đó, khoảng gần 11% số doanh nghiệp phân loại tương đối chi tiết chất thải chủ yếu là các DN nước ngoài FDI hoặc doanh nghiệp gia công giầy cho các thương hiệu nổi tiếng (Nike, Adidas...), hoặc DN sản xuất da có quy mô lớn, những doanh nghiệp này có đội ngũ nhân viên làm công tác phân loại chất thải tại nguồn thành CTR và CTNH và lưu giữ riêng theo quy định, hạn chế để lẫn chất thải thông thường và CTNH. Tiêu biểu như Công ty ChangShin Việt Nam, Sài Gòn Tantech (Đức), Công ty thuộc da Tây Đô…
Hình 2.5. Phân loại CTR tại các doanh nghiệp điều tra khảo sát
Nguồn: Viện Da Giầy (2014) Một số doanh nghiệp không phân loại chất thải chiếm khoảng 29% chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ như một số làng nghề thuộc da, sản xuất giầy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu gom, tách riêng chất
thải tái chế và quá trình xử lý chất thải. Chất thải không được phân loại sẽ làm một lượng lớn CTNH phát tán vào môi trường, gây nguy hại cho con người và ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước… (Viện Da Giầy, 2014).
2.3.2.2. Thu gom, lưu chứa CTR
Việc thu gom chất thải nói chung và CTR nói riêng hiện nay vẫn chưa được tổ chức có hệ thống ở các doanh nghiệp da giầy.
Qua điều tra nhóm thực hiện nhiệm vụ nhận thấy: 100% các doanh nghiệp sản xuất giầy đều bố trí thùng/giỏ để thu gom chất thải tại khu vực phát sinh nhưng thực tế thì số lượng doanh nghiệp triển khai thu gom chất thải tốt, có hiệu quả còn ít (tiêu biểu như công ty ChangShin Việt Nam, Thai Binh Shoes…) Nhiều DN da giầy khác bố trí thùng/giỏ thu gom nhưng thực hiện chưa tốt, hiệu quả thấp còn để chất thải rơi vãi trên nền xưởng sản xuất thuộc da cũng như sản xuất giầy (tại xưởng pha cắt và xưởng may) được thể hiện ở một số hình ảnh trong phụ lục.
Hình 2.5. Thùng chứa CTR tại một số công ty FDI
Nguồn: Viện Da Giầy (2010) Với các doanh nghiệp thuộc da việc thu gom chất thải rắn thực hiện:
- Đa số các doanh nghiệp ký hợp đồng với các công ty có chức năng để thu gom và xử lý chất thải rắn thuộc da với chi phí vào khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/ tấn chất thải (Viện Da Giầy, 2010).
- Một số công ty khác tự thu gom chất thải trước thuộc và sau thuộc (diềm rẻo da, mùn, bụi da được đem đi tái sử dụng, tái chế thành các sản phẩm phụ, nguyên liệu cho ngành công nghiệp khác) (Viện Da Giầy, 2010).
- Một số khác (doanh nghiệp nhỏ là chủ yếu) không thu gom mà thải bỏ trực tiếp ra môi trường cùng với chất thải sinh hoạt (Viện Da Giầy, 2010).
Nhóm thực hiện nhiệm vụ nhận thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu gom chủ yếu là các DN có quy mô lớn, doanh nghiệp FDI nằm ở khu vực phía Nam, nơi mà tập trung chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất giầy dép và sản phẩm từ da của cả nước, chiếm ưu thế về số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng.
Các doanh nghiệp thường lưu giữ CTR ở cở sở của mình dưới nhiều hình thức khác nhau: CTR, lỏng, bùn thải được thu gom vào các thùng chứa hoặc bao nhựa để ngoài trời, có che phủ hoặc để lộ thiên và ký hợp đồng với các Công ty môi trường đô thị vận chuyển khỏi cơ sở của họ để xử lý cùng với những chất thải khác.
