Công tác quản lý chất thải rắn xưởng thuộc da Từ Sơn, Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng quản lý chất thải tại xưởng thuộc da từ sơn, bắc ninh (Trang 65 - 68)

4.3.1. Công tác phân loại chất thải rắn tại Xưởng thuộc da

Nhìn chung, Xưởng thuộc da đã thực hiện phân loại chất thải tại nguồn.

Trong các công đoạn sản xuất công nhân trực tiếp thực hiện công đoạn của mình, các chất thải phát sinh ở công đoạn này được các công nhân phân loại chi tiết thành các loại chất thải có đặc tính khác nhau.

Các chất thải rắn trước thuộc: da sống, bạc nhạc, da vôi. Tính chất của chất thải rắn trước thuộc bao gồm:

- Không có thành phần Crôm (do chưa qua công đoạn thuộc Crôm);

- Cấu trúc của chất thải không thay đổi nhiều so với nguyên liệu da ban đầu, do đó, chất thải có khả năng phân hủy sinh học, diềm da có thể tận dụng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác;

- Độ ẩm tương đối lớn, do đó, khi thực hiện quá trình đốt sẽ tốn nhiều năng lượng để bay hơi nước, làm giảm hiệu quả của quá trình.

Chất thải rắn sau thuộc: mùn bào, bụi da, riềm da. Tính chất của chất thải rắn sau thuộc bao gồm:

- Có chứa thành phần Crôm (nếu quá trình thuộc sử dụng Crôm). Crôm được xác định là có thể gây độc cho con người và môi trường, do đó, phải có biện pháp thu hồi, xử lý Crôm trong quá trình xử lý chất thải rắn sau thuộc;

- Cấu trúc của chất thải khác nhiều so với da nguyên liệu: bền hơn về mặt cơ học, sinh học, hóa học; ít chịu tác động của nước và độ ẩm môi trường.

Do đó, không thể áp dụng trực tiếp phương pháp xử lý sinh học để xử lý chất thải rắn sau thuộc mà cần một công đoạn bẻ gãy cấu trúc của da thuộc tới khi thuận lợi cho quá trình sinh học;

- Độ ẩm của chất thải nhỏ hơn nhiều so với nguyên liệu ban đầu cũng như chất thải trước thuộc nên có khả năng cháy tốt hơn, thích hợp hơn với quá trình đốt.

4.3.2. Thực trạng thu gom chất thải rắn

Tất cả rác thải sau khi thu gom được các đơn vị đăng ký thu gom vận chuyển và xử lý. Riêng việc thu gom chất thải trước thuộc, cơ sở sản xuất ký hợp đồng với một số đơn vị có chức năng, do đó phụ thuộc vào ý thức cũng như điều kiện kinh tế của đơn vị. Mặt khác chất thải rắn ít gây tác động ra môi trường xung quanh hơn nước thải và khí thải, mà chủ yếu tác động vào môi trường nội vi của Xướng sản xuất. Do đó việc thu gom, xử lý không thực hiện triệt để cũng như không có khu chứa rác, khu tập kết rác trước khi đem đi xử lý thì môi trường trong khu vực sản xuất của các nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Cụ thể là mùi chất thải trước thuộc phân hủy, nhất là vào thời điểm nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, các đơn vị thu gom do quá tải hoặc chậm thu gom dẫn đến chất thải cũng bị phân hủy gây mùi và sinh vật gây bệnh.

a. Hình thức thu gom với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường

* Bước 1: Thu gom rác phát sinh, phân loại rác thải tại nguồn, những loại rác tái chế được thì được thu gom riêng để tái chế sử dụng, còn lại được thu gom riêng đối với rác sinh hoạt. Tất cả được thu gom vào các thùng 600L có sẵn tại các vị trí của Xưởng.

* Bước 2: Dùng các xe chuyên dụng và lực lượng công nhân thu gom tại các thùng rác có sẵn. Lấy thùng rác dự trữ hoặc chờ sau khi giao rác cho xe cơ giới xong tiếp tục thu gom trên các vị trí đặt thùng rác, thời gian lưu trữ từ 1 đến 2 ngày.

* Bước 3: Chuyển rác từ thùng 600L sang xe chuyên dùng. Tại điểm hẹn khi xe cơ giới đến công nhân thu gom rác đổ vào gàn xe ép, từ đó được vận chuyển tới khu vực xử lý chất thải rắn của doanh nghiệp đứng ra thu gom vận chuyển và xử lý.

b. Hình thức thu gom với chất thải rắn nguy hại

 Bước 1: Thu gom rác phát sinh có thùng rác riêng chứa các chất dẽ cháy, nổ riêng theo quy định hiện hành.

 Bước 2: Dùng các xe chuyên dụng và lực lượng công nhân thu gom tại các thùng rác có sẵn trong Xưởng.

 Bước 3: Khi chuyển sang thùng chuyên dụng thì vẫn tách riêng theo 7 nhóm chất trong nhóm chất thải nguy hại. Tại điểm hẹn khi xe cơ giới đến công nhân thu gom rác đổ vào gàn xe ép, từ đó được vận chuyển tới khu vực xử lý chất thải rắn của các doanh nghiệp đứng ra thu gom vận chuyển và xử lý.

