Chương 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU 6
2.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến dự phòng rủi ro tín dụng
2.3.5 Tỷ lệ vốn Cấp 1 và dự phòng rủi ro tín dụng
Vốn tự có của ngân hàng là cơ sở để xác định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của mình quy định tại Thông tư số 02/VBHN- NHNN ngày 10 tháng 1 năm 2018 về việc quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vốn tự có bao gồm tổng Vốn cấp 1 và Vốn cấp 2 trừ đi các khoản giảm trừ quy định tại Phụ lục 1 Thông tư nêu trên. Vốn cấp 1 được xác định gồm vốn điều lệ thực có (vốn đã được cấp, vốn góp), quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, lợi nhuận không chia lũy kế, thặng dư cổ phần được tính vào vốn theo quy định của pháp luật
và chênh lệch tỷ giá hối đoái (sau khi loại trừ các khoản giảm trừ theo quy định).
Vốn cấp 2 là phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định và khoản góp vốn đầu tư dài hạn được định giá lại theo quy định của thông tư 02, dự phòng chung, một số trái phiếu chuyển đổi do ngân hàng thương mại phát hành và các công cụ nợ thứ cấp có thời hạn dài. Vốn tự có là đối tượng mà các cơ quan quản lý ngân hàng thường căn cứ vào đó để xác định các tỷ lệ an toàn và ban hành những quy định nhầm điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng, là tiêu chuẩn để xác định mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Vốn tự có còn là căn cứ để xác định và điều chỉnh các giới hạn hoạt động nhằm đảm bảo ngân hàng an toàn trong kinh doanh.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phản ánh mức đủ vốn của ngân hàng trên cơ sở giá trị vốn tự có và mức độ rủi ro trong hoạt động của ngân hàng. Theo quy định thông tư trên tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng phảo duy trì thấp nhất là 9% (Thông tư số 02/VBHN-NHNN)
Leventis và cộng sự (2012) sử dụng mối quan hệ giữa dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ lệ vốn cấp 1 kiểm tra giả thuyết quản lý vốn. Tỷ lệ vốn cấp 1 được đo bằng tỷ lệ vốn đầu tư cấp 1 trước khi trích dự phòng rủi ro chia cho tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Tổng vốn (TRC) là tổng vốn cấp 1 (MCAP) và vốn cấp 2 và được sử dụng để quan sát liệu LLP có được sử dụng để quản lý TRC hay không. Một dấu hiệu tiêu cực về hệ số MCAP cho thấy rằng các ngân hàng vốn hóa kém tăng LLP để tăng vốn ngân hàng để tránh vi phạm yêu cầu về vốn. Ngoài ra Leventis và cộng sự (2012) lập luận hình thức chiếm ưu thế của vốn cấp 1 trong tử số của an toàn vốn là cổ phiếu phổ thông và thu nhập giữ lại tuy nhiên việc điều chỉnh LLP sẽ ảnh hưởng đến thu nhập giữ lại.
Tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản là chỉ tiêu phản ánh an toàn vốn của ngân hàng và khi ở mức thấp vốn chủ sở hữu khó có thể đảm bảo khi rủi ro xảy ra.
Do đó, khi tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản thấp ngân hàng có xu hướng giảm dự phòng rủi ro nhằm tăng lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu (Hasan và Wall, 2004).
Giả thuyết quản lý vốn dự đoán rằng tỷ lệ vốn chủ sỡ hữu có liên quan tiêu cực đến các khoản dự phòng rủi ro tín dụng vì các nhà quản lý ngân hàng có tỷ lệ vốn thấp làm tăng tỷ lệ này bằng cách tính thêm các khoản dự phòng rủi ro cho vay để giảm chi phí theo quy định tỷ lệ an toàn vốn. Tính pháp lý liên quan đến thực tế là các ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sỡ hữu dưới mức yêu cầu tối thiểu phải chịu áp lực pháp lý như bị buộc phải sáp nhập với một ngân hàng mạnh hơn hoặc bị cấm chi trả cổ tức cho cổ đông. Do đó, các ngân hàng cố gắng tránh áp lực pháp lý và để có được niềm tin của cổ đông phải tìm cách cải thiện vốn chủ sỡ hữu và kết quả kinh doanh của họ. Một cách để đạt được mục tiêu này là thông qua dự phòng rủi ro tín dụng, để đạt được tỷ lệ an toàn vốn và tránh vi phạm các yêu cầu về vốn tối thiểu, các ngân hàng tăng các khoản dự phòng rủi ro cho vay khi vốn điều lệ thấp và giảm dự phòng rủi ro cho vay khi vốn điều lệ cao (Ajekwe và cộng sự, 2017).