Hình 2.6. Khu vực lưu giữ và thải bỏ chất thải thuộc da
Nguồn: Viện Da Giầy (2010) Công tác quản lý kho chứa CTR tại hầu hết các doanh nghiệp da giầy (vừa và nhỏ) còn rất yếu, thể hiện ở các điểm (Viện Da Giầy, 2014):
- Kho chứa CTR được bố trí ở xa hoặc tách biệt hẳn với xưởng sản xuất;
- Không có quy định về quản lý kho;
- Chất thải còn để lộn xộn (thậm chí tràn ra ngoài kho);
- Dụng cụ chứa đựng CTR-CTNH chưa đúng tiêu chuẩn, không có nắp đậy, không được bảo vệ ngay cả CTNH cũng vậy;
- CTNH còn để cạnh chất thải sản xuất thông thường.
Với doanh nghiệp FDI việc lưu giữ CTR – CTNH thực hiện đúng quy định, nhà kho có mái che và có biển phân loại chất thải...tiêu biểu như Công ty ChangShin Viêt Nam.
Theo Dự án “Khảo sát, đánh giá thực trạng tiêu hao các loại nguyên vật liệu và chất thải rắn trong ngành Da - Giầy Việt Nam” năm 2014 do Viện Da -
Giầy thực hiện có đánh giá về thu gom và xử lý chất thải rắn như sau: Ngành Da - Giầy nước ta thải ra lượng chất thải rắn rất lớn, ước tính năm 2013 khoảng 250 nghìn tấn (khoảng 150 nghìn tấn từ sản xuất giầy và đồ da, 100 nghìn tấn từ sản xuất da thuộc). Chất thải rắn của ngành cơ bản là phế liệu từ sử dụng nguyên vật liệu, do không thể sử dụng 100% diện tích nguyên vật liệu. Phần lớn chất thải rắn trong sản xuất giầy và túi cặp được tập trung tại bãi rác tại doanh nghiệp và thuê công ty môi trường chuyên chở đến bãi chứa tập trung và được xử lý chung với chất thải của các ngành công nghiệp khác. Một số loại phế thải được các doanh nghiệp bán cho tư nhân để tái chế hoặc tái sử dụng một phần và chưa được kiểm soát. Hiện nay nước ta chưa có bãi chứa rác thải tập trung cho ngành Da giầy, cũng như chưa có công nghệ xử lý chất thải ngành Da giầy.
Cũng theo đó, chất thải rắn từ da sống (da nguyên liệu) - là loại chất thải dễ phân hủy sinh học, có mùi khó chịu, cơ bản được các doanh nghiệp tái sử dụng để sản xuất một số sản phẩm phụ và thu hồi như: Thu hồi mỡ, sản xuất gelatin, làm thức ăn chăn nuôi gia súc và thủy sản, sử dụng mỡ, diềm dẻo da trước thuộc tạo biogas làm nguyên liệu đốt, tạo nhiệt và sản xuất phân bón hữu cơ sinh học.v.v. Chất thải rắn sau thuộc là các chất thải khó phân hủy hơn nên thường được các doanh nghiệp thuê các công ty môi trường thu gom và xử lý (Viện Da Giầy, 2014).
2.3.2.3. Tái chế, tái sử dụng
Việc tái chế, tái sử dụng CTR da giầy ở các doanh nghiệp sản xuất giầy dép và các sản phẩm từ da còn ít. Chỉ có một số doanh nghiệp tự sản xuất đế từ nguyên liệu thô mới triển khai tái chế chất thải. Các loại chất thải được tái chế chủ yếu là các nguyên liệu dùng để sản xuất đế trong và đế ngoài của giầy, lượng phát thải không nhiều:
- Cao su (chưa lưu hóa): công ty giầy Hải Phòng, công ty giầy An Lạc;
- Nhựa nhiệt dẻo (PVC, PU, EVA): công ty giầy Đông Hưng, công ty ChangShin Việt Nam;
- Một số doanh nghiệp đã tận dụng những bao bì, thùng chứa nguyên liệu, hóa chất để tái sử dụng làm ra những sản phẩm có ích khác như hình 1.15.
Theo báo cáo của UNIDO cho biết, việc tái chế chất thải của ngành sản xuất giầy dép và các sản phẩm từ da thường không mang lại hiệu quả về mặt kinh
tế, chủ yếu chỉ có ý nghĩa đối với môi trường. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới chưa có cơ sở tái chế các loại chất thải của ngành sản xuất giầy dép và sản phẩm từ da (Viện Da Giầy, 2014).
