Về thực trạng chất lượng cuộc sống của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Thực trạng chất lượng cuộc sống của sinh viên trường đại học Thăng Long năm học 2018 - 2019 và một số yếu tố liên quan (Trang 67 - 70)

Trong nghiên cứu này, điểm trung bình chất lượng cuộc sống của sinh viên năm là 64,9±17,4, được phân loại ở mức trên trung bình. Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Nuray Oztasan và cộng sự năm 2015 về sinh viên trường Đại học Among ở Thổ Nhĩ Kỳ với điểm trung bình CLCS là 46,18±6,55 [56].

Sự chênh lệch này có thể do nghiên cứu của tác giả Nuray Oztasan điều tra trên nhóm sinh viên chuyên ngành Y với tính chất ngành học đặc thù là áp lực trong học tập, thực tập, trực đêm, kiến thức chuyên ngành tương đối nặng và nhiều nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của sinh viên, trong khi đó, nghiên cứu này thực hiện trên nhóm đối tượng sinh viên đa ngành.

Tuy nhiên, kết quả điểm CLCS trong nghiên cứu này lại thấp hơn nhiều so với nghiên cứu của Zalika Kelemenc-Ketis và cộng sự năm 2011 (7.9±1.5 – đánh giá trên thang điểm 10)[41]. Có thể lý giải sự chênh lệch này là do 2 nghiên cứu trên được thực hiện trên bộ công cụ EQ-5D-5L và EQ-VAS nên cách đánh giá có thể chưa trùng khớp với bộ công cụ SF-12 được thực hiện trên nghiên cứu này, bên cạnh đó, điều kiện học tập và cơ sở vật chất của nước ngoài được đánh giá cao hơn tại Việt Nam, nên cũng có thể giải thích rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến điểm chất lượng cuộc sống trong nghiên cứu của tác giả Zalika cao hơn của chúng tôi. Bên cạnh đó, điểm trung bình CLCS trong nghiên cứu này cũng thấp hơn đáng kể so với nghiên cứu về CLCS của sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm trung bình CLCS là 85,69±10,78 [11]. Có thể lý giải về sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hoàng Long là sinh viên năm nhất mà nghiên cứu của chúng tôi là sinh viên năm nhất và năm tư, sinh viên năm nhất thường chưa gặp nhiều áp lực học tập và áp lực xã hội như sinh viên năm cuối nên điểm trung bình CLCS sẽ cao hơn [11].

Theo từng lĩnh vực chất lượng cuộc sống, nghiên cứu này chỉ ra rằng, điểm trung bình của sức khỏe thể chất ở mức cao với 78,5±24,4 điểm. Tuy

nhiên, điểm trung bình của khía cạnh sức khỏe chung và sức sống lại ở mức thấp với 43,3±21,9 và 50,2±21,3 điểm. Năm khía cạnh còn lại chỉ dao động xung quanh giá trị trung bình từ 50 đến 75 điểm, cảm giác đau cơ thể là 76,5±19,6 điểm, chức năng vận động là 74,3±38,6, điểm của các lĩnh vực còn lại đều dưới 70 điểm. Kết quả này cao hơn nghiên cứu CLCS của tác giả Nuray Oztasan đối với sinh viên trường Đại học Among ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 với 50,09±8,63 điểm về sức khỏe thể chất và 47,3±7,92 điểm về sức khỏe chung [56]. Lý giải cho sự khác nhau này có thể là do nghiên cứu của Nuray Oztasan sử dụng bộ công cụ đánh giá CLCS đầy đủ SF - 36 (The Short Form Health Survey) với 36 câu hỏi. Trong khi đó, nghiên cứu của chúng tôi sử dụng bộ công cụ SF - 12 (Short – Form 12) với 12 câu hỏi. Thêm vào đó đối tượng nghiên cứu của tác giả Nuray tập trung vào sinh viên ngành Y nên sẽ có những đặc thù về áp lực học tập cao hơn nhiều so với sinh viên một số ngành khác [56]. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá điểm trung bình CLCS theo lĩnh vực sức khoẻ chung và cảm giác đau mỏi cơ thể trong nghiên cứu của hai nghiên cứu khá tương đồng.