Các nghiên cứu trước đây gợi ý rằng để tránh chi phí liên quan đến vi phạm các yêu cầu về quy định về vốn, ngân hàng có xu hướng quản lý vốn điều lệ bằng cách sử dụng LLP (Ahmed và cộng sự, 1999), các ngân hàng có xu hướng tăng (giảm) dự phòng rủi ro tín dụng khi vốn điều lệ thấp (cao). Anandarajan và cộng sự (2007) đã tìm ra bằng chứng để hỗ trợ cho giả thuyết quản lý vốn. Nếu chi phí vi phạm được cho là nghiêm trọng, các nhà quản lý ngân hàng có thể có động lực để ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn điều lệ thông qua LLP. Điều này phù hợp với Ahmed và cộng sự (1999); Wall và Koch (2000).
Quản lý vốn thông qua giả thuyết dự phòng rủi ro cho vay dựa trên ý tưởng rằng các nhà quản lý ngân hàng sử dụng các khoản dự phòng để tránh các chi phí liên quan đến việc vi phạm các yêu cầu an toàn vốn. Trong khuôn khổ quy định hiện hành, tác động của các khoản dự phòng rủi ro cho vay đối với vốn pháp định có thể được tóm tắt như sau: một mặt, nếu dự phòng rủi ro cho vay tăng, vốn cấp 1 sẽ giảm vì thu nhập giữ lại thấp hơn; ngược lại, nếu dự phòng rủi ro cho vay chung thấp hơn 1,25% tài sản có rủi ro, vốn cấp 2 sẽ cao hơn. Cuối cùng, hiệu ứng ròng phụ thuộc vào lượng dự trữ cho vay chung (Curcio và Hasan, 2008).
Moyer (1990) tìm thấy bằng chứng rằng trước khi Basel I có hiệu lực, một số nhà quản lý ngân hàng đã điều chỉnh thành phần tùy ý của các khoản dự phòng rủi ro cho vay để thao túng tỷ lệ an toàn vốn nhằm giảm chi phí pháp lý. Moyer cũng chứng minh rằng các nhà quản lý ngân hàng thực hiện theo quyết định về thời gian của các khoản dự phòng rủi ro cho vay để tránh những hạn chế về vốn pháp định.
Khi điều tra sự không đồng nhất giữa các ngân hàng, các quyết định huy động vốn của Collins và cộng sự (1995) tìm thấy một ảnh hưởng tích cực của vốn đối với các khoản dự phòng rủi ro cho vay, trái với mối quan hệ tiêu cực được tìm thấy bởi Moyer (1990); Beatty và cộng sự (1995), có nghĩa là khi vốn ngân hàng thấp, các nhà quản lý có xu hướng giảm các khoản dự phòng rủi ro cho vay hơn là tăng chúng. Hơn nữa, kết quả của họ cho thấy các ngân hàng đã sử dụng các khoản xóa nợ nhiều hơn các khoản dự phòng rủi ro cho vay để quản lý tỷ lệ vốn.
Theo giả thuyết quản lý vốn, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng làm giảm vốn cấp 1 và được khấu trừ vào tài sản có rủi ro khi tính toán vốn cấp 2. Nếu mức tăng của vốn cấp 2 liên quan đến mức LLP cao hơn mức giảm của vốn cấp 1, hành vi tùy ý có thể dẫn đến tăng vốn pháp định mà không giảm rủi ro mất khả năng thanh toán (chênh lệch vốn pháp định). Do đó, các ngân hàng ít vốn hóa dự kiến sẽ ít sẵn sàng thực hiện LLP. Điều này thường được kiểm tra bằng cách sử dụng độ lệch của Tổng tỷ lệ vốn từ 8%, chia cho 8% (CAPi, t), như trong Bouvatier và cộng sự (2014), hoặc tỷ lệ đơn giản của tổng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, như trong Bikker và Metzemakers (2005); Caporale và cộng sự, 2015.
Giả thuyết H5: Tỷ lệ vốn cấp 1 của ngân hàng càng lớn thì dự phòng rủi ro tín dụng càng giảm.