Trong thuộc da, một số ít doanh nghiệp thực hiện tái chế CTR trước thuộc thành những sản phẩm phụ: nấu keo Gelatin, làm phân Compost, làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho chó (dog-chews) như công ty thuộc da Nguyên Hồng, Viện nghiên cứu da giầy. Chất thải rắn sau thuộc thường bán cho các cơ sở tái chế làm giả da (da tái sinh), làm bìa carton,... (Viện Da Giầy, 2014).
2.3.2.4. Vận chuyển, xử lý và thải bỏ CTNH
Do lượng CTR phát sinh lớn nên công tác quản lý tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Phương pháp được phần lớn các doanh nghiệp áp dụng là ký hợp đồng thuê các cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTR-CTNH từ đơn vị sản xuất đến nơi xử lý CTR - CTNH (Viện Da Giầy, 2014).
Hiện nay, chưa có DN da giầy nào (trừ một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu như Công ty Sài Gòn Tantech, Công ty ChangShin Việt Nam...) đầu tư về xử lý chất thải, nước thải và môi trường của mình, còn lại phần lớn DN “khoán”
cho các đơn vị chuyên chở, thuê xe tải nhỏ tuỳ ý đổ đâu thì đổ, thậm chí để lẫn vào chất thải sinh hoạt. Không ít trường hợp các DN da giầy (như ở Hải Phòng) thuê người đổ trộm chất thải bị nhân dân phát hiện. Có doanh nghiệp bán CTR cho các cơ sở tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác.
Chất thải từ sản xuất giầy và các sản phẩm từ da ngày một nhiều hơn ở các khu vực nhất là khu vực miền Nam, tuy không bốc mùi xú uế như CTSH, nhưng do chủ yếu là “ba via” da, nhựa, PU, PVC... xốp dẻo nên rất khó phân huỷ, gây độc hại lâu dài cho môi trường (tuy dễ cháy nhưng đốt trong điều kiện thường, rác (CTR) da giày sẽ tạo ra chất dioxin – một tác nhân gây ung thư).
Chất thải rắn trước thuộc từ sản xuất da gây bốc mùi, ô nhiễm môi trường (Viện Da Giầy, 2014).
Chi phí cho việc xử lý triệt để chất thải da giầy không hề rẻ, các DN năng lực tài chính hạn hẹp, không đủ sức đầu tư để xử lý chất thải độc hại, đành chọn phương án thuê đơn vị có chức năng chở đi xử lý, biện pháp những đơn vị này thường xử lý là tái sử dụng, tái chế thành các sản phẩm cho ngành công nghiệp khác, còn lại chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp cùng với CTSH. Biện pháp quản lý này chưa thực sự hiệu quả về mặt kinh tế và thân thiện với môi trường, chủ yếu
mang tính đối phó với cơ quan quản lý BVMT hoặc phản ứng từ cộng đồng xung quanh (Viện Da Giầy, 2014).
2.3.2.5. Đăng ký chủ nguồn thải nguy hại
Tình hình đăng ký chủ nguồn thải nguy hại theo quy định Thông tư số 12/2011/TT- BTNMT với doanh nghiệp da giầy việc thực hiện đăng ký CNTNH chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp thuộc da, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nằm trong các KCN, còn những DN không ở trong KCN (chủ yếu ở các làng nghề) thì hầu như không có doanh nghiệp da giầy nào đăng ký chủ nguồn thải nguy hại. Điều này cho thấy công tác quản lý chất thải da giầy nói chung và chất thải nguy hại nói riêng thiếu chặt chẽ, không được kiểm soát nhiều.(Viện Da Giầy, 2014).
2.3.3. Đánh giá phương thức quản lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật Việt Nam (Viện Da Giầy, 2010)
Trong thời gian qua, nhiều quy định của pháp luật liên quan đến quản lý CTR đã được ban hành. Những quy định này đã có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình phát triển hiện tại cũng như xu thế hoạt động quản lý, xử lý CTR của thế giới, ví dụ như:
Cách tiếp cận của các quy định trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, phù hợp với xu thế chung của thế giới, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR được đề cập tới trong quyết định số 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định đã đề cập tương đối rõ và chi tiết đối với trách nhiệm của UBND các tỉnh – thành phố, các ban ngành có liên quan.