4.3.3. Biện pháp lưu giữ chất thải rắn

Hiện nay công tác phân loại chất thải rắn được thực hiện bởi các công nhân tại Xưởng và các phương tiện lao động gồm khoảng gần 10 thùng 600l.

Các thùng chứa chất thải do các công ty có chức năng thu gom cung cấp và chia ra thành các thùng khác nhau (màu vàng, màu xanh, màu da cam) nhằm phân loại và lưu giữ chất chất thải rắn riêng ra theo thành phần, tính chất và mức độ nguy hại. Tất cả phương tiện thu gom đều được sơn màu xanh, ngoài ra còn có một số thùng 240l được sử dụng thêm khi cần thiết. Ngoài ra công nhân còn được trang bị tất cả các công cụ, dụng cụ (chổi, ki sắt, đèn báo, găng tay…).

4.3.4. Tái sử dụng, tái chế chất thải rắn

Công tác tái chế, tái sử dụng chất thải tại Xưởng thuộc da chưa cao.

Hiện tại Xưởng chỉ trực tiếp tái sử dụng các váng da. Lượng váng da này phát sinh ở công đoạn xén mép, nạo thịt, xẻ. Để váng da này được sơ chế, chế biến trở thành tấm da váng phục vụ nhiều mục đích khác nhau thì da nguyên liệu phải có chất lượng cao (độ dày, mặt cật) và việc sơ chế váng da phải đảm bảo (dao cắt, xẻ đủ bén). Quy trình công nghệ để tái sử dụng lại váng da tạo ra da váng thành phẩm tương tự quy trình công nghệ sản xuất da thuộc thông thường. Da váng thành phẩm được sử dụng để làm quai mũ, các chi tiết giày, dép. Theo quá trình điều tra thu thập, đối với mỗi tấn da nguyên liệu lượng da váng thành phẩm thu được chỉ từ 7 - 10 kg. Như vậy việc tái sử dụng chỉ đạt một phần nhỏ so với lượng chất thải rắn phát sinh tại Xưởng.

4.3.5. Xử lý chất thải rắn

Chất thải rắn công nghiệp tại Xưởng thuộc da sau khi thu gom được vận chuyển về công ty TNHH Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh. Khâu đầu tiên là xử lý sơ cấp, đây là khâu đầu tiên và cơ bản trong xử lý chất thải rắn. Chất thải được cắt, nghiền, sàng, tuyển … sau đó chúng có thể được tái chế hoặc xử lý, ví dụ, các loại chất thải có kích thước lớn và thành phần khác nhau phải được phân loại ngay khi tiếp nhận. Các chất thải rắn chứa các chất độc hại cần phải được đập thành những hạt nhỏ trước khi được hòa tan để xử lý hóa học. Các chất

thải hữu cơ dạng rắn có kích thước lớn phải được băm và nghiền nhỏ đến kích thước nhất định, rồi trộn với các chất thải hữu cơ khác để đốt…phương pháp này làm tăng hiệu quả tái chế hoặc xử lý ở các khâu tiếp theo.

Các chất thải mà có thể tái chế được vận chuyển sang xưởng tái chế để tái chế thành các sản phẩm khác.

Các chất thải rắn nguy hại được đưa sang xí nghiệp số 1 để xử lý, còn một phần đưa sang xí nghiệp số 2 để xử lý hóa lý. Tại xí nghiệp số 1 công ty đã đầu tư hai thiết bị xử lý là lò đốt. Các chất thải như cao su, cặn dầu... thì sử dụng lò đốt để xử lý, tức là oxy hóa chúng ở nhiệt độ cao. Đối với các chất thải như giẻ lau, vỏ thùng hóa chất, bã rắn hệ pigment dùng phương pháp hóa lý để xử lý, sử dụng các quá trình biến đổi vật lý, hóa học để làm thay đổi tính chất nguy hại của chúng. Đối với một số chất thải nguy hại được lưu giữ trong hầm lưu giữ chất thải của công ty. Một số chất thải nguy hại khó xử lý thì công ty tiếp tục ký hợp đồng với công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại đó là công ty URENCO 10.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, các biện pháp xử lý chất thải nói chung tại công ty bao gồm:

- Phương pháp đốt: là phương pháp thông thường để xử lý chất thải nguy hại.

- Phương pháp hóa rắn: Là phương pháp xử lý chất thải bằng cách thêm vật liệu vào chất thải để tạo thành khối rắn.

- Phương pháp hóa lý: Là phương pháp xử lý chất thải lỏng công nghiệp, sử dụng các hóa chất để làm giảm tính độc hại của chất thải.

- Phương pháp hầm lưu giữ: Là phương pháp lưu giữ các chất thải nguy hại mà không xử lý được bằng các phương pháp khác.

- Phương pháp chôn lấp: là phương pháp dùng để xử lý các chất thải dễ phân hủy, chủ yếu là chất thải hữu cơ.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng quản lý chất thải tại xưởng thuộc da từ sơn, bắc ninh (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)