Từ khung lý thuyết nghiên cứu và tham khảo một số nghiên cứu trước đó [10], [23], nghiên cứu của chúng tôi tìm hiều mối liên quan giữa một số
yếu tố cá nhân với sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu như tuổi, giới, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, nơi sống, tình trạng nhập viện, sử dụng thẻ BHYT, thời gian nằm viện, loại phòng sử dụng, thu nhập trung bình/tháng.
Về giới, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ hài lòng ở người bệnh nữ là 80,3% cao hơn ở người bệnh nam là 75,3% (bảng 3.19). Tuy nhiên trong phạm vi của nghiên cứu, sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê (p = 0,4). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số tác giả
Buchanan, Gorari, Phạm Thanh Hải, Đào Thanh Lam [12], [16], [40], [43].
Nghiên cứu của các tác giả này cũng chưa tìm ra được mối liên quan giữa giới tính và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, theo kết quả
nghiên cứu của tác giả Kokeb người bệnh nữ có sự hài lòng với chăm sóc điều dưỡng gấp 2 lần so với người bệnh nam [50], tương tự kết quả nghiên cứu của tác giả Jafar tại Ả - rập – xê – út cũng chỉ ra người bệnh nữ cảm thấy hài lòng hơn so với nam giới [45].
Về tuổi, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không có mối liên quan giữa nhóm tuổi và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu. Kết quả này khác với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hoa Pháp, theo tác giả này người bệnh từ 60-74 tuổi có tỷ lệ hài lòng về chăm sóc điều dưỡng khi ra viện cao gấp 4,1 lần so với người bệnh dưới 60 tuổi [23]. Nghiên cứu của tác giả
Kokeb cũng chỉ ra người bệnh trong độ tuổi từ 18-30 cảm thấy hài lòng với chăm sóc điều dưỡng gấp gần 5 lần so với người bệnh trên 61 tuổi [50]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với rất nhiều nghiên cứu trong nước khác của các tác giả Nguyễn Bá Anh, Nguyễn Ngọc Phước, Đinh Ngọc Thành [1], [26], [29].
Về trình độ học vấn, nghiên cứu của chúng cho thấy có mối liên quan giữa trình độ học vấn và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu (p = 0,01).
Nhóm đối tượng có trình độ học vấn THPT trở xuống có khả năng hài lòng cao gấp 2,3 lần nhóm đối tượng có trình độ học vấn trên THPT. Kết quả
nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Lý và Nguyễn Hoa Pháp [17], [23]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của tác giả Nguyên Hoa Pháp chỉ ra những người có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên có mức hài lòng gấp 9,8 lần so với những người có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở xuống về sự hài lòng chung. Với kết quả này tác giả Nguyễn Hoa Pháp chỉ ra đối tượng có học vấn càng cao sẽ cảm thấy dễ hài lòng hơn các đối tượng có trình độ học vấn thấp hơn. Trong nghiên cứu của chúng tôi, kết quả nghiên cứu lại cho thấy kết quả ngượi lại, những người có trình độ học vấn cao hơn lại đánh gia sự hài lòng khắt khe hơn những người cho trình độ học vấn thấp hơn. Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi có thể được lý giải bởi những người có trình độ học vấn cao hơn một phần nào đó họ có được nhiều thông tin hơn, cùng với đó họ có những yêu cầu trong chăm sóc bản thân cao hơn, dẫn đến việc đánh giá sự hài lòng ở mỗi lĩnh vực có thể khặt khe hơn.
Về nơi sống, kết quả nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.22) cho thấy có mối liên quan giữa nơi sống và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu (p=0,014). Nhóm đối tượng sống tại khu vực nông thôn có khả năng hài lòng cao gấp 2,58 lần nhóm đối tượng sống tại khu vực thành thị. Hay nói cách khác những đối tượng sinh sống tại thành thị có tỷ lệ hài lòng thấp hơn những đối tượng sống tại khu vực nông thôn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Việt Hằng, nghiên cứu chỉ ra đối tượng nghiên cứu sống ở nông thôn có khả năng hài lòng cao gấp 2,03 lần so với các đối tượng sống ở thành thị [14]. Nghiên cứu của tác giả
Nguyễn Ngọc Phước cũng chỉ ra có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nơi ở của người bệnh với sự hài lòng chung của người bệnh [26].
Về tình trạng hôn nhân, nghiên cứu của chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa tình trạng hôn nhân và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu (bảng 3.21). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của tác giả Wai Mun Tang cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về sự hài lòng của người bệnh giữa tuổi, giới tính và tình trạng hôn nhân [62].
Về thời gian nằm viện, kết quả nghiên cứu của chúng tôi không thấy có mối liên quan giữa thời gian nằm viện và sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu (3.28). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Shirley Teng, nghiên cứu của tác giả này cho thấy thời gian nhập viện ngắn hay dài cũng không liên quan đáng kể tới sự hài lòng của người bệnh với p = 0,836 [57]. Mặt khác, nghiên cứu của tác giả Tahir Ahmed cho rằng sự hài lòng của bệnh nhân giảm khi thời gian nhập viện tăng lên; nghiên cứu của tác giả
Nguyễn Thị Việt Hằng cũng chỉ ra người nhà người bệnh có số ngày nằm viện dưới 7 ngày có khả năng hài lòng cao gấp 1,89 lần so với người nhà của người bệnh có số ngày nằm viện từ 7 ngày trở lên [14], [58].
Về thu nhập, kết quả nghiên cứu của chúng cho thấy có mối liên quan giữa thu nhập bình quân với sự hài lòng của đối tượng nghiên cứu (p = 0,01).
Nhóm đối tượng có thu nhập bình quân trên 3 triệu hài lòng cao gấp 2,8 lần nhóm đối tượng có thu nhập bình quân từ 3 triệu trở xuống (bảng 3.30). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Lý, nghiên cứu của tác giả này chỉ ra rằng sự hài lòng của người bệnh liên quan chặt chẽ với điều kiện kinh tế của người bệnh [19]. Trên thực tế, trong quá trình nằm viện những người có điều kiện kinh tế thoải mái họ có thể sử dụng các phòng bệnh dịch vụ trong bệnh viện, đáp ứng được các tiêu chí về mật độ người
bệnh sử dụng chung phòng bệnh, cơ sở vật chất cũng tốt hơn, thay vào đó những người có điều kiện kinh tế khó khăn họ sẽ có trải nghiệm sử dụng phòng bệnh bình thường kém tiện nghi hơn, chưa kể đến mức độ, tần suất quan tâm của điều dưỡng. Do đó, điều kiện kinh tế đôi khi cũng có ảnh hưởng tới sự hài lòng của người bệnh, nhưng trong nhiều nghiên cứu nó chỉ mang tính chất là yếu tố tác động phụ.
Bên cạnh các yếu tố đề cập trên, nghiên cứu của chúng tôi còn tìm hiểu mối liên quan đến sự hài lòng của người bệnh với một số yếu tố khác như hình thức nhập viện, loại hình BHYT sử dụng… Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài chúng tôi chưa thấy có mối liên quan giữa các yếu tố này với sự hài lòng của người bệnh.