Những vấn đề chưa được đề cập tới trong các quy định của pháp luật cũng ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả triển khai trong thực tế. Một số vấn để quan trọng có thể nhận thấy là:
Sự kết nối, điều phối giữa các khâu, các chủ thể còn chưa được quy định hoàn thiện, gây trở ngại rất lớn trong việc triển khai các hoạt động quản lý chất thải. Theo nhận định của một số chuyên gia thì đây là hạn chế chung của nhiều nước đang phát triển như Việt Nam.
Việc tận dụng tối đa chất thải để tái sử dụng, tái chế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn về nguồn nhân lực, vốn và công nghệ thì ý thức của đối tượng tham gia và hoạt động phân loại, thu gom, tái chế/tái sử dụng chất thải còn rất hạn chế. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn
khá chung chung, vừa khó cho việc thực hiện vừa khó cho thúc đẩy được sự hợp tác từ phía các đối tượng nói trên.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những điểm mạnh và những điểm còn hạn chế trong quy định của pháp luật và phạm vi nhiệm vụ được giao, nhóm thực hiện tập trung đánh giá hiện trạng quản lý CTR tại các doanh nghiệp trong ngành sản xuất giầy dép và sản phẩm từ da, từ đó xây dựng mô hình quản lý CTR thân thiện với môi trường, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cũng theo một chương trình điều tra của Viện Da - Giầy 2014 đã đánh giá về công tác quản lý chất thải rắn của các doanh nghiệp thuộc da như sau:
Các doanh nghiệp đều quan tâm đến việc quản lý, sử dụng tiết kiệm nguyên phụ liệu nhằm giảm tối đa phát sinh chất thải rắn, việc áp dụng công nghệ sinh thái, sản xuất sạch hơn còn rất hạn chế nên chưa giảm thiểu được chất thải rắn ngày từ đầu đường ống.
Các chất thải không tái sinh, tái sử dụng đều được doanh nghiệp thư công ty môi trường có tư cách pháp nhân vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chôn lấp không đúng quy định về môi trường.
Một số chất thải rắn hữu cơ, trước thuộc có thể phân hủy được, hàm lượng protein cao v.v. các doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp tái sử dụng để sản xuất ra một số sản phẩm phụ và thu hồi như: Thu hồi mỡ, sản xuất gelatin, làm thức ăn chăn nuôi gia súc và thủy sản, sử dụng mỡ, diềm dẻo da trước thuộc tạo biogas làm nguyên liệu đốt, tạo nhiệt và sản xuất phân bón hữu cơ sinh học v.v., nhưng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm này.
Một số loại chất thải rắn khác như: Thùng nhựa, giấy, gỗ, và kim loại của doanh nghiệp v.v. có thể tái sử dụng, doanh nghiệp có thể bán được cho tư nhân và tổ chức có nhu cầu.
Đối với doanh nghiệp sản xuất giầy và sản phẩm da cho thấy phần lần lớn rác thải được tập trung tại bãi rác của doanh nghiệp thuê công ty môi trường chuyên chở đến các bãi chứa rác tập trung và được xử lý chung với chất thải của các ngành công nghiệp khác. Một số doanh nghiệp không có bãi rác, rác thải chủ yếu từ phân xưởng pha cắt được tập hợp tại xưởng, sau vài ngày lại bốc thẳng lên xe chở rác của các công ty môi trường. Một số loại phế thải, các doanh nghiệp bá cho tư nhân để tái chế hoặc tái sử dụng một phần như da thuộc, nhựa v.v. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá thấp và lượng chất thải này cũng không kiểm soát được. Số
lượng doanh nghiệp sản xuất giầy vải quản lý môi trường theo ISO 14001 rất thấp. Ngoài số ít công ty sản xuất giầy vải, còn phần lớn các doanh nghiệp chưa áp dụng. Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp thu gom, quản lý rác thải chưa tốt làm cho môi trường lao động không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động (Viện Da Giầy, 2014).