Kết quả phân loại chất lượng cuộc sống của sinh viên cho thấy, mức CLCS trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là cao, thấp và rất thấp. Khi so sánh điểm trung bình CLCS chung của sinh viên theo ngành học của Trường Đại học Thăng Long, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên Khoa Khoa học sức khoẻ có điểm cao nhất, tiếp đến là Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Toán Tin, Khoa Du lịch, và thấp nhất là Khoa Ngôn ngữ học. Kết quả này cũng khá phù hợp với đặc thù của sinh viên theo các ngành học tại Trường Đại học Thăng Long. Khoa khoa học sức khỏe với đặc thù sinh viên có đam mê hoặc am hiểu về kiến thức sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ chú trọng đến cuộc sống cá nhân nhiều hơn. Khoa Toán - Tin với đặc thù nhiều sinh viên nam, suy nghĩ của nam giới thường đơn giản, và họ thường tham gia nhiều các hoạt động thể chất nhiều hơn nên có thể sức khoẻ thể chất, tinh thần sẽ cao hơn. Trong khi đó, với ngành ngoại ngữ, áp lực học tập căng thẳng hơn, thêm vào đó sinh viên chủ yếu là nữ, nữ giới thường nhiều áp lực cuộc sống hơn.

Bên cạnh đó, kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu CLCS của sinh viên Đại học ở Jordan, trong đó điểm số trung bình cao nhất là của lĩnh vực sức khỏe thể chất (78,1±23 điểm) và điểm thấp nhất là sức sống (52,3±17,8 điểm) [37]. Điều này cũng phù hợp với thực tế là sinh viên năm thứ tư đang trong giai đoạn sắp tốt nghiệp và chuẩn bị cho công việc sau khi ra trường nên cần có sức khỏe thể chất tốt để tham gia lao động. Tuy nhiên, cũng vì là sinh viên năm cuối nên sẽ gặp nhiều áp lực học tập và khó khăn vì thế điểm trung bình sức khỏe tinh thần (54,2 điểm) cũng thấp hơn.

Điểm trung bình CLCS của sinh viên theo một số yếu tố xã hội và nhân khẩu học cho thấy nam sinh viên có điểm trung bình cao hơn nữ sinh viên.

Những sinh viên ở nhà riêng có điểm trung bình cao hơn những sinh viên ở ký túc xá và nhà thuê hay nhà trọ. Sinh viên sống cùng bố mẹ có điểm trung bình cao hơn sinh viên sống một mình hay cùng bạn bè, anh/chị/em ruột. Những sinh viên có tài chính thoải mái có điểm trung bình cao hơn những sinh viên có tài chính khó khăn, rất khó khăn và bình thường. Kết quả này cũng khá phù hợp vì yếu tố xã hội và nhân khẩu học tác động trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của sinh viên. Yếu tố nào càng có lợi thì điểm chất lượng cuộc sống càng cao.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra sinh viên nam có điểm chất lượng cuộc sống cao hơn sinh viên nữ, (70,5±16,3 so với 63,1±17,4, p< 0,001). Kết quả này là phù hợp vì theo vấn đề tâm sinh lý của con người, nữ giới có xu hướng suy nghĩ nhiều và nhạy cảm hơn trong cuộc sống. Các khó khăn trong cuộc sống cũng thường giải quyết châm chạm hơn so với nam giới.

Điểm trung bình CLCS của sinh viên ở nhà riêng cao hơn so với những sinh viên ở nhà thuê/trọ và nơi ở khác (p<0,05). Có thể giải thích do ở nhà riêng sinh viên thường được bố mẹ, anh/chị/em ruột quan tâm và chăm sóc nhiều hơn nên cảm thấy thoải mái hơn. Bênh cạnh đó, điểm trung bình CLCS của sinh viên có tài chính thoải mái (68,1±15,8) cao hơn những sinh viên có tài chính khó khăn (58,8±19,2), bình thường (66,1±17,1), p<0,001. Có thể thấy, vấn đề tài chính cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của sinh viên.

Kết quả phân loại chất lượng cuộc sống của sinh viên trong nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ sinh viên có chất lượng cuộc sống trung bình chiếm cao nhất (45,2%), tiếp đến là 33,9% sinh viên có CLCS cao, 19,1% sinh viên có CLCS thấp và 1,80% sinh viên có CLCS rất thấp. So sánh theo năm học, sinh viên năm thứ tư có điểm CLCS rất thấp cao hơn so với sinh viên năm thứ nhất (2,8% so với 0,8%). Kết quả này cũng tương đối phù hợp vì sinh viên năm thứ tư có thể đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, áp lực, các sự kiện gây căng thẳng nhiều hơn so với sinh viên mới vào trường.

Một phần của tài liệu Thực trạng chất lượng cuộc sống của sinh viên trường đại học Thăng Long năm học 2018 - 2019 và một số yếu tố liên quan (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)