2.2.1. Quản lý chất thải rắn và các khái niệm liên quan
Quản lý chất thải rắn là một phần trong khái niệm quản lý môi trường. Vì vậy, để hiểu đầy đủ về quản lý chất thải rắn, trước tiên cần hiểu rõ quản lý môi trường là gì.
Theo một số tác giả, thuật ngữ về quản lý môi trường gồm hai nội dung chính: Quản lý nhà nước về môi trường và quản lý của các doanh nghiệp, khu vực dân cư về môi trường. Trong đó nội dung thứ 2 có mục tiêu chủ yếu là tăng
cường hiệu quả của hệ thống sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động, dân cư sống trong khu vực chịu ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất.
Theo Lưu Đức Hải (2005) thì “quản lý môi trường là một hoạt động trong lĩnh vực quản lý xã hội có tác dụng điều chỉnh các hoạt động của con người dựa trên sự tiếp cận có hệ thống và các kĩ năng điều phối thông tin đối với các vấn đề môi trường có liên quan đến con người; xuất phát từ quan điểm định lượng, hướng tới sự phát triển bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên”.
Tác giả Trần Thanh Lâm (2006) cho rằng “quản lý môi trường là sự tác động liên tục, có tổ chức và hướng đích của chủ thể quản lý môi trường lên cá nhân hoặc cộng đồng người tiến hành các hoạt động phát triển trong hệ thống môi trường và các khách thể quản lý môi trường, sử dụng một cách tốt nhất mọi tiềm năng và cơ hội nhằm đạt được mục tiêu quản lý môi trường đã đề ra, phù hợp với pháp luật và thông lệ hiện hành”.
Quản lý môi trường được thực hiện bằng tổng hợp các biện pháp luật pháp chính sách, kinh tế, kĩ thuật, công nghệ, xã hội, văn hóa giáo dục,… các biện pháp có thể đan xen, phối hợp tích cực với nhau tùy theo điều kiện cụ thể của vấn đề đặt ra. Việc thực hiện quản lý môi trường được thực hiện ở mọi quy mô: toàn cầu, khu vực, quốc gia, vùng, tỉnh, huyện,… (Hồ Thị Lam Trà, 2009).
Quản lý chất thải rắn là hoạt động của các tổ chức và cá nhân nhằm giảm bớt ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người, môi trường hay mỹ quan. Các hoạt động đó liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải…
Quản lý chất thải rắn cũng có thể góp phần phục hồi các nguồn tài nguyên lẫn trong chất thải. (JICA, 2011)
2.2.2. Các công cụ quản lý chất thải rắn công nghiệp
Các công cụ quản lý môi trường nói chung và công cụ quản lý chất thải rắn công nghiệp nói riêng là tổng hợp các biện pháp và phương tiện mà các nhà quản lý sử dụng để thực hiện các nội dung của quản lý môi trường hay quản lý chất thải rắn công nghiệp (Bộ Tài nguyên & Môi trường, 2009).
Đặc điểm: Công cụ quản lý là vũ khí hoạt động của nhà nước trong việc thực hiện công tác quản lý môi trường quốc gia và rất đa dạng, không có một công cụ nào có giá trị tuyệt đối trong việc quản lý môi trường. Mỗi công cụ có chức năng và phạm vi tác động nhất định, chúng tạo ra một tập hợp các biện pháp hỗ trợ nhau. Việc nghiên cứu và hoàn thiện các công cụ quản lý là điều bắt
buộc phải làm thường xuyên ở các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và là công tác trọng tâm của ngành môi trường.
Thông thường, công cụ quản lý môi trường hay quản lý chất thải rắn được phân loại và vận dụng chủ yếu dựa theo bản chất, cụ thể:
- Công cụ luật pháp, chính sách: Bao gồm các quy định pháp luật và chính sách môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như các bộ luật về môi trường, nhà nước.
Các định hướng cơ bản của công cụ luật pháp – chính sách là xây dựng văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường; chấn chỉnh, tăng cường công tác xây dựng, ban hành và hướng dẫn tiêu chuẩn môi trường; tạo cơ chế chính sách trong lĩnh vực môi trường.
Công cụ luật pháp mang tính chất cưỡng chế cao và phạm vi điều chỉnh rộng lớn, có vai trò định hướng và điều chỉnh thực hiện đối với các loại công cụ khác nhau. Nhược điểm của công cụ luật pháp là cứng nhắc và ít linh hoạt.
Công cụ chính sách gòm tổng thể các quan điểm, chuẩn mực, các biện pháp thủ thuật mà nhà nước sử dụng nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược của đất nước.
- Công cụ kinh tế: Là những phương tiện, biện pháp có tác dụng làm thay đổi chi phí lợi ích của các hoạt động kinh tế, thường xuyên tác động đến môi trường nhằm mục đích tăng cường ý thức trách nhiệm trước việc gây ra sự hủy hoại môi trường.
Công cụ kinh tế sử dụng sức mạnh thị trường để đưa ra các quy định nhằm đạt được mục tiêu môi trường, từ đó có cách ứng xử hiệu quả chi phí bảo vệ môi trường.
Các công cụ kinh tế quan trọng bao gồm: thuế tài nguyên và thuế môi trường, phí và lệ phí môi trường, nhãn sinh thái và quỹ môi trường.
Ưu điểm: Công cụ kinh tế môi trường giúp duy trì sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Nhược điểm: Tuy nhiên, để phát huy được hiệu lực thì công cụ kinh tế cần có những điều kiện sau: Nền kinh tế thị trường thực sự, hàng hóa tự do trao đổi theo chất lượng và giá trị; Chính sách và các quy định pháp luật chặt chẽ để có thể kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ra ô nhiễm;
hiệu lực cao của các tổ chức quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, thu nhập bình quân cao đủ để đảm bảo tài chính cho vấn đề quản lý môi trường.
Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường là một phần của chính sách môi trường. Do đó, cần luôn được nghiên cứu để hoàn thiên, tránh sự phản ứng của nhà sản xuất và người tiêu thụ. Công cụ kinh tế môi trường có tác động rất đến sự điều chỉnh chính sách kinh tế và môi trường ở các nước phát triển. Do vậy, cần phải nghiên cứu áp dụng chúng trong mọi hoạt động kinh tế xã hội ở quy mô lâu dài.
- Công cụ kỹ thuật: có tác động trực tiếp vào các hoạt động tạo ra ô nhiễm hoặc quản lý chất ô nhiễm trong quá trình hình thành và vận hành hoạt động sản xuất.
Các công cụ kỹ thuật quản lý gồm các công cụ đánh giá tác dộng môi trường, quan trắc môi trường, kiểm toán môi trường, quy hoạch môi trường, công nghệ xử lý các chất thải, tái chế và sử dụng. Các công cụ này có tác động mạnh tới việc hình thành và hành vi phân bố chất ô nhiễm trong môi trường, có thể được thực hiện thành công trong bất kỳ một nền kinh tế phát triển nào.
- Công cụ phụ trợ: không tác động trực tiếp vào quá trình sản xuất sinh ra chất ô nhiễm hoặc điều chỉnh vĩ mô quá trình sản xuất này, có thể bao gồm:
GIS, mô hình hóa môi trường, giáo dục và truyền thông về môi trường (Ngô Thế Ân, 2012).